Đang xử lý.....

Chiến lược Chuyển đổi Chính phủ số của Chính phủ Anh  

Chính phủ Anh đã xây dựng chiến lược Chính phủ điện tử từ năm 2013 nhằm tái thiết kế Chương trình nghị sự của Chính phủ điện tử và xem xét lại việc cung cấp các dịch vụ và hoạt động cho người dân. Sau 5 năm triển khai, đến năm 2018, các hoạt động của Chiến lược Chính phủ điện tử đã được thực hiện được khoảng 75% và giúp tích hợp công nghệ vào các hoạt động của chính phủ.
Thứ Tư, 07/09/2022 217
|

Các chính sách và dự án mà Chính phủ điện tử của Chính phủ Anh đã mang lại như: chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở, tham gia điện tử, thanh toán điện tử, chữ ký số, hệ thống quản lý tài liệu, mua sắm điện tử, ứng dụng dành cho thiết bị di động và các lĩnh vực khác đã cải cách cách mà Chính phủ giao dịch với các bên liên quan đồng thời cải thiện Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index).

Nhận thức được tác động tích cực của Chính phủ điện tử, Chiến lược chuyển đổi Chính phủ số của Chính phủ Anh giai đoạn 2018-2022 DGTS (Digital Government Transformation Strategy) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng và tái sử dụng dữ liệu để hỗ trợ các công việc điều hành của Chính phủ, nhằm tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ tốt hơn cho người dân.

Hình 1. Chiến lược chuyển đổi chính phủ số giai đoạn 2018-2022 của nước Anh

Giới thiệu về Chiến lược

Thông qua việc khai thác các cơ hội chuyển đổi số trong khu vực công, Chiến lược chuyển đổi Chính phủ số DGTS của Chính phủ Anh phù hợp và song hành với Chiến lược chuyển đổi các ngành, lĩnh vực trong khu vực công PSBTS (Public Sector Business Transformation Strategy) để đạt được tầm nhìn của Chính phủ số đến năm 2030.

Trong bối cảnh đó, một phương pháp luận dựa trên 12 trụ cột của chính phủ số đã được áp dụng để hướng dẫn việc xây dựng chiến lược này. Để phương pháp luận có cơ sở trong thực tế, chiến lược áp dụng cách tiếp cận lấy nhu cầu của người dân làm trung tâm bao gồm việc phân tích tình huống, mức độ sẵn sàng điện tử, đánh giá sự trưởng thành của kỹ thuật số, phân tích hiệp quả của kỹ thuật số, thông tin chi tiết về dữ liệu từ khảo sát kỹ thuật số của chính phủ với công dân, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Các khuyến nghị chính được đưa ra như sau:

Kỹ thuật số theo mặc định

Các dịch vụ được cung cấp qua kênh kỹ thuật số theo mặc định đồng thời hỗ trợ người dùng có kỹ năng số trong việc sử dụng các dịch vụ số.

Văn hóa định hướng dữ liệu

Tích hợp sử dụng dữ liệu để ra quyết định, xây dựng chính sách, giám sát và liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ.

Đo lường mức độ thành công và lợi ích của các dịch vụ của Chính phủ bằng cách sử dụng các chỉ số hoạt động chính và công bố số liệu thống kê về việc sử dụng dịch vụ công.

Nguyên tắc chỉ một lần

Chỉ thu thập dữ liệu một lần từ người dân và các bên liên quan và sử dụng lại dữ liệu đó (ví dụ: bản sao ID, địa chỉ, giấy khai sinh / kết hôn / khai tử) nếu các dữ liệu này đã có sẵn trong nền tảng lưu trữ của chính phủ.

Chiến lược kinh doanh điện tử (E-Business Strategies)

Xây dựng chiến lược Kinh doanh điện tử ở cấp bộ, ban, ngành để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình kinh doanh và phương thức hoạt động với một kế hoạch chi tiết nhằm giải quyết các yếu tố chính thúc đẩy chuyển đổi số.

