Đang xử lý.....

CHÍNH PHỦ PHILIPINES THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI DỰA VÀO TRÍ TUỆ NHÂN TẠO AI VÀ DỮ LIỆU SỐ  

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một công nghệ hứa hẹn sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của con người trong tương lai. Đây là chìa khóa giúp các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế các quốc gia nói chung mở ra những cơ hội bứt phá trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề hậu đại dịch Covid-19. Nắm bắt được xu thế đó, Philippines – một đất nước ở khu vực Đông Nam Á đang tích cực thúc đẩy đổi mới dựa vào trí tuệ nhân tạo và dữ liệu số.
Thứ Sáu, 11/11/2022 143
|

Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã nhấn mạnh rằng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu số có thể đưa nền kinh tế quốc gia này vượt qua những thách thức và phát triển vượt bậc sau đại dịch Covid-19. Những người được hưởng lợi trực tiếp từ việc này là các doanh nghiệp và người dân Philippines. Nhằm thúc đẩy nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, Chính phủ Philippines đã chỉ đạo Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) phải nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu, nâng cao trình độ công nghệ về AI và dữ liệu số, từ đó áp dụng những công nghệ tiên tiến này vào sâu hơn trong nền kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Để hiện thực hóa tham vọng trên, DTI đã triển khai Chiến lược công nghiệp đổi mới toàn diện (I3S) với sự tham gia của chính quyền các cấp và tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Chiến lược này được xây dựng qua các giai đoạn sau:

Trong giai đoạn đầu tiên, Chính phủ Philipines thực hiện số hóa khu vực công. Ngay từ những bước đầu, việc số hóa khu vực công của quốc gia này đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức có thể kể đến như: Chính phủ chưa áp dụng hiệu quả Big data vào các hoạt động ở khu vực công, do đó, người dân vẫn chưa nắm bắt được tầm quan trọng của việc số hóa khu vực công nói chung và dịch vụ công nói riêng; Chi phí của việc số hóa chính phủ đối với một quốc gia đang phát triển như Philippines vẫn đang là quá cao; Chất lượng nguồn dữ liệu chưa thực sự tốt kèm theo việc định dạng dữ liệu chưa được nhất quán, dẫn đến rất nhiều khó khăn cho việc tổng hợp dữ liệu. Tuy nhiên, để có thể mang lại những lợi ích cho cộng đồng, giúp người dân được hưởng những dịch vụ công với chất lượng cao như ở các nước phát triển, chính phủ Philipines đã và đang không ngừng cố gắng giải quyết từng vấn đề một. Cụ thể trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Philipines đã biến các thách thức thành cơ hội để tăng tốc trong công cuộc số hóa với nguồn dữ liệu dồi dào họ thu thập được từ chính những người họ phục vụ trong đại dịch. Đây cũng là thời điểm Chính phủ Philippines nâng cấp cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin nhằm đáp ứng kịp nhu cầu chuyển đổi số, từ đó xây dựng được một tổ chức có khả năng phản ứng nhanh trước tác động của đại dịch cũng như bất cứ những biến cố lớn có thể xảy ra trong tương lai. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các ban ngành sẽ giúp các việc phân tích dễ dàng hơn, từ đó đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời, cung cấp những dịch vụ công với chất lượng tốt nhất.

    Hình 01:  05 đặc trưng của dữ liệu lớn

Giai đoạn thứ hai trong chiến lược này của Philipines là sử dụng AI để phân tích dữ liệu trong khu vực công. Ông Amir Sohrabi (Phó chủ tịch khu vực, kiêm Trưởng bộ phận chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi và các nước đang phát triển Châu Á) cho biết: “Các cơ quan trong khu vực công là một hệ sinh thái phức tạp, việc xử lý thông tin trong khu vực này đòi hỏi mức độ tự động hóa ngày càng cao trong tương lai”. Là khu vực phục vụ gần như toàn bộ dân số của một quốc gia, số lượng dữ liệu trong khu vực công ngày càng tăng theo cấp số nhân. Do đó, việc phân tích và đưa ra quyết định của chính phủ cũng phải phát triển tương ứng. Vì vậy, việc đẩy mạnh đổi mới phân tích dữ liệu số và đưa ra dự đoán với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) là một nhiệm vụ cấp thiết của quốc đảo này.

Với việc nền kinh tế phát triển chóng mặt, dữ liệu và phân tích đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bằng việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như AI, Bigdata, điện toán đám mây v.v. vào tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình hoạt động của mình; nếu không có chuyển đổi số, một doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu và khó lòng có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tương lai.

