Estonia là quốc gia đầu tiên được công nhận chuyển đổi số vào năm 2020 khi Estonia vượt qua nhiều nước phát triển là có 99% dịch vụ công có sẵn trực tuyến 24/7 thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử eID, xác thực thông qua số điện thoại MobileID. Đến nay, đã có 99% công dân Estonia được cấp 01 mã số định danh duy nhất eID và 01 thẻ căn cước điện tử kèm chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước; ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay có khoảng 14.000 lượt truy cập mỗi ngày. Chương trình số hóa của Estonia được xây dựng năm 2013 với mục tiêu chung trọng tâm trong tương lai là “Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và phát triển các giải pháp thông minh ở Estonia nói cung; tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phúc lợi của người dân và hiệu quả của dịch vụ hành chính công”.
Năm 2021, Estonia đã xây dựng Chương trình nghị sự số 2030, xác định các mục tiêu đạt được đến năm 2030 như sau:
(1) Đối với xã hội số, đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người
Estonia tiếp tục trở thành một xã hội tự do và cởi mở về số hóa để đạt được các mục tiêu “Estonia 2035”. Mặc dù rủi ro về an ninh gia tăng nhưng Estonia đã không đưa ra những hạn chế đáng kể về tự do ngôn luận và các quyền tự do khác trên internet so với quốc gia khác do người dân Estonia có khả năng sử dụng công nghệ để bảo vệ mình mà không bị hạn chế về quyền. Estonia đã sử dụng các giải pháp thông minh để bảo đảm rằng mọi người có quyền kiểm soát sự riêng tư của cuộc sống và các dữ liệu của họ.
Công nghệ số được sử dụng để giúp mọi người trở thành người tiêu dùng thông minh. Họ có thể tiết kiệm tiền hoặc nhận được nhiều giá trị hơn bằng cách sống trong những ngôi nhà thông minh hoặc mua các sản phẩm từ các cửa hàng trực tuyến.
Tất cả các dịch vụ được sử dụng phổ biến nhất, dù được cung cấp bởi khu vực công hoặc khu vực tư nhân thì đều dễ sử dụng và thuận tiện. Các dịch vụ rất dễ tìm và được cung cấp hiệu quả. Dữ liệu của người dân được bảo đảm tính riêng tư, tức là nó được bảo đảm rằng các dữ liệu có thể được sử dụng một cách an toàn.
Đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội, bao gồm các phúc lợi xã hội nói riêng lên một cấp độ chất lượng mới với sự trợ giúp của các công nghệ số. Các dịch vụ này được tùy biến theo từng cá nhân.
Tham gia vào việc đưa ra các quyết sách của đất nước. Công nghệ số cũng cấp nhiều cơ hội tốt giúp việc này trở nên khả thi, bao gồm cả việc tạo ra các cộng đồng, hợp tác và các thí điểm mới trong lĩnh vực dân chủ số.
Estonia đã trở thành một think tank nổi tiếng, một nơi thảo luận tích cực và đa dạng về bản chất và tương lai của xã hội thông tin cũng như tác động của nó đối với cuộc sống hàng ngày và các lĩnh vực khác nhau. Estonia được đánh giá là nhà vô địch toàn cầu về cuộc sống số, bảo đảm ba trụ cột quan trọng của xã hội thông tin đó là chuyển động tự do thông tin, an ninh và riêng tư.
Nền kinh tế Estonia đổi mới và dựa trên tri thức, sử dụng các công nghệ và mô hình kinh doanh mới cũng như các hình thức làm việc linh hoạt. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới của doanh nghiệp. Môi trường kinh tế Estonia mời gọi mọi người đến làm việc, thành lập công ty hoặc kinh doanh ảo, đầu tư, tạo và thử nghiệm các giải pháp mới có lợi cho xã hội nói chung.
Nhu cầu của tất cả mọi người được xem xét khi định hình môi trường sống, nền tảng chất lượng cao và các nguyên tắc thiết kế toàn diện được tuân thủ nhất quán khi đưa ra quyết định nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận và thuận tiện của không gian tinh thần, vật chất và cơ hội số cho mọi người. Các hoạt động của kế hoạch phát triển đóng góp thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và các giải pháp thân thiện với môi trường nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo đảm một môi trường sống tốt trên toàn Estonia.
Estonia là một quốc gia đổi mới, coi trọng việc tạo ra và sử dụng tri thức và là nơi cuộc sống xã hội được nâng cao bằng các công nghệ mới lấy người dân làm trung tâm. Thể hiện ở chỗ bộ máy quản trị thúc đẩy sự gắn kết xã hội, áp dụng các giải pháp mới, đổi mới và quản trị linh hoạt. Các dịch vụ công cộng hoạt động ở chế độ nền và mang tính chủ động, đồng thời không gian dữ liệu được bảo vệ. Việc tổ chức quản trị và sự tham gia của người dân đang tạo ra xu hướng và làm gương cho các quốc gia khác.
