Đang xử lý.....

Các giải pháp công nghệ nhằm ứng phó với COVID-19 tại Châu Phi  

Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, cũng là thử thách lớn nhất trong thời đại hiện nay với ba mối đe dọa tác động đến sức khỏe, giáo dục và đời sống của nhân loại. Tại một số khu vực, đặc biệt là Châu Phi đang đứng trước nguy cơ bị xóa sạch nhiều thành tựu phát triển đã đạt được trong vài thập kỷ qua
Thứ Tư, 23/12/2020 375
|

Thực tế, trước khi COVID-19 tấn công, châu Phi đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ tình trạng thiếu lương thực cho đến những cuộc nổi dậy, chiến tranh liên miên. Tuy nhiên, đây cũng là châu lục có một số quốc gia với nền kinh tế phát triển và trở thành những nước đi đầu thế giới về đổi mới công nghệ. Khi các quốc gia chạy đua để giảm tác động lây lan của dịch bệnh thì nền tảng công nghệ đóng một vai trò không thể thiếu. Một số giải pháp sáng tạo như robot phát hiện sự lây lan của virus ở Rwanda; ứng dụng di động hỗ trợ những người buôn bán ở Uganda. Bài viết này phác thảo các giải pháp công nghệ đang được ứng dụng ngay tại thời điểm virus SARS-CoV-2 đang diễn biến phức tạp không chỉ ở châu Phi mà trên toàn thế giới.

Thông tin, nguy cơ truyền thông và định vị các trường hợp

Ứng dụng truy vết lịch sử tiếp xúc

Các ứng dụng dựa trên thông tin về vị trí được sử dụng để theo dõi và giám sát đại dịch. Những ứng dụng này sử dụng dữ liệu định vị vị trí từ các công ty viễn thông, nhằm hỗ trợ xác định địa chỉ liên hệ những người có kết quả xét nghiệm dương tính, đồng thời xác định vị trí các khu vực lân cận nơi virus đang lây lan. Nhiều công ty khởi nghiệp ở châu Phi đã phát triển loại giải pháp này để đáp ứng nhu cầu của các địa phương. FabLab, một trung tâm đổi mới ở Kenya, đã phát triển một ứng dụng có tên Msafari, ứng dụng này có thể theo dõi mọi người trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, Maroc đã cho ra mắt một ứng dụng theo dõi COVID-19 là Wiqaytna6 vào tháng Sáu. Ứng dụng di động này sử dụng công nghệ GPS và Bluetooth, hoạt động theo cách sau khi một trường hợp được phát hiện nhiễm COVID-19, ứng dụng sẽ kiểm tra lịch sử đi lại của người đó trong 14 ngày trước. Những cá nhân đã tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được thông báo bằng tin nhắn. Ứng dụng này đã được tải xuống hơn 1 triệu lần. Tại Tunisia, Enova Robotics đã phát triển robot PGuard và được thử nghiệm từ cuối tháng 3. Được trang bị loa và camera, hệ thống điều khiển từ xa, robot có thể phát đi các hướng dẫn an toàn, kiểm tra tính hợp lệ quyền ra vào và đảm bảo tuân thủ việc cách ly của người dân. Tuy nhiên các ứng dụng điện thoại cũng gây ra những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Các biện pháp công nghệ được áp dụng trong đại dịch phải tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, hoặc phù hợp với các thông lệ đã được phê duyệt tại địa phương. Ủy ban châu Âu EU (European Commission) đã khuyến nghị các quốc gia không bắt buộc công dân của mình sử dụng các ứng dụng định vị vị trí, và việc sử dụng chúng sẽ kết thúc sau khi đại dịch được ngăn chặn.

