Đang xử lý.....

Chiến lược số Malta - Digital Malta  

Chiến lược số Malta (Digital Malta) là Chiến lược công nghệ thông tin và truyền thông ICT quốc gia giai đoạn 2014-2020 đã xác định tầm nhìn “Malta trở thành một quốc gia số trao quyền cho người dân, cộng đồng và doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông thông minh để cải thiện cuộc sống của người dân, cải thiện các dịch vụ công, giúp các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh hơn”.
Thứ Năm, 08/09/2022 142
|

Sơ lược về nền kinh tế Malta

Malta là một quần đảo Nam Âu, thuộc Liên minh Châu Âu. Malta có nền kinh tế đa dạng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể từ năm 1987 vào các ngành hàng hải, hàng không, tài chính và văn hóa. Nền kinh tế Malta dựa chủ yếu vào trao đổi thương mại nước ngoài, du lịch, sản xuất đồ điện tử và dệt may, đóng và sửa chữa thuyền. Cơ cấu nền kinh tế Malta bao gồm: (1) Ngành Dịch vụ chiếm 74% tổng sản phẩm xã hội; (2) Ngành Công nghiệp chiếm 23% bao gồm các mặt hàng máy móc, sản xuất và sửa chữa tàu thuyền, thực phẩm, giày dép và quần áo...; (3) Ngành Nông nghiệp chiếm 3%. Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016-2017, Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của của Malta xếp thứ 40 trên tổng số 138 quốc gia. Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp quốc năm 2018, Malta xếp hạng 29 trên 197 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xếp vào nhóm các nước có chỉ số phát triển rất cao.

Nội dung Chiến lược số Malta

Chiến lược số Malta đưa ra một bộ nguyên tắc và hành động hướng dẫn sử dụng công nghệ ICT để phát triển kinh tế - xã hội; đặt ra cách thức sử dụng công nghệ ICT để tạo sự khác biệt trong các lĩnh vực kinh tế, việc làm, công nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ; và làm thế nào để công nghệ ICT có thể được sử dụng để phát triển quốc gia, trao quyền cho công dân và chuyển đổi chính phủ; khuyến khích người dân gặt hái những lợi ích mà công nghệ ICT mang lại, như: giáo dục tốt hơn, doanh nghiệp mạnh hơn, chính phủ hiệu quả hơn, tăng trưởng kinh tế bền vững…

Chiến lược số Malta tập trung vào 03 chủ đề:

Hình 1. Chiến lược số Malta (Digital Malta)

1. CÔNG DÂN SỐ: Cải thiện hạnh phúc của người dân và xã hội. Tất cả mọi người, kể cả các nhóm thiểu số và dễ bị tổn thương sẽ được hưởng lợi từ tiêu chuẩn sống cao hơn. Người dân sẽ được cung cấp các kỹ năng số cơ bản thông qua việc sử dụng các công nghệ ICT và số hóa. Các dịch vụ số có giá cả phải chăng, an toàn và dễ tiếp cận. Tại chủ đề này, các sáng kiến mà Chính phủ Malta đặt ra như sau:

a) Sáng kiến 1. Tăng cường kỹ năng số và công bằng xã hội

- Phổ cập cấp độ cơ bản về năng lực ICT: Xây dựng một chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức để tăng cường năng lực ICT, sử dụng phương tiện truyền thông và Internet một cách tự tin và an toàn. Chương trình sẽ được thực hiện ở cấp cộng đồng. Các nhóm người khuyết tật sẽ là trọng tâm chính.

- Trao quyên cho thanh thiếu niên thông qua Internet an toàn: Công dân số sẽ trở thành một phần của Chương trình giáo dục quốc gia, để trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên có khả năng tương tác và sử dụng Internet một cách an toàn và thông minh. Phụ huynh và người chăm sóc sẽ được tham gia cùng với các nhà giáo dục. Hành động này sẽ kích thích việc sản xuất nội dung trực tuyến sáng tạo, trao quyền cho thế hệ trẻ và giúp tạo ra một môi trường an toàn hơn. Với sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, hành động này sẽ giúp chống lại nạn lạm dụng và khai thác trẻ em trên mạng.

