Đang xử lý.....

Cải cách cung cấp dịch vụ công Ấn Độ  

Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất với dân số lớn thứ hai trên thế giới và có vị trí địa lý ở khu vực phía Nam Á. Theo hiến pháp, Ấn Độ là một nước Cộng hòa liên bang được quản lý theo hệ thống nghị viện bao gồm 29 bang và 7 lãnh thổ liên minh...
Thứ Năm, 12/12/2019 2568
|

Một số bang ở Ấn Độ cũng tương đương như một số nước châu Âu và châu Phi về diện tích địa lý, dân số và về kinh tế. GDP của Ấn Độ đạt 2,064 nghìn tỷ đô la trong năm 2014 và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 8,3% trong 5 năm qua. Với sự tăng trưởng của nền kinh tế, kỳ vọng của công dân về cung cấp dịch vụ công tốt hơn ngày càng gia tăng và nó cũng đặt ra nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng ở nước này. Việc phát triển một hệ thống cung cấp dịch vụ công hiện đại và hiệu quả luôn là thách thức đối với chính phủ Ấn Độ. Cùng với tự do hóa kinh tế, cải cách cung cấp dịch vụ công cộng là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của Chính phủ Ấn Độ (GoI) trong hai thập kỷ qua và nhiều sáng kiến, chương trình đã được thực hiện, bao gồm cả các sáng kiến ​​nhằm trao quyền cho công dân yêu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ và đưa ra những câu hỏi đối với chính phủ.

Một số vấn đề trọng tâm của cải cách cung cấp dịch vụ công chính là biến dịch vụ của chính phủ thành quyền cơ bản của công dân, phân cấp ngân sách, chức năng hóa chính quyền địa phương, tái thiết kế các quy trình của chính phủ, áp dụng công nghệ làm công cụ giải pháp, hỗ trợ pháp lý và cải cách thể chế.

Quyền đối với các dịch vụ công

Luật Quyền đối với dịch vụ ông (Right to Public Services - RTS) thể hiện cam kết của chính phủ các bang ở Ấn Độ về các tiêu chuẩn, chất lượng và khung thời gian cung cấp dịch vụ, về cơ chế giải quyết khiếu nại, tính minh bạch và trách nhiệm. Đạo luật RTS cho phép người dân sử dụng các dịch vụ của các cơ quan chính phủ với sự thuận tiện tối đa và tốc độ nhanh nhất có thể. Điều này yêu cầu các tổ chức chính phủ phải được xác định rõ ràng, chính xác và có thể thi hành các quyền lợi của người dân đối với các dịch vụ công dưới dạng có cam kết. Các cam kết xác định các tiêu chuẩn tối thiểu để cung cấp dịch vụ theo mong đợi của người dùng và thiết lập các thỏa thuận khắc phục nếu các nhà cung cấp dịch vụ không đáp ứng tiêu chuẩn như đã đặt ra. Là một phần trong việc cải cách dịch vụ công, nhiều chính phủ tiểu bang ở Ấn Độ đã ban hành luật với mục tiêu giảm tham nhũng, tăng tính minh bạch và công khai trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ công. Những hành vi này của chính quyền đã đảm bảo về thời gian đối với việc cung cấp các dịch vụ công của các tổ chức, cơ quan chính phủ cho công dân với các điều khoản để xử phạt các nhân viên mắc sai lầm trong quá trình cung cấp các dịch vụ theo quy định.

Một số đặc điểm nổi bật của RTS như sau:

- Là khung chung cho các cơ quan lập pháp của tiểu bang, cấp "quyền đối với các dịch vụ công", được cung cấp cho người dân bởi các nhân viên có thẩm quyền theo thời gian quy định;

- Các dịch vụ công được cung cấp thông qua Công báo. Một số dịch vụ công thường được cung cấp như cấp giấy chứng nhận khai sinh, kết hôn và cư trú, đăng ký điện, thẻ cử tri, bản sao hồ sơ đất đai, v.v., theo thời gian quy định;

- Sau khi nộp hồ sơ cho nhân viên có thẩm quyền, người dân sẽ được nhận biên lai;

- Thời gian tính bắt đầu từ ngày nộp ghi trên biên lai;

- Cung cấp cơ chế giải quyết khiếu nại trong trường hợp người dân không được cung cấp dịch vụ công theo quy định;

- Trong trường hợp quá hạn, nhân viên phụ trách sẽ phải nộp phạt theo quy định của nhà nước;

- Người nộp đơn có thể được bồi thường từ hình phạt áp dụng cho nhân viên phụ trách.

