Đang xử lý.....

Các trụ cột chính trong chiến dịch chuyển đổi số ở Singapore  

“Chuyển đổi số” là một khái niệm được ra đời trong thời đại bùng nổ các công nghệ số và đã trở thành thông lệ cho xã hội hiện nay. Nói đến chuyển đổi số chúng ta thường nhắc đến ba trụ cột quan trọng đó là “Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số”. Chính phủ số cung cấp môi trường và định hình, thúc đẩy Kinh tế số và Xã hội số. Nền kinh tế số hợp tác chặt chẽ với Chính phủ số để hỗ trợ số hóa việc cung cấp dịch vụ của chính phủ và xây dựng năng lực, nhu cầu chuyển đổi cho các ngành trong tương lai.
Thứ Hai, 14/12/2020 1748
|

Tuy nhiên, để xây dựng các trụ cột quan trọng này thì phải trải qua một quá trình lâu dài. Nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chuyển đổi số, chính phủ Singapore đã đi đầu trong việc xây dựng và vạch ra các kế hoạch của chiến dịch chuyển đổi trong đó trọng tâm là các trụ cột về kinh tế, chính phủ và xã hội thông qua Khung hành động về kinh tế số; Kế hoạch chi tiết về chính phủ số; và Kế hoạch chi tiết về sự sẵn sàng của công nghệ số.

Ba trụ cột để chuyển đổi số ở Singapore

Hình 1. Ba trụ cột chính để chuyển đổi số ở Singapore

(1) Kinh tế số

Kinh tế số đề cập đến một nền kinh tế ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh để nâng cao năng suất. Các nhu cầu kinh doanh được tiến hành trên thị trường dựa trên Internet và mạng lưới toàn cầu (World Wide Web). Nền kinh tế số còn được gọi là nền kinh tế Internet, nền kinh tế mới hoặc nền kinh tế web; là kết quả của hàng tỷ kết nối trực tuyến hàng ngày giữa người dân, doanh nghiệp với các thiết bị, dữ liệu và quy trình. (Theo wikipedia)

Tiến lên một xã hội kỹ thuật số là mệnh lệnh quốc gia trong Sáng kiến xây dựng Quốc gia thông minh của Singapore. Kỹ thuật số hóa sẽ tạo điều kiện để tăng trưởng kinh tế, xã hội. Phong trào kỹ thuật số ở Singapore (SG:D_ Singapore Digital) được phát động cùng với chính phủ, các công ty, tổ chức và cá nhân nhằm thúc đẩy nỗ lực số hóa tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, liên tục tự đổi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu của Singapore là trở thành một đất nước dẫn đầu về nền kinh tế số và liên tục đổi mới chính mình.

Hình 2. Khung hành động để phát triển nền kinh tế số của Singapore

Đối với lĩnh vực Kinh tế số, Singapore thực hiện chuyển đổi số từ các lĩnh vực kinh tế hiện có; thúc đẩy hệ sinh thái mới được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số; phát triển ngành kỹ thuật số thế hệ mới trong các lĩnh vực như an ninh mạng được Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA - Infocomm Media Development Authority) nêu trong khuôn khổ kinh tế số, bao gồm các quy trình như sau:

(i) Tăng tốc: nhằm đẩy nhanh quá trình số hóa các ngành công nghiệp hiện có để cải thiện năng suất, tăng hiệu quả và cơ hội kinh doanh mới.

Trong năm 2017, chính phủ Singapore đã triển khai 23 Bản đồ chuyển đổi ngành (ITM - Industry Transformation Maps) như một phần trong nỗ lực của Ủy ban Kinh tế tương lai (Committee of Future Economy). Bản đồ chuyển đổi ngành ITM bao gồm các Kế hoạch kỹ thuật số của ngành nhằm tạo điều kiện cho việc số hóa các ngành được chọn. Kế hoạch kỹ thuật số trong ngành cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với Bản đồ chuyển đổi ngành, cung cấp các hướng dẫn từng bước về cách sử dụng các công nghệ số trong từng giai đoạn để từ đó, các Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tự đánh giá mức độ sẵn sàng kỹ thuật số của mình.

Ngoài ra, Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm đang làm việc với các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các dự án đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp. Chẳng hạn như, sáng tạo đô thị, giao hàng thuận tiện, chuyển đổi công nghệ tiên tiến cấp khu vực Kampong Glam và Khu kỹ thuật số Punggol.

(ii) Cạnh tranh: Để nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế, Singapore thúc đẩy các hệ sinh thái tích hợp mới thông qua Nền tảng đổi mới mở (OIP - Open Innovation Platform) hội tụ xung quanh nhu cầu của khách hàng. Số hóa sẽ xóa nhòa ranh giới giữa các ngành. Thông qua các nền tảng số, khách hàng có thể lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ được thiết kế và phân phối theo nhu cầu của họ, dẫn đến việc hình thành các hệ sinh thái kinh doanh và trung gian thị trường mới. Singapore đặt mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi để phát triển các hệ sinh thái tích hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới và phát triển các mô hình kinh doanh, cạnh tranh trên toàn cầu.

(iii) Chuyển đổi: Phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật số thế hệ tiếp theo như một động lực tăng trưởng của nền kinh tế và là động lực số hóa tất cả các ngành. Singapore đã ứng dụng các công nghệ tiên phong như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng truyền thông, Internet kết nối vạn vật IoT để chuyển đổi và phát triển truyền thông Infocomm như một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Singapore trong tương lai.

Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore, Doanh nghiệp Singapore và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm sẽ cùng đi đầu trong việc thu hút các công ty kỹ thuật số hàng đầu trên toàn cầu và hỗ trợ các công ty kỹ thuật số có trụ sở tại Singapore để đẩy nhanh việc xây dựng năng lực, tạo việc làm và khuyến khích hợp tác công nghệ tại các khu vực trong và ngoài nước.

