1. Mở đầu
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang giúp kinh tế số phát triển với tốc độ nhanh, tác động sâu rộng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp. Kinh tế số toàn cầu được dự báo đạt 25% GDP vào năm 2025. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch Covid-19, các nền tảng kinh tế số có điều kiện để tăng trưởng mạnh nhờ ưu thế vượt trội trong việc thích nghi với các cú sốc về kinh tế - xã hội
2. Nội dung
Để thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế số phát triển, các nước đã tập trung triển khai những chính sách, biện pháp sau:
a) Phổ cập Internet và khuyến khích các hoạt động trực tuyến.
(i) Hàn Quốc thiết lập mạng lưới Internet khu vực công; hỗ trợ khu vực tư nhân, nhất là duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giảm các trở ngại đối với các doanh nghiệp phát triển kinh tế số (Samsung là một trong những công ty chủ lực phát triển mạng 5G). Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ thông tin cá nhân, thực hiện chữ ký trực tuyến trong thương mại điện tử, sử dụng công nghệ mã hóa và các phần mềm khác nhau cho dịch vụ ngân hàng trực tuyến, mua sắm …;
(ii) Trung Quốc triển khai các chính sách như “Internet Plus” (năm 2015), “kế hoạch hành động 3 năm phát triển Inernet kết hợp với trí tuệ nhân tạo” (năm 2016) nhằm tích hợp internet, điện toám đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT) với các ngành sản xuất truyền thống và người tiêu dùng; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp internet mới; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tăng cường tham gia hoạt động trực tuyến với mục tiêu đến cuối năm 2020 đạt tổng doanh thu trên 900 tỷ USD… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung Quốc đã ban hành 19 biện pháp cải thiện môi trường tiêu dùng, trong đó đẩy nhanh việc thiết lập hệ sinh thái tiêu dùng thông minh.
(iii) Singapore ban hành sáng kiến Quốc gia thông tin (Smart Nation năm 2014) hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới; phát triển hệ thống cáp quang và mạng 4G (nằm trong nhóm đầu các quốc gia có tốc độ kết nối 4G nhanh nhất thế giới). Qua đó thúc đẩy người dân chuyển dần hoạt động vào không gian kỹ thuật số (hiện có 80% dân số sử dụng Internet). Dự kiến Singapore sẽ triển khai mạng di động 5G trong năm 2020 và đặt mục tiêu phủ sóng một nửa đất nước vào cuối năm 2022;
(iv) Liên minh Châu Âu (EU) xây dựng kế hoạch ban hành chính sách về phát triển kinh tế số, trọng tâm là lĩnh vực y tế, giáo dục, Chính phủ điện tử, chia sẻ dữ liệu (thành lập 9 cơ sở dữ liệu chung EU) và kết nối băng thông rộng (đến cuối năm 2020, EU sẽ khai thác công nghệ 5G). Đồng thời, EU tăng cường thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp đi vào hoạt động trên nền tảng công nghệ và không gian mạng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý, điều tiết thị trường, …
b) Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và phát triển nguồn nhân lực tạo tiềm lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế.
(i) Hàn Quốc ban hành chiến lược i-Korea, lấy con người làm cốt lõi, tập trung phát triển công nghệ cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng hệ thống mạng và R&D (đầu tư nghiên cứu các dự án khoa học trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa các dự án ứng dụng vào thực tiễn). Bên cạnh đó, Hàn Quốc định hướng tầng lớp trẻ tiếp cận với công nghệ cao từ sớm, xây dựng các chương trình đào tạo công nghệ, kỹ năng.
(ii) Mỹ xây dựng hệ thống R&D tập trung vào các nền tảng công nghiệp kỹ thuật số và các công nghệ cơ bản như Big Data và Internet vạn vật (IoT). Năm 2017, đầu tư 484 tỷ USD, chiếm khoảng 25% R&D toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy khu vực tư nhân đi đầu về đổi mới kỹ thuật số.