Các công cụ giao tiếp quy mô lớn

Tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng khiến giao tiếp trở thành một thách thức lớn ở châu Phi, đặc biệt là các vùng nông thôn, các nhóm cộng đồng nghèo hoặc biệt lập. Một số quốc gia đã nhanh chóng triển khai các chiến dịch truyền thông về bệnh dịch, song song với đó, các trang web, bảng quảng cáo hiển thị thông tin COVID-19 và các ứng dụng của chính phủ cũng được thiết lập để cung cấp thông tin chính thống cho mọi người và chống lại tin tức giả mạo. Tại Libya, một đường dây nóng khẩn cấp do Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) quản lý, cho phép các tình nguyện viên liên lạc kịp thời với các cộng đồng cần giúp đỡ. Ở một số quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) đã thiết lập một chatbot dựa trên trí tuệ nhân tạo WHO HEALTH Alert với hơn 10 ngôn ngữ khác nhau, nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và cách thức phòng tránh, tự bảo vệ bản thân. Kể từ tháng 2, WHO đã liên hệ với hàng chục chính phủ để giúp cung cấp thông tin chính xác cho người dân thông qua dịch vụ nhắn tin WhatsApp. Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit - GIZ) và bộ phận phát triển của Ủy ban Châu Âu, được gọi là DEVCO, đang cung cấp tài chính lên tới 30 triệu euro cho các cuộc thi hackathons. Một trong những sáng kiến ​​này được gọi là SmartDevelopmentHack, do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức đưa ra. Hackathon đang kêu gọi các giải pháp kỹ thuật số để chống lại COVID-19 ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Cuộc thi được tài trợ bởi Bộ phát triển Đức, Ủy ban EU, các nước EU, các công ty công nghệ và các tổ chức trên thế giới. Một số quốc gia sử dụng robot để giao tiếp với người dân, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy tắc về khoảng cách vật lý. Bờ Biển Ngà đang sử dụng máy bay không người lái để đưa thông điệp đến các vùng nông thôn. Các máy bay không người lái này được phát triển bởi ba công ty địa phương, Côte d’Ivoire Drone, WeFly Agri và Investiv, và cũng được sử dụng để khử trùng các khu vực rộng lớn.

Khả năng phản ứng của hệ thống y tế

Ứng dụng tự đánh giá sức khỏe

Nhiều trang web được tạo ra với mục đích chia sẻ thông tin phòng chống COVID-19. Tại Cameroon, công ty khởi nghiệp Teachmepad đã ra mắt một trang web bằng ngôn ngữ địa phương cung cấp các thông tin phòng chống dịch, đồng thời cũng cảnh báo, chia sẻ thông tin qua tin nhắn điện thoại. Việc người dân cố gắng tự chẩn đoán tình trạng sức khỏe bản thân sẽ góp phần làm giảm áp lực cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe và đội ngũ nhân viên y tế. Wellvis, một ứng dụng chăm sóc sức khỏe, đang cung cấp công cụ giúp mọi người tự chẩn đoán và liên hệ với nhân viên cấp cứu y tế ở 15 quốc gia châu Phi. Những dịch vụ như vậy đặc biệt hữu ích ở các nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém và không có khả năng phục vụ số lượng lớn bệnh nhân. Mbaza là một chatbot COVID-19 được sử dụng ở Rwanda, giải pháp cung cấp quyền truy cập thông tin COVID-19 trên bất kỳ điện thoại nào trong thời gian thực, và cho phép kết nối người dùng với chính quyền địa phương. Đồng thời, ứng dụng cho phép người dân nêu lên mối quan tâm và cung cấp cho chính phủ thông tin về tình hình cụ thể tại khu vực họ sinh sống.

Các giải pháp tự đánh giá - Dữ liệu dịch vụ bổ sung phi cấu trúc.

