Đang xử lý.....

Các động lực chính của nền kinh tế số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số  

Kinh tế số là một trong ba trụ cột quan trọng của chiến dịch chuyển đổi số quốc gia và là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số không có cách giải thích chặt chẽ trong các tài liệu khoa học, mà theo nghĩa rộng thì “Kinh tế số dùng để chỉ các hoạt động kinh tế, yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất kinh tế là dữ liệu được tạo ra bằng các công cụ kỹ thuật số”.
Thứ Ba, 22/12/2020 1230
|

Hình 1. Các yếu tố ưu tiên để phát triển nền kinh tế số trong tương lai

Giá trị kinh tế truyền thống gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Việc xác định giá trị kinh tế liên quan đến quy trình sản xuất đầu ra và cách thức phân phối hàng hóa cũng như cách thức tái đầu tư. Đó là sự chuyển đổi từ sản xuất nguyên liệu thô thành hàng hóa và dịch vụ có khả năng được phân phối trên toàn xã hội. Trong tiến trình đó, các tác nhân chính trong nền kinh tế là người sản xuất, người tiêu dùng và chính phủ. Tuy nhiên, chứng kiến sự phát triển không ngừng của xã hội trong thời kỳ đổi mới thông qua quá trình số hóa công nghệ thông tin và truyền thông thì việc tạo ra các giá trị kinh tế phải đáp ứng với môi trường kinh doanh mới. Vậy trong mô hình kinh doanh mới của kinh tế số thì có hai nguồn lực có liên quan thúc đẩy việc tạo ra giá trị đó là nền tảng số và dữ liệu số. Nền tảng số là tác nhân trung tâm của nền kinh tế số và dữ liệu số là nguồn tài nguyên quan trọng để tạo ra giá trị.

Theo Báo cáo kinh tế số (DER - Digital Economy Report) (trước đây được gọi là Báo cáo Kinh tế Thông tin) của Liên Hợp quốc thì các quốc gia đã tận dụng lợi thế của nền kinh tế số với tư cách là các nhà sản xuất và đổi mới, cũng như những hạn chế mà họ phải đối mặt về dữ liệu số và nền tảng số để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

MỞ RỘNG NỀN KINH TẾ SỐ ĐƯỢC THÚC ĐẨY BỞI DỮ LIỆU SỐ…

Nền kinh tế số tiếp tục phát triển với tốc độ chóng mặt, được thúc đẩy bởi khả năng thu thập, sử dụng và phân tích một lượng lớn thông tin, dữ liệu mà máy có thể đọc được được gọi là dữ liệu số. Những dữ liệu số này phát sinh từ các hoạt động cá nhân, xã hội và kinh doanh diễn ra trên các nền tảng số khác nhau. Lưu lượng truy cập Giao thức Internet toàn cầu (IP - Global Internet Protocol), một proxy cho các luồng dữ liệu, đã tăng từ khoảng 100 gigabyte (GB) mỗi ngày vào năm 1992 lên hơn 45.000 GB trên mỗi giây vào năm 2017. Tuy nhiên, thế giới mới chỉ ở những ngày đầu của nền kinh tế dựa trên dữ liệu; vào năm 2022, lưu lượng truy cập IP toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 150.700 GB trên mỗi giây, được thúc đẩy bởi ngày càng nhiều người truy cập trực tuyến và bởi sự mở rộng của công nghệ Internet kết nối vạn vật IoT.

Sự phát triển, chính sách của việc thu thập và sử dụng dữ liệu phụ thuộc rất nhiều vào loại dữ liệu liên quan đến: cá nhân hay phi cá nhân; nhạy cảm hoặc không nhạy cảm; riêng tư hoặc công cộng; cho các mục đích thương mại hoặc chính phủ để từ đó, phát triển một “chuỗi giá trị dữ liệu” hoàn toàn mới từ quy trình thu thập, sản xuất, lưu trữ, phân tích và mô hình hóa.

Biến dữ liệu thành trí tuệ kỹ thuật số là chìa khóa thành công

Dữ liệu đã trở thành một nguồn lực kinh tế mới để tạo ra và nắm bắt giá trị. Kiểm soát dữ liệu là chiến lược quan trọng để chuyển đổi thành trí tuệ kỹ thuật số. Trong hầu hết mọi chuỗi giá trị, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích và chuyển đổi dữ liệu mang nhiều lợi thế cạnh tranh. Dữ liệu số là cốt lõi của tất cả các công nghệ số, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo AI, Chuỗi khối blockchain, Internet kết nối vạn vật IoT, điện toán đám mây và tất cả các dịch vụ dựa trên Internet. Không có gì ngạc nhiên khi các mô hình kinh tế số tập trung vào dữ liệu đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, chuỗi dữ liệu số ngày càng tăng dẫn đến nhiều rủi ro và thách thức liên quan đến việc mở rộng dữ liệu, vì vậy cần có chính sách về cách chỉ định quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu; cách xây dựng lòng tin của người dùng và bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu; cách điều chỉnh các luồng dữ liệu xuyên biên giới và cách xây dựng các kỹ năng và khả năng liên quan để khai thác dữ liệu số. Nhiều đề xuất khác nhau được đưa ra để đảm bảo chia sẻ công bằng những lợi ích kinh tế từ dữ liệu số:

