Nâng cao mức độ nhận thức về dữ liệu mở và giá trị tiềm năng của dữ liệu mở được các cơ quan chính phủ, các tổ chức, bộ phận công nghệ và báo chí đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, khi dữ liệu được mở ra việc thu hút sự chú ý và đổi mới sáng tạo của người dùng và người tiêu dùng dữ liệu vẫn còn là một thách thức. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút bên có nhu cầu của dữ liệu mở và làm thế nào để có thể phát triển cộng đồng người dùng dữ liệu và khuyến khích "quyền sở hữu" dữ liệu của truyền thông, các nhóm cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, hiệp hội nghề nghiệp, trường đại học là một vấn đề cần giải quyết.
Nhận ra đầy đủ lợi ích của việc sử dụng dữ liệu cũng có nghĩa là thu hút các nhà phát triển, nhà ứng dụng sử dụng dữ liệu. Bởi vì các sản phẩm, ứng dụng và nội dung dựa trên dữ liệu có thể cải thiện nhiều vấn đề trong kinh tế-xã hội. Khi đánh giá về sự sẵn sàng của dữ liệu mở, một trong nội dung về kiến thức người dùng về dữ liệu cũng là yếu tố chính cần xem xét. Để thu hút nhiều bên liên quan khác nhau khi chương trình dữ liệu mở được thúc đẩy, các nội dung đề cập sau đây sẽ nâng cao mức độ sẵn sàng cũng như có thể giúp truyền cảm hứng và trao quyền cho người dân sử dụng dữ liệu mở và tối đa hóa giá trị cho công đồng theo những việc làm cụ thể. Chiến lược bao gồm bốn giai đoạn gồm i) Tham gia ban đầu, ii) Phát triển năng lực, iii) Sử dụng & Tái sử dụng và iv) Phát triển hơn nữa.
Giai đoạn tham gia ban đầu
Trong giai đoạn đầu, việc tương tác tập trung vào việc xác định các bên có khả năng cung cấp dữ liệu và những người sử dụng tiềm năng, khuyến khích các thành phần này thực hiện các bước quan trọng ban đầu để hướng tới sáng kiến về dữ liệu mở. Về phía bên cung cấp dữ liệu, sự tham gia có thể là các cá nhân, đơn vị quản lý dữ liệu trong các bộ và cơ quan thuộc chính phủ có vai trò chủ chốt, có những trường hợp, các cán bộ công chức viên chức cũng cần được hỗ trợ, nâng cao nhận thức để hiểu những dữ liệu họ đã có. Về phía người dùng tiềm năng, cần phải xác định những đối tượng, tổ chức có động lực và phương tiện để sử dụng dữ liệu mở. Đối với cả hai đối tượng, sự tham gia sớm này thường đòi hỏi nhận thức về việc sử dụng, lợi ích và cơ hội do dữ liệu mở mang lại; xác định các ưu tiên và nhu cầu dữ liệu với từng các đối tượng khác nhau; nâng cao năng lực và hỗ trợ các cộng đồng về dữ liệu mở đã thành lập. Các sự kiện và chương trình ví dụ sau đây thể hiện sự thực hiện có hiệu quả giai đoạn 1.
Ví dụ như các hội thảo thảo luận về dữ liệu mở, các hội thảo này được thiết kế cho nhiều đối tượng khác nhau, các sự kiện này cung cấp thông tin tổng quan, lợi ích và cách thức tiến hành cung cấp dữ liệu mở. Các hội thảo này cần có sự tham gia từ các quốc gia đã triển khai, các khu vực và tổ chức đối tác về những đúc rút, trải nghiệm của việc triển khai. Ví dụ như hội thảo các bên liên quan đến dữ liệu mở được tổ chức trong ngày công bố sáng kiến dữ liệu mở của Nigeria vào tháng 1 năm 2014 là một ví dụ. Một cách thức khác là việc tổ chức các Hội nghị bàn tròn về dữ liệu mở. Hội nghị bàn tròn cấp cao này giới thiệu những lợi ích của dữ liệu mở đối với sự tăng trưởng và phát triển của khu vực xã hội, kinh tế và tư nhân, đồng thời cố gắng thúc đẩy sự lãnh đạo ở cả phía cung và cầu. Thông tin được cung cấp tại hội nghị bàn tròn này được điều chỉnh cho nhóm các cá nhân có thẩm quyền ra quyết định - bao gồm các lãnh đạo cấp bộ, lãnh đạo chính quyền địa phương, CEO, lãnh đạo cơ quan truyền thông và của các tổ chức hoạt động về xã hội cùng nhiều đối tượng