(iii) Đức xây dựng “Chiến lược công nghệ cao” với các định hướng trung hạn cho R&D, trong đó, hàng năm đầu tư 2,98% GDP cho R&D. Bên cạnh đó, Đức triển khai các chính sách tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với kinh phí 2,5 tỷ EUR…
(iv) Châu Âu triển khai chiến lược thị trường kỹ thuật số năm 2015, chiến lược công nghiệp tháng 01/2020, trong đó thực hiện hỗ trợ 80 tỷ EUR trong giai đoạn 2014-2020 cho các dự án R&D; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ 6G, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo liên quan AI…
(v) Trung Quốc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nghiên cứu về công nghệ, trong đó ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò cấp vốn trực tiếp cho hoạt động R&D dưới dạng tín dụng hoặc thông qua các quỹ có quy mô từ 3-21 tỷ USD. Từ năm 2016 đến nay, đầu tư R&D của Trung Quốc liên tục ở mức 2% GDP và chiến hơn 2% đầu tư R&D toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc chú trọng phát triển nguồn nhân lực nền tảng số như yêu cầu các trường xây dựng chương trình đào tạo về những lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trong giảng dạy…
c) Xây dựng chính phủ điện tử phù hợp với những thay đổi về phương thức giao tiếp, hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
- Hàn Quốc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn quốc, hàng năm đầu tư 1% ngân sách cho chính phủ điện tử. Trong đó tập trung vào 3 mảng dịch vụ chính gồm Chính phủ với công dân (G2C), Chính phủ với doanh nghiệp (G2B), Chính phủ với Chính phủ (G2G). Hàng ngàn dịch vụ công đã được số hóa, trong đó, một số hệ thống phát huy hiệu quả cao như thuế điện tử quốc gia, cổng dịch vụ dân sự, thông tin logistic, giao thông thông minh, tự đọng hóa đăng ký sở hữu trí tuệ công nghiệp, thông quan điện tử, …
- Singapore xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tích hợp tất cả các dịch vụ hành chính công của các bộ, ngành tạo thuận tiện cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.
- Pháp xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống liên kết định danh quốc gia cho phép kết nối giữa các dịch vụ công trực tuyến.
- Trung Quốc ban hành các chính sách như “Ý kiến về tăng cường và cải thiện quản lý dự án Chính phủ điện tử (năm 2013), “cải cách chính phủ điện tử năm 2016” nhằm đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới (nhận diện khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ, AI, …) vào việc nâng cấp chính phủ điện tử, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận dịch vụ công thuận tiện hơn và mở ra thị trường trị giá 38 tỷ USD.
d) Phát triển thương mại điện tử, thành phần quan trọng nhất của kinh tế số
- Hàn Quốc ban hành Luật Thương mại điện tử; xây dựng chiến lược kinh doanh thương mại điện tử, thực hiện hỗ trợ kích hoạt xuất khẩu trực tuyến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc năm 2019 đạt 109,3 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2018. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hàn Quốc triển khai các chính sách với ưu tiên “tăng trưởng đổi mới” và “tăng trưởng lấy thu nhập làm chủ đạo”, trong đó thông qua khoản ngân sách năm 2020 với quy mô 430 tỷ USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và đổi mới sáng tạo, nhất là sản xuất thiết bị công nghệ cao, dữ liệu lớn, mạng 5G, AI, …
- Châu Âu triển khai thực hiện chiến lược thị trường kỹ thuật số từ năm 2015, trong đó thương mại điện tử là lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trên khắp Châu Âu và xóa bỏ sự khác biệt giữa kinh tế thực và kinh tế số.
