Đang xử lý.....

Chương trình số hóa Uruguay - Chuyển đổi với sự công bằng  

Uruguay đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội mức độ đáng kể. Uruguay cam kết bảo đảm truyền truy cập của người dân vào các công nghệ số và giảm khoảng cách số thông qua các chính sách công khác nhau. “Số hóa Uruguay” có nghĩa là tập hợp những nỗ lực của các bên liên quan từ các khu vực công và tư nhân, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội dân sự và kỹ thuật được đặt trong khung cam kết quốc gia.
Thứ Sáu, 05/08/2022 147
|

Các tiến bộ mà Uruguay đạt được trong thời gian gần đây, đó là: đất nước có mức độ phủ sóng viễn thông rộng; mỗi hộ gia đình sẽ được kết nối với mạng cáp quang; người dân được cung cấp các gói Internet miễn phí; trường học trang bị cho tất cả các học sinh máy tính riêng được kết nối với Internet; dân số có kỹ năng số cơ bản; triển khai xây dựng các sáng kiến như truy xuất nguồn gốc, chiến lược chính phủ số, hồ sơ y tế điện tử quốc gia…

Các trụ cột chính của Chương trình số hóa Uruguay

Chiến lược Chính phủ số DGS của Uruguay (Digital Government Strategy) bao gồm tất cả các mục tiêu và sáng kiến khác nhau nhằm tiến tới quá trình chuyển đổi số toàn diện Uruguay.

Chiến lược Chính phủ số DGS là một phần của Chương trình số hóa Uruguay thiết lập chính sách số tổng thể của đất nước.

Hình 1. Chiến lược Chính phủ số DGS Uruguay

Đối với mỗi lĩnh vực trong số sáu lĩnh vực hành động của Chiến lược Chính phủ số DGS, các mục tiêu mà Chính phủ hướng tới trong những năm tới được thiết lập như sau:

Hình 2. Mục tiêu của Chiến lược Chính phủ số DGS Uruguay

(1) Sử dụng công nghệ số để chuyển đổi thành các cơ hội mới. Chương trình sẽ tập trung vào việc giảm khoảng các số bằng cách thúc đẩy sự quan tâm và đào tạo các kỹ năng cụ thể phù hợp với xu hướng mới.

(2) Xây dựng một nền kinh tế số cạnh tranh. Công nghệ số ảnh hưởng đến cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ, mang lại những thay đổi trong mọi khía cạnh của nền kinh tế. Uruguay có một nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại, tầm nhìn chiến lược và sự liên kết hợp tác của các bên liên quan bảo đảm sự vững chắc cho nền kinh tế số.

(3) Đổi mới trong mối quan hệ giữa công dân và nhà nước. Uruguay đã hiện đại hóa chính quyền công của mình thông qua việc kết hợp công nghệ vào các quy trình. Tiến bộ trong chính phủ số của Uruguay đòi hỏi phải quản lý chiến lược và sử dụng dữ liệu số đồng thời cho phép tích hợp các xu hướng số và các công nghệ mới để tạo ra giá trị, đổi mới phục vụ việc đưa ra quyết định và áp dụng các mô hình mới cho mối quan hệ giữa công dân và nhà nước.

(4) Tạo lập khuôn khổ để thúc đẩy xã hội. Uruguay đã phát triển chính sách số với một hệ sinh thái bao gồm sự tham gia của các bên liên quan trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia.

Mục tiêu của Chương trình số hóa Uruguay

1. Tăng cường các kỹ năng số

Tăng cường sự thích nghi và khả năng sử dụng của người dân đối với các kỹ năng số thông qua quá trình giáo dục và nghiên cứu, bao gồm đào tạo về công nghệ số cho ngành công nghệ thông tin và các lĩnh vực sản xuất:

- Trang bị máy tính và kết nối Internet miễn phí cho người nghỉ hưu có thu nhập thấp thông qua Kế hoạch mang tên Ibirapitá;

- Phát triển kỹ năng số trong thông tin, truyền thông cho 60.000 người dân của Uruguay;

- Cung cấp đào tạo lập trình cho 5.000 người trẻ tuổi, quảng bá hội nhập vào thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông thông qua phát kiến “Lập trình viên trẻ”;

- Kết hợp kiến thức và giá trị công nghệ trong mọi lĩnh vực của chuỗi sản xuất bằng cách đào tạo kỹ năng chéo cho 1.000 sinh viên và công nhân, đó là: tư duy trừu tượng, tính toán hoặc khoa học vào các lĩnh vực như: domotics, robot, công nghệ sinh học và công nghệ nano;

- Tạo hệ thống kho lưu trữ quốc gia cho phép chia sẻ và tư vấn các bài báo khoa học, luận văn và sách giáo khoa được sản xuất trên toàn quốc và có thể truy cập thông qua Cổng Timbo.