(2) Chính phủ số

Chính phủ số là chính phủ hoạt động hoàn toàn trên môi trường số, nhằm mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.

Chính phủ Singapore nỗ lực xây dựng các cơ quan công quyền lấy tính kỹ thuật số làm cốt lõi, dẫn đầu toàn cầu về việc cung cấp, chuyển đổi và đổi mới các dịch vụ. Chiến lược và kết quả của sự chuyển đổi này là Kế hoạch chi tiết về Chính phủ số của Nhóm Quốc gia thông minh và Chính phủ số.

Hình 3. Kế hoạch chi tiết của Chính phủ số

Chính phủ Singapore cam kết tham vọng chuyển mình. Singapore đã xây dựng kế hoạch chi tiết về Chính phủ số nhằm mục đích tạo ra dịch vụ công phục vụ và tương tác người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn thay vì bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục, quy trình khác nhau. Singapore hướng tới một chính phủ có thể tận dụng dữ liệu, công nghệ điện toán đám mây và kiến trúc dịch vụ bằng cách xây dựng hệ thống nền tảng ứng dụng Tech Stack của Chính phủ Singapore. (Technical Stack hay còn gọi là Solution Stack, là một tập hợp những phần mềm và công nghệ phối hợp chung với nhau, tạo thành một nền tảng để ứng dụng có thể hoạt động được).

Kế hoạch chi tiết về Chính phủ số của Singapore đặt ra các mục tiêu phải đạt được vào năm 2023 đó là: khu vực công và tư nhân sẽ thúc đẩy quy hoạch tổng thể ngành trong tất cả các lĩnh vực bằng cách ứng dụng các công nghệ mới để cải thiện cuộc sống và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Trong đó có Bản đồ chuyển đổi ngành và lộ trình chuyển đổi các lĩnh vực về y tế, giáo dục, giao thông và các giải pháp đô thị, tài chính và việc làm theo từng giai đoạn cụ thể.

(3) Xã hội số

Xã hội số là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành và là một xã hội tiến bộ được hình thành do sự thích ứng cũng như tích hợp các công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực xã hội và văn hóa.

Hình 4. Các thành phần chính của xã hội số

Sự thúc đẩy sáng kiến xây dựng Quốc gia thông minh của Singapore không chỉ mang tính truyền cảm hứng và đầy khát vọng mà nó còn là việc tồn tại. Năm 2014, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố tầm nhìn của ông đối với Singapore là Singapore sẽ trở thành một “quốc gia mà ở đó người dân sẽ sống một cuộc sống có ý nghĩa và viên mãn; được hỗ trợ bởi các công nghệ mới, mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mọi người”.

Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore (MCI - Communications and Information) coi sự sẵn sàng kỹ thuật số là việc tiếp cận và sử dụng các công nghệ số. Ở cấp độ cơ bản, sự sẵn sàng kỹ thuật số có liên quan đến việc cung cấp quyền truy cập vào kết nối vào các thiết bị kỹ thuật số; kỹ năng và hiểu biết để sử dụng công nghệ số trong việc vận hành mạng và thiết bị di động.

Trong Quốc gia thông minh, người dân Singapore được trao quyền tối đa hóa các cơ hội và tận dụng các tiện ích của một xã hội số để có một cuộc sống ý nghĩa. Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ bằng cách tạo ra các dịch vụ dễ tiếp cận hơn, nâng cao khả năng hiểu biết về kỹ thuật số của người dân và khuyến khích người dân tham gia vào các chương trình cộng đồng và sử dụng nền tảng số trong hoạt động hàng ngày. Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore đã giới thiệu Kế hoạch chi tiết về mức độ sẵn sàng cho kỹ thuật số như sau:

• Mở rộng và nâng cao quyền truy cập kỹ thuật số để người dân hòa nhập với cộng đồng;

• Tuyên truyền kiến thức về kỹ thuật số vào ý thức quốc gia; Xác định một tập hợp các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản cho các hoạt động hàng ngày để thúc đẩy công nghệ số, đặc biệt là đối với những người ít hiểu biết về kỹ thuật số;

• Trao quyền cho cộng đồng và doanh nghiệp để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ số;

• Thúc đẩy sự hòa nhập bằng cách thiết kế các dịch vụ kỹ thuật số có liên quan bằng ngôn ngữ bản địa.

Kết luận

Khi ngày càng có nhiều dịch vụ ở các khu vực công và tư nhân được số hóa thì tất cả chúng ta sẽ bị cuốn vào một xã hội kỹ thuật số. Singapore đã đưa ra các kế hoạch củng cố lẫn nhau để xây dựng các trụ cột về Kinh tế số, Chính phủ số và Xã hội số là ba trụ cột chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Hành trình chuyển đổi số là một chuyến đi dài với vô vàn những thách thức xảy ra. Khi cả thế giới nói nhiều về chuyển đổi số thì Chính phủ Việt Nam cũng cần phải thực hiện từ những bước đi cơ bản để chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Quốc gia thông minh. Việc xây dựng Quốc gia thông minh giờ đây không chỉ còn là nhiệm vụ của các cơ quan công quyền mà còn là nỗ lực của cả một quốc gia.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

1. https://www.smartnation.gov.sg/docs/default-source/default-document-library/smart-nation-strategy_nov2018.pdf?sfvrsn=3f5c2af8_2

2. https://www.csc.gov.sg/docs/default-source/default-document-library/ethos_is21cd7ac43cfe724e49a7ed3b7211a31477.pdf