khác. Ví dụ về hội nghị này như hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo truyền thông về 'dữ liệu mở và tương lai của tin tức' được tổ chức tại Ghana, Kenya, Nepal, Tanzania và Nam Phi. Một ví dụ khác như chương trình thúc đẩy dữ liệu, đây là một chương trình kéo dài hai ngày với người tham gia là các lập trình viên quốc tế và các lập trình viên địa phương để cùng nhau thu thập dữ liệu hiện có dưới dạng phi cấu trúc của cơ quan nhà nước, sau đó cấu trúc lại các dữ liệu này ở các định dạng có thể đọc được bằng máy (ví dụ: CSV) và sử dụng chúng để đưa vào một nền tảng dữ liệu mở mới hoặc tạm thời. Những chương trình này tạo ra một dịp để đạt được sức hút trong quá trình mở dữ liệu ở giai đoạn ban đầu bằng cách tận dụng những gì đã có sẵn, cũng như xây dựng động lực hướng tới việc mở dữ liệu nhiều hơn nữa bởi nhiều cơ quan. Một trong những chương trình như chương trình có tên Hacks / Hackers Open News Scrape-a-thon ở Chile, nơi dữ liệu được lưu trữ miễn phí trên các kho lưu trữ thuộc sở hữu chung và được quản lý chung, chẳng hạn như OpenAfricaData.org và OpenDataLatinoAmerica.org.
Giai đoạn về Phát triển năng lực
Để bất kỳ dữ liệu nào hữu ích, người dùng dữ liệu phải phát triển "kiến thức về dữ liệu". Họ phải hiểu dữ liệu, cách thu thập dữ liệu và cách ứng dụng dữ liệu cho các nhu cầu cụ thể. Các nội dung trong giai đoạn 2 giúp nâng cao kiến thức về dữ liệu và năng lực liên quan đến công nghệ của những người dùng tiềm năng, bao gồm các nhà báo, tổ chức phi lợi nhuận, học giả và nhà phát triển phần mềm. Mức độ và phong cách đào tạo kỹ thuật phụ thuộc vào đối tượng. Lý tưởng nhất là những người dùng sẽ được tham gia vào nhiều cơ hội đào tạo khác nhau tùy theo nhu cầu cũng như mục đích của người dự. Một số các khóa học và hội thảo sau đây là ví dụ cho các hoạt động triển khai chương trình này.
Hình 1: Các giai đoạn thúc đẩy sự tham gia về dữ liệu mở
Ví dụ như chương trình có tên Open Data Literacy Bootcamps, chương trình bao gồm các hội thảo chuyên sâu kéo dài ba ngày theo phương pháp vừa học vừa làm. Chương trình tập trung vào việc phát triển các kỹ năng cốt lõi cho các nhà báo, lập trình viên và nhiều đối tượng khác tham gia. Các đối tượng tham gia được học lý thuyết và thực hành trên máy tính tại các lớp học. Các nội dung học chi tiết gồm về danh mục dữ liệu mở; đào tạo về bảng tính Excel và tạo các bảng lọc dữ liệu; thu thập dữ liệu ở cấp độ địa phương và quốc gia; làm sạch dữ liệu này; trực quan hóa dữ liệu; giới thiệu về lập bản đồ GIS; và cuối cùng là tạo ra các câu chuyện xung quanh dữ liệu bao gồm giới thiệu về xây dựng các ứng dụng và kế hoạch hành động. Các chương trình đào tạo về kiến thức dữ liệu như ở Ấn Độ, Mexico, Singapore, Nam Sudan, Sudan, Bolivia, Ghana, Jordan, Nepal, Malawi, Moldova, Nam Phi, Tanzania, Tunisia, Ethiopia, Venezuela và Uruguay. Một chương trình khác là các lớp học tổng thể về dữ liệu mở. Các lớp học này cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu theo phong cách bootcamp kéo dài nhiều tuần cho các học viên đã có kinh nghiệm, nhiều nội dung đi sâu hơn vào việc học tập các thực hành, thực tiễn và xây dựng kỹ năng về phân tích dữ liệu. Một chương trình khác là các khóa học trực tuyến về kiến thức dữ liệu mở. Các khóa học trực tuyến về kiến thức dữ liệu mở kéo dài một tuần ra mắt lần đầu vào năm 2015 và thể hiện một loạt các công cụ về dữ liệu ở bối cảnh rộng hơn. Chương trình tạo điều kiện để các đối tượng tự đào tạo và phù hợp cho nhiều đối tượng. Đồng thời, các khóa học được cung cấp miễn phí và có sẵn trên nhiều nền tảng học trực tuyến.
