Thương mại số là một thành phần quan trọng trong các dòng chảy kinh tế toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa và thương mại số luôn luôn song hành và thúc đẩy nhau phát triển mạnh mẽ. Số hóa cắt giảm chi phí sản xuất – kinh doanh, loại bỏ các thành phần trung gian không cần thiết, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thương mại không chỉ đối với các công ty lớn, mà còn đối với các công ty nhỏ và các cá nhân. Điều này đã thúc đẩy đổi mới trong các mô hình kinh doanh thương mại, tạo ra sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia siêu nhỏ, các công việc và các chuỗi cung cấp vi mô có khả năng tận dụng các cơ hội của toàn cầu hóa.
Bài viết thông qua tham khảo, lược dịch một số tài liệu trong và ngoài nước có liên quan nhằm giới thiệu xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động thương mại quốc tế trong thời gian gần đây. Đồng thời xem xét vai trò trung tâm của công nghệ số trong trong các hoạt động thương mại quốc tế cũng như các nguy cơ, rủi ro mà chúng mang lại.
Thương mại số là gì?
Mặc dù hiện nay chưa có một định nghĩa duy nhất nào được công nhận về thương mại số, nhưng ngày càng có nhiều sự đồng thuận cho rằng thương mại số bao gồm các giao dịch thương mại, hàng hóa và dịch vụ liên quan đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ được hỗ trợ bằng công nghệ số. Điều này cũng có nghĩa, tất cả các hình thức hoạt động thương mại đều được kích hoạt bởi công nghệ số.
Nền tảng của thương mại số là sự di chuyển, trao đổi của dữ liệu. Dữ liệu không chỉ còn là phương tiện sản xuất, mà nó còn là tài sản có thể tự giao dịch. Thông qua dữ liệu số, các chuỗi giá trị toàn cầu được tái tổ chức và đồng thời tạo ra và cung cấp các dịch vụ số mới liên quan đến hoạt động thương mại trên toàn cầu. Chính điều này đã làm cho thương mại vật chất giảm các giao dịch - trao đổi trực tiếp. Từng bước thúc đẩy đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh và giao dịch thương mại mới để tìm kiếm, tối đa hóa các giá trị lợi nhuận của thương mại.
Hình 1. Ví dụ sơ đồ Thương mại số
Vậy chuyển đổi số đang thay đổi thương mại như thế nào?
Số hóa làm tăng quy mô, phạm vi và tốc độ của thương mại. Nó cho phép các tổ chức, doanh nghiệp đưa các sản phẩm và dịch vụ mới đến với các khách hàng trên toàn cầu một cách nhanh chóng. Số hóa tạo điều kiện, cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ đổi mới, sáng tạo và sử dụng các công cụ số mới để vượt qua các rào cản về không gian – thời gian – nhân lực, tạo ra nền tảng mới cho hoạt động giao dịch – thanh toán, tìm kiếm các cơ hội đầu tư hay huy động vốn từ cộng động để thúc đẩy tăng trưởng thương mại.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ IoT, mạng băng thông rộng, điện toán và lưu trữ dựa trên đám mây, công nghệ hình ảnh, cảm biến.. đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại. Nó từng bước biến không gian kỹ thuật số trở thành lĩnh vực chính cho thương mại toàn cầu. Một số tác động của chuyển đổi số đối với thương mại quốc tế bao gồm:
(1) Chuyển đổi cấu trúc và cấu hình của thương mại quốc tế, bao gồm “dòng chảy” của nhiều hoạt động thương mại với hàng hóa và dịch vụ thực vào không gian số;
(2) Tăng cường sức cạnh tranh thương mại trên toàn cầu và từng bước được dịch chuyển sang lĩnh vực phi vật chất;
(3) Số hóa là một thành phần quan trọng để thu hẹp khoảng cách trong giao dịch tài chính và mang lại hiệu quả cho các hoạt động xuyên biên giới. Thương mại số liền mạch sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra một thế giới an toàn hơn thông qua tính minh bạch cao hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ hơn;
(4) Thương mại số với sự tham gia của các công ty, doanh nhân, cá nhân… đã vượt ra ngoài phạm vi, quyền hạn của một quốc gia. Chính điều này đã thay đổi quan niệm hiện tại về thương mại quốc tế, góp phần thúc đẩy sự xuất hiện của thế hệ mới các nguyên tắc "bên trên biên giới" liên quan đến việc điều chỉnh các quan hệ thương mại trong không gian ảo.