Chính phủ Sierra Leone, hợp tác với các công ty khởi nghiệp địa phương, đã đưa ra giải pháp tự đánh giá dựa trên công nghệ dữ liệu dịch vụ bổ sung phi cấu trúc (Unstructured Supplementary Service Data - USSD). Đây là nền tảng được mở rộng cho phép công dân tự đánh giá các triệu chứng của bản thân và nhận thông tin cập nhật về tình hình COVID-19 của chính phủ. Một ứng dụng di động SMS khác cung cấp cho người dùng các chức năng tương tự cũng được phát triển cho điện thoại thông minh. Công nghệ USSD là một dịch vụ chi phí thấp giúp tiếp cận và hỗ trợ những khu vực chưa phủ sóng internet và không có điện thoại thông minh.

Máy bay không người lái (Drone) và robot

Vào tháng 4, khi virus corona bùng phát ở Ghana, một công ty khởi nghiệp của Mỹ đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái Zipline để thu thập các mẫu xét nghiệm từ các cơ sở y tế ở vùng nông thôn và chuyển đến các phòng thí nghiệm ở hai thành phố lớn nhất đất nước là Accra và Kumasi. Máy bay không người lái Zipline đã được sử dụng ở Ghana và Rwanda để vận chuyển máu giữa các cơ sở y tế. Công nghệ này thực hiện 600 ca giao hàng mỗi ngày ở Ghana và phủ sóng hơn 500 bệnh viện. Công ty có hợp đồng với Ghana để thực hiện 600 chuyến giao hàng mỗi ngày trong 4 năm với chi phí khoảng 12,5 triệu USD. Drone đang bao phủ một khu vực phục vụ gần 22 triệu người. Rwanda, hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (United Nations Development Programme - UNDP), sử dụng bốn robot hình người trong các trung tâm điều trị COVID-19 để giảm thiểu tiếp xúc vật lý. Những robot này có thể sàng lọc từ 50 đến 150 người mỗi phút. Các robot có thể đưa thức ăn và thuốc đến các phòng bệnh và theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Những robot này đảm bảo sự an toàn cho nhân viên y tế bằng cách giảm thiểu tiếp xúc vật lý và tăng tốc độ cung cấp dịch vụ.

Phần mềm chăm sóc sức khỏe

Hệ thống thông tin quản lý y tế và các hệ thống thu thập dữ liệu với mục đích lưu trữ thông tin về: cơ sở y tế, nhân sự, thiết bị, cơ sở hạ tầng, ước tính dân số, bùng phát dịch bệnh, khảo sát mức độ hài lòng của bệnh nhân, hồ sơ bệnh án, v.v. Xây dựng ra hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối phó với đại dịch bằng cách tăng cường hoạt động giám sát và kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin (ví dụ: tối ưu tài liệu và chia sẻ hồ sơ bệnh nhân). Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã nêu bật tầm quan trọng của việc trao đổi dữ liệu y tế và khả năng tương tác. Các hệ thống trực quan hóa dữ liệu (như GIS - Geographic Information System) đã được chứng minh hữu ích để đảm bảo nhân viên hệ thống và nhân viên y tế nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh như: dữ liệu không gian địa lý, cơ sở hành chính và y tế, bản đồ tổng quan dịch tễ học. Bằng cách cung cấp dữ liệu ở định dạng đơn giản, dễ hiểu, nhân viên và quan chức y tế cập nhật kịp thời thông tin cần thiết để đưa ra quyết định, lập kế hoạch hậu cần, v.v. Công ty phần mềm lớn nhất châu Âu SAP (SAP Aktiengesellschaft) - trụ sở chính tại Walldorf (Đức), đã ra mắt một ứng dụng chăm sóc sức khỏe được thiết lập trong vòng chưa đầy một tháng để giúp các Bộ y tế kiểm tra tình hình, thiết bị và dự trữ dược phẩm, thuốc men, đồng thời cung cấp báo cáo tình hình thời gian thực. Hoạt động nhằm tiếp cận với lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe ở các vùng nông thôn không có internet bằng cách sử dụng điện thoại nói chuyện và nhắn tin đơn giản. Nền tảng được xây dựng dựa trên các công nghệ miễn phí, và các quốc gia chỉ chịu trách nhiệm về chi phí gửi tin nhắn thông qua nhà khai thác mạng di động và thời gian sử dụng của nhân viên để duy trì hệ thống.

