Đang xử lý.....

Chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số của một số quốc gia trên thế giới  

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ số, Internet of Things, trí tuệ nhân tạo... trên thế giới vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm đáp ứng một cách nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả, có chất lượng mọi nhu cầu của người dân. Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đã và đang phá vỡ, làm thay đổi cấu trúc sản xuất, kinh doanh, cách thức/phương thức quản trị truyền thống của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tạo ra một thị trường lao động mở, xóa nhòa khoảng cách, ranh giới về không gian, thời gian giữa các quốc gia, khu vực.
Thứ Tư, 07/09/2022 661
|

Do đó, thị trường hàng hóa, dịch vụ nói chung và thị trường lao động nói riêng sẽ là thị trường mở mang tính toàn cầu, luôn biến động, khó dự đoán. Trong những năm tới đây, khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng trên thế giới, đồng thời CMCN 4.0 diễn ra toàn diện, mạnh mẽ hơn, chắc chắn việc dự báo nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin cũng như dự báo xu hướng xuất hiện các ngành nghề hoặc lĩnh vực mới liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng, thực hiện các chiến lược chính sách để chủ động khai thác lợi ích và vượt qua thách thức từ CMCN 4.0, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của một số quốc gia trên thế giới

Theo kết quả dự báo của tập đoàn tư vấn Boston-BCG Hoa Kỳ thì tăng trưởng sản xuất nhờ CMCN 4.0 tạo ra khoảng 1,3 đến 3,1 triệu việc làm mới. Trong số đó, đa số các lĩnh vực hoặc ngành nghề đều có sự gia tăng về việc làm như sản xuất điện tử, máy tính... Tuy nhiên, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo trong thười kỳ CMCN 4.0, một số lĩnh vực/ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông trong đó bao gồm lắp ráp linh kiện điện tử... có khả năng bị máy móc thay thế.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), hãng công nghệ CISCO của Hoa Kỳ khu vực ASEAN đã công bố kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của Trí tuệ nhân tạo (AI) đến việc làm, theo đó trong 10 năm tới đây, dự báo AI sẽ tạo thêm 4,5 triệu việc làm mới tại khu vực ASEAN. Trong số 630 triệu dân ASEAN sẽ có khoảng 28 triệu người (tương đương 10,2% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng công việc do AI. Cụ thể là: (1) Singapore là quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất với khoảng 21% lực lượng lao động; (2) tiếp theo là Việt Nam với 13,8%; (3) Philippines đứng thứ ba với khoảng 10%; (4) Tiếp theo lần lượt là Indonesia 8%; Malaysia 7,4%; Thái Lan 2%... Trong đó, Singapore và Hàn Quốc đã có những chính sách quyết liệt, tập trung thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT:

Hình 1. So sánh các chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Singapore và Hàn Quốc

1. Tại Singapore, Singapore là quốc gia có diện tích nhỏ, dân số không đông (gần 5,6 triệu người năm 2018), tài nguyên thiên nhiên ít, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0%. Singapore là nền kinh tế phát triển, có môi trường kinh doanh mở, tham nhũng thấp, minh bạch tài chính cao, giá cả ổn định, và là một trong những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới (đạt 101.531$ (PPP) năm 2018) và chỉ số HDI đạt 0,935. Nguồn nhân lực Singapore nói chung và nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng được đánh giá có trình độ và chất lượng cao so với các nước trong khu vực và nằm trong nhóm 10 nước đi đầu thế giới trong ứng dụng CNTT, thương mại điện tử, chính phủ điện tử (CPĐT). Chính phủ Singapore đã có tầm nhìn dài hạn cho chiến lược phát triển và ứng dụng CNTT và được triển khai bằng các kế hoạch cụ thể và các kế hoạch của Singapore luôn có sự kế thừa, kế hoạch sau là sự tiếp nối của kế hoạch trước. Nhân tố chính để triển khai các kế hoạch là con người - nguồn nhân lực quyết định. Để phát triển được nguồn nhân lực CNTT, Chính phủ Singapore đưa ra các chính sách, trong đó:

Đầu tiên là, dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia: Chính phủ Singapore xây dựng Hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia đảm bảo tính kết nối thông suốt về thông tin giữa các cơ quan Chính phủ. Hệ thống này có nhiệm vụ dự báo nguồn nhân lực CNTT theo các năm, giai đoạn thông qua việc đánh giá thị trường lao động CNTT và xu hướng phát triển CNTT trong những năm tới. Điều này giúp cho việc định hướng đào tạo nguồn nhân lực CNTT trong tương lai, tránh việc đào tạo không theo kịp yêu cầu xã hội.

Thứ hai, Giáo dục và đào tạo vốn được đặc biệt coi trọng ở Singapore, lại tiếp tục được nhận thức như là chìa khóa để củng cố nhân lực, phát triển đất nước. Chính phủ Singapore đã thực hiện những bước đi trọng tâm trong giáo dục để phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Chính phủ Singapore đã dành một khoản đầu tư rất lớn để phát triển giáo dục. Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Singapore đã xây dựng một hệ thống trường cao đẳng nghề, trường đại học quy mô lớn và khuyến khích các công ty tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Hệ thống đào tạo CNTT của Singapore chia làm hai bộ phận, (i) Hệ thống đào tạo chính quy gồm các trường cao đẳng, đại học và viện khoa học, đào tạo những kỹ sư CNTT; (ii) Hệ thống đào tạo phi chính quy gồm các khóa học ngắn hạn, chuyên ngành được cung cấp bởi các trường học, trung tâm, và hiệp hội. Ngoài ra, Singapore đã xác định 20 chuyên ngành CNTT để đào tạo chính thức. Việc xác định được các chuyên ngành CNTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả người học và cả nhà tuyển dụng. Thêm vào đó, Singapore còn xác định được các chuẩn chương trình đào tạo CNTT, ưu điểm của các chương trình chuẩn này cho phép cập nhật những công nghệ mới nhất và nhanh nhất.