Số hóa cũng đang thay đổi thói quen giao dịch hàng hóa của chúng ta. Ví dụ, sự phát triển của các nền tảng mua sắm trực tuyến như Lazada, Shoppee… thúc đẩy thanh toán trực tuyến, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều gói hàng nhỏ được bán xuyên biên giới quốc tế. Đồng thời, các công nghệ và mô hình kinh doanh mới đang thay đổi phương thức sản xuất và cung cấp dịch vụ, tạo ra những hình thức quảng bá và phân phối mới. Một ví dụ điển hình, đó là yêu cầu tiếp cận thị trường của các sản phẩm thông minh, tích hợp như tủ lạnh… không còn ở khía cạnh là hàng hóa thông thường mà còn ở khía cạnh đối với các dịch vụ nhúng. Một ví dụ khác, đó là dịch vụ phát trực tuyến phim và chương trình truyền hình như Netflix, ở đó phim và chương trình truyền hình được phân phối thông qua kỹ thuật số và là hàng hóa kỹ thuật số. Để thanh toán cho giao dịch, một dịch vụ thanh toán trực tuyến được kết nối trực tiếp đến người tiêu dùng. Hoạt động thương mại này được định nghĩa như là một dịch vụ tiêu dùng kỹ thuật số mà ở đó Netflix không bán phim hoặc chương trình truyền hình, thay vào đó, Netflix yêu cầu người dùng đăng ký trả phí hàng tháng, hay hàng năm qua thẻ tín dụng để nhận quyền truy cập trực tiếp vào thư viện phim và chương trình truyền hình.
Những trở ngại của thương mại số
Trong thế giới số, các vấn đề thương mại cũ có thể gây ra những hậu quả mới. Đó có thể là tác động của các thủ tục biên giới rườm rà đối với thương mại bưu kiện hay những chính sách hạn chế đối với phương thức giao dịch thông qua dịch vụ số mới. Bên cạnh đó, tác động của việc thiếu các tiêu chuẩn đã làm cho việc trao đổi thông tin kỹ thuật số trở nên khó khăn, tạo ra sự phân mảnh và kém hiệu quả trong hoạt động thương mại. Những lỗ hổng và thiếu liên thông về mặt pháp lý liên quan đến việc chấp nhận tài liệu thương mại số đã trở thành rào cản lớn cho quá trình chuyển đổi từ các quy trình nặng giấy tờ sang số hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Chính những điều này đã đặt ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách. Nó có thể bao gồm:
- Chính sách quản lý vật lý đối với thương mại vật lý (kiện hàng, bưu kiện… ).
- Chính sách quản lý hoạt động thương mại phi vật chất (dịch vụ, sản phẩm số).
- Chính sách quản lý rủi ro (hàng giả hoặc các tiêu chuẩn an toàn sinh học, bản quyền, thanh toán…)
- Chính sách quản lý các hoạt động doanh thu liên quan đến thu thuế và thuế quan.
- Chính sách về tiêu chuẩn dữ liệu và công nhận các tài liệu thương mại kỹ thuật số
……
Một số chính sách thương mại số quốc tế hiện nay
Để giải quyết những thách thức nêu trên trong quá trình chuyển đổi số thương mại, một cách tiếp cận toàn diện bao gồm các cải cách về quy định pháp lý, thiết lập cơ chế điều phối liên chính phủ, tạo lập quy định chung để sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, nhằm đánh giá rủi ro tài chính tốt hơn và xây dựng hệ thống nhận dạng kỹ thuật số toàn cầu đáng tin cậy cho các doanh nghiệp. Có thể nói đây chính là chìa khóa cho phép quá trình chuyển đổi sang thương mại số trên quy mô lớn.
Tiêu chuẩn quốc tế chung
Việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế chung cho phép các hệ thống thương mại không giấy tờ dễ dàng liên thông, kết nối với nhau, phá vỡ các rào cản giữa các thành phần cấu thành của hệ sinh thái thương mại như: Nhà xuất khẩu, Chủ hàng, Cảng, Hải quan, Kho bãi, Tài chính và Nhà nhập khẩu.
Công nhận tính pháp lý của tài liệu điện tử và chữ ký
Tạo ra một khuôn khổ mạnh mẽ để công nhận tính hợp pháp các tài liệu và chữ ký điện tử là một bước cơ bản hướng tới thương mại kỹ thuật số toàn cầu. Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) đã xây dựng đạo luật Hồ sơ chuyển giao điện tử (MLETR) để tạo ra khuôn khổ công nhận giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử tương đương với hồ sơ trên giấy. Đạo luật này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với việc sử dụng các phương tiện điện tử. Các chức năng tương đương và tính trung lập về công nghệ là nền tảng cho các văn bản của Luật Thương mại quốc tế về thương mại điện tử. Do đó, nó có thể đáp ứng việc sử dụng tất cả các mô hình công nghệ. Minh bạch hóa khả năng tiếp cận các hồ sơ một cách đáng tin cậy, có chất lượng cao, việc công nhận và sử dụng hợp pháp các hồ sơ điện tử mà có thể chuyển nhượng, sang tay sẽ tạo ra một sự thay đổi mới trong mô hình trong thương mại quốc tế.
