Đang xử lý.....

CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ GIÚP PHỤC HỒI KINH TẾ, XÃ HỘI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19  

Dường như chỉ trong nháy mắt, đại dịch đã thay đổi mọi thứ: cách chúng ta làm việc, mua sắm, học tập, giải trí, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thực hiện các dịch vụ công, kết nối với bạn bè và gia đình. Mọi thành phần của xã hội đều bị ảnh hưởng...
Thứ Hai, 27/12/2021 344
|

1. Mở đầu

Dường như chỉ trong nháy mắt, đại dịch đã thay đổi mọi thứ: cách chúng ta làm việc, mua sắm, học tập, giải trí, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thực hiện các dịch vụ công, kết nối với bạn bè và gia đình. Mọi thành phần của xã hội đều bị ảnh hưởng. Thế giới đóng cửa và mọi thứ buộc phải thích ứng.

Với một sự thay đổi bắt buộc mang tính thích ứng này, chúng ta đã chứng kiến ​​những điều không thể trở thành có thể. Các dự án có thể mất nhiều năm đã được thực hiện chỉ trong vài tuần. Các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào việc “gặp trực tiếp” đã chuyển đổ sang giao dịch trực tuyến. Người dân cuối cùng đã thích nghi với việc hoạt động trên môi trường số, sử dụng nhiều hơn các dịch vụ số và biết nhiều hơn các kỹ năng số trong suốt đại dịch. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch thông qua chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

2. Bối cảnh

2.1. Quốc tế

Khi thế giới vượt qua ngưỡng nghiêm trọng với hơn 68 triệu trường hợp COVID-19, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng đại dịch và sự suy giảm kinh tế liên quan của nó sẽ dẫn đến sự suy giảm 5,2% trong nền kinh tế toàn cầu năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người giảm 3,5% và ước tính có khoảng 88-115 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020. Các Chính phủ không chỉ phải đối mặt giải quyết mối đe dọa sức khỏe trước mắt mà còn phải hướng tới một con đường bền vững, toàn diện để phục hồi trong trung hạn.

Vai trò cụ thể của các can thiệp của Chính phủ và thiết kế chính sách sẽ phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của từng quốc gia, chẳng hạn như mức độ phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số hiện có, khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất của khu vực tư nhân, sức mạnh của thể chế và năng lực nội bộ của Chính phủ để thực hiện các sáng kiến.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2020, các Chính phủ đã cam kết hơn 1,5 nghìn tỷ USD cho các biện pháp ứng phó kỹ thuật số như một phần của gói kích thích phục hồi sau COVID-19. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc và EU con số là hơn 3% GDP. Điều này thể hiện nỗ lực hỗ trợ không chỉ cho các ngành đang gặp khó khăn như khách sạn, du lịch, hàng không mà còn hỗ trợ các công nghệ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng số – là lĩnh vực có vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế.

Các chính phủ đã sử dụng kết hợp đầu tư công và đầu tư tư nhân để thực hiện 03 kế hoạch chính: (1) tăng cường kết nối; (2) củng cố cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số và (3) tăng tốc đổi mới, số hóa nền kinh tế. Các quốc gia đã thông qua các gói kích thích phục hồi sau COVID-19 chính trong cả ba lĩnh vực, trong đó củng cố cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số và tăng cường kết nối là yếu tố nền tảng nhất.

Tăng cường kết nối: Ngoài việc tăng cường dung lượng băng thông rộng để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ internet trong thời gian ngừng hoạt động, các quốc gia như Úc đã thực hiện các cam kết tài trợ đáng kể của chính phủ để mở rộng truy cập internet, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Các quốc gia khác như Trung QuốcHàn Quốc đã tiến xa hơn trong việc hỗ trợ triển khai mạng 5G trên toàn quốc thông qua các ưu đãi về đầu tư công và thuế/phí.

Tăng cường cơ sở hạ tầng số: Đầu tư vào các giải pháp kỹ thuật số để lưu trữ, tính toán và bảo vệ dữ liệu lớn cũng là một tính năng khôi phục kỹ thuật số chính được đưa vào các gói kích cầu. Các nước EU đề xuất một công cụ phục hồi tạm thời để củng cố các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện toán đám mây. Hàn Quốc’s New Dael xác định các khoản đầu tư công cộng quy mô lớn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các khoản tài trợ/trợ cấp để mở rộng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và củng cố về an ninh mạng (ví dụ, phát triển các doanh nghiệp an ninh AI và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc bảo vệ, chống lại các mối đe dọa trên mạng).