Ngày nay, thế giới được vận hành bởi dữ liệu, dữ liệu ở mọi nơi, len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, công việc của chúng ta là sử dụng các công cụ kỹ thuật số để thu thập và phân tích chúng, sử dụng những kết quả phân tích để nâng cao hiệu suất kinh doanh và phát triển chính những công cụ kỹ thuật số lên một tầm cao mới. Ông Amir kết luận rằng: “Việc phân tích dữ liệu có thể giúp đạt được những mục tiêu kinh doanh cụ thể”, “Nó có thể biến thế giới dữ liệu thành thế giới thông minh”.

Sau khi số hóa dữ liệu, phân tích với sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật số như Trí tuệ nhân tạo (AI), Chính phủ Philippines áp dụng những thành tựu kể trên vào việc phát hiện, ngăn ngừa tội phạm. Khi những công việc lặp đi lặp lại và tốn thời gian đã được tự động hóa, khả năng giải quyết vấn đề và dự đoán được cải thiện thì việc phát hiện gian lận của chính phủ Philipines cũng sẽ được tự động hóa theo. Theo ông Gerard McDonnell (Giám đốc Giải pháp SAS khu vực Đông Nam Á): “Việc sử dụng AI để phát hiện gian lận đã tạo điều kiện cho các tổ chức mở rộng bảo mật nội bộ và làm cho hoạt động của tổ chức dễ dàng hơn.” Ở Philippines, chính phủ tập trung sử dụng AI vào phát hiện tội phạm trong các lĩnh vực như tài chính, y tế, an ninh, an sinh xã hội, quốc phòng và giáo dục. Chính phủ sẽ sử dụng nguồn dữ liệu đến từ các camera giám sát, camera giao thông, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như mạng xã hội, sau đó sử dụng AI để phân tích lượng dữ liệu khổng lồ trên từ đó đưa ra những dự đoán về xu hướng phạm tội, phát hiện xử lý vi phạm, từ đó đảm bảm an toàn cho xã hội. Với lĩnh vực tài chính nói riêng, khi nghi ngờ gian lận, AI sẽ đánh giá khả năng gian lận, từ chối hoàn toàn các giao dịch có nguy cơ cao hoặc “gắn cờ” chúng để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Đối với những giao dịch đáng ngờ đã được phát hiện, AI có thể phân tích và tìm ra nguyên nhân sai phạm. Trong quá trình các cơ quan có thẩm quyền đánh giá các giao dịch đáng ngờ, AI cũng có thể học hỏi, bổ sung kiến ​​thức để nâng cao khả năng phát hiện cũng như cải thiện sự chính xác trong phát hiện gian lận. Với những đặc tính ưu việt của mình, trí tuệ nhân tạo (AI) không những trở thành công cụ ngăn ngừa và phát hiện tội phạm, gian lận tài chính, trốn thuế đắc lực ở Philipines mà còn ở rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới.

 

        Hình 02: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truy tìm tội phạm từ hệ thống camera giám sát

Ở giai đoạn cuối cùng, chính phủ Philippines có thể sử dụng AI để đưa ra những quyết định kịp thời, xây dựng những chính sách tốt hơn, đơn giản hóa việc tiếp cận của người dân với dịch vụ công cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công. Mặc dù nắm trong tay công cụ có tiềm năng vô cùng to lớn, nhưng việc áp dụng vào thực tiễn thì không hề đơn giản. Thách thức đầu tiên mà chính phủ Philippines gặp phải đó là trình độ tiếp cận công nghệ của người dân không đồng đều. Nếu như Philippines muốn phát triển chính phủ số, những thông tin và dịch vụ công sẽ được đưa lên môi trường kỹ thuật số, ví dụ như app trên điện thoai. Tuy nhiên không phải ai ở Philippines cũng có thể dễ dàng truy cập vào các ứng dụng này, nhất là những người thậm chí chưa bao giờ được tiếp cận với các thiết bị thông minh. Bên cạnh đó, người dân ở Philippines đã quen với những phương pháp tiếp cận truyền thống, việc áp dụng công nghệ mới vào dịch vụ công nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung sẽ gặp phải những khó khăn ban đầu, khi mà người dân sẽ chưa thể chấp nhận ngay được sự thay đổi này. Sau khi người dân đã chấp nhận sự thay đổi, thì kỳ vọng của họ vào chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công sẽ không ngừng tăng, khi đó, áp lực đặt lên vai chính phủ trong việc cải thiện dịch vụ công theo hướng kỹ thuật số vô cùng lớn.v.v.