Dịch vụ đầu cuối

Chuyển đổi các dịch vụ hiện có thành các dịch vụ giao dịch đầu cuối mà không cần giấy tờ và không yêu cầu di chuyển thực tế hoặc đến văn phòng, thông qua sự hợp tác giữa các cơ quan, khả năng tương tác và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống.

Tham gia điện tử (E-Participation)

Cung cấp các nền tảng số để tích hợp các ý kiến của người dân và các bên liên quan khác (như cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp) trong quá trình ra quyết định của chính phủ.

Tương tác với người dân và phổ biến thông tin của các bộ, ban, ngành trên các kênh mạng xã hội.

Đồng tạo ra các dịch vụ

Tham gia và hợp tác chặt chẽ với người dân và các bên liên quan khác trong việc hình thành và thiết kế các dịch vụ.

Mua sắm điện tử theo mặc định

Áp dụng nguyên tắc “Mua sắm điện tử theo mặc định” và cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho cả các cơ quan nhà nước và nhà cung cấp.

Mở dữ liệu theo mặc định

Thiết lập các cơ chế để bảo đảm phát hành các dữ liệu phi cá nhân thường xuyên và không nhạy cảm được người dân quan tâm ở định dạng mở và ẩn danh bởi các bộ, ban, ngành và sự tham gia của người dân để cùng tạo ra các ứng dụng hướng dữ liệu mở.

Quản trị điện tử (E-Governance)

Cấu trúc Quản trị điện tử được coi như Nhóm đặc nhiệm cấp cao của Chính phủ số, các Ủy ban do Bộ trưởng lãnh đạo và Ban chỉ đạo dự án để theo dõi tiến trình chuyển đổi số ở cấp toàn Chính phủ, cấp tổ chức và cấp dự án.

Nguyên tắc linh hoạt

Áp dụng một cách lặp đi lặp lại để triển khai và cải thiện các dịch vụ thông qua việc thu thập phản hồi của người dùng.

Tính toàn diện kỹ thuật số

Cung cấp các dịch vụ trực tuyến, dễ sử dụng cho mọi đối tượng sử dụng.

Cung cấp các dịch vụ thân thiện với thiết bị di động là kênh ưa thích của hầu hết người dân.

Giải quyết việc tiếp nhận các dịch vụ của chính phủ thông qua chiến dịch nâng cao nhận thức bằng các kênh tiếp thị kỹ thuật số.

Kỹ năng số

Xem xét chương trình kỹ năng xứ kỹ thuật số và người nhập cư kỹ thuật số. Trao quyền cho các công chức và chủ sở hữu dịch vụ có kỹ năng và năng lực kỹ thuật số để sử dụng công nghệ và hỗ trợ cung cấp dịch vụ số. Thúc đẩy sự hiểu biết về kỹ thuật số của các giám đốc điều hành cấp cao dẫn đầu quá trình chuyển đổi số thông qua các khóa đào tạo điều hành.

Xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực về công nghệ số cho các cán bộ, nhân viên ngành ICT để hỗ trợ hệ sinh thái kỹ thuật số.

 

Ngoài ra, Chiến lược chuyển đổi Chính phủ số DGTS của Chính phủ Anh cũng cung cấp cho Chính phủ các chính sách kỹ thuật số để đạt được tất cả 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc cho giai đoạn 2015-2030.

Chiến lược chuyển đổi Chính phủ số DGTS được mô tả trong hình 2 dưới đây được điều chỉnh dựa trên 12 nguyên tắc khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD về Chiến lược Chính phủ số (OECD 2016). Khung Chiến lược này bảo đảm rằng các khuyến nghị của Chiến lược chuyển đổi Chính phủ số DGTS của Chính phủ Anh được thực hiện dựa trên bằng chứng và được chứng minh là có “hiệu quả”.

