Từ góc độ dịch vụ số (digital service), chuyển đổi số là quá trình liên tục áp dụng các công nghệ số theo các phương thức, cách thức khác nhau để thay đổi cơ bản cách thức các cơ quan, tổ chức hoạch định, thiết kế, vận hành, triển khai cung cấp dịch vụ để giảm giấy tờ, thanh toán không tiền mặt, cá nhân hóa người dùng,…
Việc xây dựng các dịch vụ số là rất quan trọng bởi các cơ quan, tổ chức nhà nước tương tác với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác thông qua các dịch vụ đó.
Chuyển đổi số trong chính phủ có tiềm năng hiện đại hóa cả chính phủ và cung cấp dịch vụ công, đồng thời cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dân. Công nghệ số đang thâm nhập vào các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị của các quốc gia theo những cách chưa từng có, thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Nếu chuyển đổi số thiên về tư duy chiến lược và thay đổi, ít về công nghệ, thì nỗ lực chuyển đổi thành công sẽ phụ thuộc vào hai khía cạnh quan trọng: phổ biến và thay đổi. Hai khía cạnh rất khác biệt này phản ánh mức độ trưởng thành của chuyển đổi số.
Mức độ trưởng thành của chuyển đổi số
Sự kết hợp giữa hai khía cạnh trên mang lại các cấp độ trưởng thành: Tiên phong về kỹ thuật số; Lãnh đạo về kỹ thuật số; Hưởng ứng về kỹ thuật số và Tụt hậu về kỹ thuật số.
Tụt hậu về kỹ thuật số thường dẫn đến cách tiếp cận dịch vụ phân mảnh và rời rạc, thiếu liên kết, thiếu tư duy chiến lược trên phạm vi toàn bộ tổ chức, điều này đặc trưng bởi sự trùng lặp, rời rạc và dư thừa thông tin, thiếu sự tập trung. Các sáng kiến thay đổi rất ít và thường không bền vững.
Hình 1: Các mức độ trưởng thành chuyển đổi số
Hưởng ứng kỹ thuật số: Những thực thể này thích thay đổi từng bước theo chiều hướng tăng cường, gián đoạn tối thiểu đối với cách thức thực hiện, có tính toàn diện trong thiết kế, tham gia vào tất cả các bộ phận của tổ chức cùng với sáng kiến chuyển đổi. Đặc điểm của giai đoạn này có tính bao trùm, truyền thống.
Tiên phong về kỹ thuật số đi đầu áp dụng công nghệ số một cách nhanh chóng và những hòn đảo tinh tú được tạo ra, xây dựng uy tín từ đó mở rộng.
Lãnh đạo về kỹ thuật số kết hợp các đặc điểm của cả hưởng ứng về kỹ thuật số và tiên phong về kỹ thuật số. Lãnh đạo kỹ thuật số có tầm nhìn xa trong cách tiếp cận và hiểu cách quản lý sự thay đổi và công nhận nó là một yếu tố thành công quan trọng đối với chuyển đổi số.
Hầu hết các quốc gia và tổ chức bắt đầu hành trình chuyển đổi số ở mức độ tụt hậu về kỹ thuật số do tốc độ sẵn có của công nghệ số, nhưng quá trình chuyển đổi diễn ra chậm là do tiếp thu chậm và thiếu các mô hình thành công để từ đó lan tỏa, tạo hiệu ứng triển khai trên diện rộng.
Các thuộc tính dịch vụ số:
Hiện nay nhiều quốc gia đã có chương trình, chiến lược chuyển đổi số hoặc ít nhất là có tuyên bố sáng kiến chuyển đổi số. Một trong các sản phẩm cơ bản là các dịch vụ dịch chuyển sang môi trường số, dịch vụ số. Một dịch vụ có các đặc điểm sau để coi đó là dịch vụ số:
- Cá nhân hóa: Các dịch vụ cá nhân hóa được thiết kế và cung cấp để phù hợp với các yêu cầu của người dùng. Cá nhân hóa thường đạt được bằng cách mang lại cho người dân trải nghiệm tuyệt vời, làm tăng nhu cầu sử dụng và đáp ứng sự mong mỏi.
- Không giấy tờ: Dịch vụ không giấy tờ là kết quả của tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và áp dụng công nghệ để tự động hóa.
- Không dùng tiền mặt: Dịch vụ không dùng tiền mặt là nội dung quan trọng của nền kinh tế số. Các giao dịch không dùng tiền mặt đòi hỏi một hệ sinh thái tích hợp của các cơ quan, tổ chức quản lý, tài chính, ngân hàng,...
- Phi hiện diện: Các dịch vụ phi hiện diện được thiết kế với tiền đề cơ bản là các can thiệp của con người ở mức tối thiểu. Một dịch vụ phi hiện diện được kích hoạt nhờ những hiểu biết sâu sắc về hành vi của con người, tạo ra các mẫu tương tác và chuyển vào thiết kế và cung cấp dịch vụ.
- Không tiếp xúc: Các dịch vụ không tiếp xúc được thiết kế và cung cấp từ đầu đến cuối (end to end). Điều này có nghĩa là người dân không được tiếp xúc với toàn bộ quá trình phối hợp và trao đổi thông tin diễn ra giữa các bộ, ban ngành khác nhau. Dịch vụ không tiếp xúc (hoặc liền mạch) được kích hoạt bởi luồng thông tin không biên giới.