- Trung Quốc ban hành nhiều đạo luật để hỗ trợ phát triển thương mại điện tử như Luật chữ ký điện tử, Luật Thương mại điện tử, Luật Nhãn hiệu hàng hóa, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa thành thị và nông thôn, thực hiện ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động về thương mại điện tử tại những vùng kém phát triển trong nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung Quốc thành lập thêm 46 khu giao dịch thương mại điện tử liên biên giới để khuyến khích buôn bán hàng hóa ra nước ngoài với nhiều chính sách hỗ trợ như miễn thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu dùng với hàng xuất khẩu, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng và chia sẻ nhà kho ở nước ngoài…
đ) Phát triển thanh toán điện tử phù hợp với phương thức kinh doanh, giao dịch mới của nền kinh tế số.
- Trung Quốc ban hành chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế số và cơ chế thanh toán điện tử như kế hoạch “phát triển các ngành công nghiệp mới nổi, công nghệ điện toán đám mây”; thành lập Công ty thanh toán bù trừ mạng lưới nhằm điều tiết, kết nối hoạt động thanh toán trực tuyến, thẻ tín dụng, điện thoại di động, chuyển khoản…; đặc biệt đã tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng thanh toán điện tử trong giao dịch.
Kỷ nguyên thanh toán phổ biến bằng tiền mặt ở Trung Quốc dường như đang dần đi đến hồi kết. Hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng dường như cũng đang dần trở thành quá khứ. Người dân Trung Quốc ngày càng chuộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như quét mã QR,thanh toán bằng ví điện tử. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng cơ bản đều cho phép thanh toán di động. Hai ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến nhất hàng ngày tại Trung Quốc là WeChat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba. Đây là loại hình thanh toán dùng ví điện tử qua điện thoại di động, đòi hỏi người dùng phải đăng ký bằng tên thật, kết nối với tài khoản ngân hàng. Tại các ngân hàng, nhân viên có thể hỗ trợ khách hàng toàn bộ quá trình liên kết và kích hoạt ví điện tử. CNBC nhận định ít quy định quản lý và hệ thống tài chính kém phát triển cũng là những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc vượt các nước phát triển về thanh toán di động. Quy mô thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, lên 5.570 tỷ USD năm 2016. Con số này gấp gần 50 lần so với Mỹ. Nhiều nước, như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, cũng không còn dùng nhiều tiền mặt, nhưng vẫn chuộng thẻ.
Tốc độ tăng trưởng thanh toán di động nhanh tại Trung Quốc được hỗ trợ nhờ lượng người dùng smartphone đông đảo. Ở thời điểm giữa năm 2017, WeChat có khoảng trên 960 triệu người dùng và Alipay có 520 triệu người dùng. Theo một số nghiên cứu, dự đoán quy mô thanh toán điện tử tại Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần lên 300.000 tỷ RMB năm 2021. Theo nhận định của giới chuyên gia, tỷ lệ dân số sử dụng internet qua di động và thương mại điện tử cao, cùng thị trường tài chính truyền thống kém phát triển sẽ là các động lực thúc đẩy tăng trưởng thanh toán di động cao ở Trung Quốc.
- Hàn Quốc tạo môi trường thuận lợi để chính phủ và tư nhân (các hãng công nghệ, công ty thẻ tín dụng…) triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử, đặc biệt là đã mở cửa mạng lưới thanh toán liên ngân hàng đối với các công ty tài chính phi ngân hàng để thúc đẩy phát triển những sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại.
- Singapore tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích phát triển các công nghệ mới, qua đó trở thành thị trường thanh toán điện tử lớn nhất ASEAN với chỉ số thanh toán điện tử đạt 60%.
Singapore là thị trường thanh toán điện tử (TTĐT) phát triển mạnh nhất trong các nước ASEAN, với tỷ lệ dân số sử dụng internet khoảng 80% và năm 2015, chỉ số TTĐT của nước này ở khoảng 56%-57%. Singapore là nước nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới với số người sử dụng ví điện tử (VĐT) đã tăng gấp đôi trong năm 2015 và chiếm tới 23% trong tổng dân số của nước này, hay chiếm hơn 41% trong tổng số người mua sắm trực tuyến.