- Trao quyền cho các nhóm thiểu số, nhóm dễ bị tổn thương và người cao tuổi: Khởi tạo một chương trình để hỗ trợ người dân, đặc biệt là người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương khai thác hết tiềm năng của ICT. Các trung tâm đào tạo và tiếp cận ICT được trang bị phù hợp sẽ được thiết lập trong các cộng đồng địa phương để hỗ trợ chương trình.

- Khả năng tiếp cận và công nghệ hỗ trợ: Các tiêu chuẩn về khả năng truy cập Internet sẽ được thúc đẩy, cho phép người dân truy cập nội dung và sử dụng các công nghệ hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp các nhóm người già và nhóm người dễ bị tổn thương có thể sống độc lập. Điều này cũng sẽ kích thích nhu cầu thị trường cho các công nghệ đa dạng, giá cả phải chăng.

b) Sáng kiến 2. Truy cập cho mọi người

Mọi công dân cần có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ ICT phục vụ nhu cầu hàng ngày của họ. Bao gồm việc cung cấp:

- Mạng truy cập thế hệ mới NGA (Next Generation Access): Quảng bá mạng truy cập thế hệ mới NGA bằng cách trình diễn các ứng dụng tiềm năng và hỗ trợ giới thiệu ứng dụng tại nhà, văn phòng và công trình công cộng.

- Truy cập Internet không dây miễn phí: Cung cấp các truy cập Internet không dây miễn phí trong các tòa nhà công cộng, quảng trường chính và nhiều không gian công cộng xung quanh các đảo.

- Thiết bị di động cho trẻ em: Cung cấp các thiết bị di động cho trẻ em, giáo viên như một phần trong tầm nhìn của chính phủ về việc chuyển đổi ngành giáo dục chính thống thông qua việc sử dụng các công nghệ số.

- Cam kết của công dân: Thông qua việc sử dụng các ứng dụng dành cho thiết bị di động và các trang mạng xã hội sẽ tạo ra các liên hệ giữa người dân với người dân an toàn, thuận tiện. Xây dựng các hướng dẫn chiến lược truyền thông xã hội cho chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ, khuyến khích họ làm trung gian trong xã hội dân sự.

- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ ICT tiên tiến: Các ứng dụng công nghệ ICT sáng tạo dẫn đến một lối sống tốt hơn sẽ được quảng bá trong quan hệ đối tác chung với khu vực tư nhân. Sáng kiến ​​sẽ tập trung vào việc tăng cường các hoạt động hàng ngày của người dân như mua sắm, ngân hàng, đi lại và giải trí.

c) Sáng kiến 3. Khuyến khích nội dung địa phương

Khuyến khích đẩy mạnh các nội dung liên quan đến việc sử dụng công nghệ ICT, bao gồm:

- Phát triển nội dung trực tuyến: Chính phủ sẽ hợp tác với các nhà cung cấp phương tiện truyền thông công cộng và tư nhân để sản xuất, phát trực tuyến hoặc cung cấp các nội dung kỹ thuật số địa phương có sẵn, chất lượng cao, hấp dẫn, mang tính giáo dục và văn hóa đặc biệt.

- Công cụ ngôn ngữ Tiếng Malta: Chính phủ Malta phát triển và phân phối các công cụ ngôn ngữ để hỗ trợ việc sử dụng Tiếng Malta như một phương tiện trong việc dạy và học, từ đó mở rộng việc tiếp nhận công nghệ ICT trong ngôn ngữ Tiếng Malta.