Tăng tốc số hóa nền kinh tế: Nhiều gói kích thích bao gồm hỗ trợ rộng rãi cho việc số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các dịch vụ của chính phủ, việc làm xanh và R&D để xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số. Ví dụ: gói phục hồi của Đức giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đổi mới và công nghệ kỹ thuật số, bao gồm đầu tư công và khu vực tư nhân tài trợ cho cơ sở hạ tầng sạc điện tử, các dự án AI và các dịch vụ chính phủ điện tử.

Một số quốc gia như Singapore, MalaysiaIsrael đã mở rộng hỗ trợ tài chính và nguồn lực cho các doanh nghiệp để áp dụng các quy trình và công nghệ kỹ thuật số. EU cũng đã ban hành gói kích thích phục hồi sau đại dịch NextGeneration EU trị giá 750 tỷ euro, cung cấp tài trợ cho các quốc gia thành viên EU để giảm thiểu tác động của đại dịch và đầu tư vào 02 trụ cột là chuyển đổi số và xanh.

Khu vực Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (Latin America and the Caribbean - LAC), trong năm 2020, một số chính phủ đã thực hiện các biện pháp để tăng cường tính liên tục của hoạt động kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế thông qua thương mại điện tử. 15% các quốc gia phát triển một chiến lược thương mại điện tử mới để đáp ứng nhu cầu ứng phó với đại dịch. Hầu hết các chính phủ đã hỗ trợ MSMEs trong các hoạt động TMĐT như: giới thiệu các trang web chuyên biệt cung cấp hướng dẫn, thông tin, khuyến nghị và đào tạo; giới thiệu thị trường hoặc ứng dụng di động cho MSME để bán sản phẩm của họ cùng với các giải pháp thanh toán kỹ thuật số; các chương trình dành riêng được phát triển cho các lĩnh vực cụ thể như các ngành công nghiệp sáng tạo hoặc dịch vụ chuyên nghiệp. Hầu hết các sáng kiến ​​hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp trong TMĐT tập trung vào thị trường trong nước.

Các nước G20 cũng đã xác định số hóa là động lực chính của sự phục hồi kinh tế.

2.2. Việt Nam

Ở nước ta, dịch bệnh bùng phát cho đến nay đang gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Các DN chịu nhiều tác động tiêu cực (tháng 7/2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất). Các hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, các hoạt động vận tải bị đình trệ gây tắc nghẽn, đứt gãy trong các chuỗi cung ứng. Tình trạng ún ứ hàng hóa tại các cảng, thiếu container rỗng, chi phí logistics quốc tế tăng 5-10 lần, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao gây khó khăn cho các DN xuất khẩu. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II/2021 tăng 2,62%. Thu nhập hàng tháng của người lao động trong quý II/2021 giảm.

Mặc dù vậy, ở góc nhìn tích cực, những hoạt động cần thiết của kinh tế và xã hội vẫn diễn ra trong tình hình dịch bệnh nhờ có công nghệ. Công nghệ là nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, giải trí trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, giao hàng tận nơi.

Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động, có mạng lưới 17 Hiệp định thương mại tự do với 60 đối tác; có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tinh thần đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ số, khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ số cao nhất thế giới, có lợi thế đặc thù với hệ thống chính quyền bốn cấp, thống nhất chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, mạng lưới tuyên truyền rộng khắp, có khả năng huy động và triển khai hiệu quả các chương trình mang tính toàn dân, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế tự nhiên để thực sự thấu hiểu các nhu cầu đặc thù riêng biệt của người dân Việt Nam. Các yếu tố nêu trên cho thấy tiềm năng cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam là hết sức to lớn.

Một số chính sách quan trọng cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số cũng đã được Đảng, Nhà nước ban hành tạo nền móng về thể chế như:

- Đại hội đảng lần thứ XIII đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế;

- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030;

- Các bộ, ngành, địa phương đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số;

- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

- Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

- Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Bối cảnh hiện nay là thời cơ lịch sử hiếm có mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, ngay lập tức có hành động mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số vừa như một giải pháp trước mắt giúp phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid vừa là vacxin cho nền kinh tế và xã hội trước các khủng hoảng trong tương lai.