Quyền của công dân đối với việc cung cấp dịch vụ theo thời gian và giải quyết vấn đề khiếu nại

Là một vấn đề trọng tâm để cải cách các dịch vụ công và yêu cầu chính phủ phải có trách nhiệm hơn với công dân của mình, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra Luật của Công dân và Dự luật giải quyết khiếu nại năm 2011 còn được gọi là Quyền của công dân đối với việc cung cấp dịch vụ theo thời gian và Giải quyết Khiếu nại. Dự luật đề xuất các cải cách pháp lý sau đây:

- Yêu cầu tất cả cơ quan công quyền phải xuất bản Điều lệ công dân trong vòng sáu tháng kể từ khi bắt đầu Luật;

- Mỗi Điều lệ sẽ liệt kê các cam kết của cơ quan công quyền tương ứng với người dân, cán bộ chịu trách nhiệm đáp ứng từng cam kết đó và thời hạn đáp ứng cam kết;

- Yêu cầu tất cả cơ quan công quyền chỉ định một cán bộ giải quyết khiếu nại để công khai tiếp nhận các khiếu nại của người dân nếu có;

- Yêu cầu cán bộ có thẩm quyền phải giải quyết các khiếu nại của công dân theo thời gian quy định, nếu sai cán bộ đó sẽ phải bị xử phạt lương theo quy định;

- Phải bồi thường cho người dân nếu họ không nhận được các quyền lợi của theo luật đã quy định.

Bài học rút ra:

Nếu có quyết tâm, ắt sẽ có cách thực hiện. Sáng kiến này đã mang lại thành công lớn và cho chúng ta thấy rằng việc cung cấp dịch vụ theo các mức độ có thể được ủy quyền trong các cơ quan chính phủ và cho các cá nhân thuộc các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm trực tiếp.

Quyền đối với Luật thông tin 2005

Mục tiêu của Luật Thông tin (Right to Information - RTI) là trao quyền cho công dân, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong cách làm việc của chính phủ, ngăn chặn tham nhũng và làm cho nền dân chủ hoạt động theo đúng nghĩa là cho người dân. Một người dân có hiểu biết là một trong những cơ chế tốt nhất để làm cho chính phủ có trách nhiệm và minh bạch hơn. Đạo luật RTI là một bước tiến lớn hướng tới người dân như thông báo về các hoạt động của chính phủ. RTI cho phép và cung cấp quyền truy cập hợp pháp cho một người dân như sau:

- Kiểm tra công việc, tài liệu và hồ sơ;

- Ghi chép, trích xuất hoặc bản sao chứng thực tài liệu hoặc hồ sơ;

- Lấy các tài liệu được chứng nhận do cơ quan công quyền nắm giữ và dưới sự kiểm soát của cơ quan công quyền.

Luật RTI 2005 đáp ứng kịp thời các yêu cầu của người dân về thông tin của chính phủ. Đó là một sáng kiến ​​của Cục Lao động và Đào tạo (DoPT) thuộc Bộ Lao động, Khiếu nại và Lương hưu. Điều quan trọng cần lưu ý là chỉ những thông tin như vậy mới có thể được cung cấp cho người dân. Cán bộ thông tin công (PIO) không có nghĩa vụ tạo hoặc tạo thông tin không phải là một phần hồ sơ của cơ quan công quyền. Cán bộ thông tin công cũng không bắt buộc phải cung cấp thông tin suy luận và/hoặc đưa ra các giả định; hoặc để giải thích thông tin; hoặc để giải quyết các vấn đề được đưa ra; hoặc để cung cấp trả lời cho các câu hỏi giả thuyết.

Để làm cho thông tin thực sự có thể truy cập và tăng cường nhận thức của người dân khắp Ấn Độ, DoPT đã triển khai cổng thông tin RTI để tìm kiếm thông tin nhanh chóng về các chi tiết của Cơ quan phúc thẩm đầu tiên, PIO, v.v. bên cạnh việc truy cập vào thông tin công khai liên quan đến RTI được công bố trên web của các cơ quan công quyền khác nhau trong Ấn Độ.

Lợi ích và tác động chính

Luật RTI là một công cụ mang tính cách mạng cho công dân Ấn Độ. Luật này đã được các công dân và thành viên xã hội dân sự sử dụng để khám phá rất nhiều vụ án tham nhũng trong chính quyền toàn Ấn Độ. Nó cũng đã được sử dụng một cách hiệu quả bởi người dân để làm nổi bật các khoảng cách và nhược điểm trong hệ thống cung cấp dịch vụ công dẫn đến việc chính phủ thực hiện các hành động khắc phục để cải thiện việc cung cấp dịch vụ.

