Trong một năm, các cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh ban hành trên 300.000 văn bản với gần 15 triệu trang văn bản; tỷ lệ văn bản điện tử đến ước đạt 76%; tỷ lệ văn bản điện tử gửi đi ước đạt 74%. Do thực hiện tốt gửi nhận văn bản điện tử, hàng năm Bắc giang tiết kiệm cho ngân sach hàng chục tỷ đồng. Để thông tin cho nhân dân về chính sách, pháp luật, các thủ tục hành chính của các cấp chính quyền, đến nay, 100% các cơ quan thuộc UBND tỉnh và 10/10 huyện, thành phố đã xây dựng và vận hành tốt trang thông tin điện tử; gần 500 đơn vị sự nghiệp và 150 doanh nghiệp đã xây dựng trang thông tin điện tử.
Hạ tầng viễn thông và CNTT được đầu tư phục vụ cho yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân như: 100% các xã, phường, thị trấn dược kết nối cáp quang và Internet băng rộng, được phủ sóng di động; 70% xã được phủ sóng 3G; 100% các cơ quan nhà nước (kể cả UBND các xã) đã xây dựng mạng LAN và đầu tư máy tính cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc (tỷ lệ máy tính/CBCC các Sở, ngành đạt 1,28 máy; của UBND các huyện, TP đạt 0,99 máy; UBND cấp xã có 10,1 máy tính/xã); Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư, cài đặt phần mềm phục vụ cho các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã…
Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trên là rất đáng ghi nhận vì Bắc Giang là tỉnh miền núi, kinh tế-xã hội còn chậm phát triển, ngân sách TW hỗ trợ khoảng 80% nhu cầu chi; hàng năm ngân sách đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã chưa đến 10 tỷ đồng/năm
Từ những kết quả đã đạt được trong quá trình tổ chức ứng dụng CNTT ở tỉnh Bắc Giang chúng tôi rút được những bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, ứng dụng CNTT cũng như muốn làm bất cứ việc lớn nào cũng phải xác định được chiến lược, định hướng được mô hình ứng dụng CNTT của tỉnh Bắc Giang là thế nào. Để từ đó, bất cứ triển khai một ứng dụng CNTT dù nhỏ bé đều phải hướng tới mục tiêu chung. Mục tiêu chung trong ứng dụng CNTT của Bắc Giang chính là xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử theo mô hình tập trung thống nhất, liên thông và tích hợp dữ liệu trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh Bắc Giang chỉ có một trung tâm tích hợp dữ liệu chung phục vụ cho tất cả các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, hình thành một cơ sở dữ liệu chung toàn tỉnh.
Mô hình đó rất gần gũi với cách thức cung cấp dịch vụ CNTT cho các cơ quan, doanh nghiệp và công dân. Các đơn vị chỉ lo sử dụng “dịch vụ ứng dụng CNTT” do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cung cấp, không quá bận tâm đầu tư hạ tầng, quản trị thiết bị và dữ liệu của đơn vị mình, giảm tải công việc cho cán bộ chuyên trách CNTT các cấp, các ngành. Mô hình đó sẽ tiết kiệm chi phí khoảng 90% nếu đầu tư phân tán: mỗi Sở, mỗi huyện, mỗi xã …đều có máy chủ để cài đặt các phần mềm ứng dụng cho đơn vị mình.
Thứ hai là, tổ chức ứng dụng CNTT cũng như tổ chức một phong trào thi đua, phải xây dựng điển hình tiên tiến, rồi tập trung chỉ đạo, tuyên truyền để các nơi đồng loạt triển khai. Nơi nào chậm triển khai sẽ mang tiếng “yếu”, sẽ mất điểm thi đua, rồi từ đó các đơn vị ganh đua nhau để làm tốt hơn, nhanh hơn đơn vị khác. Từng thời điểm, phải chọn được một việc để triển khai. Thí dụ như: năm 2008-2009, Bắc Giang tập trung triển khai gửi, nhận văn bản điện tử từ tỉnh đến xã; năm 2010 toàn tỉnh tập trung xây dựng trang thông tin điện tử; năm 2011-2012 triển khai phần mềm QLVB&ĐHCV; năm 2012-2013 triển khai phần mềm Một cửa điện tử; năm 2014 nâng cao chất lượng Một cửa điện tử….Nhờ cách đó, Bắc Giang triển khai ứng dụng CNTT rất nhanh.