2. Đổi mới phúc lợi xã hội

Thúc đẩy phúc lợi xã hội bằng cách tích hợp các công nghệ số vào các ngành như giáo dục, y tế, phát triển xã hội, việc làm và văn hóa. Cụ thể:

- Tích hợp thông tin về hồ sơ học tập của học sinh ở tất cả các cấp học;

- Áp dụng Hồ sơ y tế điện tử quốc gia với 100% dịch vụ y tế tư và công;

- Thiết lập chương trình hỗ trợ Telehealth trong Hệ thống chăm sóc quốc gia để bảo đảm sự hỗ trợ đối với các bệnh khẩn cấp ngay lập tức và kịp thời khi đòi hỏi sự can thiệp của bên thứ ba;

- Tạo nền tảng văn hóa cung cấp quyền truy cập toàn diện vào các di sản văn hóa như chương trình, sự kiện, lễ hội truyền thống, dự án, cuộc thi,…

3. Đầu tư cơ sở hạ tầng

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, viễn thông để phổ cập truy cập trong toàn dân, bảo đảm chất lượng và đổi mới không ngừng của các dịch vụ số. Cụ thể:

- Hạ tầng mạng cáp quang phủ trên 65%, kết nối Internet băng thông rộng phủ trên 90% hộ gia đình;

- Tăng tổng dung lượng băng thông để đáp ứng nhu cầu kết nối Internet và truyền thông quốc tế, bảo đảm độc lập và bảo mật cao hơn thông qua việc xây dựng hệ thống cáp ngầm để kết nối Uruguay với khu vực và thế giới;

- Tối ưu hóa sử dụng phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và tạo ra các băng tần mới có sẵn để tạo thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ viễn thông;

- Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối và nền tảng quản lý triển khai các ứng dụng dựa trên Internet kết nối vạn vật IoT;

- Thiết kế, lắp đặt và vận hành Uruguay một radio telescope có chi phí thấp để xử lý khối lượng dữ liệu lớn và phát triển sự cạnh tranh ngành công nghiệp trong nước.

4. Nền kinh tế số và đổi mới năng lực cạnh tranh

Xây dựng các cơ chế hợp nhất để thúc đẩy nền kinh tế số, nhấn mạnh sự sáng tạo nhằm gia tăng các giá trị lớn hơn và thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng năng suất, tăng trưởng và đổi mới các ngành sản xuất. Cụ thể:

- Mở rộng phạm vi kết nối đến 90% doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ để duy trì cạnh tranh giá cả;

- Tài trợ phát triển 50 dự án sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề cạnh tranh của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực như: nghe nhìn, ứng dụng và trò chơi điện tử;

- Duy trì, tăng trưởng và củng cố quốc gia;

- Mở rộng sự phát triển của ngành nông nghiệp;

- Tạo phòng thí nghiệm sản xuất số tập trung vào các ngành công nghiệp ưu tiên và thiết lập nền tảng để chia sẻ và phổ biến nội dung;

- Tăng cường triển khai nền tảng thương mại điện tử quốc gia bằng cách quản lý công nghệ cho 3.000 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; phát triển các chương trình đào tạo cho 4.900 doanh nhân;

- Tạo điều kiện tiếp cận và giảm chi phí các dịch vụ tài chính.

5. Quản lý môi trường thông minh

Chiến lược này nhằm cải thiện công tác phòng, chống, giảm thiểu và chú ý đến tác động môi trường, tai họa khẩn cấp, giám sát chất lượng các tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể:

- Giám sát chất lượng nước của lưu vực quốc gia thông qua thông tin của các cảm biến môi trường thu được từ các nguồn khác nhau, bắt đầu từ lưu vực sông Santa Lucia;

- Phát triển Tin sinh học bioinformatics quốc gia thông qua việc tạo ra một trung tâm nghiên cứu metagenomics và các chương trình sau đại học trong lĩnh vực này;

- Lập bản đồ mức độ bức xạ phi ion hóa của các trạm điện và đài phát thanh giám sát;

- Tăng khả năng quản lý khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai, thông qua việc bảo vệ con người, tài sản quan trọng, môi trường và hệ thống cảnh báo sớm.

