3. Công nghệ số - Những ảnh hưởng tiêu cực
Năm 2021, trong một chương trình khảo sát cộng đồng trực tuyến do chuyên gia công nghệ, học giả và sức khỏe thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ tiến hành cho thấy khả năng truy cập tức thì vào bất cứ thứ gì vào bất kể thời gian nào trong ngày là mối quan tâm hàng đầu của mọi người, chính điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến tâm trạng lo lắng và căng thẳng. Một hậu quả nữa của tình trạng quá tải thông tin là dẫn đến tình trạng mất ngủ và thiếu kiên nhẫn. Sự kết nối chặt chẽ với cuộc sống số (sống ảo) mà thiếu liên kết với cuộc sống thực, giảm mức độ tương tác trực tiếp với người xung quanh có thể làm gián đoạn, trầm trọng thêm các mối quan hệ gia đình, xã hội và khả năng làm việc...
Những tác động tiêu cực này thường liên quan đến các sản phẩm của phương tiện truyền thông xã hội mà trong đó mạng xã hội được liệt kê là nơi hàng đầu cung cấp thông tin sai lệch, ngôn từ kích động, thù địch và quấy rối. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị cô lập và trầm cảm của người dùng.
Hình 3. Công nghệ số - Những ảnh hưởng tiêu cực
Những ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số đến con người, xã hội thường xảy ra bao gồm:
Tin tức giả mạo và thông tin sai lệch
Tin tức giả mạo và thông tin sai lệch đã tồn tại với chúng ta một thời gian. Nhưng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và các nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến khiến con người ngày càng khó có thể phân biệt đâu là thật và đâu là giả.
Trong một cuộc khảo sát của tổ chức Edelman năm 2020, 61% người tham gia thừa nhận rằng tốc độ thay đổi trong công nghệ là quá nhanh. 57% trong số họ cho rằng các nền tảng phương tiện truyền thông số mà họ sử dụng bị nhiễm thông tin không đáng tin cậy. Sau vụ bê bối của công ty Cambridge Analytica năm 2018, 76% người dân lo lắng rằng tin tức giả đang được sử dụng như một vũ khí để phân cực và cực đoan hóa xã hội. Điều này càng được củng cố trong thời kỳ đại dịch Covid, sự bùng nổ tin tức giả đã làm tăng thêm sự hoang mang và bất an trong cộng đồng dân cư toàn cầu .
Deepfakes - từ ghép của “học sâu” và “giả tạo” là phương tiện truyền thông tổng hợp tận dụng các kỹ thuật mạnh mẽ từ máy học và trí tuệ nhân tạo để thao túng hoặc tạo ra nội dung hình ảnh và âm thanh có thể dễ dàng đánh lừa hơn mà trong đó nội dung hình ảnh, âm thanh video của một người hiện có được thay thế bằng hình ảnh của người khác) là một ví dụ về một mối đe dọa gần đây và là một hiểm họa lớn đối với tất cả các nền tảng truyền thông xã hội. Nhiều sự cố deepfake đã xảy ra. Ví dụ điển hình vào ngày 29 tháng 9 năm 2020, những đoạn video của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được tải lên YouTube phát sóng công khai dưới dạng quảng cáo để chuyển tiếp quan điểm rằng sự can thiệp của các nhà lãnh đạo này vào các cuộc bầu cử Hoa Kỳ sẽ gây phương hại cho nền dân chủ của Hoa Kỳ…
Có thể nói deepfake là một điển hình minh họa cho các mối đe dọa tiềm tàng, nguy hiểm đến đời sống xã hội trong tương lai. Điều này khiến các nền tảng truyền thông xã hội nói chung đang phải vật lộn với việc kiểm duyệt nội dung. Điển hình như nền tảng truyền thông Facebook đã khởi động chương trình “Thử thách phát hiện Deepfake” để phát triển các hệ thống, thuật toán tự động phát hiện tin tức giả mạo. Hay vào đầu năm 2021, Twitter đã khởi động chương trình “Birdwatch” thí điểm, nhằm mục đích xây dựng một cộng đồng giúp chống lại thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.
Tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần
Nội dung, phương tiện truyền thông xã hội được phát triển dựa trên sự hài lòng tức thì của người dùng. Tất cả các thông báo mới của ứng dụng hay tin tức mới (newfeed) đều được hiển thị để thu hút mọi người quay lại ứng dụng và tiếp tục truy nhập. Theo các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Freie ở Berlin , các thông báo trên mạng xã hội (đặc biệt là lượt thích, lượt theo dõi,...) kích hoạt nhu cầu khen thưởng của não bộ con người.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc nhiều với mạng xã hội có thể dẫn đến cảm giác cô đơn và xa cách kéo dài. Cụm từ được sử dụng phổ biến, FOMO (sợ bỏ lỡ), đề cập đến tình huống tâm lý một người bị tràn ngập bởi các chủ đề, nội dung… chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp hoặc thậm chí những người có ảnh hưởng đang làm những trải nghiệm điều thú vị … trong khi cuộc sống hoặc hoạt động của người đó có vẻ bình thường hay có phần tồi tệ hơn. Nó đặc biệt có hại ở lứa tuổi trẻ, vì mặc dù mọi người nhận thức được rằng nội dung họ xem chỉ là một tập hợp những điểm nổi bật trong cuộc đời của một ai đó, nhưng nó sẽ khiến họ cảm thấy cô đơn và thiếu thốn ở mức độ tiềm thức .
Bảo mật dữ liệu
Công nghệ kỹ thuật số đã giúp con người có thể lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu này có thể là bất kỳ như thông tin cá nhân về con người hay dữ liệu của các tổ chức. Chính sự dễ dàng để lưu trữ tất cả các thông tin này thì đồng hành với nó là nguy cơ lộ lọt, đánh cắp thông tin cùng với sự gia tăng các mối đe dọa trên môi trường mạng. Hậu quả lớn có thể gây ra cho tổ chức hoặc cá nhân nếu nếu thông tin, dữ liệu này bị rơi vào tay tổ chức tội phạm hoặc những kẻ khủng bố. Một ví dụ điển hình tại Việt Nam thời gian vừa qua, việc lộ lọt dữ liệu thông tin dân cư khiến các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhắm vào các tổ chức cá nhân tăng vọt. Đây là một tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số.
Tài khoản Giả mạo, Ẩn danh và Tội phạm
Có rất nhiều người trên internet, những người sử dụng darkweb (web đen), có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Từ mua bán trực tuyến các chất cấm bất hợp pháp cho đến đe dọa tống tiền hay sử dụng những id giả để theo dõi, lừa đảo người khác hoặc kẻ thù của họ …, darkweb là nơi cho tất cả các loại tội phạm cùng với các hoạt động đen tối. Những kẻ khủng bố sử dụng internet để tạo và quảng bá cho các nhóm của chúng, bởi vì trên darkweb , danh tính có thể bị ẩn, rất khó để theo dõi người hoặc tổ chức có thể đang thực hiện việc này.
Mối quan tâm về quyền riêng tư
Giờ đây, mọi người đều có điện thoại thông minh và mọi người thực sự dễ dàng chụp ảnh và quay video về mọi thứ, ở bất kỳ đâu và hơn thế nữa, đăng nó lên mạng xã hội. Vì vậy, mọi người có nguy cơ dữ liệu của họ bị đánh cắp hoặc thậm chí bị bán. Vì vậy, việc kiểm soát thông tin cá nhân hiện nay đã trở nên khó khăn và đôi khi là không thể. Đây là một vấn đề đang nổi lên trong danh sách các tác động tiêu cực của số hóa.
Sống ảo – Gây nghiện và Ngắt kết nối xã hội
Thay vì dành thời gian trong thế giới thực, con người hiện đang cảm thấy nhu cầu sử dụng thời gian ảo ngày càng tăng. Thậm chí họ không trực tiếp sống cuộc đời của họ. Dù là buổi hòa nhạc hay bất kỳ buổi biểu diễn nào khác, có rất ít người được tận mắt trải nghiệm bằng cách thực sự đến đó. Những người khác chỉ cần xem những chương trình trực tuyến được phát trên điện thoại di động với tính năng mới nhất.
Bên cạnh đó, phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện kỹ thuật số khác cũng đang dần trở thành một nguyên nhân gây nghiện ngập khác đối với mọi người. Có thể thấy, trong một cuộc họp hay buổi gặp mặt hay bất kỳ buổi tụ tập bình thường nào, bạn sẽ thấy hầu hết mọi người đều bận rộn với điện thoại của họ. Không chỉ mạng xã hội, các trò chơi được chơi cũng có thể gây nghiện. Ngay khi một người chơi một trò chơi, anh ta đang nghĩ đến việc có được phiên bản tiếp theo của trò chơi
Có thể nói, phương tiện truyền thông xã hội cùng với sự đa dạng nội dung số đã hạn chế kỳ vọng của người dân, đã biến những điều bình thường trở thành không còn bình thường nữa. Sự so sánh cuộc sống của bản thân với một người nào đó trên môi trường ảo hay chìm đắm vào những trò chơi trực tuyến đã dần dần khiến họ cố gắng thích nghi với một lối sống khác, thậm chí có thể không phù hợp với họ.
