1. Kết quả giai đoạn 2006-2009
- Hạ tầng công nghệ thông tin
Hạ tầng viễn thông và Internet đã được đầu tư tương đối hiện đại, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng số thuê bao điện thoại trên mạng đạt gần 100.000 thuê bao, mật độ điện thoại đạt 96 máy/100 dân. Internet băng rộng tiếp tục phát triển mạnh, tổng số thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22.000 thuê bao, mật độ đạt 1,6 thuê bao/100 dân.
Hạ tầng công nghệ thông tin đã được quan tâm đầu tư: 75% công chức cấp tỉnh, 65% công chức cấp huyện, 20% công chức cấp xã được trang bị máy tính; 100% các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, 88% các huyện ủy, UBND huyện, thành phố, 92% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan ngành dọc của Trung ương trên địa bàn tỉnh, 83% các tổ chức chính trị xã hội có hệ thống mạng LAN kết nối Internet băng rộng.
- Ứng dụng công nghệ thông tin
Ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng: Hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan Đảng được tập trung triển khai với quy mô toàn tỉnh và thực hiện trao đổi, cập nhật, đồng bộ thường xuyên với cấp huyện và đồng bộ với các cơ quan ngành dọc Trung ương; Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp điều hành tác nghiệp (dùng chung trong các cơ quan Đảng) đã triển khai cài đặt, kết nối mạng diện rộng và vận hành; Cơ sở dữ liệu Quản lý hồ sơ đảng viên được cài đặt và đưa vào vận hành sử dụng.
Ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan quản lý Nhà nước: Gần 90% công chức biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, sử dụng mạng máy tính để truy cập Internet tìm kiếm thông tin, đọc tin tức; Đã cấp gần 1.000 tài khoản thư điện tử công vụ cho cán bộ công chức trong toàn tỉnh;…
- Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin được quan tâm, các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức. Đa số các đơn vị đã có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.
- Công nghiệp điện tử có bước phát triển mạnh, nhất là công nghiệp phần cứng sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông được đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên.
2. Kết quả giai đoạn 2010-2020
- Hạ tầng kỹ thuật:
Hạ tầng viễn thông và Internet đã được đầu tư tương đối hiện đại, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng số thuê bao điện thoại trên mạng đạt trên 1.200.000 thuê bao. Mật độ khoảng 104,5 thuê bao/100 dân; Internet băng rộng tiếp tục phát triển mạnh, tổng số thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh đạt 190.000 thuê bao, mật độ đạt khoảng 16,5 thuê bao/100 dân. Gần 170.000 hộ gia đình kết nối Internet băng rộng, trong đó có gần 700.000 người sử dụng Internet.
100% các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, 100% kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; gần 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, 80% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính.
Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng: Hệ thống mạng diện rộng (WAN) của tỉnh đã kết nối đến 169 đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: gồm 01 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 01 điểm tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, 09 điểm tại UBND các huyện, thành phố và 02 điểm tại các sở, ngành đã được vận hành hiệu quả, phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện.
Hàng năm phối hợp VNPT xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ truy cập Internet không dây miễn phí tại Thị trấn Tam Đảo, phủ sóng toàn bộ nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi ngoài trời trong khu du lịch.
- Ứng dụng công nghệ thông tin
Ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Đảng: Hầu hết cán bộ, chuyên viên tại Văn phòng Tỉnh ủy, các ban Đảng được trang bị máy tính phục vụ công việc; Đã có hệ thống mạng WAN kết nối hệ thống đến các cơ quan Đảng, Đảng ủy trực thuộc; Trung tâm dữ liệu tiếp tục được nâng cấp, đầu tư; Các ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được cập nhật, triển khai; Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp điều hành tác nghiệp đã được triển khai cài đặt, kết nối mạng diện rộng và vận hành tại Văn phòng Tỉnh ủy, các ban Đảng, 9 huyện, thành ủy; Cơ sở dữ liệu Quản lý hồ sơ đảng viên đã được cài đặt và đưa vào vận hành sử dụng; Cơ sở dữ liệu Văn kiện Đảng tiếp tục được triển khai, cập nhật ở 2 cấp tỉnh và huyện.
Ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước:
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh và 42 Cổng thông tin điện tử của ngành, địa phương đã đầu tư, xây dựng; đăng tải công khai các thông tin theo quy định.
Phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại 20 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 09 UBND các huyện, thành phố và 136 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vận hành cơ bản hiệu quả. Năm 2019, hệ thống đã tiếp nhận 314.984 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 252.856 hồ sơ (đạt tỷ lệ 80,28%), số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 93,8%.
Phần mềm Một cửa hành chính công ứng dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp tục được vận hành và khai thác hiệu quả. Năm 2019, đã tiếp nhận 36.451 hồ sơ, đã giải quyết 34.664 hồ sơ (đạt tỷ lệ 95,09%), số hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 98,17%.
Phần mềm quản lý văn bản và điều hành: Năm 2019 đã nâng cấp và triển khai đồng bộ đến các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Phần mềm đã sử dụng mã định danh các cơ quan nhà nước; thực hiện liên thông với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Ứng dụng thư điện tử công vụ: đã cấp gần 8.500 hộp thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ứng dụng chữ ký số: Đến nay tỷ lệ văn bản điện tử ký số văn bản đi, phát hành trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành trung bình trên địa bàn tỉnh đạt 88%, riêng cấp tỉnh đạt 97%.
Đã tổ chức triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Vĩnh Phúc và thí điểm kết nối một số hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin qua hệ thống nền tảng của tỉnh.
- Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại các Sở, ngành tiếp tục được cập nhật, nâng cấp và ứng dụng hiệu quả trong hoạt động quản lý và tác nghiệp chuyên môn.
- Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
24 sở, ngành và 09 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó, Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh, ngành với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn thông tin đồng bộ, hiện đại.
Tổ chức triển khai cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình quản lý tập trung nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại cho các máy trạm và thiết bị đầu cuối tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức diễn tập an toàn thông tin các cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018, 2019, 2020 nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của tỉnh và nâng cao năng lực tổ chức, kỹ năng phối hợp, phân tích, xử lý sự cố an toàn thông tin mạng của cán bộ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin của tỉnh.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Hàng năm, đã tổ chức các lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu về an ninh mạng, kỹ năng về an toàn thông tin và xử lý sự cố cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị; các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan Nhà nước.
- Ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đã xác định được vai trò, lợi ích trong việc ứng dụng tin học, Internet vào quá trình sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu thị trường, quảng cáo, thương mại điện tử.
Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: 100% doanh nghiệp có kết nối Internet băng rộng để phục vụ công việc.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, phần lớn để thực hiện các công việc như: công tác hành chính, kế toán, quản lý nhân sự, điều hành sản xuất, tham gia quá trình tự động hóa trong sản xuất;...
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin: các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, chủ yếu là kiêm nhiệm; các doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn.
- Công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 180 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử. Các sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện tử, linh kiện điện tử... phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thị trường nhỏ, có sự cạnh tranh lớn từ các chuỗi siêu thị bán lẻ.
Bên cạnh đó tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành các văn bản làm cơ sở để triển khai, thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
Xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam: năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Như vậy sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn chung các nhiệm vụ chủ yếu về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được một số kết quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh đối sâu, rộng tại các ngành, đơn vị, địa phương. Các nhiệm vụ phát triển hạ tầng thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống, phát triển kinh tế xã hội, hoạt động quản lý nhà nước.
Tạo nên bước chuyển mới trong việc ứng dụng công nghệ trong điều hành, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tạo nên phương thức làm việc mới phù hợp với yêu cầu phát triển chung về công nghệ.
Xây dựng hạ tầng cơ bản và một số ứng dụng nền tảng phục vụ việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nói chung và phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế tồn tại:
Công tác quán triệt, chỉ đạo, tham mưu ban hành các văn bản để tạo môi trường pháp lý triển khai các nhiệm vụ còn chậm.
Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hồ sơ, văn bản của các đơn vị, địa phương chưa triệt để.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn rất thấp,…Việc số hóa, tạo lập các cơ sở dữ liệu nền tảng chính quyền điện tử cấp tỉnh triển khai chậm, manh mún, thiếu đồng bộ, chưa có sự chia sẻ, tích hợp, liên thông.
Năng lực, trình độ, ý thức bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương, của cán bộ công chức viên chức trong các cơ quan Nhà nước chưa cao.
Việc đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị, địa phương còn chậm và chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều trang thiết bị được trang bị theo các giai đoạn khác nhau, chưa bảo đảm đồng bộ, ảnh hưởng tới việc triển khai các ứng dụng dùng chung.
Hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã và một số đơn vị trực thuộc cấp huyện chưa bảo đảm kết nối, chưa đáp ứng được các yêu cầu triển khai các ứng dụng nền tảng chính quyền điện tử hiện tại.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do có sự cạnh tranh lớn từ việc thu hút đầu tư của các tỉnh cùng khu vực.
Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế tồn tại nêu trên là:
Nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành.
Việc sơ kết, tổng kết theo các giai đoạn chưa được thực hiện thường xuyên; việc nhân rộng các mô hình phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả còn hạn chế.
Nguồn lực về tài chính đầu tư cho công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa tập trung.
Chưa có chính sách thu hút, giữ chân được người làm công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn tốt, nhất là chuyên môn về an toàn thông tin.
Bên cạnh đó nguyên nhân khách quan phải kể đến là:
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, đầu tư về công nghệ thông tin còn chưa đầy đủ, hoàn thiện.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai triển khai chậm; cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp chưa có khả năng chia sẻ trực tuyến; các hệ thống thông tin trên Trung ương triển khai xuống địa phương còn thiếu tính đồng bộ, kết nối.
Cùng với các công nghệ mới, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây, dữ liệu lớn big data, công nghệ ảo hóa, vạn vật kết nối IoT,… là những công nghệ tiên tiến, thay đổi nhanh, việc ứng dụng các giải pháp này đòi hỏi nguồn lực rất lớn để đầu tư như tài chính, nhân lực, vật lực trong khi thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật chưa theo kịp, đáp ứng và phù hợp với sự phát triển.
Thực tế, chưa có mô hình chính quyền điện tử cụ thể nào triển khai thành công tại các địa phương khác để học tập kinh nghiệm, nên việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử gặp nhiều khó khăn.
Để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin cho tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới, các bài học kinh nghiệm thực tế được đưa ra gồm:
Đề cao vị trí, vai trò của công nghệ thông tin là động lực hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Nâng cao trách nhiệm quản lý và hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn hiệu quả công nghệ thông tin với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Phải xây dựng, cụ thể hóa thể chế, chính sách phù hợp, kịp thời đáp ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đầu tư mạnh mẽ cho ứng dụng công nghệ thông tin. Huy động các nguồn xã hội hóa trong thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu số; tập trung đầu tư hạ tầng thông tin thiết yếu và các ứng dụng quan trọng tạo nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt chú trọng chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Nâng cao kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các đơn vị, địa phương.
Ưu tiên thu hút đầu tư đối với các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp phụ trợ về công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử tại các khu Công nghiệp trên địa bàn góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nguyễn Hạnh