1. Sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore
Singapore đã khởi động chương trình Quốc gia thông minh vào năm 2014 nhằm tích hợp công nghệ vào cuộc sống hàng ngày và doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất và nâng cao mức sống chung của người dân Singapore.
Hình 1. Khung Quốc gia thông minh của Chính phủ Singapore
Với sáng kiến Quốc gia thông minh, Singapore mong muốn trở thành “một thành phố nổi bật trên thế giới… cho mọi người sinh sống, làm việc và vui chơi, nơi tinh thần con người thăng hoa”. Để đạt được điều này, Singapore đã ứng dụng mạnh mẽ sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI)… một cách có hệ thống để cải thiện cuộc sống của người dân.
Xây dựng Quốc gia thông minh giúp Singapore giải quyết 5 thách thức chính mà các quốc gia trên thế giới ngày nay đang phải đối mặt là mật độ dân thành thị cao, dân số già, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng, giao thông đô thị khó khăn và thiếu năng lượng.
2. Chính phủ Singapore đặt ra mục tiêu “Lấy kỹ thuật số làm cốt lõi và phục vụ bằng cả trái tim”
Số hóa là một yếu tố quan trọng, nhưng bản thân nó không phải là mục tiêu cuối cùng. Chính phủ Singapore xây dựng Quốc gia thông minh với mục tiêu “Lấy kỹ thuật số làm cốt lõi và phục vụ bằng cả trái tim” tức là là sử dụng dữ liệu, kết nối và tính toán một cách dứt khoát để người dân và doanh nghiệp giao dịch với chính phủ dễ dàng, liền mạch và an toàn.
(1) Đối với mục tiêu Lấy kỹ thuật số làm cốt lõi thì cán bộ, công chức của các cơ quan công quyền có trách nhiệm:
- Phát triển và thiết kế các chính sách tốt hơn thông qua việc tích hợp các dữ liệu và công nghệ số;
- Thực thi các quyết định và quy trình chất lượng cao một cách kịp thời, được hỗ trợ bởi dữ liệu và quy trình tự động hóa;
- Kết nối và cộng tác với các cơ quan công quyền khác một cách dễ dàng thông qua các phương tiện kỹ thuật số;
- Tích hợp các dịch vụ xung quanh nhu cầu của người dân và doanh nghiệp;
- Tăng cường tích hợp giữa chính sách, hoạt động và công nghệ;
- Xây dựng nền tảng dữ liệu và nền tảng số quốc gia;
- Vận hành các hệ thống đáng tin cậy, có khả năng phục hồi và bảo mật;
- Nâng cao năng lực kỹ thuật số để đổi mới;
- Tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới nhất.
(2) Đối với mục tiêu Phục vụ bằng cả trái tim thì người dân sẽ được hưởng lợi là:
- Có thể tìm kiếm các dịch vụ số dễ sử dụng và phù hợp với nhu cầu của họ;
- Có thể tận dụng sự tiện lợi về các giao dịch của chính phủ theo cách không cần giấy tờ, không cần hiện diện từ đầu đến cuối, mọi lúc, mọi nơi và trên mọi thiết bị;
- Chỉ cần cung cấp thông tin với các cơ quan công quyền một lần;
- Cảm thấy tự tin rằng dữ liệu của họ hoàn toàn được bảo mật.
Hình 2. Kế hoạch chi tiết về sự sẵn sàng của kỹ thuật số
Có 5 mục tiêu chính được chính phủ Singapore đặt ra trong hành trình “Lấy kỹ thuật số làm cốt lõi và phục vụ bằng cả trái tim”, đó là:
1. Sáng kiến xây dựng Khung nhận dạng kỹ thuật số quốc gia NDI (National Digital Identity)
Khung nhận dạng kỹ thuật số quốc gia NDI nhằm mục đích trang bị cho mọi người dân ở Singapore một danh tính số, là cơ sở dữ liệu thống nhất lưu giữ thông tin của công dân, được tích hợp với các hệ thống của chính phủ, cho phép các cơ quan, doanh nghiệp và công dân dễ dàng truy cập, tương tác và giao dịch trực tuyến một cách an toàn và thuận tiện. Hệ thống này được sử dụng từ năm 2020, hiện có 3,3 triệu người dùng.