Theo tầm nhìn của Chương trình nghị sự số 2030, Estonia nên có đầy đủ sức mạnh kỹ thuật số. Điều này bao gồm những điều sau:
- Cách sống rất ấn tượng, tức là dễ dàng đạt được những gì mọi người cần hoặc muốn;
- Mọi người được bảo vệ bởi sức mạnh của số hóa, tức là cuộc sống số an toàn và mọi người đạt được những tiến bộ táo bạo trong phát triển kỹ thuật số;
- Nền kinh tế được nâng cao bởi số hóa, tức là các giải pháp kỹ thuật số là động cơ của toàn bộ nền kinh tế;
- Được hỗ trợ bởi sức mạnh của số hóa, tức là người dân được coi trọng;
Để thực hiện tầm nhìn, các mục tiêu cụ đã được đặt ra trong Chương trình nghị sự số này thì các lộ trình hành động đã được hoạch định trong ba lĩnh vực:
- Sự phát triển của chính phủ số, tức là việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật số trong khu vực công dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển của xã hội Estonia. Mục tiêu chính là hỗ trợ người dân đạt được trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng các dịch vụ công;
- Sự phát triển của giao tiếp và thông tin điện tử, mục tiêu chính là sự sẵn có của các kết nối nhanh chóng và giá cả phải chăng trên khắp Estonia.
- Sự phát triển của an ninh mạng quốc gia, đây là mục tiêu giữ cho không gian mạng Estonia an toàn và đáng tin cậy, bao gồm việc cung cấp an ninh mạng trong khu vực công và rộng hơn là trong nền kinh tế.
Việc thực hiện và cập nhật Chương trình nghị sự số này và sự phù hợp với các kế hoạch phát triển khác được bảo đảm bởi tổ chức quản lý có nhóm chỉ đạo ở trung tâm, do Bộ trưởng chịu trách nhiệm về sự phát triển của xã hội số. Một ủy ban cố vấn bao gồm các cơ quan nhà nước và các đối tác khác chỉ đạo việc hoàn thành các mục tiêu phụ của Chương trình nghị sự này. Ngoài ra, Hội đồng An ninh mạng với tư cách là một phân nhóm của một ủy ban chính phủ tổ chức hợp tác, lập kế hoạch hoạt động và thực hiện giám sát.
Hình 1. Tầm nhìn xã hội số năm 2030 của Estonia
(2) Nhiều việc làm hơn
Tăng cường sử dụng các công nghệ số thông minh để tạo ra nhiều công việc có giá trị gia tăng cao trong cả lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp khác. Liên tục cải tiến các kỹ năng về công nghệ số giúp người dân duy trì công việc của họ và nếu trong trường hợp họ bị mất việc, họ có thể chấp nhận những thách thức mới trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đa dạng hóa việc sử dụng công nghệ số đã giúp ngành giáo dục được linh hoạt hơn, bao gồm cả đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, kiến thức trong suốt cuộc đời.
(3) Tăng năng suất
Sử dụng rộng rãi công nghệ số trong phần lớn các ngành công nghiệp đã nâng năng suất của các doanh nghiệp Estonia lên mức xấp xỉ 80% mức trung bình của các nước Châu Âu trong chiến lược cạnh tranh, từ đó phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông minh hơn. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số để tái cấu trúc và tăng hiệu quả của các quy trình kinh doanh đã góp phần vào sự tăng trưởng trong sản xuất, năng lượng và chăm sóc sức khỏe.
Bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu về chính phủ điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân trong các kho dữ liệu chính phủ của Estonia đã mang đến lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế tại Estonia. Estonia có hệ thống pháp luật chặt chẽ để phát triển chính phủ điện tử như: Đạo luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 1996; Đạo luật Lưu trữ dữ liệu năm 1998; Đạo luật Chữ ký số năm 2000; Đạo luật Thông tin công năm 2001; Đạo luật Dịch vụ xã hội thông tin năm 2004; Đạo luật Truyền thông điện tử năm 2004 và Đạo luật Mua sắm công năm 2007.
Triển khai xây dựng các giải pháp sản xuất thông minh như xây dựng thông minh và giao thông thông minh bền vững, tiết kiệm cho cả doanh nghiệp và cá nhân.
Estonia đã trở thành nơi để phát triển, thử nghiệm và đưa ra thị trường các giải pháp kỹ thuật số sáng tạo. Trung tâm phát triển quốc tế, công ty khởi nghiệp nước ngoài, chuyên gia và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đến Estonia để tạo ra các giải pháp thông minh mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghiệp, năng lượng, giáo dục…
Để hỗ trợ các hoạt động truyền bá thông tin về Estonia như một xã hội thông tin phát triển thì Estonia là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp chỗ ở ảo cho những người muốn sử dụng dịch vụ điện tử của Estonia. Với dịch vụ điện tử của mình, Estonia đã trở nên nổi tiếng trên thế giới giống như Thụy Sĩ trong lĩnh vực ngân hàng.
Kết luận
Estonia được xếp hạng đầu tiên trong nhiều so sánh quốc tế (ví dụ: xếp hạng DESI của các Quốc gia Thành viên EU hoặc Điểm chuẩn Chính phủ điện tử, Khảo sát Chính phủ Điện tử của Liên hợp quốc,...). Điều khác biệt tạo nên sự thành công của Estonia trong chuyển đổi số là tạo ra niềm tin cho người dân vào chính phủ của mình. Chính phủ Estonia đã xây dựng lòng tin của mình bằng những bước đi nhỏ nhưng mang tính quyết định trong gần 30 năm qua. Từ những năm 90, Estonia đã xây dựng các sáng kiến như: mang máy tính đến mọi trường học của Estonia; bầu cử điện tử (e-voting); y tế điện tử (e-health); thẻ công dân điện tử eID; cơ sở hạ tầng đám mây điện toán chính quyền (Government cloud); chia sẻ thông tin an toàn X-Road…) để tăng cường sự tin tưởng của người dân vào chính phủ, cải thiện cuộc sống và nâng cao năng suất lao động.
Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
[1] Estonia’s Digital Agenda 2030
file:///C:/Users/TRANG%20CSHTTT/Downloads/Digi%C3%BChiskonna%20arengukava_ENG.pdf