Hình 2: Khung Chiến lược chuyển đổi Chính phủ số của Chính phủ Anh

Tầm nhìn của Chiến lược

Chính phủ Anh sẽ chuyển đổi mối quan hệ giữa công dân và nhà nước, trao thêm quyền cho người dân và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của họ. Cùng với sự phát triển của Internet, các công cụ, kỹ thuật, công nghệ, các phương pháp để giúp chính phủ:

(1) Hiểu rõ hơn người dân cần gì.

(2) Cung cấp các dịch vụ nhanh hơn với chi phí thấp hơn.

(3) Liên tục cải thiện các dịch vụ, dựa trên dữ liệu và bằng chứng.

Chính phủ Anh sẽ chuyển đổi các dịch vụ của chính phủ và chuyển đổi chính phủ trở thành chính phủ số để:

(1) Người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt hơn và rõ ràng hơn khi tương tác với các dịch vụ của chính phủ.

(2) Chính phủ có thể tạo ra các tác động tức thời hơn, đưa ra các mục tiêu chính sách bằng cách cung cấp dịch vụ thông minh và thông tin nhanh hơn.

(3) Cải thiện niềm tin giữa công dân và nhà nước, giúp người dân tin tưởng rằng dữ liệu cá nhân của họ được bảo mật và được sử dụng đúng mục đích, đồng thời làm cho hoạt động của chính phủ minh bạch hơn.

(4) Xây dựng các hệ thống an toàn theo mặc định, bảo đảm chống tội phạm mạng trong từng giai đoạn Chuyển đổi số của Chính phủ Anh.

Mục tiêu của Chiến lược

Để chuyển đổi mối quan hệ giữa người dân và nhà nước, chính phủ sẽ:

(1) Tiếp tục cung cấp các dịch vụ số an toàn trên thế giới và chuyển đổi cách thức hoạt động của chính phủ, từ trước đến sau, theo cách hiện đại và hiệu quả.

(2) Phát triển kỹ năng và văn hóa phù hợp giữa người dân và các nhà lãnh đạo; xây dựng các chính sách và cách thức cung cấp dịch vụ, cho phép các dịch vụ được cung cấp một cách tốt nhất, tập trung vào các kết quả đầu ra cho công dân.

(3) Xây dựng các công cụ và quy trình làm việc tốt hơn để các cán bộ công chức có tinh thần làm việc và làm việc hiệu quả hơn, bao gồm: trang bị các máy móc hiện đại, kỹ năng, kiến thức về công nghệ kỹ thuật số…

(4) Tận dụng các dữ liệu, không chỉ để minh bạch, mà còn cho phép chuyển đổi giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

(5) Tạo lập, vận hành, thiết lập các tiêu chuẩn mở và gắn các nền tảng chia sẻ và quy trình làm việc tái sử dụng để tăng tốc độ chuyển đổi.

Năm 2015, Chính phủ đã xây dựng Kế hoạch chi tiết Tầm nhìn 2030 với mục tiêu biến Mauritius thành một nền kinh tế có thu nhập cao, bền vững, đổi mới và bao trùm, với cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối toàn cầu, kỹ năng và công nghệ tiên tiến.

Chính phủ đặt mục tiêu đưa việc sử dụng công nghệ vào cuộc sống hàng ngày của mọi người Mauritian, điều này sẽ yêu cầu các dịch vụ của chính phủ, doanh nghiệp, phong cách sống cũng như cơ sở hạ tầng vật lý của chúng ta phải tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Một số sáng kiến cụ thể là thành phố thông minh và các điểm phát WIFI ở những nơi công cộng, đã được thực hiện.