3. Đề xuất một số giải pháp cơ bản

3.1. Các giải pháp trước mắt

Để giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt nêu trên của kinh tế, xã hội do đại dịch, cùng với các giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra, cần tăng cường sử dụng công nghệ số, hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao trình độ và kỹ năng số cho DN và người dân, hỗ trợ người lao động, nhất là người yếu thế từng bước thích ứng với công nghệ số. Cụ thể các giải pháp:

3.1.1. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chú trọng vào các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ

- Phát triển các ứng dụng di động, các công cụ số hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số;

- Đánh giá, giới thiệu các nền tảng số Make in Việt Nam xuất sắc phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, giai đoạn và nghiệp vụ; Tổ chức triển khai các khoá đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Hình thành và tổ chức đào tạo, điều phối hoạt động mạng lưới chuyên gia, đơn vị tư vấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Triển khai tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch và tổ chức thực hiện chuyển đổi số;

- Hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp điển hình;

- Tổ chức triển khai các hoạt động, chiến dịch truyền thông cho Chương trình và các hội thảo, hội nghị liên quan để tạo sự lan tỏa và kết nối;

- Nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động để đào tạo kỹ năng số; sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;

3.1.2. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong vận hành chuỗi cung ứng liền mạch

Xây dựng nền tảng số kết nối nhiều bên trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng nền tảng này giúp kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, tích hợp liền mạch tất cả các dịch vụ logistics, tạo thành Hệ sinh thái công nghệ kết nối các thành phần hoạt động logistics.

Kết nối thông qua nền tảng số này giúp các hãng vận chuyển tối ưu hóa thời gian lấy hàng, chuyển hàng, khắc phục tình trạng container rỗng, giảm lượng xe lưu thông, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giám sát được hành trình xe; giúp tài xế nhận được "chứng từ điện tử", xác nhận điểm đi - điểm đến - có thông tin chặt chẽ và chia sẻ cho đơn vị quản lý; giúp các chủ hàng đặt container như hình thức Grap Container, tối ưu thời gian giao hàng, theo dõi lịch trình của hàng; Dữ liệu từ hệ thống có thể theo dõi các container vận chuyển trong thời gian thực. Bằng cách phân tích dữ liệu này cùng với dữ liệu lịch sử cho một tuyến đường dự kiến ​​của container, hệ thống có thể xác định các khu vực có khả năng bị tắc nghẽn, cảnh báo cho người gửi hàng về vấn đề này để sắp xếp thời gian lấy hàng.

Nền tảng này cũng kết nối với các hệ thống Hải quan, ngân hàng, bảo hiểm để thực hiện các giao dịch trực tuyến với các bên liên quan. Cơ quan nhà nước khai thác dữ liệu thông qua nền tảng để phục vụ điều tiết/quản lý giao thông vận tải, quy hoạch phát triển dịch vụ logistics.

3.1.3. Hỗ trợ, đào tạo cho người dân các kỹ năng số, cung cấp hỗ trợ đào tạo lại và triển khai ở quy mô lớn để giải quyết tình trạng gián đoạn công việc của người lao động do COVID-19

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp. Phát triển kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến và các loại hình dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại.

Các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lại cho nhân viên/người lao động, bắt đầu bằng các kỹ năng số cần thiết cho công việc. Lợi ích của việc đào tạo lại nhân viên/người lao động hiện tại là thay vì để họ ra đi và sau đó tìm người mới thì đào tạo lại thường có chi phí thấp hơn và mang lại lợi ích lớn hơn chi phí. Đầu tư vào nhân viên cũng có thể thúc đẩy lòng trung thành, sự hài lòng của khách hàng và nhận thức tích cực về thương hiệu.

Xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) về kỹ năng số phù hợp với Khung đào tạo kỹ năng số quốc gia, cho phép người dân truy cập miễn phí để tự học các kỹ năng số.

3.1.4. Ứng dụng công nghệ trong công tác hỗ trợ an sinh, xã hội

Việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng các gói hỗ trợ an sinh, xã hội là điều kiện cần thiết và quan trọng để thực thi hiệu quả chính sách này, tăng niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Trong thực tế, việc xác định đối tượng là khá khó khăn do thiếu căn cứ để xác định, dẫn đến nhiều người không tiếp cận được với chính sách hoặc xác định nhầm đối tượng hoặc bỏ sót đối tượng. Vì vậy, ngoài việc tăng cường rà soát thực địa ở địa phương thì cần xây dựng và đưa vào ứng dụng các nền tảng công nghê để người dân sử dụng mã số định danh cá nhân (qua thẻ căn cước công dân) tự đăng ký nhận gói an sinh qua các ứng dụng công nghệ này giúp xác định đúng đối tượng và bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội.