Tổ chức ứng dụng CNTT theo kiểu phong trào còn có cái hay là ở chỗ làm đồng loạt, đồng khởi “trăm hoa đua nở”, nhiều nơi làm, giá thành rẻ đến bất ngờ. Như triển khai Trang thông tin điện tử, Sở hỗ trợ cho một ngành (hoặc một huyện) chỉ 10 triệu đồng. Hoặc như triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành công việc (QLVB&ĐHCV), cho một Sở chi phí chưa tới 50 triệu đồng. Vì lẽ đó, Bắc Giang triển khai nhiều ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước với chi phí cực thấp.
Thứ 3 là, phải quyết tâm làm chủ, chủ động về công nghệ, quán triệt quan điểm tại chỗ trong ứng dụng CNTT. Sở khuyến khích cán bộ của Sở viết phần mềm, đặc biệt là các phần mềm dùng chung cho các cơ quan nhà nước. Đến nay cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) của Sở đã viết được một số phần mềm dùng chung đưa vào sử dụng trong toàn tỉnh như: Phần mềm Một cửa điện tử, Phần mềm QLVB&ĐHCV, Phần mềm Trang thông tin điện tử (TTĐT)…
Nhờ chủ trương trên, Sở chủ động trong việc triển khai ứng dụng CNTT, dễ dàng nâng cấp phần mềm theo yêu cầu sử dụng cho từng đơn vị, hạ giá thành sản phẩm khi triển khai, dễ dàng và nhanh chóng hỗ trợ kĩ thuật cho các đơn vị sử dụng vận hành, vì đó là phần mềm “tại chỗ”…
Sự chủ động về công nghệ còn thể hiện sự định hướng theo mô hình ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh. Các phần mềm trên đều hướng tới việc liên thông, tích hợp dữ liệu trong toàn tỉnh.
Một yếu tố quan trọng khi Sở chủ động viết được phần mềm và tự triển khai, vô hình dung làm đối trọng cho các doanh nghiệp khác muốn triển khai phần mềm tại tỉnh Bắc Giang phải hạ giá thành và đầu tư phải nghiêm túc hơn.
Thứ 4 là, phải đào tạo, tôn vinh được cán bộ trẻ. Cán bộ trẻ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng đã rất quan trọng, nhưng trong sự nghiệp CNTT thì càng quan trọng hơn. Vì trong CNTT, cán bộ trẻ mới được đào tạo bài bản, nắm chắc công nghệ và giàu nhiệt huyết. Trong quản lý, sử dụng phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa cán bộ già (có kinh nghiệm chỉ đạo) và cán bộ trẻ (có trình độ công nghệ) để họ bù trừ cho nhau, phát huy cho nhau. Vấn đề này nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ xẩy ra việc kiềm chế lẫn nhau, gây hại cho sự phát triển.
Trong điều kiện Bắc Giang là một tỉnh nghèo, đầu tư cho ứng dụng CNTT nhỏ giọt, không có chế độ ưu đãi riêng, thì việc giữ chân được cán bộ trẻ, giỏi và tâm huyết là công việc cực kỳ nhạy cảm, không phải lúc nào cũng thành công.
Phải thấy rằng, đa số cán bộ trẻ muốn được cống hiến, muốn được sử dụng, muốn được làm việc để phát huy khả năng của mình phục vụ cho quê hương chứ không phải lúc nào họ cũng nghĩ đến tiền bạc, danh vọng. Do vậy, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ làm việc là rất quan trọng.