6. Chính quyền

Tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình mối quan hệ giữa công dân và nhà nước. Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Cụ thể:

- 100% các thủ tục hành chính được trực tuyến cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau;

- Thiết lập Trung tâm phản hồi của công dân, cổng công dân và doanh nghiệp nhằm mang đến dịch vụ tốt hơn cho người dân;

- Làm sâu sắc nền văn hóa chính phủ mở, triển khai các cơ chế tham gia điện tử ở 100% các cơ quan chính quyền trung ương và tăng tỷ lệ 100% cơ quan cung cấp dữ liệu mở chính phủ;

- Tăng cường văn hóa minh bạch thông qua việc áp dụng thống nhất và hệ thống thông tin công khai có thể theo dõi các truy vấn thông tin của các cơ quan hành chính công;

- 70% người dùng Internet sử dụng dịch vụ trực tuyến của chính phủ thông qua chiến dịch nâng cao nhận thức.

7. Chính quyền thông minh

Tăng cường mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng, kiến trúc, hệ thống thông tin. Cụ thể:

- Phát triển kiến trúc dữ liệu và hệ thống thông tin tập trung, các dữ liệu về người dân, doanh nghiệp có sẵn dưới dạng siêu dữ liệu trên nền tảng tương thích;

- Triển khai cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian với ít nhất 3 lớp thông tin như một công cụ hỗ trợ việc ra quyết định;

- Cung cấp hóa đơn điện tử trong tất cả hợp đồng với nhà nước.

8. Bảo đảm độ tin cậy và bảo mật trong việc sử dụng công nghệ số

Xây dựng môi trường an toàn và tương tác dựa trên sự tin cậy, để thúc đẩy sự tham gia của người dân vào xã hội thông tin. Cụ thể:

- Điều chỉnh và cập nhật khung pháp lý về các vấn đề ưu tiên trong “Chương trình nghị sự số Uruguay” bao gồm: quyền riêng tư, an toàn thông tin mạng, chất thải điện tử và bảo vệ người tiêu dùng điện tử;

- Tăng cường hợp tác của các bên thông qua Trung tâm điều hành an ninh quốc gia SOC NAC thông qua sự phối hợp công - tư;

- Xây dựng kế hoạch nâng cao nhận thức về việc sử dụng Internet;

- Đạt tỷ lệ 30% dân số có cơ chế định danh điện tử (thẻ ID, ID di động…);

- Tuân thu các yêu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

9. Tạo lập bộ thống kê ICT quốc gia

Tăng cường các khung thể chế cần thiết để giám sát, đo lường và thúc đẩy ngành ICT, bảo đảm dữ liệu được cập nhật thường xuyên, phù hợp với chính sách số và quy trình ra quyết định. Cụ thể:

- Nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong việc thu thập, tạo lập dữ liệu thống kê quốc gia về xã hội thông tin, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;

- Kết hợp với sự đa dạng trong việc xử lý dữ liệu thống kê của ngành ICT để cung cấp dữ liệu kịp thời trong thiết kế chính sách công một cách công bằng.

Kết luận

Chương trình số hóa Uruguay đã thiết lập các trụ cột và mục tiêu chính để chuyển đổi số cho cả quốc gia Uruguay. Việc thực hiện các chiến lược của chương trình số hóa này được đánh giá liên tục và có hệ thống, theo đó mô hình các dịch vụ chính phủ số hài hòa với các chỉ số của khu vực và quốc tế sẽ được tạo ra. Mục đích của việc này là để đo lường việc cung cấp dịch vụ của các cơ quan chính phủ cũng như mức độ sử dụng và sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ đó. Hàng năm, chính phủ Uruguay sẽ công bố báo cáo về tiến độ triển khai các nhiệm vụ tại Chương trình này để làm cơ sở kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình và đề xuất điều chỉnh nội dung Chương trình nếu cần thiết.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu chính trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Để bắt kịp với tiến trình chuyển đổi số của các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đã xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đặt ra.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

[1] Digital Government Strategy 2020 - Transfoming with equity.

[2] Agenda Uruguay Digital - Transfoming with equity 2020.