2. DOANH NGHIỆP SỐ. Mục đích là chuyển đổi cách hoạt động của các doanh nghiệp. Chiến lược số Malta tăng khả năng cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của các ngành công nghiệp địa phương; thúc đẩy nhiều khởi nghiệp hơn, thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích ưu đãi cho các nhà cung cấp dịch vụ thích hợp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ: khai thác được cơ hội của thị trường kỹ thuật số Châu Âu (European Digital Single Market); vị trí Chiến lược số Malta tại Địa Trung Hải với khả năng tiếp cận thị trường Châu Âu và Bắc Phi; các liên minh chiến lược của Chính phủ với các công ty ICT nước ngoài; cơ hội mở rộng sang các thị trường mới hoặc lớn hơn. Tại chủ đề này, các sáng kiến mà Chính phủ Malta đặt ra như sau:

a) Sáng kiến 1. Chuyển đổi doanh nghiệp

- Sáng kiến công nghệ ICT cho các lĩnh vực cạnh tranh gay gắt. Chính phủ làm việc với các ngành công nghiệp để tổ chức một loạt các sáng kiến về lĩnh vực: sản xuất, xây dựng và bán lẻ để giúp các doanh nghiệp hưởng lợi từ ICT.

- Diễn đàn chuyển đổi các ngành công nghiệp thông qua công nghệ ICT. Chính phủ thành lập diễn đàn bao gồm lãnh đạo các công ty và cơ quan đại diện địa phương để phát triển các chương trình nâng cao nhận thức về các sử dụng công nghệ ICT giúp chuyển đổi các ngành công nghiệp. Diễn đàn sẽ thảo luận các vấn đề như: quốc tế hóa, thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội như một công cụ kinh doanh, những lợi ích mà mạng truy cập thế hệ mới NGA mang lại, tự kiểm soát, tuân thủ các nguyên tắc truy cập web và quản lý chuỗi cung ứng.

- Khung năng lực công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hợp tác xã. Phát triển một khuôn khổ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hợp tác xã địa phương đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và quy trình hỗ trợ công nghệ thông tin. Lộ trình đánh giá sẽ cho phép các doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và tăng giá trị kinh doanh ICT.

- Chương trình đào tạo công nghệ thông tin. Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chương trình quản lý đào tạo công nghệ thông tin cho nhân viên của họ. Các chương trình sẽ tập trung vào nhóm người công nhân thiếu kỹ năng và sự hiểu biết về các mô hình kinh doanh được kích hoạt thông qua công nghệ với mục tiêu cải thiện năng suất, khả năng sử dụng và tính di động.

b) Sáng kiến 2. Khởi nghiệp và thu hút doanh nghiệp

- Hỗ trợ khởi nghiệp. Mục đích là đầu tư nguồn lực để cho phép khởi động các công ty khởi nghiệp ICT và các liên quan phát triển khai thác công nghệ ICT. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình “tiếp cận vốn” được cải thiện cho các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cung cấp ưu đãi cho các công ty triển khai các dịch vụ ICT tiên tiến ở các khu vực không có lợi nhuận, bao gồm các ưu đãi về tín dụng, trợ cấp hoặc thuế suất ưu đãi.

- Thu hút đầu tư FDI vào ICT. Mục đích là thu hút các công ty ICT nước ngoài với mục tiêu chuyển đổi Malta thành một trung tâm khu vực về hợp tác và thương mại công nghệ.

- Điện toán đám mây. Chính phủ hợp tác với các ngành công nghiệp để phát triển chiến lược “điện toán đám mây” nhằm thiết lập Malta là một trung tâm đẳng cấp thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây, thúc đẩy sự đổi mới và năng suất trên nền kinh tế số.