Tất cả điều này đã dẫn đến tình trạng rối loạn, mất kết nối xã hội. Nó cũng gây ra nhiều rối loạn tâm lý ở con người như trầm cảm và các dạng khác. Đây là một trong những ảnh hưởng của Hiệu ứng tiêu cực của quá trình chuyển đổi hóa.
Thao tác dữ liệu số - Bản quyền và Đạo văn
Với phương tiện kỹ thuật số cùng với dữ liệu trực tuyến có sẵn đã trở nên dễ dàng sao chép, chỉnh sửa cùng với thao tác đơn giản hơn bao giờ hết. Tình trạng luật bản quyền ngày càng khó thực thi, là môi trường rất dễ lan truyền tin tức giả mạo, bởi vì hầu hết mọi người đều có thể xem trực tuyến và dường như họ tin bất cứ điều gì mà internet cung cấp cho họ. Chúng còn tạo ra thói quen xấu, đặc biệt là ở trẻ em, khi chúng có thể chỉ cần sao chép bài tập về nhà từ internet mà không cần học bất cứ điều gì
Phụ thuộc quá nhiều vào các tiện ích -
Mọi người đang sử dụng các tiện ích của công nghệ số cho mọi thứ. Có thể là lưu trữ danh bạ, hoặc ảnh, hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào khác trên điện thoại di động hoặc máy tính của họ mà quyên mất những phương án lưu trữ dự phòng vật lý cổ điển. Vì vậy, nếu họ không may bị mất điện thoại, hoặc máy tính bị hỏng, họ sẽ gặp rắc rối. Điều này chứng tỏ sự phụ thuộc quá mức của mọi người vào các thiết bị. Ngay cả những điều cơ bản nhất, khi di chuyển đến những đạ điểm chưa biết, thay vì tương tác và hỏi đường với người dân địa phương, mọi người thấy việc sử dụng GPS dễ dàng hơn. Tính tiện lợi của công nghệ số đã dẫn đến sự lười biếng, ì trệ của con người cũng là một trong những tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Có thể nói chắc chắn rằng công nghệ số có những mặt trái của nó, nhưng những tác động tích cực của của nó cũng đáng được ghi nhận. Nó không chỉ cung cấp một khía cạnh mới cho lối sống của chúng ta, mà còn dẫn đến sự phát triển của các kỹ năng giao tiếp và khả năng tiếp cận các cơ hội cho mọi người trên toàn thế giới. Vì vậy, nguyên tắc chung là giữ cân bằng lành mạnh giữa cuộc sống thực và ảo, chúng ta cần học, nâng cao các kỹ năng sử dụng nó hiệu quả và từng bước tận dụng công nghệ số để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
4. Lời kết
Nền văn minh của con người đã trải qua quá trình phát triển của kỹ thuật số theo cách này hay cách khác kể từ thời sơ khai, vì vậy nếu coi những tiến bộ công nghệ là thành tựu của thời đại mới và có liên quan đến tương lai thì chưa hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên chỉ trong hai thập kỷ này, công nghệ số đã phát triển nhanh chóng hơn bất kỳ sự đổi mới nào trong lịch sử của chúng ta - tiếp cận khoảng 50% dân số thế giới. Thông qua tăng cường kết nối, bao gồm tài chính, tiếp cận thương mại và dịch vụ công, công nghệ dần trở thành một công cụ tạo ra sự cân bằng trong các hoạt động đó. Chuyển đổi số với quá trình số hóa mọi thứ xung quanh, hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày như xe cộ, thiết bị gia dụng, máy móc và hệ thống thanh toán được tích hợp máy tính, cảm biến đã góp phần đơn giản hóa cuộc sống hàng ngày, nâng cao mức sống của chúng ta một cách hiệu quả.
Nhìn xa hơn, chuyển đổi số đã thúc đẩy gắn kết, thống nhất thế giới và phá vỡ các rào cản. Ngay cả đại dịch Covid 19 cũng không ngăn được con người đạt được những gì họ muốn. Việc đóng cửa, giãn cách xã hội là một cú hích cho nhiều doanh nghiệp đổi số thành công và tạo động lực cho nhiều công ty mới hoàn toàn kỹ thuật số được hình thành.
Chính sự phát triển của xã hội đã tạo ra những thành tựu cho công nghệ vì mục đích của công nghệ giúp cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn.
Lê Việt Hưng
Tài liệu tham khảo:
https://turbofuture.com/computers/Advantages-of-Digital-Technology
https://www.researchgate.net/publication/350456110_The_impact_of_Digital_technology_on_human_societies_a_focus_on_Computers_and_Internet_and_how_this_technology_facilitates_Globalization
https://en.wikipedia.org/wiki/Deepfake
https://www.techwyse.com/blog/online-innovation/how-to-avoid-the-negative-impacts-of-modern-technology-on-our-children/