Công nghệ chuỗi khối Blockchain được ví như một công nghệ “đột phá” có tiềm năng định hình lại các mối quan hệ chính trị, kinh tế - xã hội và “giải quyết” các vấn đề như tham nhũng, tập trung quyền lực cho các cơ quan chính phủ và xây dựng lòng tin của người dân đối với các thể chế chính trị. Ngoài được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính thì Blockchain đang dần được chú ý bởi các chính phủ địa phương, khu vực và quốc gia trong việc thử nghiệm quản trị bằng Blockchain. Nhận thức được tầm quan trọng và các tác động về kinh tế - xã hội của một công nghệ mới có tính mở, an toàn, minh bạch và đáng tin cậy, nhiều quốc gia thành viên ASEAN trong đó có Trung Quốc đã và đang thực hiện các sáng kiến hợp tác cũng như thực hiện nghiên cứu, đánh giá các quy định, chính sách về ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm xây dựng khung khổ pháp lý để tận dụng và đón nhận công nghệ mới này.
Giới thiệu
Trung Quốc ban đầu tỏ ra thận trọng trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain. Trong số các thuộc tính nổi tiếng nhất của công nghệ này là tính ẩn danh và tính bất biến của thông tin, vì mọi giao dịch dựa trên Blockchain đều có bản ghi kỹ thuật số và chữ ký mới có thể được xác định, xác thực, lưu trữ và chia sẻ thông tin. Do đó, công nghệ này có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc CPC (Communist Party of China), vì nó đi ngược lại với các nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm duyệt nội dung mà công nghệ này lại còn bị coi là nhạy cảm. Tuy nhiên, sau lần đầu tiên nghiên cứu về sự xuất hiện của công nghệ Blockchain cùng với sự lo lắng thì Chính quyền trung ương của Trung Quốc ngày càng coi đây là cơ hội của nước này khi ứng dụng công nghệ mới nổi này.
Kể từ khi khởi động kế hoạch 5 năm lần thứ 13 vào năm 2016 và việc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin phát hành Sách trắng đầu tiên về Công nghệ Blockchain và Phát triển Ứng dụng cùng năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc CPC ngày càng coi rằng Blockchain có thể trở thành một nền kinh tế, tài sản chính trị và địa chính trị cho đất nước, nếu được “ứng dụng” tốt.
Tại Trung Quốc, năm 2016, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ XIII, chính quyền Trung Quốc đã coi công nghệ Blockchain là “công nghệ chiến lược hàng đầu” và yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu và phát triển các ứng dụng của công nghệ này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đổi mới công nghệ hướng đến một thế hệ công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật và Blockchain; đồng thời đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ Blockchain làm cốt lõi cho sự đổi mới. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề xuất nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong nhiều lĩnh vực từ thông tin tín dụng, quản lý chuỗi cung ứng (Hình 1), thương mại điện tử cho đến lĩnh vực tài chính. Cơ quan thuế Trung Quốc cũng đang nghiên cứu một dự án thí điểm đưa các hóa đơn thuế lên Blockchain để hỗ trợ việc xác nhận thanh toán.
Hình 1.Trung Quốc ứng dụng công nghệ Blockchain vào quản lý chuỗi cung ứng
Ngược lại, các loại tiền mã hóa như Bitcoin lại được đón nhận với thái độ hoài nghi và bị coi là có tiềm năng gây ra các bất ổn về tài chính, xã hội. Tuy nhiên, mới đây Tòa án Internet Hàng Châu đã ra phán quyết coi Bitcoin là tài sản ảo, có giá trị, khan hiếm và có thể được sử dụng như một loại phương tiện để trao đổi giá trị. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nghiên cứu dự án phát hành đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương CBDC từ năm 2014 và đã sẵn sàng để phát hành.
Đặc biệt, ngày 26/10/2019, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới về mã hóa (Cryptography Law), có hiệu lực vào ngày 01/01/2020, trong bối cảnh đang tăng tốc việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain vào mọi mặt đời sống xã hội. Luật về mã hóa của Trung Quốc đưa ra một số quy định quan trọng như: tăng cường đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ mã hóa; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa công nghệ mã hóa vào các kế hoạch phát triển của địa phương, các địa phương phải đưa công tác mã hóa vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình và của quốc gia, đồng thời bố trí ngân sách cho công tác này; tất cả các thông tin thuộc bí mật nhà nước khi được chuyển giao thông qua các phương tiện có dây hoặc không dây hay các hệ thống thông tin đều phải được mã hóa; nhu cầu phát triển các khung pháp lý về tiêu chuẩn hóa, xác nhận và giám sát, đưa Trung Quốc lên vị trí là quốc gia đầu tiên đặt ra tiêu chuẩn đối với công nghệ mã hóa trong lĩnh vực thương mại; và đưa ra các quy định nhằm bảo vệ các thông tin và công nghệ thuộc sở hữu tư nhân, nghiêm cấm các cơ quan nhà nước sử dụng biện pháp hành chính để bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải chuyển giao công nghệ hay tiết lộ các mã nguồn mở… Đây là một đạo luật mang tính chất nguyên tắc, định hướng chính sách và cần phải ban hành thêm các văn bản hướng dẫn dưới luật mới có thể thực thi được.
