Đang xử lý.....

Chiến lược phát triển nông nghiệp số của Thái Lan  

Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất ở Thái Lan vì nó sử dụng khoảng 30% lực lượng lao động của đất nước. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thái Lan đang phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động, thiếu quy hoạch sản xuất và quản lý. Sự thiếu hụt lao động được thể hiện qua một số chỉ số như tỷ lệ người cao tuổi chiếm số đông trên tổng dân số, và việc làm trong nông nghiệp. Thách thức thứ hai được thể hiện rõ qua tổng năng suất nông nghiệp. Các vấn đề về cơ cấu đã giúp các tổ chức doanh nghiệp Thái Lan mở ra cơ hội đầu tư cho nông nghiệp và công nghệ trong nông nghiệp (AgriTech) nhằm tái thiết lập quy trình kinh doanh và tăng cường các hoạt động sản xuất dọc theo chuỗi cung ứng. Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan chiến lược phát triển nông nghiệp số của Thái Lan mà Việt Nam có thể tham khảo để đưa ra chiến lược phát triển nông nghiệp số AgriTech riêng của mình.
Thứ Năm, 14/10/2021 1750
|

Tổng quan nền kinh tế Thái Lan

Sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan được mô tả thông qua các khái niệm:

(1) Thái Lan 1.0 gắn với nông nghiệp, cơ giới hóa và sự tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp.

(2) Thái Lan 2.0 gắn với công nghiệp nhẹ, với trọng tâm sử dụng lao động giá rẻ để biến nguyên liệu thô thành hàng thành phẩm trong sản xuất, chế tạo như dệt may và hàng may mặc.

(3) Thái Lan 3.0 là việc lắp ráp, sản xuất các sản phẩm như: ổ đĩa máy tính.

(4) Thái Lan 4.0 sẽ tập trung vào việc biến lực lượng lao động của Thái Lan thành “công nhân tri thức”.

Các mục tiêu chuyển đổi số cũng được Chính phủ Thái Lan đề ra, cụ thể như các mục tiêu của “Digital Thailand” trong 10 năm:

- Thái Lan nằm trong top 15 của Năng lực Cạnh tranh Thế giới, các lĩnh vực kỹ thuật số đóng góp ít nhất 25% GDP quốc gia;

- Thái Lan lọt vào top 40 của Chỉ số phát triển CNTT-TT, theo đó tất cả người Thái sẽ được truy cập Internet băng thông rộng như một tiện ích cơ bản;

- Tất cả công dân Thái Lan đều có kiến thức số;

- Thái Lan lọt vào top 50 trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Trong nông nghiệp, Thái Lan thực hiện quá trình chuyển đổi số từ nông trại tới bàn ăn thông qua khái niệm nông nghiệp chính xác, chú trọng áp dụng công nghệ số bao gồm công nghệ cảm biến, phân tích hình ảnh, phần mềm quản lý trang trại, cũng như AI và robot để tối ưu hóa hoạt động canh tác của nhà máy và tăng sản lượng năng suất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, người nông dân, người sản xuất có thể theo dõi, kiểm soát quá trình sản xuất một cách chính xác, hỗ trợ quá trình truy xuất nguồn gốc, từ đó thúc đẩy một cách tổng thể năng suất và chất lượng sản phẩm. Một ví dụ điển hình về quá trình số hóa và chuyển đổi số có thể được nhắc đến là Chuỗi cung ứng gạo của Thái Lan.