Phân cấp ngân sách, chức năng hóa chính quyền địa phương

Vào thời cổ đại, năm người cao cấp nhất ở cấp thôn hoặc cấp địa phương thường cùng nhau giám sát công việc phát triển, giải quyết các vấn đề và phân bổ nguồn lực cho những người cần giúp đỡ. Cơ quan quản lý không chính thức gồm năm thành viên này được gọi là Panchayat (Panch có nghĩa là năm trong ngôn ngữ địa phương). Ở một đất nước rộng lớn và đa dạng như Ấn Độ, yêu cầu về việc quản trị và cung cấp dịch vụ công tốt hơn ngày càng trở nên áp lực đối với chính quyền do nhận thức của người dân càng ngày càng tăng. Với mục tiêu đưa quản trị đến gần hơn với công chúng và tăng trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện Hệ thống Panchayati Raj vào năm 1993 thông qua sửa đổi hiến pháp lần thứ 73 và thông qua Luật Panchayati Raj. Luật này cho phép chính phủ phân bổ ngân sách, phân cấp các chức năng đã được xác định trong luật cho các tổ chức được bầu tại địa phương này. Một số đặc điểm chính của Luật này bao gồm:

- Một cơ cấu quản trị gồm 3 cấp của chính quyền (panchayats) đã được giới thiệu là panchayat Gram (cấp làng), Panchayat Samiti (cấp xã) và Zila Parishad (cấp huyện). Ba lớp quản trị ở địa phương này được gọi là Tổ chức Panchayati Raj (PRI);

- Nó cho phép Chính quyền bang (tương đương cấp tỉnh) đưa ra luật riêng để thiết lập PRI và trao cho họ quyền hạn cần thiết để cho phép họ hoạt động như các tổ chức tự trị;

- Trao quyền cho người dân bầu ra đại diện của họ tại chính quyền địa phương (PRI);

- Cho phép phụ nữ tham gia vào PRI;

- Nhiệm kỳ hoạt động của PRI là 5 năm;

- Các PRI được trao quyền xây dựng các kế hoạch phát triển của riêng họ và thực hiện kế hoạch đề ra;

- Cấp ngân sách riêng cho PRI, cho họ quyền đánh thuế và danh sách các mặt hàng trong phạm vi quyền hạn của họ;

- Cứ sau 5 năm, sẽ có Ủy ban Tài chính Nhà nước kiểm tra các nguồn tài chính của PRI;

- Phải có kiểm toán xã hội bắt buộc cho các công việc phát triển theo các khoảng thời gian cố định.

Ngoài những điều trên, một bộ chuyên trách mới (Bộ Panchayati Raj) đã được thành lập để xử lý các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện hệ thống chính quyền địa phương mới với các tuyên bố về sứ mệnh và tầm nhìn sau đây:

Tầm nhìn

Phải thiết lập được chính quyền địa phương tích cực tham gia và phi tập trung thông qua Tổ chức Panchayati Raj (PRIs).

Sứ mệnh

Trao quyền, hỗ trợ và trách nhiệm cho các PRI để đảm bảo sự phát triển toàn diện theo sự công bằng xã hội và cung cấp dịch vụ hiệu quả.

Lợi ích và tác động chính

Hiện tại, có khoảng 3 triệu đại biểu được bầu tại tất cả các panchayats và gần một nửa trong số họ là phụ nữ. Các thành viên được bầu này đại diện cho khoảng 250.000 PRI ở các cấp độ khác nhau và cung cấp gần 96% quản trị địa phương cho khu vực nông thôn của Ấn Độ. Điều này đã có tác động tích cực đến hệ thống quản trị tổng thể trong nước và cũng đã giúp cải thiện việc cung cấp dịch vụ công. Thêm nữa, kiểm toán xã hội được thực hiện ở cấp PRI bởi các công dân giúp thảo luận về các vấn đề, xem xét công việc được thực hiện và cũng có hành động khắc phục trong trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào. Một số lợi ích chính có thể thấy rõ như sau:

- Phân cấp và đưa chính phủ đến gần hơn với công dân ở cấp cơ sở;

- Cung cấp dịch vụ nhanh chóng và dễ dàng hơn;

- Các thành viên của PRI nhận thức rõ hơn về các vấn đề cụ thể của khu vực, và do đó họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn với thời gian nhanh nhất có thể;

- Giải quyết nhanh hơn các vấn đề khiếu nại, tố cáo;

- Kiểm toán xã hội dẫn đến tăng sự tham gia của người dân vì trách nhiệm cao hơn;

- Cải thiện giám sát việc cung cấp dịch vụ công.

Bài học rút ra:

- Quản trị phi tập trung có thể dẫn đến hoặc là chất xúc tác chính cho việc cải thiện cung cấp dịch vụ công và cải cách chính quyền nếu được thực hiện theo cách có kế hoạch;

- Cần phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động nhưng đừng ngại thực hiện các giải pháp sáng tạo. Ví dụ, ở Ấn Độ, khái niệm Kiểm toán xã hội đã yêu cầu các thành viên trong hệ thống PRI phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với người dân, đối với xã hội...

Trần Thị Duyên

Tài liệu tham khảo

[1] Development of a Long-term Policy Document on provision of citizen-centric administrative services by central state institutions, Pwc, October 2013.