Thứ ba, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực tài năng bài bản nhất thế giới. Quốc gia này coi việc thu hút nhân tài là chiến luợc ưu tiên hàng đầu. Chính phủ Singapore đã xây dựng chính sách sử dụng người nhập cư hay còn gọi là chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài như đòn bẩy về nhân khẩu để bù vào sự thiếu hụt lực lượng lao động người bản địa. Nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chất lượng tốt ở nuớc ngoài được tuyển dụng một cách tích cực và có hệ thống bổ sung cho những khu vực còn hạn chế của nguồn nhân lực trong nước. Chính phủ Singapore miễn xét thị thực cho du học sinh quốc tế, không đòi hỏi phải chứng minh tài chính, chi phí học tập vừa phải, môi trường học tập hiện đại, các ngành nghề đào tạo đa dạng.

2. Tại Hàn Quốc, Hàn Quốc cũng đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của ngành CNTT, việc thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và hạ tầng CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển là những thách thức lớn của Hàn Quốc giai đoạn đó. Trước đây, với tốc độ phát triển của CNTT, Chính phủ Hàn Quốc dự báo nhu cầu cho nhân lực CNTT cho quốc gia được xác định vào khoảng 1 triệu lao động CNTT vào năm 1998; năm 2003 khoảng 1,4 triệu lao động CNTT và đến năm 2010 khoảng gần 2 triệu lao động lao động CNTT. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã dự báo khủng hoảng nhân lực CNTT trình độ kỹ sư hoặc cao hơn sẽ xảy ra vào giai đoạn 2000-2004. Ở giai đoạn này, riêng ngành công nghiệp phần mềm cần hơn 20.000 lao động có trình độ kỹ sư và hơn 3.000 lao động có trình độ tiến sĩ. Để giải quyết những khó khăn này, Hàn Quốc đã ban hành các chính sách sau:

Đầu tiên, Hàn Quốc mở rộng hệ thống đào tạo CNTT ở bậc Đại học và Tiến sĩ, Chính quyền Hàn Quốc đã hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, mở rộng quy mô cho các trường đào tạo CNTT.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng đào tạo CNTT, chính quyền Hàn Quốc còn hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo CNTT tiên tiến, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển về CNTT, và đào tạo giáo viên CNTT cho hệ thống giáo dục đại học. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại trường học như cấu trúc lại nội dung về phát triển nội dung thông tin số trong chương trình môn học, hỗ trợ phát triển các khoá học ảo, học qua mạng.

Thứ ba, Hàn Quốc chú trọng hoạt động đào tạo gắn liền với quá trình công nghiệp. Cải thiện mối liên hệ giữa ngành công nghiệp và các cơ sở đào tạo, các trường cao đẳng kỹ thuật và các trường đại học.

Thứ tư, tuyên truyền về CNTT, hỗ trợ cho việc ứng dụng CNTT trong cộng đồng để chuẩn bị các kiến thức CNTT cho cộng đồng nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT lâu dài.

Thứ năm, xây dựng các chương trình phát triển nhân lực CNTT, bố trí ngân sách dồi dào cho việc đào tạo nhân lực CNTT và giao trách nhiệm cho cơ quan liên quan hực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền Hàn Quốc cũng hỗ trợ cho việc đào tạo lại lao động CNTT hiện có để tăng năng suất và hiệu quả làm việc của họ.

Thứ sáu, cấp học bổng cho nguồn nhân lực nước ngoài, các học bổng cao học và tiến sĩ, mời các giáo sư nổi tiếng của nước ngoài hợp tác làm việc.

Thứ bảy, Hàn Quốc đã kêu gọi đầu tư của xã hội vào công tác phát triển nguồn nhân lực.

Kết luận

Nguồn nhân lực được xem là một trong những tài sản quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào, có thể nhìn vào sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, một đất nước để hiểu được sự quan tâm, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực của quốc gia đó. Vì vậy, Singapore và Hàn Quốc đều có những chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia thông qua một hệ thống các chính sách, các kế hoạch, chương trình hoạt động dựa trên những nguồn lực hiện có để hướng đến việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Như vậy, nhờ vào những quyết sách quyết liệt, chính xác mà Singapore và Hàn Quốc đã lập kế hoạch và xây dựng các chương trình đào tạo CNTT hợp lý để phát triển nguồn nhân lực CNTT. Với đội ngũ nhân lực mạnh mẽ, Singapore và Hàn Quốc đã phát triển mạnh ngành CNTT trên thế giới và trở thành những quốc gia phát triển như hiện nay.

Tại Việt Nam, Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, đã xác định:

(1) Quan điểm “Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

(2) Mục tiêu “Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương”.

Mục tiêu từ nay đến hết năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông chính là xây dựng một đội ngũ, lực lượng nòng cốt hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, là mạng lưới để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia rộng khắp, từ cấp xã, cấp huyện, từ những vùng sâu, vùng xa, khu vực hải đảo.

Nguyễn Phương Nhung

Tài liệu tham khảo

http://hdr.undp.org/en/data