- Giải trí số. Chính phủ thực hiện chiến lược Trò chơi kỹ thuật số (Digital Games strategy) nhằm tăng cường cải thiện kỹ năng chuyên môn.

c) Sáng kiến 3. Thương mại điện tử, hội nhập toàn cầu

- Mở rộng chân trời. Chính phủ phát triển các chính sách và ưu đãi để: (1) Phát triển các cụm ICT. Phát triển công nghệ, đổi mới và quốc tế hóa là trọng tâm chính của hoạt động dựa trên cụm. Chính phủ thực hiện các hoạt động như: tài trợ vốn, dịch vụ nghiên cứu thị trường và các dịch vụ quốc tế hóa; (2) Khai thác chuyên môn Chính phủ điện tử Malta để phát triển dịch vụ đào tạo và tư vấn về chính phủ điện tử cho các quốc gia khác, đặc biệt là những nước có liên kết văn hóa ở Địa Trung Hải.

- Đề án khuyến khích tập trung vào công nghệ thông tin. Chính phủ tạo ra các chương trình ưu đãi và các hạn mức tín dụng, cho phép các công ty vừa và nhỏ và các hợp tác xã địa phương được hưởng lợi từ các dịch vụ tư vấn miễn phí và trợ cấp, giúp các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ số và các mô hình kinh doanh sáng tạo trong việc kết nối mạng và quốc tế hóa các sản phẩm và dịch vụ.

- Xây dựng thị trường thương mại điện tử. Chính phủ và doanh nghiệp sẽ xây dựng các biện pháp duy trì và phát triển thị trường thương mại điện tử địa phương; thực hiện các sáng kiến hỗ trợ và thúc đẩy việc áp dụng thương mại điện tử theo lĩnh vực kinh doanh; xác định cơ hội cho Malta thu hút các hoạt động kinh doanh hoặc hỗ trợ thị trường thương mại điện tử toàn cầu.

- Xây dựng giao dịch điện tử mới nổi. Chính phủ làm việc với các nhà cung cấp các giải pháp thanh toán để phát triển chương trình giáo dục và quảng bá hình thức giao dịch điện tử và mô hình kiếm tiền mới nổi. Chương trình này sẽ giải thích các mô hình kinh doanh, công nghệ, chi phí và rủi ro (nếu có).

d) Sáng kiến 4. Kích thích nghiên cứu và đổi mới

- Khai thác tài trợ nghiên cứu và đổi mới R&I (Research and Innovation) từ quốc tế. Tận dụng lợi thế của Châu Âu, các khung tài trợ nghiên cứu và đổi mới R&I quốc tế và các cơ hội phát triển công nghiệp, Chính phủ Malta khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thời gian, nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, quy trình, dịch vụ và phương pháp tiếp thị mới.

- Mở ra cơ hội đổi mới. Chính phủ thành lập Trung tâm đổi mới đa phương để đưa ra các ưu đãi cho R&D theo chủ đề ICT với mục đích là: tạo môi trường cho phép các doanh nghiệp hợp tác mở, các cơ sở giáo dục và các cơ quan công cộng có nhu cầu tham gia vào các hoạt động R&I; thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia đóng góp các nền tảng công nghệ; cung cấp cố vấn, đào tạo chuyên ngành và cơ sở vườn ươm công nghệ thông tin; phục vụ như một trung tâm kết nối mạng và một điển hình mẫu về phát triển tài năng và sản phẩm tại địa phương.

3. CHÍNH PHỦ SỐ. Mục đích là tăng cường tính hiệu quả, minh bạchm giảm quan liêu trong các hoạt động của Chính phủ thông qua các ứng dụng số hóa để. Cung cấp các dịch vụ công gần gũi hơn với xã hội và doanh nghiệp, cải thiện quy trình ra quyết định của Chính phủ. Các dịch vụ chính phủ trực tuyến sẽ dễ tiếp cận hơn thông qua việc sử dụng các thiết bị thông minh và ứng dụng thân thiện với thiết bị di động cũng như các trang mạng và truyền thông xã hội. Các công nghệ được mở rộng bao gồm: mã nguồn mở, điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Chia sẻ thông tin trên các hệ thống và dịch vụ của chính phủ được thúc đẩy, cũng như việc sử dụng lại thông tin khu vực công của các bên thứ ba. Tại chủ đề này, các sáng kiến mà Chính phủ Malta đặt ra như sau:

a) Sáng kiến 1. Chính phủ lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

- Giao dịch với chính phủ. Tạo ra các dịch vụ trực tuyến để người dân dễ dàng sử dụng và được sử dụng trên nhiều thiết bị di động, bao gồm: các biểu mẫu trực tuyến, thanh toán điện tử và hóa đơn điện tử.