Cung cấp nhu yếu phẩm cơ bản và quản lý dịch vụ liên tục

Nền tảng giao hàng và mua sắm thương mại điện tử

Thương mại điện tử đã chứng minh khả năng có thể đáp ứng nhu cầu của mọi người trong thời kỳ đại dịch. Trên thực tế, đã có nhiều nền tảng trực tuyến đang được sử dụng để mua bán và phân phối sản phẩm. Điều này cho thấy thương mại điện tử như một phương thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ, giúp hạn chế tối đa tiếp xúc có thể, cho phép đảm bảo an ninh lương thực và khả năng phục hồi kinh tế ngay cả khi các cửa hàng đóng cửa hoặc việc di chuyển bị hạn chế do các biện pháp cách ly của từng quốc gia. Jumia, sàn thương mại điện tử hàng đầu ở châu Phi đã tăng cường các dịch vụ và chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân. Jumia cung cấp các sản phẩm cho từng đối tượng khác nhau, từ những người lao động, đặc biệt là phụ nữ, để giúp họ tiết kiệm và cơ cấu lại công việc. UNDP hợp tác với Jumia Uganda, đã ra mắt nền tảng trực tuyến cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với người tiêu dùng nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong thời gian các lệnh hạn chế về di chuyển đang áp dụng. Jumia Food cung cấp nền tảng đặt hàng qua ứng dụng và trang web. Các dịch vụ bao gồm mạng lưới phân phối, các phương thức thanh toán, đảm bảo chất lượng, đào tạo cho các nhà cung cấp và tiếp thị. Cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh đã tăng tốc sự phát triển của thương mại trực tuyến ở châu Phi. Các nền tảng trực tuyến đang đáp ứng và cung cấp các sản phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Các siêu thị và nhà sản xuất địa phương cũng đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng này.

Công nghệ giáo dục

Dịch bệnh khiến các trường học phải đóng cửa. Để đối phó, nhiều quốc gia đang sử dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến, mạng xã hội, tivi, đài phát thanh và các dịch vụ giáo dục trực tuyến khác. Shule Direct là một nền tảng học tập trực tuyến dành cho học sinh và giáo viên ở các trường trung học ở Tanzania. Nền tảng này đang phục vụ hơn 2 triệu sinh viên và 23.637 giáo viên. Các công ty viễn thông đang cung cấp quyền truy cập miễn phí vào nền tảng này. Eneza Education hiện phục vụ khoảng 380.000 người mỗi tháng. Nền tảng cung cấp dịch vụ đăng ký nội dung giáo dục cho trẻ em ở các trường tiểu học và trung học qua SMS hoặc USSD, với đăng ký hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng ở Kenya, Ghana và Bờ Biển Ngà. Ở những nơi khác, KaiOs, một giải pháp chi phí thấp cho điện thoại nhắn tin và đàm thoại đơn giản, đã ra mắt một ứng dụng có tên là “Life” cho phép học sinh học lý thuyết, hoàn thành bài tập và chuẩn bị cho các kỳ thi quốc gia, tất cả đều được hỗ trợ đầy đủ thiết bị. Trong tất cả các khu vực, vùng châu Phi cận Sahara có tỷ lệ bỏ học cao nhất, hơn 20% trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 11 không được đến trường, tiếp theo là 30% thanh niên trong độ tuổi khoảng 12 đến 14. Do đó các nền tảng trực tuyến này sẽ đảm bảo tính liên tục của giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.