- Một là, tập trung vào việc trả công cho những cá nhân đang chia sẻ dữ liệu với các nền tảng thông qua thị trường dữ liệu cá nhân hoặc thông qua ủy thác dữ liệu;

- Hai là, kêu gọi sử dụng quyền sở hữu dữ liệu tập thể và các quỹ dữ liệu số làm cơ sở xây dựng “hệ thống dữ liệu số chung” mới.

… VÀ CÁC NỀN TẢNG SỐ

Nền tảng số là động lực thứ hai của nền kinh tế số. Trong thập kỷ qua, rất nhiều nền tảng số đã xuất hiện trên khắp thế giới bằng cách sử dụng các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu. Sức mạnh của các nền tảng số được phản ánh qua việc tổ chức kinh doanh sử dụng các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng.

Nền tảng số được định nghĩa là cơ sở hạ tầng mở, là trung gian kết nối cho phép nhà sản xuất và người dùng tương tác trực tuyến với nhau. Ví dụ như: facebook kết nối người dùng; Uber, Grab, Go-Viet kết nối giữa người đi xe và tài xế,... Nhìn từ một số khía cạnh khác thì nền tảng số được chia làm hai loại chính đó là: nền tảng giao dịchnền tảng đổi mới.

(i) Nền tảng giao dịch đôi khi còn được gọi là thị trường đa mặt, nó cung cấp cơ sở hạ tầng, tài nguyên trực tuyến hỗ trợ giao dịch, trao đổi giữa các bên. Nền tảng giao dịch gắn liền với những chuyển đổi trong nền kinh tế số toàn cầu và trở thành mô hình kinh doanh cốt lõi cho các tập đoàn kỹ thuật số lớn như: Amazon, Alibaba, Facebook và eBay…

(ii) Còn nền tảng đổi mới đôi khi được gọi là nền tảng kỹ thuật hoặc công nghệ, được hình thành từ các khối công nghệ, tạo cơ sở để phát triển các dịch vụ và sản phẩm. Nền tảng đổi mới tạo ra môi trường cho các nhà sản xuất phát triển các ứng dụng và phần mềm. Ở cấp độ ngành, nền tảng đổi mới cung cấp cách để chia sẻ và tương tác trong một lĩnh vực, ví dụ như: hệ điều hành Android hoặc Linux cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng trên hệ điều hành hoặc các tiêu chuẩn công nghệ (ví dụ như: video MPEG) sẽ đưa ra cách tiếp cận chung để các công ty tương tác với nhau trong cùng một lĩnh vực.

Sự gia tăng của các nền tảng số có ý nghĩa toàn cầu

Nền tảng số là thành phần quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Các công ty, tổ chức có vốn hóa thị trường về nền tảng là hơn 100 triệu đô la được ước tính là hơn 7000 tỷ đô la trong năm 2017 - cao hơn 67% so với năm 2015. Một số nền tảng số toàn cầu đã đạt được vị trí thị trường rất mạnh trong một số lĩnh vực. Ví dụ, Google chiếm khoảng 90% thị trường tìm kiếm trên Internet. Facebook chiếm 2/3 thị trường truyền thông xã hội toàn cầu và là nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu tại hơn 90% nền kinh tế thế giới. Amazon tự hào chiếm gần 40% thị phần hoạt động bán lẻ trực tuyến trên thế giới và Amazon Web Services của nó chiếm một thị phần tương tự trên thị trường dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây toàn cầu. Tại Trung Quốc, WeChat (thuộc sở hữu của Tencent) có hơn một tỷ người dùng tích cực và cùng với giải pháp thanh toán Alipay (Alibaba) chiếm hầu hết toàn bộ thị trường Trung Quốc cho thanh toán di động (Alibaba được ước tính có gần 60% thị trường thương mại điện tử Trung Quốc).

Một số yếu tố giúp giải thích sự gia tăng nhanh chóng này là:

- Hiệu ứng mạng (tức là càng nhiều người dùng trên một nền tảng, nó càng có giá trị đối với mọi người);

- Khả năng trích xuất, kiểm soát và phân tích dữ liệu của nền tảng. Cũng như hiệu ứng mạng, nhiều người dùng hơn đồng nghĩa với nhiều dữ liệu hơn và nhiều dữ liệu hơn đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh mạnh hơn giữa các đối thủ;

- Khi nền tảng số được mọi người chú ý nhiều hơn thì nó cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ tích hợp khác nhau dẫn đến chi phí chuyển đổi sang nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu tăng lên. Bao gồm cả việc mua lại các đối thủ tiềm năng và mở rộng sang các sản phẩm hoặc dịch vụ bổ sung. Các vụ mua lại của các công ty nền tảng số bao gồm việc Microsoft tiếp quản LinkedIn; và Facebook mua lại WhatsApp. Alphabet (Google) và Microsoft đã đầu tư vào thiết bị viễn thông bằng cách mua lại Motorola và Nokia.