Singapore là một trong những nước áp dụng thanh toán điện tử đầu tiên trên thế giới. Các hoạt động thanh toán điện tử phát triển với tốc độ khá nhanh. Tuy nhiên, đến nay Singapore vẫn thua kém nhiều nước khác, cụ thể như Trung Quốc, về việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử. Hầu hết mọi người ở Singapore đều có điện thoại thông minh, nhưng cứ 10 người thì lại có 9 người vẫn muốn trả tiền cho các giao dịch hằng ngày theo cách cũ bằng tiền mặt. 43% số người Singapore tham gia khảo sát cho biết rằng họ sử dụng tiền mặt nhiều nhất, gần gấp đôi so với con số 25% ở Trung Quốc. Lý do là Singapore có nhiều chương trình thanh toán điện tử, nhưng thiếu sự kết nối, liên thông giữa các hệ thống thanh toán này, do vậy gây nhiều phiền toái, rõ nhất là người dân phải mang theo nhiều thẻ và các doanh nghiệp cũng phải chi phí tốn kém để cài đặt nhiều hệ thống.
Chủ trương để biến Singapore thành một xã hội không tiền mặt được nhất trí là cần đơn giản hóa và hợp nhất các hệ thống thanh toán khác nhau. Để đẩy nhanh lộ trình, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore đã triển khai sáng kiến với 2.000 hệ thống POS (các máy chấp nhận thanh toán thẻ để khách hàng quẹt thẻ) thanh toán đồng nhất tại hơn 650 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Những POS này hỗ trợ nhiều lựa chọn thanh toán khác nhau, trong đó có cả dịch vụ thanh toán Samsung Pay và Apple Pay. POS có ưu điểm gọn nhẹ chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ, có thể dễ dàng lắp đặt nhiều nơi. Thêm nữa, chính phủ Singapore đang lập kế hoạch phát triển một hệ thống thanh toán nhanh, sử dụng một mã QR chung (một dạng mã có thể được quét bằng điện thoại thông minh) để thực hiện TTĐT trên toàn quốc. Nhóm công tác chịu trách nhiệm về vấn đề này do Ủy ban tiền tệ Singapore và Ủy ban phát triển Truyền thông thông tin Singapore (Infocomm Media Development Authority) điều phối và bao gồm các bên liên quan như ngân hàng, chương trình thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán QR và các cơ quan chính phủ. Trên thực tế mã QR cung cấp một giải pháp thay thế rẻ hơn và ít cơ sở hạ tầng hơn so với các chương trình thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Do vậy, hiện nay mã QR ngày càng được sử dụng nhiều trong TTĐT, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Hưởng ứng chủ trương thúc đẩy thanh toán điện tử của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều sáng kiển đổi mới. Công ty công nghệ Razer đề xuất sáng kiến thanh toán điện tử thống nhất (unified e-payment). Giải pháp được đưa ra là sử dụng RazerPay, một loại hình ví điện tử dựa trên công nghệ đám mây, có thể triển khai thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, từ một thẻ VSF (Stored Value Facilities - phương tiện lưu trữ giá trị) đến một ứng dụng ví di động, một con chíp hoặc nhiều hình thức khác nữa. Công ty ứng dụng đặt xe Grab đặt mục tiêu triển khai hệ thống thanh toán QR của mình tại 1.000 gian hàng bán lẻ và những thương nhân nhỏ vào cuối 2017. Hãng thanh toán Nets cũng công bố kế hoạch triển khai ví di động NetsPay, có thể số hóa thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ ATM của sáu ngân hàng, giúp giảm thiểu rắc rối cho người dùng do nhu cầu tải xuống nhiều ứng dụng di động. Giải pháp này cho phép người sử dụng thực hiện các thanh toán trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của họ bằng cách quét mã QR sử dụng điện thoại thông minh cá nhân hoặc bằng việc vuốt không tiếp xúc nếu thiết bị trong phạm vi cho phép thực hiện giao thức kết nối không dây tầm ngắn (NFC). Mạng lưới của Nets hiện đang có khoảng 10 triệu thẻ ATM, ngoài ra Nets còn hỗ trợ chấp nhận các thẻ ATM của các ngân hàng DBS, OCBC Bank và United Overseas Bank. Các thẻ ATM của ngân hàng nước ngoài như HSBC, Maybank và Standard Chartered Bank cũng có thể được sử dụng tại 100.000 điểm bán lẻ chấp nhận thanh toán của Nets bằng cách khấu trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của người dân.