Chiến lược phát triển nông nghiệp số của Thái Lan

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, quá trình canh tác lúa ngày càng gặp nhiều trở ngại, đầu tiên có thể kể đến là việc quản lý nước. Một số giải pháp kỹ thuật số là công nghệ cảm biến nước đã được Thái Lan áp dụng để giảm thiểu các vấn đề về quản lý nước và giúp nông dân canh tác chính xác hơn. Ngay trước khi bắt đầu canh tác, công nghệ san lấp đất có hướng dẫn bằng laser sẽ giúp đất được che phủ nước đồng đều hơn, đồng thời lượng nước tưới có thể được quản lý tốt hơn. Trong quá trình trồng, nông dân có thể sử dụng ứng dụng với lịch mùa vụ, được tối ưu hóa đặc biệt cho từng loại lúa, giúp lập kế hoạch canh tác từ ngày đầu cho đến khi thu hoạch. Hơn nữa, dự báo thời tiết cũng được đưa vào ứng dụng như một trong những yếu tố để quản lý mùa màng. Cảm biến nước và cảm biến độ ẩm đất được sử dụng trong quá trình canh tác, để giúp người nông dân quản lý ruộng lúa nhằm tăng năng suất. Việc áp dụng công nghệ này không chỉ giới hạn ở lúa gạo mà còn được áp dụng cho nhà máy xay xát lúa gạo sau khi thu hoạch. Việc sử dụng xử lý hình ảnh với công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể giúp tự động xác định chất lượng gạo hiệu quả với độ chính xác cao. Ngoài ra, công nghệ truy xuất nguồn gốc có thể giúp theo dõi gạo từ khi bắt đầu sản xuất cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Chính phủ Thái Lan cũng thành lập Cơ quan xúc tiến kinh tế Kỹ thuật số (Digital Economy Promotion Agency - DEPA) cung cấp tài trợ cho AgriTech và các tổ chức doanh nghiệp nông nghiệp Thái Lan nhằm chuyển đổi doanh nghiệp của họ bằng việc thúc đẩy phát triển các nền tảng số, bảo đảm tính khả dụng của các công nghệ mới. Bên cạnh đó, DEPA cũng thành lập các gói hỗ trợ cụ thể nhằm hỗ trợ vốn cho quá trình chuyển đổi của các doanh nghiệp nông nghiệp lớn hay các doanh nghiệp khởi nghiệp Công nghệ nông nghiệp như: depa Startup Fund (Quỹ Khởi nghiệp), depa Digital Transformation Fund (Quỹ Chuyển đổi số), depa Digital Infrashtructure Fund (Quỹ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số) và depa Digital Event and Marketing Fund (Quỹ Sự kiện và tiếp thị kỹ thuật số).

Nền tảng Hệ thống thông tin nông nghiệp quốc gia NAIS (National Agricultural Information System)

Cách tiếp cận khác nhau đối với hệ thống thông tin nông nghiệp được sử dụng trên khắp thế giới bằng việc thiết lập hệ thống nền tảng khác nhau giữa các quốc gia. Tại Hoa Kỳ, Dịch vụ Thống kê Nông nghiệp Quốc gia NASS (National Agricultural Statistics Service) lưu trữ tất cả thông tin thống kê nông nghiệp liên quan trên một nền tảng duy nhất (ví dụ: nhân khẩu học, kinh tế và giá cả, nghiên cứu và công nghệ, biểu đồ và bản đồ), nền tảng này miễn phí cho tất cả mọi người. Hơn 6 triệu bộ dữ liệu được theo dõi từ năm 1866 luôn có sẵn để tải xuống miễn phí. Có hơn 130.000 người truy cập trang web NASS mỗi tháng.

Ở châu Á, Hàn Quốc có một hệ thống thông tin nông nghiệp tập trung cho nông dân được gọi là “Cơ quan quản lý phát triển nông thôn RDA (Rural Development Administration)”. Nó tích hợp tất cả các viện nông nghiệp thành một mạng lưới để chia sẻ thông tin về sự phát triển công nghệ và các phương pháp hay nhất. RDA cung cấp dịch vụ tư vấn qua email, SMS (với hơn 35.000 nông dân và 8.000 nhà nghiên cứu đăng ký) và các khóa đào tạo trên Internet (với hơn 1.000 nông dân hoặc cán bộ khuyến nông tham gia khóa học hàng năm). Trang web RDA có hơn 50.000 người truy cập hàng tháng.