Luật về mã hóa của Trung Quốc có mục đích chuẩn hóa ứng dụng và quản lý mật mã, thúc đẩy phát triển kinh doanh mật mã, bảo đảm an toàn an ninh, không gian mạng và thông tin, cải thiện trình độ quản lý mật mã được chuẩn hóa và hợp pháp hóa. Đây là một đạo luật toàn diện về lĩnh vực mã hóa ở Trung Quốc; khẳng định rằng nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (cụ thể là công nghệ Blockchain) vào lĩnh vực mã hóa.
Năm 2022, Luật và quy định về Blockchain và tiền điện tử tại Trung Quốc đã xác định một số mục tiêu như:
1. Thái độ và xác nhận của chính phủ
2. Quy định về tiền ảo
3. Quy định bán hàng
4. Đánh thuế
5. Luật chuyển tiền và các yêu cầu chống rửa tiền
6. Thúc đẩy và thử nghiệm
7. Quyền sở hữu và yêu cầu về quyền sở hữu
8. Khai thác
9. Các hạn chế và tuyên bố về biên giới
10. Yêu cầu báo cáo
11. Lập kế hoạch di sản và thừa kế theo di chúc
Tại Việt Nam, khả năng ứng dụng công nghệ Blockchain để nâng cao chất lượng quản lý, cắt giảm chi phí, nâng cao tính minh bạch, tăng cường lòng tin của người dân… đã được nghiên cứu, đề xuất ban đầu trong lĩnh vực thuế, chứng khoán, tài chính, ngân hàng…
Qua quá trình nghiên cứu, các vướng mắc, bất cập về ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm vấn đề:
Thứ nhất, các vướng mắc pháp lý liên quan, trong đó chủ yếu là 02 vướng mắc chính về sự chưa rõ ràng, chưa có khung pháp lý liên quan đến việc: (1) huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa (như ICO, ITO hay STO. “ICO, ITO, STO là những công cụ để gọi vốn cho các start-up trong lĩnh vực công nghệ”) được cung cấp bởi các nền tảng Blockchain hoặc tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ trong một số lĩnh vực yêu cầu đáp ứng các quy định chặt chẽ trong thanh toán, sàn giao dịch. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp cơ bản không gặp vướng mắc trong việc phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ của mình như truy xuất nguồn gốc nông sản; (2) giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Thứ hai, chưa có hệ sinh thái khuyến khích ứng dụng, phát triển công nghệ Blockchain, trong đó có việc các cơ quan nhà nước chưa thật sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công.
Kết luận
Ứng dụng công nghệ Blockchain đã được đông đảo thế giới nghiên cứu, tư vấn và được nhiều tổ chức lớn như Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, Ngân hàng Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF… đánh giá là công nghệ trung tâm của nền kinh tế số do có thể tận dụng được tính minh bạch, xác thực và toàn vẹn của dữ liệu trong việc thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng, giúp cải thiện hiệu quả hoặc cho phép thực hiện những mô hình kinh doanh, quản trị mới so với truyền thống. Trung Quốc đã ban hành các kế hoạch, luật và đạo luật và yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu và phát triển các ứng dụng của công nghệ này. Mặc dù vậy, một trong những lý do làm việc ứng dụng và phổ biến công nghệ Blockchain còn hạn chế là việc thiếu các chính sách, định hướng khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng liên quan, nhất là trong khối các cơ quan nhà nước, đồng thời chưa có các chính sách rõ ràng trong việc áp dụng hiện hành cũng như thiếu một số quy định đặc thù cho các sản phẩm, dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain.
Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định mục tiêu tổng quát “1. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; 2. Định hướng, chỉ đạo các bộ, ngành đang triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có liên quan đến khung pháp lý trong việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ Blockchain”.
Ngoài ra, tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ “Lựa chọn, ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR)…”.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
[1] https://eoasis.rajahtann.com/eoasis/lu/pdf/2019-11-China_Passes_New_Cryptography_Law.pdf
[2] https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/blockchain-laws-and-regulations/china
[3] Harsh Chauhan, “Court Declares Bitcoin Legal in China as a ‘Virtual Property’”, 19/7/2019,
https://www.ccn.com/court-declares-bitcoin-legal-in-chi-as-a-virtual-property/.
[4] https://eoasis.rajahtann.com/eoasis/lu/pdf/2019-11-China_Passes_New_Cryptography_Law.pdf
[5] https://eoasis.rajahtann.com/eoasis/lu/pdf/2019-11-China_Passes_New_Cryptography_Law.pdf
[6] https://blockchainacademy.dk/wp-content/uploads/2021/01/Chinas-Blockchain-Ecosystem.pdf
[7] https://www.iss.europa.eu/sites/default/files/EUISSFiles/Brief_15_2021.pdf