- Anh tạo điều kiên về chính sách như ban hành khung pháp lý thử nghiệm –sandbox, định hướng phát triển công nghệ theo hướng sáng tạo, an ninh, đơn giản hóa nhằm thu hút việc sử dụng thanh toán điện tử.
- Đặc biệt, hiện nay, nhiều quốc gia tích cực nghiên cứu, thử nghiệm tiến đến phát hành tiền kỹ thuật số (KTS) của ngân hàng trung ương (CBDC) đáp ứng yêu cầu dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại trong nền kinh tế số. Tháng 5/2020, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm thanh toán bằng đồng nhân dân tệ KTS tại Thẩm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Bảo Định. Tháng 3/2020, Hàn Quốc triển khai chương trình thí điểm tiền KTS và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2020. Tháng 01/2020 Anh, Canada, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Châu Âu (ECB) hợp tác với ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) nghiên cứu khả năng phát hành tiền KTS ở các nước này; Thái Lan hoàn thành 2 giai đoạn thử nghiệm tiền KTS và chuẩn bị bước sang giai đoạn 3 (đưa tiền KTS vào kết nối các hệ thống khác nhằm hỗ trợ chuyển tiền xuyên biên giới…).
e) Phát triển logistics và phân phối đáp ứng yêu cầu kinh doanh, tiêu dùng trong nền kinh tế số.
- Trung Quốc phát triển tổng thể và chuẩn hóa hệ thống vận chuyển, kho bãi, đóng gói, xử lý, phân phối và quản lý luồng thông tin liên quan, bảo đảm chính xác, an toàn, kịp thời. Đây là cơ sở cho sự phát triển của kinh tế số và là hỗ trợ quan trọng để duy trì danh tiếng của các nhà khai thác mạng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Tại Trung Quốc có những hình thức vận chuyển đa dạng như dịch vụ vận chuyển siêu nhanh (Shunfeng express), vận chuyển nhanh (Zhongtong express), vận chuyển những hàng nặng cồng kềnh (Debang express, Baishi express…) với chi phí tiết kiệm, có thể theo dõi đường đi của hàng hóa.
- Singapore triển khai sáng kiến Logistics thông minh nhằm tận dụng các công nghệ mới trong khi vận hàng hóa toàn cầu để thúc đẩy các chuỗi cung ứng hiệu quả từ đầu đến cuối.
- Thái Lan ban hành Chương trình Thái Lan 4.0 để xây dựng mô hình kinh tế mới, phát triển sức mạnh nền kinh tế số, tạo ra sự chuyển biến lớn trong lĩnh vực logistics, trong đó triển khai mạng lưới logistics điện tử; thủ tục hải quan điện tử; trung tâm dịch vụ xuất khẩu một cửa – là một đơn vị liên kết của 14 tổ chức liên đới tới hoạt động xuất khẩu nhằm đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục xuất khẩu; thiết lập các trạm trung chuyển đa phương thức tại các nút vận chuyển chiến lược với các trang thiết bị hiện đại…
3. Tác động của việc triển khai chính sách kinh tế số tại các nước và biện pháp xử lý của các nước
a) Những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của các nước
- Tại Mỹ: Kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, đạt 2,1 nghìn tỷ USD, chiếm 10% GDP năm 2018 (đầu những năm 2000 chỉ chiếm 4% GDP), là lĩnh vực lớn thứ tư của kinh tế Mỹ, sau bất động sản, mua sắm Chính phủ và chế tạo. Kinh tế số duy trì mức tăng trưởng gần 10%/năm, góp phần tạo ra gần 6 triệu việc làm trực tiếp (chiếm 4% tổng số việc làm tại Mỹ) và gián tiếp hỗ trợ thêm 13 triệu việc làm khác. Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, doanh số bán lẻ liên tục tăng trưởng cao qua từng năm (2018 đạt 523,64 tỷ USD, 2019 đạt 601,75 tỷ USD, dự kiến 2020 đạt 709,78 tỷ USD tăng 18% so với 2019).