Hệ thống thông tin nông nghiệp cấp quốc gia cũng đã được thiết lập ở các nước đang phát triển. Ở Jordan, có một nền tảng trực tuyến truy cập mở quốc gia để trao đổi kiến thức và thông tin nông nghiệp. Trong khi đó, Ấn Độ đã thành lập một kho lưu trữ quốc gia về kiến thức nông nghiệp từ các trường đại học và cơ sở nông nghiệp trên khắp đất nước.

Thái Lan đã xây dựng một nền tảng Hệ thống thông tin nông nghiệp quốc gia NAIS liên kết tất cả các bên liên quan trong ngành nông nghiệp để tạo, thu thập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu về nông nghiệp. Nền tảng này bao gồm các kho dữ liệu số toàn diện, lưu trữ đám mây, đồng bộ hóa dữ liệu thời gian thực và giao diện thân thiện với người dùng. Các bộ dữ liệu cần thiết như nhân khẩu học nông dân, chất lượng đất, độ cao đất, diện tích trồng, dự báo thời tiết, lượng mưa lịch sử, giá cả và xu hướng thị trường, những trường hợp nghiên cứu điển hình và những kiến thức cơ bản về nông nghiệp là những tài liệu được cung cấp trên nền tảng. Dữ liệu lớn được sử dụng để cung cấp thêm thông tin chi tiết cho các bên liên quan, đưa ra quan điểm về động lực và xu hướng của toàn bộ ngành nông nghiệp.

Dựa trên nền tảng này, dữ liệu về nông nghiệp sẽ được tổng hợp một cách chính xác nhất. Người nông dân tìm kiếm các thông tin về thời tiết, thị trường trước khi chuyển đổi cơ cấu, triển khai sản xuất. Chính phủ cũng sử dụng dữ liệu từ hệ thống này để lập kế hoạch cho các dự án phát triển mới.

Hình 1. Sơ đồ đơn giản của Hệ thống thông tin nông nghiệp quốc gia NAIS

Từ Hệ thống thông tin nông nghiệp quốc gia này:

- Các cơ quan chính phủ và nhà nước có thể nắm được các thông tin và thực tế nông nghiệp hiện tại để hoạch định các chính sách và định hướng phát triển chiến lược hiệu quả (ví dụ: lựa chọn trồng cây chiến lược cho một vùng cụ thể dựa trên thông tin lịch sử về thời tiết). Dữ liệu nông nghiệp được lưu trữ trong hệ thống thông tin cũng có thể được sử dụng để tạo ra các dịch vụ giá trị gia tăng. Ví dụ: Chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ dữ liệu đáng tin cậy và cung cấp phí đăng ký cho doanh nghiệp nông nghiệp để sử dụng cho mục đích tư nhân (Dữ liệu như dịch vụ - Data as a Service).

- Người nông dân và nhà sản xuất có thể nhận được thông tin nông nghiệp thiết yếu và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn với nhau. Ví dụ: dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và chất lượng đất có thể giúp đưa ra kế hoạch sản xuất và thời gian thu hoạch chính xác. Đối với hoạt động kinh doanh nông sản, NAIS có thể cung cấp những hiểu biết về tình hình thị trường hiện tại, giúp phát triển sản phẩm mới hoặc xác định các cơ hội mới.

- Các nhà nghiên cứu và học giả có thể tăng cường nghiên cứu và phát triển nông nghiệp thông qua việc tiếp cận các kiến thức nông nghiệp truyền thống và kiến thức nông nghiệp mới. NAIS cũng thúc đẩy môi trường trao đổi kiến thức. Giáo viên tại cơ sở nông nghiệp cũng có thể sử dụng dữ liệu có sẵn trên NAIS để tạo ra các công cụ giáo dục tốt hơn.

- Các tổ chức phi chính phủ NGO có thể đánh giá các yêu cầu của nông dân địa phương và giám sát tiến độ hoạt động của họ bằng cách sử dụng thông tin trên NAIS. Với dữ liệu đó, họ cũng có thể lập kế hoạch cho các sáng kiến tiếp theo và tạo báo cáo cho cấp quản lý và người dùng bên ngoài.