Về mặt địa lý, sự phát triển của nền kinh tế số rất không đồng đều

Sự phát triển kỹ thuật số sẽ có ý nghĩa đối với hầu như tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững SDG (Sustainable Development Goals) và có ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, các lĩnh vực và các bên liên quan. Hiện nay, thế giới đang bị giới hạn bởi khoảng cách lớn về việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông giữa các nước kém kết nối và các nước siêu số hóa. Ví dụ, ở các nước kém phát triển (LDC - Least Developed Countries), chỉ có 1/5 người sử dụng Internet so với 4/5 ở các nước phát triển, đây là một khía cạnh của sự phân chia kỹ thuật số. Tại Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm khoảng 75% tổng số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ blockchain, 50% chi tiêu toàn cầu cho Internet kết nối vạn vật IoT và hơn 75% thị trường điện toán đám mây công cộng trên thế giới. Trong khi đó, thị phần của Châu Âu là 4% và Châu Phi và Châu Mỹ Latinh chỉ là 1%. Trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như khả năng khai thác dữ liệu số cũng bị phân chia không đồng đều. Ví dụ: ở các nước Châu Phi và Châu Mỹ Latinh xây dựng chưa đến 5% trung tâm dữ liệu. Nếu không được giải quyết, những khoảng cách này sẽ làm chênh lệch tình trạng thu nhập của người dân.

Giá trị trong nền kinh tế số là gì?

Số hóa đang chuyển đổi chuỗi giá trị theo những cách khác nhau, mở ra các kênh mới để gia tăng giá trị và thay đổi cấu trúc. Mở rộng nền kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội kinh tế mới trong đó dữ liệu số và nền tảng số là động lực để đổi mới nền kinh tế và xã hội. Dữ liệu số có thể được sử dụng cho mục đích phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Nền tảng số tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch và kết nối mạng cũng như trao đổi thông tin. Từ góc độ kinh doanh, việc chuyển đổi tất cả các lĩnh vực và thị trường thông qua việc số hóa nền kinh tế có thể thúc đẩy sản xuất hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn.

Những thách thức trong việc đo lường giá trị trong nền kinh tế số

Rất khó để đo lường nền kinh tế số và nắm bắt giá trị liên quan. Thứ nhất, không có định nghĩa rõ ràng nào về nền kinh tế số. Thứ hai, số liệu thống kê về các thành phần của nền kinh tế số ở các nước đang phát triển còn thiếu. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu toàn cầu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông được số hóa đã tăng nhanh hơn phản ánh sự số hóa ngày càng tăng của nền kinh tế thế giới.

Theo ước tính giá trị GDP của nền kinh tế số trên thế giới nằm trong khoảng từ 4,5% đến 15,5%, cụ thể giá trị GDP về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm gần 40% tổng giá trị thế giới. Danh mục việc làm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tăng từ 34 triệu người (năm 2010) lên 39 triệu người năm 2015, với dịch vụ máy tính chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38% và là một trong những động lực chính tạo ra việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngành công nghiệp dịch vụ máy tính toàn cầu do Hoa Kỳ thống trị có tỷ trọng gần như bằng tỷ trọng của tổng cộng của 9 nền kinh tế lớn tiếp theo. Ấn Độ có tỷ trọng dịch vụ máy tính lớn nhất trong số các nước đang phát triển.

Kết luận

Nền tảng số và dữ liệu số là hai động lực chính của nền kinh tế số. Trong tương lai gần, nền kinh tế số sẽ bao phủ một phần lớn nền kinh tế thế giới. Theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg thì Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu… Vì vậy, gốc của nền kinh tế số là: (1) phát triển “nền tảng số” - để số hóa mô hình hoạt động của chính phủ và của người dân từ phương thức truyền thống sang hoàn toàn trên môi trường điện tử; (2) “dữ liệu số” - dữ liệu được tạo ra nhiều cùng với công nghệ số thì sẽ trở thành một trong những tài sản hàng đầu của nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp để thực hiện cách thức quản lý mới, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế xã hội. Những động lực chuyển đổi này mang lại mô hình kinh doanh mới với một cái tên khác đó là: nền kinh tế số.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

1. Digital Economy Report 2019

https://unctad.org/system/files/official-document/der2019_en.pdf

2. Digital Economy Report 2019 (Summary)

https://unctad.org/system/files/official-document/der2019_overview_en.pdf