Giai đoạn 3 về sử dụng và tái sử dụng
Mục tiêu của giai đoạn 3 là khai thác dữ liệu mở theo những cách cụ thể để giải quyết các thách thức và cơ hội cụ thể, đồng thời sử dụng dữ liệu mở để tạo ra giá trị và kết quả hữu hình. Các chính phủ có thể đã có nhiều chính sách ưu tiên để hướng đến các giải pháp về các vấn đề mà dữ liệu mở có thể đóng góp vào giải quyết vấn đề. Ngoài ra, khu vực tư cũng có thể có nhiều ý tưởng riêng và mục tiêu cụ thể, mục đích của giai đoạn này giúp hướng dẫn để tạo ra giá trị và kết quả hữu hình từ dữ liệu mở. Các sự kiện sau là những ví dụ để triển khai giai đoạn này.
Ví dụ về các chương trình có tên Hackathons, chương trình này tập trung giải quyết các thách thức cụ thể với các dữ liệu đã có. Các nhà phát triển công nghệ, lập trình viên sử dụng dữ liệu hiện có để phát triển và xây dựng các ứng dụng tiện ích nhằm giải quyết các vấn đề bất cập, trong đó thường tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công. Những người giành giải có thể nhận được các khoản kinh phí hỗ trợ để tiếp tục triển khai và phát triển ứng dụng cũng như được cung cấp các khuyến nghị, cố vấn sau các chương trình hackathon để đẩy nhanh quá trình phát triển, triển khai và quan trọng hơn là sử dụng các ứng dụng tiện ích đó ở ở quy mô quốc gia, khu vực khác để giải quyết các nhu cầu tương tự. Ví dụ về các chương trình hackathon ở nhiều nội dung ví dụ như bạo lực gia đình, chất lượng và khả năng tiếp cận nước sạch. Các cuộc thi về các ứng dụng, các cuộc thi này tương tự như hackathon nhưng thường nhấn mạnh ở các yếu tố cạnh tranh để đạt giải thưởng và nhận được sự công nhận do hội đồng giám khảo trao tặng. Thể lệ của cuộc thi được quy định cụ thể đảm bảo các sản phẩm hoặc ứng dụng đủ điều kiện để đáp ứng các mục tiêu của nhà tài trợ. Các ví dụ các cuộc thi đã tổ chức như chương trình có tên “Thử thách dữ liệu mở”, “Ứng dụng cho sự phát triển”, “Ứng dụng cho khí hậu” và các cuộc thi thử thách dữ liệu mở về an ninh lương thực. Một số chương trình khác thuộc giai đoạn này có tên Prototype Funds, đây là một nội dung hợp tác để kết nối các dự án sử dụng dữ liệu và các ứng dụng tiện ích đã được phát triển tốt để được tài trợ và đầu tư nhiều hơn nhằm có thể mở rộng quy mô. Một ví dụ cho chương trình này như chương trình đổi mới tin tức được tổ chức ở châu Phi.
Một ví dụ cụ thể là chương trình có tên “Apps for Democracy”, đây là một trong những cuộc thi đầu tiên ở Hoa Kỳ, được ra mắt vào tháng 10 năm 2008 bởi Vivek Kundra - giữ chức Giám đốc Công nghệ (CTO) của Chính phủ Quận Columbia (DC). Kundra đã phát triển một danh mục dữ liệu của Quận Columbia một cách đột phá, http://data.octo.dc.gov/, danh mục này bao gồm các bộ dữ liệu như dữ liệu tội phạm thời gian thực, điểm kết quả kiểm tra tại các trường học và các chỉ số nghèo đói. Vào thời điểm này, đây là danh mục dữ liệu quy mô địa phương toàn diện nhất trên thế giới. Thách thức được đưa ra để tạo ra những điều hữu ích cho công dân, du khách, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Cuộc thi đã được diễn ra trong 30 ngày và chi phí tổ chức mà chính quyền Quận DC bỏ ra là 50,000 USD. Kết quả là tổng số 47 ứng dụng website cho iPhone, Facebook đã được phát triển với giá trị ước tính vượt hơn 2,600,000 USD cho kinh tế của địa phương.
Một cuộc thi khác mang tên “Thử thách Abre Datos 2010” đã được tổ chức tại Tây Ban Nha vào tháng 4 năm 2010, cuộc thi này đã mời các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng mã nguồn mở sử dụng dữ liệu mở diễn ra chỉ trong 48 giờ. Cuộc thi có 29 đội tham gia đã phát triển. Các ứng dụng di động để truy cập thông tin giao thông ở Xứ Basque và để truy cập dữ liệu về xe buýt và bến xe buýt ở Madrid đã giành được giải nhất và giải nhì với giá trị giải thưởng là € 3.000 và € 2.000.