Để vượt qua các thách thức trên, chính phủ Philipines phải: chiếm được lòng tin, sự ủng hộ của người dân bằng việc cho họ thấy được những lợi ích to lớn của việc thay đổi; chú trọng vào việc nâng cao trình độ công nghệ thông tin của người dân qua việc giáo dục thế hệ trẻ về công nghệ thông tin, hỗ trợ tận tình những người gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ; không ngừng nghiên cứu và phát triển những công cụ kỹ thuật số, sử dụng chúng hợp lý để đưa ra những chính sách tốt hơn, những dịch vụ tốt hơn, đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo AI và dữ liệu số, tuy nhiên chính phủ Philipines vẫn rất chú trọng trong việc chuyển đổi chính phủ số. Sở Thông tin và Truyền thông Công nghệ (DICT) là cơ quan chính của chính phủ thúc đẩy việc áp dụng Dịch vụ chính phủ số (ICT-ES), đã phát triển Kế hoạch tổng thể về Chính phủ điện tử (EGMP) Năm 2022. Kế hoạch này phác thảo ý định của DICT trong việc phát triển Chính phủ số toàn đất nước thông qua chuyển đổi kỹ thuật số của các dịch vụ cơ bản như y tế công cộng, giáo dục, phúc lợi xã hội. Khi làm điều này, DICT mong muốn tạo ra một môi trường hợp tác và kết nối giữa người dân và cơ quan nhà nước. Chính phủ số giúp làm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cho người dân, cụ thể là về tính khả dụng, tốc độ, chi phí và sự tiện lợi. Doanh nghiệp cũng có thể được cung cấp nhiều hỗ trợ hơn để đầu tư, thành lập, vận hành và mở rộng quy mô. Đặc biệt, vấn đề bảo mật thông tin cũng rất được chú trọng. DICT cùng với ba cơ quan trực thuộc, Ủy ban Quyền riêng tư Quốc gia (NPC) chịu trách nhiệm bảo vệ quyền cơ bản của con người về quyền riêng tư, bảo mật thông tin và thông tin liên lạc. Ủy ban Viễn thông quốc gia (NTC) thực hiện quyền tài phán đối với việc giám sát, xét xử và kiểm soát tất cả các dịch vụ viễn thông trong cả nước. Còn Trung tâm Điều phối và Điều tra Tội phạm Mạng (CICC) phụ trách xây dựng kế hoạch an ninh mạng quốc gia và mở rộng hỗ trợ ngay lập tức các hành vi vi phạm an ninh mạng thông qua hệ thống máy tính cao cấp của đội phản ứng khẩn cấp (CERT). Việc thành lập DICT là một khát vọng được đề cập trong Chiến lược kỹ thuật số Philippines (PDS) 2011-2016.

Chính phủ Philipines cam kết sẽ cung cấp cho mọi người dân Philippines quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin theo chế độ phân cấp, phân quyền. Chính phủ cũng đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ thông tin. Đặc biệt, chính phủ Philipines sẽ ban hành, đổi mới và đi đầu trong việc thúc đẩy đất nước phát triển và chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số đẳng cấp thế giới. Mục tiêu chung của chính phủ số là cải thiện nền hành chính công bằng cách xây dựng cấu trúc thông tin và kỹ thuật hóa các dịch vụ công, tự động hóa các quy trình và cung cấp cổng thông tin trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các chiến lược phải được hoạch định rõ ràng và có sự tham gia phối hợp của các ngành quan trọng trong và ngoài chính phủ.

Kết luận

Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu số là những công cụ của tương lai. Những công cụ này sẽ giúp cho các nước đang phát triển như Philippines xây dựng một chính phủ số, từ đó đưa ra những giải pháp, chính sách tốt hơn để phục vụ người dân. Để đạt được điều đó, chính phủ Philippines đã và đang thực hiện chiến lược thay đổi toàn diện, lấy người dân làm trung tâm. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn vô cùng to lớn trong việc áp dụng những công nghệ mới nhưng Philippines, với quyết tâm chắc chắn sẽ thành công trong tương lai.

Trần Chí Nam

Tài liệu tham khảo:

https://opengovasia.com/exclusive-advanced-data-analytics-and-ai-innovation-for-the-philippines-public-sector-learnings-from-global-best-practices/