Quản lý dữ liệu và quy trình làm việc trong hệ thống bản đồ nông nghiệp (Agri-map) tại Thái Lan

Nông dân Thái Lan gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin nông nghiệp quan trọng giúp họ lập kế hoạch làm việc theo mùa vụ và tăng năng suất. Thông tin quan trọng này được lưu trữ trong các trung tâm tri thức khác nhau trên toàn quốc. Trung tâm Công nghệ máy tính và điện tử quốc gia (NECTEC - National Electronics and Computer Technology Centre) sẽ tập trung các thông tin quan trọng về nông nghiệp và cung cấp giải pháp giúp giảm các kết quả tiêu cực của hệ thống hiện tại, chẳng hạn như cung vượt cầu.

NECTEC đã hợp tác với các cơ quan chính phủ khác nhau với mục tiêu cải thiện thu nhập của nông dân và chất lượng cuộc sống nói chung.

Hình 2. Bản đồ nông nghiệp Thái Lan

Hình 3. Quy trình thu thập, phân tích, chia sẻ dữ liệu trong bản đồ nông nghiệp

Bản đồ nông nghiệp Thái Lan được cung cấp sẽ:

• Tự động hóa các quy trình thủ công;

• Quy trình làm việc tự động lặp lại;

• Hoàn thành công việc trong vài phút đến vài giờ chứ không phải vài ngày đến hàng tuần;

• Đơn giản hóa quá trình mã hóa;

• Cho phép các mô-đun phân tích nâng cao;

• Cho phép các nhà phát triển sáng tạo hơn.

Kết luận

Mỗi quốc gia đều có lợi thế với những nền tảng riêng của mình và cũng có những chiến lược riêng để giải quyết những vấn đề về phát triển nông nghiệp số nhằm nâng cao vị thế của nền nông nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, cho dù quốc gia nào cũng vậy, chiến lược phát triển nông nghiệp số được phát triển bằng cách đưa công nghệ kỹ thuật số vào nông nghiệp là yếu tố then chốt để thu hẹp khoảng cách giữa tình trạng thiếu lao động, quản lý sản xuất và năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Thái Lan đã đi trước Việt Nam trong việc triển khai chiến lược số hóa nền nông nghiệp. Những bài học của Thái Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam đưa ra những định hướng trên con đường phát triển của mình.

Hơn nữa, Hội đồng Đầu tư Thái Lan BOI (Thailand Board of Investment) đang cung cấp các chính sách ưu đãi đầu tư bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu thuế đối với máy móc, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thô được sử dụng trong nghiên cứu và phát triển, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất để xuất khẩu và ưu đãi phi thuế.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

(1) Digital Economic Promotion Agency. (2020). Agriculture landscape in Thailand. Retrieved from https://www.depa.or.th/storage/app/media/file/investment-bulletin.pdf

https://www-file.huawei.com/-/media/corporate/pdf/market-trends/thailand_digitalization_whitepaper_en_new.pdf?la=en

(2) Innovative ideas: Thailand 4.0 and the fourth industrial revolution. Asian International Journal of Social Sciences, 17(1), 4–35. https://doi.org/10.29139/aijss.20170101

(3) Thailand Digital Economy and Society Development Plan. Retrieved from https://www.itu.int/en/ITU-D/Regional-Presence/AsiaPacific/Documents/Events/2016/Apr-Digital2016/S2_Present_Pansak_Siriruchatapong.pdf

(4) Thailand’s SMART Visa. Retrieved from https://www.boi.go.th/upload/BOI-brochure 2018-smart visa-EN-20180125_97687_87299.pdf

(5) A Guide to The Board of Investment 2019, Section 1: Agriculture and Agricultural Products. Retrieved from https://www.boi.go.th/upload/section1_en_wt_link.pdf

(6) Thailand Digital Economy Transformation.