Giai đoạn 4 về các bước phát triển tiếp theo
Khi sáng kiến về dữ liệu mở được thiết lập vững chắc, mục tiêu tiếp theo tập trung vào việc đảm bảo sáng kiến được phát triển bền vững. Điều này có thể có nghĩa là củng cố nỗ lực của các giai đoạn trước đó, tuyên truyền sáng kiến đến các cấp chính quyền khác và hỗ trợ cộng đồng người dùng dữ liệu cả ở quy mô địa phương và quốc gia. Một số ví dụ sau đây về các chương trình và hoạt động ủng hộ việc tài trợ, bồi dưỡng hoặc tham gia của người dùng để giúp duy trì các sáng kiến.
Chương trình có tên Code for Your Country là một chương trình học bổng lập trình kéo dài sáu tháng, theo định hướng hợp tác, kết hợp các lập trình viên có trình độ vào các bộ, ban ngành để triển khai các kỹ năng lập trình nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ công và vào các cơ quan truyền thông để tăng cường tạo ra nội dung, sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu nhằm tiêu thụ, phân tích và sử dụng. Sáng kiến này cũng cải thiện quản trị minh bạch, nâng cao tính trách nhiệm giải trình bằng cách hỗ trợ việc xác định và mở dữ liệu theo nhu cầu, thúc đẩy việc hành động và tăng cường việc phân tích dựa trên dữ liệu, ra quyết định ở tất cả các cấp. Ví dụ về các chương trình thuộc giai đoạn này như Code4Kenya, CodeforAfrica, Code for South Africa và Code for Nepal. Các chương trình khác như hội nghị dữ liệu mở quốc tế và khu vực. Các hội nghị này được tài trợ bởi các tổ chức khác nhau và được tổ chức trên nhiều quốc gia khắp thế giới. Chương trình cung cấp cơ hội học tập cho cả bên cung cấp dữ liệu và sử dụng dữ liệu nhằm kết nối các cộng đồng. Các ví dụ như các phiên họp tại Hội nghị dữ liệu Chính phủ mở Quốc tế lần thứ nhất và thứ hai, Hội nghị Chính phủ mở ở Moscow và Hội nghị Khu vực đầu tiên và thứ hai về dữ liệu mở cho Châu Mỹ Latinh và Caribe. Cộng đồng dữ liệu mở cũng là chương trình thuộc giai đoạn này. Cộng đồng người dùng có tổ chức có thể cung cấp việc hỗ trợ và tương tác bền vững trong dài hạn. Các cộng đồng này có thể có trụ sở tại địa phương hoặc chi nhánh của các tập đoàn quốc tế như Hacks.Hacker, GDGroups, ODI Nodes, OKFN Chapters và Data Cafes.
Kết luận
Việc triển khai cung cấp dữ liệu mở là một nội dung quan trọng và không hề dễ dàng. Ngoài các vấn đề về nội dung, kỹ thuật liên quan đến dữ liệu mở, một nội dung không kém phần quan trọng là thúc đẩy sự kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu. Để các dữ liệu mở thực sự hữu ích và tạo ra được các giá trị hữu hình, việc tổ chức các hoạt động liên quan là rất quan trọng. Bài viết cung cấp một số thông tin để giúp hiểu rõ thêm về các chương trình liên quan song song với quá trình cung cấp dữ liệu mở./.
Nguyễn Huy Kháng
Tài liệu tham khảo
- [Online] // World Bank Open Data. - 2022. - https://data.worldbank.org/.
- Open Data Handbook [Online]. - 2022. - http://opendatahandbook.org/.
- Open Data Policy Hub [Online]. - 2022. - https://sunlightfoundation.com/.
- Open Standards for Data [Online]. - 2022. - https://standards.theodi.org/.
- Readiness Assessment Tool [Online]. - 2022. - http://opendatatoolkit.worldbank.org/en/odra.html.
- Releasing data on data.govt.nz [Online]. - 2022. - https://www.data.govt.nz/catalogue-guide/releasing-data-on-data-govt-nz/.
- The Impact of Open Data – Initial Findings from Case Studies [Online]. - 2022. - https://blog.thegovlab.org/post/the-impact-of-open-data-initial-findings-from-case-studies.
- Using data.govt.nz APIs [Online]. - 2022. - https://www.data.govt.nz/catalogue-guide/using-data-govt-nz-apis/.