Kinh nghiệm của Thái Lan, Ấn Độ cho thấy, việc tự đăng ký sẽ giảm gánh nặng cho chính quyền địa phương cũng như cơ quan lao động - xã hội trong việc xác nhận đối tượng và tránh tính trùng, bỏ sót (ví dụ: ở Thái Lan, chỉ trong một tuần đã có 28 triệu đăng ký và chỉ còn 14 triệu đăng ký hợp lệ sau khi đã loại bỏ tính trùng do đã nhận các chương trình an sinh khác và chỉ trong ba ngày là người dân nhận được tiền qua tài khoản).

3.1.5. Trển khai đa dạng các giải pháp, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với các Sàn thương mại điện tử để xuất khẩu;

- Tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho các DNXK qua Amazon, Alibaba, Google, Facebook.

- Triển khai nhiều chương trình hợp tác giữa Chính phủ với các sàn TMĐT xuyên biên giới nhằm hỗ trợ DNVVN tham gia vào sàn TMĐT quốc tế để tăng tốc xuất khẩu.

3.2. Giải pháp căn cơ, bền vững

Trong dài hạn, việc phát triển kinh tế số, xã hội số cần có một giải pháp chiến lược toàn diện. Bộ TTTT đã xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược đã xác định 09 yếu tố nền móng cho phát triển kinh tế số, xã hội số (Thể chế, hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số, an toàn an ninh mạng, nhân lực số, kỹ năng số, doanh nghiệp số, thanh toán số) và định hướng phát triển kinh tế số và xã hội số trong 06 ngành, lĩnh vực trọng điểm (nông nghiệp, nông thôn; y tế; giáo dục; lao động, việc làm, an sinh xã hội; thương mại, công nghiệp, năng lượng; du lịch).

Định hướng của chiến lược: thể chế kiến tạo, hạ tầng số đi trước một bước, nhân lực số đóng vai trò quyết định, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình là một doanh nghiệp số, công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tái cấu trúc cơ cấu và gia tăng tỉ trọng của kinh tế số trong nền kinh tế, cụ thể:

- Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc chấp nhận và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. Bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Điểm đột phá là ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn.

- Hạ tầng số phát triển với tốc độ nhanh hơn, đi trước một bước, theo hướng Việt Nam làm chủ công nghệ.

Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

- Nhân lực số gồm lực lượng chuyên gia công nghệ số và người dân được phổ cập kỹ năng số đóng vai trò quyết định tương lai của Quốc gia.

Điểm đột phá của đào tạo lực lượng chuyên gia là các trường đại học số, người học không cần đến giảng đường, học và thi trực tuyến, không cần sách giáo khoa, sử dụng học liệu số được cá nhân hoá và không cần giảng viên cơ hữu.

Điểm đột phá của phổ cập kỹ năng số toàn dân là thực hiện phổ cập kỹ năng số thông qua chính việc sử dụng các nền tảng số quốc gia.

- Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình là một doanh nghiệp số. Công nghệ số mở ra cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trở thành người sáng tạo và nhà cung cấp dịch vụ.

- Tái cấu trúc cơ cấu, tối ưu hóa và gia tăng tỉ trọng của kinh tế số trong toàn bộ nền kinh tế.

Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ nhu cầu cá thể của người tiêu dùng.

Phát triển các mô hình kinh doanh mới, mở ra không gian mới cho sự tăng trưởng. Phát triển ngành công nghiệp số làm động lực cho phát triển kinh tế số và xã hội số trong các ngành, lĩnh vực khác.

Kết luận

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số trong việc bảo đảm cho chính phủ, doanh nghiệp và xã hội tiếp tục hoạt động ở thời kỳ khủng hoảng. Ngoài việc đảm bảo tính liên tục và kết nối, số hóa giúp đặt nền tảng cho quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững và bao trùm hơn./.

Lê Anh Tuấn

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.g20.org/g20-2021-economic-recovery-will-be-through-digital-revolution.html

2. https://www.enterprise-development.org/private-sector-development-and-covid-19/economic-recovery-and-resilience/

3. https://www.mckinsey.com/featured-insights/leadership/the-next-normal-arrives-trends-that-will-define-2021-and-beyond

4.https://documents1.worldbank.org/curated/en/136631594937150795/pdf/World-Bank-Group-COVID-19-Crisis-Response-Approach-Paper-Saving-Lives-Scaling-up-Impact-and-Getting-Back-on-Track.pdf

5. https://blogs.worldbank.org/digital-development/digital-stimulus-packages-lessons-learned-and-whats-next