Nhiều quốc gia trên thế giới đã có sự tiến bộ về khoa học và công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã được định hình từ lâu, các hệ thống có thể tự hỗ trợ lẫn nhau tạo ra hiệu quả quản lý cho chính phủ. Bài viết này sẽ giới thiệu chiến lược phát triển nông nghiệp số của Trung Quốc và đặc biệt là việc ứng dụng lợi thế của Internet Plus trong kinh tế nông thôn để hội nhập, chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế vùng nông thôn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Tổng quan nền nông nghiệp Trung Quốc
Nền kinh tế của Trung Quốc là một nền kinh tế đang phát triển định hướng thị trường kết hợp với kinh tế kế hoạch, thông qua các chính sách công nghiệp và chiến lược kế hoạch 5 năm. Kinh tế Trung Quốc chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn sở hữu hỗn hợp.
Về nông nghiệp, Trung Quốc là một quốc gia có nền nông nghiệp lớn nhưng không mạnh và việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: hơn 98% là hộ nông dân nhỏ, sự thiếu hụt của lực lượng lao động trẻ và hiểu biết công nghệ, việc thu thập và phân tích dữ liệu gặp nhiều khó khăn, sự đứt đoạn thông tin trong chuỗi giá trị… Nhận thức được điều đó, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách ruộng đất, áp dụng công nghệ 5G với sự tham gia dẫn dắt của nhiều công ty công nghệ lớn như Alibaba, JD, Baidu và Tencent. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc tích hợp Internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào quá trình phát triển nền nông nghiệp số. Một số thành tựu có thể kể đến như Trung Quốc đã thành công trong việc tích hợp và ứng dụng các thiết bị nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh cũng như thiết bị bay không người lái vốn hoạt động trong lĩnh vực quân sự sang nông nghiệp để thực hiện các hoạt động giám sát, phun thuốc, bón phân, khảo sát thực địa một cách chính xác, tự động. Trung Quốc đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản từ những năm 2005, phát triển các mô hình tài chính nông thôn với khởi đầu là sự thành lập Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc PSBC (Postal Savings Bank of China) vào năm 2007 tạo nền tảng hợp tác nhiều bên: ngân hàng, chính phủ, người bảo lãnh, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp, hiệp hội với nhiều dòng sản phẩm tùy chỉnh khác nhau…
Chiến lược phát triển Nông nghiệp số của Chính phủ Trung Quốc
1. Chiến lược “Internet cộng với nông nghiệp”
Trung Quốc có nhiều mặt tiến bộ trong nông nghiệp thông minh. Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chiến lược “Internet cộng với nông nghiệp” (Hình 1) nhằm tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp thuận lợi. Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chiến lược, nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn toàn từ đầu vào, sản xuất, chế biến và tiêu thụ, bằng cách tích hợp nông nghiệp với Internet và các công nghệ thông tin và truyền thông khác (điển hình là tỉnh Hải Nam).
Với sự trợ giúp của chiến lược mới, tổng doanh thu bán hàng nông sản trực tuyến năm 2017 ở Trung Quốc đạt 300 tỷ NDT, giá trị sản lượng của ngành chế biến nông sản đạt 22 nghìn tỷ NDT và doanh thu từ nông nghiệp giải trí và du lịch nông thôn đạt 740 tỷ NDT. Chiến lược đã tạo ra hàng triệu việc làm và giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn nghèo.
Hình 1. Internet cộng với các mô hình phát triển nông nghiệp, Trung Quốc
2. Mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp
Bằng việc liên kết các thành phần của chuỗi cung ứng truyền thống, chẳng hạn như phương thức cung ứng, nghiên cứu sản xuất, bán hàng tích hợp thông qua Internet di động, IoT và dữ liệu lớn. Trung Quốc đã xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp (Hình 2) nhằm mục tiêu là tạo ra một loạt các dịch vụ giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân ở nông thôn và đẩy mạnh các mô hình tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Hình 2. Sơ đồ mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp
Thông qua việc thu thập và phân tích thông tin về sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, thương mại, phân phối… thì chuỗi cung ứng có thể được quản lý tốt hơn. Đây là giá trị cốt lõi của mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp, cho phép tất cả các khía cạnh của chuỗi cứng được phân chia công việc rõ ràng hơn và kết nối thông suốt hơn. Mô hình này còn phát huy tối đa năng lực sản xuất; giảm thiểu rủi ro và chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý và chế biến nông nghiệp, kính thích tiêu dùng nông thôn.