Bảng điều khiển giám sát của chính phủ

Cung cấp thuốc men và nhu yếu phẩm trên toàn quốc vẫn là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia. Nếu các quốc gia có thể theo dõi nguồn cung trong thời gian thực, họ có thể điều chỉnh để phù hợp với sự thiếu hụt nguồn cung và có giải pháp kịp thời. Djibouti hiện đang dựa vào BI Dashboards để theo dõi kho vật tư y tế và hàng nhập khẩu quan trọng. Với hệ thống theo dõi giám sát này, chính phủ nhận được yêu cầu cung cấp trang thiết bị từ tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc trong thời gian thực thông qua một biểu mẫu yêu cầu đơn giản, có thể truy cập bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính. Nó cũng giúp Bộ Thương mại hợp lý hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo sự ổn định của giá bán lại, do đó luôn có sẵn các mặt hàng thực phẩm chính với giá cả phải chăng. Bộ phận phát triển của Ủy ban châu Âu đang cung cấp tài chính trị giá 7 triệu euro cho các quốc gia trong khu vực Cơ quan liên chính phủ về phát triển. Khoản tài chính này sẽ giúp các quốc gia thiết lập hệ thống giám sát và theo dõi dữ liệu COVID-19 phù hợp với các tiêu chuẩn châu Âu về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Các hệ thống sẽ tương thích với các hệ thống quốc gia và châu lục, chẳng hạn như các hệ thống do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi thành lập.

Bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương

Những người hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng và các lệnh phong tỏa tạm thời. Vì vậy các quốc gia cần đảm bảo hỗ trợ cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương này. SafeBoda, một nền tảng thương mại điện tử ở Uganda, đã hợp tác với UNDP để khởi động một sáng kiến ​​cung cấp cho 800 nhà cung cấp trên thị trường quyền truy cập vào ứng dụng SafeBoda. Họ có thể sử dụng ứng dụng để bán sản phẩm của mình trong khi tạo ra và duy trì sinh kế cho 18.000 người có thu nhập bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm giao thông công cộng. Ứng dụng cho phép khoảng 50.000 khách hàng có thể tiếp cận hàng ngày với dịch vụ giao đồ ăn và hàng hóa. Famoco đã phát triển nền tảng SCOPE cho Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme - WFP) để tổ chức, hỗ trợ và giám sát việc phân phối thực phẩm và phi thực phẩm cho các cộng đồng nghèo và những người cần giúp đỡ. Công nghệ này dựa trên việc phân phối chứng từ điện tử thông qua một nền tảng công nghệ số an toàn và việc sử dụng thiết bị đầu cuối chuyên nghiệp của bất kỳ chủ cửa hàng nào hợp tác với chương trình. Nhìn chung, các chính phủ châu Phi có nhiệm vụ khó khăn là phải tìm ra các giải pháp để giúp đỡ những người nghèo nhất. Sự đóng góp của kỹ thuật số đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp hỗ trợ này và đảm bảo chính người dân sẽ được hưởng lợi.

 

Hình 1: Một số giải pháp công nghệ được áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19

Kết luận

Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã làm cho thế giới và các nước thấy rõ việc đầu tư vào công nghệ số là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết. COVID-19 đã chứng minh tầm quan trọng của việc sẵn sàng cho chuyển đổi số, từ đó cho phép các hoạt động kinh doanh, đời sống xã hội tiếp tục như bình thường trong thời gian xảy ra đại dịch. Xây dựng cơ sở hạ tầng, liên tục cập nhật công nghệ mới là điều cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp hoặc quốc gia nào để duy trì khả năng cạnh tranh trong và sau thời kỳ COVID-19, cũng như thực hiện cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và toàn diện để quản trị công nghệ, mang lại những giá trị tốt đẹp và thiết thực cho cộng đồng.

Nguyễn Phương Nhung

 

Tài liệu tham khảo

[1]Africa’s digital solutions to tackle COVID-19 - July 2020

[2]https://blogs.worldbank.org/developmenttalk/how-does-digital-technology-help-fight-against-covid-19

[3] https://www.nature.com/articles/s41591-020-1011-4

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/SAP