Cơ chế phối hợp liên chính phủ
Thông qua Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không sử dụng giấy xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương (CPTA), Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) đang cung cấp một khuôn khổ liên chính phủ để phát triển các giải pháp pháp lý và kỹ thuật. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên đã sẵn sàng.
Thỏa thuận khung có hiệu lực vào ngày 21 tháng 2 năm 2021, được hướng dẫn bởi các nguyên tắc: không phân biệt đối xử, các chức năng tương đương và tính trung lập về công nghệ, thúc đẩy khả năng tương tác. Đây cũng là những nguyên tắc chung hỗ trợ cho các văn bản của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế, bao gồm cả Luật Hồ sơ chuyển giao điện tử. Do đó, Hiệp định khung về Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không sử dụng giấy xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương đã cung cấp một khuôn khổ mở đường cho việc áp dụng Luật Hồ sơ chuyển giao điện tử.
Cộng đồng Asean đã và đang có những đóng góp chung vào chương trình nghị sự kết nối thương mại số của khu vực. Thông qua các sáng kiến và khuôn khổ liên chính phủ về thương mại điện tử, quản trị dữ liệu và cơ chế một cửa Asean, cùng nhiều sáng kiến khác. Hội đồng tư vấn kinh doanh Asean dẫn đầu các nỗ lực kết nối các nền tảng thương mại số của các quốc gia thành viên với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại liền mạch giữa các quốc gia và các đối tác thương mại chính của Asean.
Tài trợ thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ (MSMEs)
Những rủi ro liên quan hồ sơ tín dụng là trở ngại chính cho khả năng tiếp cận vốn, tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chính. Đặc biệt thông tin không đầy đủ, lịch sử tín dụng kém và thiếu tài sản thế chấp là những trở ngại đối với việc đánh giá rủi ro của các loại hình doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, chi phí thẩm định tốn kém cũng một yếu tố chính ngăn cản các ngân hàng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các loại hình doanh nghiệp này.
Với công nghệ sổ cái phân tán (ví dụ: chuỗi khối) có thể giúp giải quyết những thách thức này bằng cách tạo ra dữ liệu cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Công nghệ này cung cấp một bản ghi giao dịch phi tập trung, phân tán, bao gồm: lịch sử tín dụng, tranh chấp thương mại và được lưu trữ theo cách mà tất cả các bên tham gia có thể tin tưởng. Tính toàn vẹn dữ liệu của nó cũng có thể hợp lý hóa cách tiếp cận để xây dựng danh tính kỹ thuật số toàn cầu cho loại hình doanh nghiệp này.
Với mục tiêu lấp đầy khoảng trống thị trường về tài trợ thương mại thông qua cung cấp bảo lãnh và khoản vay cho các ngân hàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có tiềm năng đang bị cản trở bởi nhận thức về rủi ro, được Ngân hàng phát triển Châu Á ADB thông qua chương trình Tài trợ chuỗi cung ứng và Thương mại hỗ trợ về tài chính. Chương trình đã làm việc với hơn 240 ngân hàng tại 21 quốc gia để cung cấp cho loại hình doanh nghiệp này sự hỗ trợ vốn cần thiết để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu tại các thị trường khó khăn nhất của Châu Á. Kể từ năm 2009 đến năm 2021, chương trình đã hỗ trợ hơn 33.000 giao dịch với trị giá 47,5 tỷ USD.
Hệ thống nhận dạng kỹ thuật số toàn cầu
Đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động giao dịch trong nền kinh tế hiện đại, danh tính số cho phép sự tham gia của bên liên quan vào thị trường trực tuyến. Ngoài ra, nó cho phép cắt giảm chi phí cho quy trình xác minh nhà cung cấp, mà điều này có thể được coi là gánh nặng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Tổ chức Định danh pháp nhân toàn cầu (GLEIF), được thành lập bởi Ủy ban Ổn định tài chính, là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ triển khai và sử dụng mã Định danh pháp nhân (LEI), có thể giúp giải quyết vấn đề về chống rửa tiền và các vấn đề liên quan đến thông tin của khách hàng. Mã LEI là mã định danh tiêu chuẩn, điện tử, duy nhất gồm 20 chữ số cho các pháp nhân dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) 17442. Việc sử dụng mã LEI trên qui mô toàn cầu có thể tạo ra một động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng trong thương mại số xuyên quốc gia.
Lê Việt Hưng
Tài liệu tham khảo:
https://systemicalternatives.org/2021/02/03/part-1-what-is-digital-trade/
https://www.brookings.edu/blog/up-front/2022/01/18/how-digital-transformation-is-driving-economic-change/
https://www.cambridge.org/core/books/abs/digital-services-in-international-trade-law/impact-of-digitisation-on-international-trade/537CA626C926BD21141CA151B6E3A427
https://events.development.asia/materials/20210803/trade-digitalization-tradetrust