Kế hoạch chi tiết Tầm nhìn 2030 cũng tham vọng biến Mauritius thành một hòn đảo SMART và cung cấp cho các hoạt động cao cấp như phát triển phần mềm và hoạt hình, phân tích dữ liệu lớn, khắc phục thảm họa và điện toán đám mây, sử dụng cơ sở hạ tầng truyền thông và công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Tận dụng dữ liệu trong Chiến lược

Như đã nêu ở phần mở đầu, Chiến lược chuyển đổi Chính phủ số của Chính phủ Anh giai đoạn 2018-2022 DGTS đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng và tái sử dụng dữ liệu để hỗ trợ các công việc điều hành của Chính phủ, nhằm tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ tốt hơn cho người dân. Đúng vậy, dữ liệu là yếu tố cốt lõi, là tài nguyên quan trọng cho phép các dịch vụ công và chính phủ thực hiện các mục tiêu hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu cần thiết của người dân. Dữ liệu hoạt động như nền tảng để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kết nối, chia sẻ thuận tiện, nhanh chóng. Chính phủ Anh đã tìm kiếm và duy trì lòng tin của người dân bằng cách bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân và dữ liệu nhạy cảm của họ trong quá trình sử dụng. Chính phủ Anh sẽ tập trung vào những ưu tiên sau đây:

(1) Tận dụng tốt hơn các dữ liệu như là một công cụ hỗ trợ các dịch vụ công, đặc biệt là khi các dịch vụ đó vượt qua các ranh giới của cơ quan chính phủ.

(2) Tất cả các cơ quan chính phủ cần gỡ bỏ rào cản về dữ liệu thông qua các điều khoản chia sẻ dữ liệu trong Đạo luật Kinh tế kỹ thuật số năm 2017 của Chính phủ Anh.

(3) Thiết lập vị trí Giám đốc dữ liệu để làm đầu mối quản lý thống nhất, khai thác tiềm năng dữ liệu số để phục vụ Chuyển đổi Chính phủ số.

(4) Thiết lập Ban cố vấn dữ liệu mới nhằm tận dụng tốt nhất các dữ liệu trong toàn chính phủ, Ban cố vấn này sẽ xem xét việc sử dụng dữ liệu ở các khu vực công.

(5) Quản lý và sử dụng các dữ liệu một cách an toàn, tuyệt đối bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm của người dân.

(6) Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia, đặc biệt là các dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, y tế, thuế, tài chính, ngân hàng, giao thông… được đặt và lưu trữ tại các cơ quan chính phủ, bảo đảm cơ sở hạ tầng dữ liệu này được chia sẻ, sử dụng chung giữa các cơ quan, có tiêu chí, chỉ số và công cụ đánh giá tính hiệu quả khi sử dụng.

Kết luận

Chuyển đổi là một quá trình liên tục và xuyên suốt. Chiến lược Chuyển đổi Chính phủ số 2018-2022 của Chính phủ Anh nhằm mục đích mở đường cho một “Chính phủ số” và xây dựng một lộ trình cho mỗi tổ chức chính phủ khai thác các công nghệ số để xây dựng và cung cấp các dịch vụ trực tuyến mới hiệu quả và sáng tạo đồng thời đặt người dân, khách hàng vào trung tâm của các dịch vụ số:

(1) Phát triển kỹ năng và văn hóa giữa các nhân viên chính phủ và các nhà lãnh đạo để cho phép các dịch vụ được cung cấp một cách nhanh chóng, tập trung vào sự hài lòng của người dân.

(2) Cung cấp các công cụ kỹ thuật số tại nơi làm việc và xây dựng các quy trình để giúp nhân viên chính phủ làm việc hiệu quả hơn.

(3) Sử dụng tốt hơn dữ liệu giữa các chính phủ để theo đuổi hành trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung và Chuyển đổi Chính phủ số nói riêng.

(4) Sử dụng các nền tảng chia sẻ và các khả năng kinh doanh có thể tái sử dụng để tăng tốc độ chuyển đổi.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đó là “tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; cải thiện chỉ số xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử”.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

[1] Digital Government Transformation Strategy 2018-2022

https://cib.govmu.org/Documents/Reports/Digital%20Government%20Strategy%202018-2022.pdf