- Dựa trên sự đồng thuận: Các dịch vụ dựa trên sự đồng thuận đề cập đến bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu, hai yêu cầu bắt buộc phải được chú trọng với mức độ ưu tiên cao nhất. Trong kỷ nguyên số, con người chia sẻ lượng thông tin khổng lồ, sự đồng thuận của người dân có tác động cực lớn đến hiệu quả của các dịch vụ số. Mọi người dân phải biết dữ liệu nào đang được thu thập, ai đang thu thập và nó sẽ được sử dụng cho mục đích gì.
Sự thay đổi như là một thách thức trong chuyển đổi số, thì điều quan trọng là phải coi chuyển đổi số như một hoạt động tạo ra giá trị. Chuỗi giá trị chuyển đổi số cấu trúc như một chuỗi các chức năng giá trị hoạt động. Chuỗi giá trị chuyển đổi số cung cấp một quy trình mức cao trong quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị bao gồm: tầm nhìn, mục đích, các yếu tố quan trọng, công nghệ, dịch vụ và các yếu tốt có tính dẫn dắt. Các yếu tố này là các thành phần của chiến lược số, được kết hợp với nhau để tạo vòng tròn chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đặt yếu tốt chất lượng lên tốc độ và sự linh hoạt, nhưng yêu cầu thay đổi lớn về tổ chức dẫn đến phải mất một thời gian dài cùng với những nỗ lực bền bỉ. Do đó, điều quan trọng là phải xác định và hiểu các thành phần khác nhau của chuyển đổi số và phải hoạt động đồng bộ. Đây được coi là các mảnh ghép hay gọi là các module, là các thành phần mà các quốc gia sẽ cần để đi tới thành công. Các mảnh ghép này thiết lập nền tảng để hình thành ý tưởng, hoạch định, thiết kế, triển khai và vận hành các dịch vụ số. Do vậy, để chuyển đổi số cần thiết phải xác định chúng là gì và được ắp xếp, tổ chức trong kiến trúc như thế nào.
Thực hiện tốt, chuyển đổi số có thể mang lại những lợi ích to lớn. Nhưng để đạt được điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn về văn hóa (thay đổi mô hình trong văn hóa) để tạo lên thành công. Chuyển đổi số cần có chiến lược và cái nhìn tổng thể. Hệ thống là một tập hợp các sự vật được kết nối với nhau theo cách mà chúng tạo ra mô hình của riêng mình. Hệ thống có thể bị tấn công, hạn chế, kích động hoặc bị bên ngoài điều khiển. Đây là hạt nhân của tư duy hệ thống, được sử dụng để hiểu và phân tích động lực của chuyển đổi số trong các quốc gia bằng cách sử dụng sơ đồ vòng lặp nhân quả. Thông tin kết nối các hệ thống với nhau và đóng một vai trò to lớn trong hoạt động của các hệ thống. Tuy nhiên, các mối quan hệ dựa trên thông tin rất khó nhận thấy.
Nhiều quốc gia đang trải nghiệm sức mạnh chuyển đổi trong việc khôi phục nền hành chính công, cải tổ lại quản lý công, thúc đẩy sự lãnh đạo toàn diện và chuyển dịch vụ hiệu quả hơn, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này tạo ra nhu cầu thay đổi cách thức cung cấp và sử dụng dịch vụ; thay đổi cách thức thực hiện các hoạt động trong nội bộ các cơ quan, tổ chức; thay đổi cách thức kết hợp nguồn lực và quy trình.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang xem xét các công nghệ số để kết nối các chính sách, kết quả, dẫn đến nhiều dịch vụ được cung cấp dưới dạng điện tử. Các yếu tố như đổi mới cung cấp dịch vụ, quản trị phân tán và các chính sách và quyết định dựa trên dữ liệu góp phần vào hoạt động của chính phủ, làm tăng kỳ vọng của người dân và nhu cầu về công nghệ số như một phương tiện để giải quyết những kỳ vọng đó. Việc áp dụng công nghệ góp phần giảm thiểu sự nhũng nhiễu của một bộ phận tham gia quá trình cung cấp dịch vụ, từ đó nâng cao niềm tin vào chính phủ. Sự tin tưởng này hỗ trợ đất nước hướng tới việc xây dựng chính phủ sẵn sàng cho tương lai.
Công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược cạnh tranh quốc gia và là động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ và phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng suất, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế và thậm chí cả xóa đói giảm nghèo. Chính phủ số tập trung và cung cấp nguyên liệu thô để cải thiện toàn bộ năng lực công nghệ thông tin và truyền thông bằng cách cung cấp nhiều nguồn lực hơn, tiếp cận những con người tài năng đã qua đào tạo, thu hút đầu tư, chuyên sâu trong nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chính sách và quản trị giữa các yếu tố. Một số quốc gia đã tạo sự đột phá trong chính phủ số, được xem như điểm khởi đầu để xây dựng lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia hướng tới nền kinh tế số.
Bởi vậy, xây dựng Chính phủ số, cung cấp dịch vụ trên môi trường số là yếu tố tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Nguyễn Thanh Thảo
Nguồn tham khảo:
- Liên minh viễn thông quốc tế Itu.int
- Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.