Để thực hiện mô hình này, cần có các phương tiện phần cứng và phần mềm thích hợp trong tất cả các mối liên kết có thể có trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp. Thông qua Internet di động, IoT và các hình thức công nghệ khác, thông tin từ các liên kết sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối được thu thập vào cơ sở dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu này được xử lý bằng hệ thống phần mềm và mô hình thuật toán, sau đó được trình bày trong các hệ thống có liên quan bằng cách sử dụng các biểu tượng, bảng và sơ đồ cho mục đích ra quyết định. Mô hình này cũng yêu cầu các tổ chức Internet Plus, hoặc nhà cung cấp dịch vụ và mô hình kinh doanh để cung cấp và duy trì các dịch vụ cũng như duy trì thiết bị, hệ thống và đổi mới.
3. Mô hình nền tảng thương mại điện tử ở nông thôn
Trung Quốc cũng đẩy nhanh việc sử dụng thương mại điện tử ở các vùng nông thôn với sự bén rễ ở thị trường nông thôn của các gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba, JD.com và Suning từ những năm 2015. Thương mại điện tử nông thôn có vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nên dược Chính phủ Trung Quốc đặc biệt coi trọng và hỗ trợ. Một ví dụ là việc thành lập các “Làng băng thông rộng” (Broadband Villages) để cải thiện tốc độ Internet và giảm thuế quan để khuyến khích nông dân áp dụng các giải pháp dành cho nông nghiệp dựa trên Internet nhiều hơn.
Mô hình nền tảng thương mại điện tử nông thôn (Hình 3) là điển hình cho việc áp dụng Internet Plus trong lĩnh vực nông nghiệp, có giá trị cốt lõi là cung cấp các giao dịch thị trường cụ thể, giảm chi phí thu thập thông tin và các bên cung - cầu được liên kết phù hợp với nhau.
Hình 3. Tổng quan nền tảng thương mại điện tử ở khu vực nông thôn
Mô hình nền tảng thương mại điện tử có sự phân loại đa dạng dựa trên chuỗi ngành nông nghiệp truyền thống liên quan đến sản xuất, phân phối và tiêu thụ (Hình 4).
Hình 4. Phân loại mô hình nền tảng thương mại điện tử theo các phân đoạn truyền thống của chuỗi ngành
Các phân loại đầu tiên chỉ đơn giản là kiểm soát cuối sản xuất trong chuỗi giá trị và được điều hành như sau:
(1) các nhà sản xuất sẽ kết nối các sản phẩm nông nghiệp chính thông qua nền tảng này cung cấp các sản phẩm cho người tiêu dùng thông qua việc liên kết các đại lý.
(2) Điểm nổi bật thứ hai làm nổi bật cả việc sản xuất và kết thúc phân phối: các doanh nghiệp có thể kiểm soát đầu mối phân phối thông qua việc thành lập cơ sở sản xuất hoặc thông qua các mối liên hệ của các doanh nghiệp này với nhà sản xuất.
(3) Cách phân loại thứ ba là thương mại điện tử sẽ nâng cấp toàn bộ chuỗi ngành và cuối cùng là chuyển đổi nền kinh tế khu vực.
4. Mô hình dịch vụ nông nghiệp dựa trên Internet
Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII đã trao cho nông dân quyền chiếm giữ, sử dụng, thu nhập và chuyển nhượng đất đai theo hợp đồng của họ, cũng như giao khoán cho họ được quyền thế chấp và bảo đảm quyền lợi cho họ về quản lý đất đai nông thôn. Ngoài ra, còn cho phép nông dân phát triển một hoạt động nông nghiệp công nghiệp hóa bằng cách trở thành cổ đông thông qua quyền quản lý đối với các vùng đất đã được giao khoán. Để phát triển các hình thức hoạt động quy mô khác nhau, nông dân được khuyến khích chuyển giao quyền quản lý cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp quy mô lớn, chủ trang trại gia đình, hợp tác xã nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp trên thị trường công cộng. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ đất chuyển giao chiếm 33,3% tổng diện tích đất canh tác theo hợp đồng của các hộ gia đình, cho phép hoạt động trang trại để chuyển đổi từ quy mô quản lý nhỏ đến quy mô trung bình.