Khung nhận dạng kỹ thuật số quốc gia NDI có khả năng lấy tín hiệu từ các sơ đồ nhận dạng số hiện có, một trong những hệ thống tiên tiến nhất ở Estonia. Khung NDI cung cấp cho người dân thẻ e-ID được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain, bảo mật bằng mật mã và cho phép người dân truy cập vào một loạt các dịch vụ khác nhau bao gồm dịch vụ công, dịch vụ tài chính, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế khẩn cấp. Thẻ ID số có được tích hợp các dịch vụ như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế quốc gia, xác nhận danh tính cho các dịch vụ ngân hàng và chăm sóc sức khỏe cũng như hộ chiếu khi đi du lịch… Với việc nhận dạng kỹ thuật số, công dân được cung cấp hai mã số nhận dạng cá nhân PIN (Personal Identification Numbers), một trong số đó có thể được sử dụng để xác thực danh tính của công dân và số còn lại để ký điện tử vào các tài liệu pháp lý.
2. Tăng cường hệ thống Thanh toán điện tử E-payment
Chính phủ Singapore đã phát triển một hệ thống thanh toán điện tử trên toàn quốc nhằm mang lại sự an toàn và tiện lợi cho người dùng. Việc áp dụng thanh toán điện tử sẽ cho phép người dân và doanh nghiệp giao dịch qua các nền tảng trực tuyến và di động một cách dễ dàng và an toàn, giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt trong xã hội Singapore. Một số dự án đang triển khai:
Thanh toán ngay (Pay Now) - Dịch vụ chuyển tiền ngang hàng dựa trên thiết bị di động cho phép công dân thực hiện thanh toán cho người dùng đã đăng ký chỉ bằng số điện thoại di động hoặc số Căn cước công dân NRIC (National Registration Identity Card) của người nhận.
Phát triển mã QR phổ biến - Cơ quan Tiền tệ Singapore MAS (Monetary Authority of Singapore) đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để phát triển mã QR được tiêu chuẩn hóa cho cả các chương trình thanh toán trong nước và quốc tế. Mã QR chung sẽ tạo điều kiện thanh toán cho các phương thức thanh toán khác nhau như ví điện tử và ngân hàng.
Chính phủ cũng có kế hoạch tung ra 25.000 thiết bị đầu cuối tại điểm bán hàng hợp nhất, sẽ chấp nhận tất cả các loại thẻ chính, bao gồm cả những thẻ không tiếp xúc và được nhúng trong điện thoại thông minh.
Cơ quan giao thông đường bộ LTA (Land Transport Authority) áp dụng hệ thống thanh toán hoàn toàn không dùng tiền mặt cho hệ thống giao thông công cộng của Singapore từ năm 2020. Theo đó, tất cả các chuyến xe buýt và xe lửa công cộng sẽ được thanh toán bằng thẻ du lịch và các khoản nạp tiền được thực hiện mà không cần sử dụng tiền mặt.
Lợi ích thu được:
- Các ngân hàng có thể hưởng lợi từ những khối lượng giao dịch lớn và phí của việc áp dụng thanh toán điện tử rộng rãi; và tận dụng các khoản phí này để mở rộng cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử cho các khoản thanh toán B2B (Doanh nghiệp với doanh nghiệp);
- Sự phổ biến của thanh toán điện tử cũng có thể thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs vốn chủ yếu sử dụng tiền mặt, thông qua các dịch vụ ngân hàng sẽ mang lại nhiều khách hàng và nguồn thu cho ngân hàng;
- Các nhà bán lẻ thì được hưởng lợi từ thanh toán ngang hàng P2P và mã QR để thúc đẩy khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt, loại bỏ sự kém hiệu quả trong việc xử lý tiền mặt như trộm cắp, chi phí nắm giữ và bảo mật.