- Tại Hàn Quốc: Quy mô của nền kinh tế số năm 2019 đạt 166 tỷ USD (chiếm 11,9% GDP) và là một trong những nước có nền kinh tế số sôi động nhất thế giới với nhiều ngành công nghiệp triển khai các ứng dụng tiên tiến, sử dụng băng thông cao, có thể truy cập vào nhiều hệ sinh thái. Thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc đứng thứ 7 thế giới, thứ 3 Châu Á và có tỷ lệ thâm nhập thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cao nhất (72%). Năm 2019, các website bán hàng trực tuyến ở Hàn Quốc chiếm 42% doanh số bán lẻ của cả nước, trong đó có hơn 50% doanh số được giao dịch trên thiết bị di động. Hệ thống thanh toán trực tuyến tại Hàn Quốc phát triển, hỗ trợ thương mại điện tử (34% người dân sử dụng cổng thanh toán trực tuyến như Naver pay, Kakao Pay, Samsung Pay, Paypal, 24% sử dụng các ứng dụng thanh toán của ngân hàng trong mua sắm trực tuyến). Công nghệ thông tin và truyền thông phát triển ở mức độ cao (99,2% hộ gia đình có kết nối internet, mạng 5G sớm được đưa vào khai thác, tăng cường kết nối con người – hàng hóa, mang lại sự phát triển nhảy vọt cho B2C, B2B, G2B, G2G, …; AI trở thành bộ não tìm kiếm các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh).
- Tại Trung Quốc: Kinh tế số chiếm khoảng 6% GDP; thương mại điện tử chiếm hơn 40% giao dịch toàn cầu; số hóa đã tạo ra hàng triệu việc làm trong các lĩnh vực mới (nền tảng TMĐT của Alibaba đã tạo ra hơn 30 triệu việc làm; nền tảng taxi Didi – Trung Quốc Uber kết nối với 13 triệu tài xế, …). Đối với sản xuất, việc tự động hóa đã rút ngắn thời gian chế biến chế tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, riêng sản lượng do robot thực hiện trong lĩnh vực công nghệ chiến 5%. Bên cạnh đó, các công ty fintech của Trung Quốc chiếm hơn 70% tổng giá trị toàn cầu và đã mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều quốc gia trên nhiều lĩnh vực: thanh toán trực tuyến, Alipay và Wechatpay, hai ứng dụng thanh toán bên thứ ba phổ biến ở Trung Quốc đã có mặt tại 28 quốc gia và khu vực; Thương mại điện tử, Alibaba đã thiết lập nền tảng toàn cầu kết nối người bán và người mua từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các công ty Trung Quốc cũng đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và thanh toán của bên thứ ba ở các quốc gia khác bằng cách đầu tư vào các công ty địa phương như Pay TM ở Ấn Độ, Airwallex ở Úc và Lazada ở Đông Nam Á, …Điện toán đám mấy, Alibaba đã thiết lập 14 Trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, với doanh thu ở nước ngoài tăng 400%; về xuất khẩu công nghệ thông tin và truyền thông, Trung Quốc chiếm 32% giá trị toàn cầu.