Hình 5. Hệ thống công nghệ trồng trọt chính xác trên cánh đồng Anhui Qianmo
Ước tính ban đầu cho thấy có khoảng 2 triệu người tham gia loại hình kinh doanh mới với hơn 100 diện tích trồng. Tuy nhiên, ngoài loại hình hoạt động trang trại quy mô vừa phải, không có doanh nghiệp mới nào có khả năng hoàn thành độc lập toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp, từ việc cày đến trồng, quản lý và thu hoạch. Do đó, tất yếu phải có nhiều nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp hơn để hỗ trợ trong quá trình này. Quản lý đất nông nghiệp dựa trên Internet sử dụng các công nghệ như ảnh viễn thám vệ tinh, GPS, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và IoT, thông tin thời gian thực và dữ liệu dự kiến liên quan đến việc cày, trồng, quản lý và thu hoạch đất nông nghiệp được cung cấp cho người nông dân để hướng dẫn họ cách làm thế nào để tối đa hóa sản lượng và giảm các tổn thất có thể xảy ra.
Qua nghiên cứu và phân tích tài liệu, ba mô hình kinh tế nông thôn Internet Plus điển hình ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã nổi lên đó là: mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp Internet Plus, mô hình nền tảng thương mại điện tử Internet Plus và mô hình dịch vụ nông nghiệp Internet Plus. Tầm quan trọng của việc ứng dụng Internet trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được tóm tắt một cách tổng quát như sau: “đời sống - lưu thông - thương mại - sản xuất”. Trong giai đoạn đầu của việc sử dụng Internet, khi tỷ lệ thâm nhập chỉ tăng từ 15% lên 50% trên toàn Trung Quốc, nông dân chỉ sử dụng Internet để giải trí và truy cập thông tin thì giờ đây, Internet đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, ngay cả trong việc thanh toán trực tuyến; tuy nhiên, ứng dụng của nó vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi.
Trải qua một quá trình dài phát triển tập trung, đầu tư trọng điểm, hiện nay Trung Quốc đẩy mạnh quá trình phát triển nông nghiệp số gắn với khu vực nông thôn giai đoạn 2019-2025 với các nội dung như: xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu từ không gian, trên không và mặt đất; tích hợp công nghệ số với hệ thống công nghiệp, sản xuất và quản lý; nâng cao trình độ kỹ thuật số của người nông dân. Đến nay thì Trung Quốc là quốc gia duy nhất đang ứng dụng AI vào trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro.
Kết luận
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có mối quan hệ truyền thống và lâu đời. Dù mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nhưng sự mất cân bằng thương mại nghiêm trọng đối với Việt Nam, sự phụ thuộc của Việt Nam vào quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam mà một phần nguyên nhân đến từ cấu trúc của thương mại kết hợp với sự khác biệt về trình độ công nghệ.
Việt Nam cũng đang thực hiện Chuyển đổi nông nghiệp số theo định hướng của Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động và thúc đẩy việc đưa vào triển khai sử dụng các nền tảng số trong hầu hết tất cả lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; và tuyên truyền việc ứng dụng các công nghệ mới đưa vào sử dụng trong thực tế để nâng cao đời sống cho người nông dân. Trước thảm họa toàn cầu của Đại dịch Covid-19 thì Nông nghiệp Việt Nam không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế, mà còn đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
[1] http://www.fao.org/e-agriculture/news/fao-hails-first-contribution-promoting-digital-agriculture-through-knowledge-sharing
[2] Innovation, Agricultural Productivity and Sustainability in China. In OECD Food and Agricultural Reviews. Retrieved from http://www.oecd-ilibrary.org/agriculture-and-food/innovation-agricultural-productivity-and-sustainability-in-brazil/investment-in-the-brazilian-food-and-agriculture-system_9789264237056-7-en%5Cnhttp://www.oecd-ilibrary.org/agriculture-and-food/innovation-
[3] How Far Are Chinese Farmers from Adopting Digital Agriculture ? Retrieved from https://research.rabobank.com/publicationservice/download/publication/token/nf0p6VtgZMDABHZsz7Pn
[4] Internet Plus Agriculture “A new engine for rural economic growth in the people’s repoblic of China”.
[5] Ministry of Agriculture an Rural Affairs, 2019.