3. Xây dựng Nền tảng cảm biến quốc gia thông minh SNSP (Smart Nation Sensor Platform)
Nền tảng cảm biến quốc gia thông minh SNSP được GovTech triển khai, sử dụng các cảm biến và các thiết bị Internet kết nối vạn vật IoT được triển khai trên toàn đất nước Singapore nhằm để thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu về mọi lĩnh vực, từ giao thông đến chất lượng nước nhằm tối ưu hóa các dịch vụ và bảo mật của chính phủ. Dự kiến, sang năm 2022, Chính phủ Singapore sẽ mở rộng dữ liệu cảm biến được thu thập thông qua nền tảng cảm biến trên toàn quốc để công chúng và doanh nghiệp sử dụng.
4. Xây dựng Giao thông đô thị thông minh
Với các sáng kiến giao thông đô thị thông minh, Chính phủ Singapore đã đặt mục tiêu tạo ra một hệ thống giao thông công cộng dựa trên dữ liệu và công nghệ số, bao gồm trí tuệ nhân tạo và các phương tiện tự hành. Theo Cơ quan giao thông đường bộ LTA, khách hàng có thể yêu cầu đón và trả khách từ các điểm dừng xe buýt được chỉ định trong khu vực hoạt động và xe buýt sẽ được định tuyến dựa trên dữ liệu. LTA đang tiến hành thử nghiệm các phương tiện tự hành trên một mạch thử nghiệm tại CleanTech Park và dự kiến sẽ sử dụng các phương thức giao thông công cộng tự hành vào năm 2022.
5. Xây dựng Sáng kiến MOL (Moments of Life)
Sáng kiến MOL là ứng dụng di động giúp chính phủ chuyển các dịch vụ phù hợp đến công dân một cách kịp thời. Sáng kiến này là một bước tiến mới của việc tích hợp các dịch vụ và thông tin mà người dân cần trên một nền tảng duy nhất. Với ứng dụng này, cha mẹ có thể đăng ký khai sinh cho con, xin trợ cấp sinh con, tìm kiếm trường mẫu giáo, truy cập hồ sơ y tế của trẻ và nhận thông tin về nuôi dạy con cái tùy theo địa phương. Giữa năm 2018, GovTech đã tung ra ứng dụng MOL cho phép các bậc cha mẹ đăng ký sinh con tại ba bệnh viện được chỉ định của chính phủ. Phụ huynh có con nhỏ có thể sử dụng ứng dụng để tìm các cơ sở mầm non gần đó, xem các thông tin về học phí và các thông tin về nuôi dạy con cái...
Kết luận
Thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng Quốc gia thông minh là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của chính phủ các nước trên thế giới. Chúng ta vẫn đang ở những ngày đầu của hành trình dài hướng tới Chính phủ số và Quốc gia thông minh. Chính phủ Singapore đã thành công trong việc xây dựng Quốc gia thông minh với mục tiêu “Lấy kỹ thuật số làm cốt lõi và phục vụ bằng cả trái tim”.
Ở Việt Nam hiện nay, để chuyển đổi số và xây dựng Quốc gia thông minh thì nhiệm vụ đặt ra không chỉ riêng một bộ phận cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, người dân mà là một nỗ lực của một quốc gia, dựa trên 3 trụ cột chính là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 là “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
[1] Digital Government, Smart Nation: Pursuing Singapore’s Tech Imperative (https://www.csc.gov.sg/docs/default-source/default-document-library/ethos_is21cd7ac43cfe724e49a7ed3b7211a31477.pdf
[2] Singapore’s Digital Transformation (file:///C:/Users/TRANG%20CSHTTT/Downloads/180515_insights_singapore_digital_transformation.pdf)
[3] A Singapore government that is digital to the core, and serves with heart
(https://www.tech.gov.sg/files/digital-transformation/dgb_booklet_june2018.pdf)