- Tại ASEAN: Kinh tế số đạt 100 tỷ vào năm 2019, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 và dự báo đạt 300 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của khu vực (năm 2015 chiếm 1,4% GDP, 2019 chiếm 3,7% GDP, năm 2025 sẽ chiếm 8% GDP). Các lĩnh vực kinh tế số trọng điểm là du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, dịch vụ gọi xe công nghệ. Trong khu vực, Indonesia là nền kinh tế số lớn nhất (năm 2019 đạt 40 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 49%/năm và dự báo đạt 130 tỷ USD vào năm 2025). Người tiêu dùng am hiểu công nghệ, khoảng 150 triệu dân kết nối internet, 115 triệu dân sử dụng điện thoại thông minh. Nền kinh tế số Singapore đạt 12 tỷ USD năm 2019 với nhiều công ty công nghệ lớn đặt trụ sở tại đây như Grap, Sea Group, Go Bear, One Championship… do sự vượt trội về cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, khả năng thu hút nhân tài. Kinh tế số Thái Lan phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015-2019 là 29%; riêng năm 2019 đạt 16 tỷ USD, chiếm hơn 3% GDP và sẽ đạt 50 tỷ USD vào năm 2025. Lĩnh vực thương mại điện tử có tăng trưởng nhanh nhất (đạt 5 tỷ USD trong năm 2019, tăng 54% so với năm 2015, dự báo tăng lên 18 tỷ USD vào năm 2025)…
b) Các rủi ro tiềm ẩn của sự phát triển kinh tế số
- Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân: Nguy cơ về lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ trên các nền tảng kinh tế số có thể bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép phục vụ các mục đích, ý đồ khác nhau (xâm phạm quyền riêng tư, đánh cắp tiền, vi phạm bản quyền, vi phạm thương hiệu…)
- Vấn đề an ninh tài chính, tiền tệ: Các nền tảng sử dụng kinh tế số dễ trở thành mục tiêu của tội phạm công nghệ cao, có tổ chức, xuyên biên giới, nhất là các hành vi lừa đảo như sử dụng thẻ giả, trang web giả mạo để trục lợi, gian lận thương mại, …; các quy định pháp lý về thu thuế đối với một số lĩnh vực như thanh toán trực tuyến, kinh doanh online… chưa được hoàn thiện làm gia tăng hoạt động trốn thuế, chuyển giá.
- Tình trạng thất nghiệp của người lao động trình độ thấp có xu hướng gia tăng; Kinh tế số đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực và những thay đổi về chương trình, phương thức đào tạo nguồn nhân lực của quốc gia. Người lao động có trình độ thấp không đáp ứng được công việc sẽ dần bị thay thế bởi các tính năng mới như AI, tự động hóa, …
4. Kết luận
Kinh tế số có thể tạo ra nhiều giá trị hơn nếu thành công trong việc nuôi dưỡng các hệ sinh thái kỹ thuật số mới và đang nổi lên trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và hậu cần. Lợi ích của các ứng dụng kỹ thuật số đối với năng suất và hiệu quả trong từng lĩnh vực số hóa mới này đã được nhìn thấy. Ví dụ, trong lĩnh vực hậu cần, việc theo dõi phương tiện trong thời gian thực đã cho phép các chủ hàng giảm thời gian quay vòng của đội xe từ 50 đến 70 %. Tương tự, số hóa chuỗi cung ứng cho phép các công ty giảm lượng hàng tồn kho lên đến 20%. Nông dân có thể cắt giảm chi phí trồng lúa từ 15 đến 20% bằng cách sử dụng dữ liệu về điều kiện đất đai cho phép họ giảm thiểu việc sử dụng phân bón và các đầu vào khác./.
Đỗ Thị Thảo Hiền
1.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/824313/chien-luoc-phat-trien-nen-kinh-te-so-cua-phap--mot-so-goi-mo-doi-voi-viet-nam.aspx
2. https://tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-so-o-mot-so-quoc-gia-va-gia-tri-tham-khao-voi-viet-nam-132245