Thứ 5 là, việc tổ chức ứng dụng CNTT phải được nghiên cứu tỉ mỉ, có bước đi cụ thể phù hợp với tình hình kinh tế, điều kiện hạ tầng và nguồn nhân lực CNTT ở địa phương. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với những tỉnh nghèo luôn đầu tư cho ứng dụng CNTT nhỏ giọt, phân tán. Nhưng đã đầu tư dù nhỏ đều phải phục vụ cho đại cục. Đã đầu tư là sẽ phải hướng tới sử dụng để hoàn chỉnh thành các hệ thống CNTT rộng lớn hơn của toàn tỉnh (hạn chế đến mức thấp nhất phải bỏ đi làm lại). Tránh tránh đầu tư, triển khai theo kiểu chụp giựt, khuếch trương thành tích, không đi vào thực tế dễ dẫn đến hậu quả lãng phí, tốn kém. Trong đầu tư phải mạnh dạn, có tiền đến đâu làm đến đó, không ngồi chờ khi có tiền nhiều mới đầu tư một thể.
Thứ 6 là, trong đầu tư phải rất coi trọng yếu tố con người. Bắc Giang xác định chất lượng và hiệu quả ứng dụng CNTT của từng cơ quan phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người đứng đầu và vai trò của cán bộ chuyên trách CNTT ở các cấp, các ngành.
Vì ứng dụng CNTT là vấn đề rất mới mang tính cách mạng, nó thay đổi cách thức làm việc cũ và đặc biệt là nhiều khi nó đụng chạm đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức. Thí dụ, việc giải quyết thủ tục hành chính công, một số người vẫn muốn công dân trực tiếp đến để xin xỏ, cán bộ giải quyết tùy tiện thế nào cũng được, không bị ai kiểm soát, do vậy họ thường không “sốt sắng” ứng dụng Một cửa điện tử để công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho nhân dân… Do vậy, nếu thủ trưởng không quan tâm, thì ứng dụng CNTT rất khó. Đó là chưa kể ứng dụng CNTT phải bỏ ra chi phí ban đầu tương xứng mới triển khai được, “người đứng đầu” không vào cuộc thì sẽ không có kinh phí và quyết tâm để triển khai.
Để gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả ứng dụng CNTT ở đơn vị mình, Bắc Giang tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các ngành vào thành phần Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh; từ năm 2009 Sở (nay là UBND tỉnh) tiến hành xếp loại trình độ ứng dụng CNTT, xếp loại Trang TTĐT của các cấp, các ngành. Gắn kết quả ứng dụng CNTT với xếp loại thi đua hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.
Từ năm 2007, Sở BCVT (trước đây) đã phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn tiêu chuẩn chuyên môn và yêu cầu các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tuyển dụng, bố trí cán bộ chuyên trách CNTT. Đến nay, toàn tỉnh có 46 cán bộ chuyên trách CNTT….
Thứ 7 là, phải tích cực vận động các cấp, các ngành ủng hộ, hưởng ứng và phối hợp tổ chức thực hiện.
Ứng dụng CNTT là công việc khó khăn, phức tạp. Bởi vì, đây là công nghệ mới, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức nhiều người đã luống tuổi, ít được đào tạo nghiêm túc về CNTT, do vậy họ rất ngại ứng dụng CNTT trong làm việc. Cùng với đó, ứng dụng CNTT sẽ làm cho các hoạt động trong cơ quan nhà nước trở nên minh bạch, tốt xấu rõ ràng, khó tiêu cực, nhũng nhiễu, và vì thế, một bộ phận không nhỏ cán bộ không muốn ứng dụng CNTT.
Về đầu tư, ứng dụng CNTT đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, gây khó khăn cho ngân sách; phải tiến hành đồng bộ, rộng khắp trong tất cả các cơ quan nhà nước thì mới có hiệu quả. Do vậy, vận động các cấp, các ngành ủng hộ, hưởng ứng và phối hợp tổ chức thực hiện là giải pháp quan trọng trong tổ chức ứng dụng CNTT của các địa phương.