- Một cửa. Công dân và doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ các dịch vụ một cửa.

b) Sáng kiến 2. Chính phủ hiệu quả

- Môi trường kỹ thuật số hợp tác. Hỗ trợ các bộ, ngành và tổ chức áp dụng công nghệ tích hợp dịch vụ liên bộ ngành. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, quản lý, lưu giữ các bản ghi kỹ thuật số. Bảo mật dữ liệu, tính toàn vẹn, khả năng truy cập, truy xuất nguồn gốc và lưu trữ của dữ liệu. Tăng cường chia sẻ dữ liệu.

- Phân tích kinh tế. Trang bị các công cụ thích hợp để phân tích dữ liệu của chính phủ.

- Đổi mới công nghệ thông tin trong mua sắm công của Chính phủ. Chính phủ xây dựng các chính sách sáng tạo để cải thiện lĩnh vực mua sắm công, bao gồm: mở rộng khung eProcurement, eOrdering, eInvoicing và ePayments.

- Hợp tác chiến lược. Khám phá cơ hội hợp tác, liên minh với các công ty đa quốc gia có uy tín để tối đa hóa lợi tức đầu tư và áp dụng các điển hình tốt nhất của quốc tế.

c) Sáng kiến 3. Chính phủ mở

- Dữ liệu chính phủ mở, tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu qua quản trị công, thông tin khu vực công được cung cấp cho tất cả mọi người. Dữ liệu có cấu trúc sẽ được xuất theo chuẩn được liên kết với nhau (Dữ liệu Chính phủ mở liên kết). Áp dụng các công nghệ Big Data cho phép xử lý dữ liệu phức tạp, cải thiện việc ra quyết định trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, chăm sóc sức khỏe, giao thông, tiện ích và môi trường.

- Dân chủ điện tử: Chính phủ cam kết sử dụng công nghệ ICT để khuyến khích người dân tham gia vào việc ra quyết định dân chủ. Các sáng kiến sẽ được thực hiện để tăng cường hiện diện, tính minh bạch và trách nhiệm của chính phủ.

d) Sáng kiến 4. Các dịch vụ thiết yếu của Chính phủ

- Các chương trình ICT cụ thể theo ngành. Các chương trình hoặc chiến lược ICT cụ thể theo ngành sẽ được phát triển bằng cách hợp tác với tất cả các bên liên quan.

- eLearning. Cung cấp cơ sở hạ tầng ICT hoàn chỉnh cho các cơ sở giáo dục, học sinh và phụ huynh, khuyến khích tư duy kỹ thuật số và mở rộng cơ hội học tập. Các cơ sở giáo dục được hỗ trợ để tận dụng tối đa các nền tảng eLearning và các công nghệ học tập kỹ thuật số khác.

- eHealth. Hồ sơ y tế công dân được cung cấp để người dân và các cơ sở y tế truy cập một cách an toàn và dễ dàng.

- Giao thông. Ứng dụng công nghệ số trong vận tải đường bộ, đường biển và hàng không. Triển khai Hệ thống giao thông thông minh để cải thiện an toàn giao thông, giải quyết lưu lượng giao thông và đi lại trong nước.

Kết luận

Có thể nhận thấy, các chủ đề trong Chiến lược số Malta cũng như các giải pháp, sáng kiến mà Malta tập trung thực hiện khá phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những chính sách cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số không chỉ từ các định hướng, giải pháp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, mà còn từ những hành động thiết thực từ phía doanh nghiệp, người dân, xã hội. 

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

https://digitalmalta.org.mt/en/Documents/Digital%20Malta%202014%20-%202020.pdf