Đang xử lý.....

An Giang: Kết quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính  

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến tháng 10 năm 2021 Trung tâm, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp đã đạt được một số kết quả cụ thể:
Chủ Nhật, 05/12/2021 713
|

Người đứng đầu của hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần rất lớn vào việc nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh thời gian qua.

Công tác thông tin, tuyên truyền Nghị định số 61/2018/NĐ-CP được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong công tác triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, của người dân, doanh nghiệp, thể hiện rõ nét nhất là đối với kết quả cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử gắn với nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh trong thời gian qua.

Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã. Chất lượng công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng được nâng cao; hoạt động của Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã có sự chuyển biến rõ nét, từng bước đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân trên địa bàn, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn giảm dần qua các năm.

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP thể chế hóa mô hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa các cấp là địa điểm tập trung, duy nhất để người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại của các tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao tính văn minh, hiện đại và nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước đối với tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Đến nay tình hình cung cấp dịch vụ công cấp 3 và 4 của tỉnh An Giang như sau:

- Tổng số TTHC đang cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 là: 1443 thủ tục

- Số TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đã tích hợp, công khai: 476 thủ tục

- Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt: 68,8%

Theo báo cáo của tỉnh về số lượng hồ sơ đã tiếp nhận và giải quyết trong năm như sau:

- Tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận (cả trực tiếp và trực tuyến): 162.136 hồ sơ

- Số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận trực tuyến: 111.472 hồ sơ

Về kết quả giải quyết các thủ tục hành chính:

- Tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt: 99,94%

- Tổng số hồ sơ TTHC đã giải quyết xong: 1.647.971 hồ sơ

- Số hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn: 1.647.259 hồ sơ

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:

Việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện nay số lượng phát sinh chưa cao, chưa thể hiện đúng mức theo yêu cầu, mục đích, mặc dù địa phương đã tổ chức tuyên truyền qua nhiều hình thức. Thói quen sử dụng giấy tờ, khả năng tiếp cận công nghệ và điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến về dịch vụ công trực tuyến tại một số cơ quan, địa phương chưa phát huy hiệu quả. Một số thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết phức tạp, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận của người dân, doanh nghiệp đối với dịch vụ công trực tuyến.

Việc liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành của một số Bộ, ngành với phần mềm một cửa điện tử của tỉnh còn bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý; việc nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã được đón nhận, nhưng số lượng hồ sơ phát sinh vẫn còn ít, đa phần ở cấp xã nguyên nhân là nhà người dân gần trụ sở UBND xã.

Các địa phương bố trí Bộ phận một cửa đặt tại trụ sở UBND các cấp, tuy nhiên do đã được xây dựng trước đây nên Bộ phận một cửa còn nhỏ, hẹp so với quy định tỉnh do đó chưa có sự thông thoát khi nhiều người dân đến cùng một thời điểm (thị xã Tân Châu và một số phường xã).

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành, cụ thể:

Chính phủ: sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ: sớm ban hành Quyết định danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo đề xuất của các bộ, ngành. Vì hiện nay, một số TTHC theo danh mục dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 tại các Quyết định trước đây của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 846/QĐ-TTg năm 2017, Quyết định số 877/QĐ-TTg năm 2018, Quyết định số 411/QĐ-TTg năm 2020, Quyết định số 406/QĐ-TTg năm 2021) đã không còn thực hiện hoặc đã thay thế bởi các TTHC mới.

Văn phòng Chính phủ: sớm hướng dẫn để địa phương thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP; sớm có thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 về hướng dẫn Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó cần quan tâm việc triển khai đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Vì thực tế có nhiều chỉ số đánh giá chưa rõ, chưa phù hợp, phức tạp, gây áp lực về thời gian, cách thức đánh giá cho Sở, ban, ngành, nhất là các đơn vị có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều thì việc liệt kê các mẫu đánh giá kèm theo là tốn nhiều thời gian, công sức.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính: xem xét hướng dẫn Tỉnh thực hiện chế độ chính sách cho công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa các cấp. Vì hiện nay Thông tư 26/2019/TT-BTC ngày 10/5/2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo công tác cải cách hành chính nhà nước không có quy định mức phụ cấp đối với công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp.

Bộ Thông tin và Truyền thông:

Xem xét việc không tổ chức đánh giá tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ, vì sẽ hạn chế số lượng các thủ tục hành chính cung cấp mức độ 3, 4. Thay vào đó, nghiên cứu tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến theo mức độ 3, 4, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi.

Xem xét việc không tổ chức đánh giá tỷ lệ thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích có phát sinh hồ sơ, vì sẽ hạn chế số lượng các thủ tục hành chính cung cấp qua dịch vụ này. Thay vào đó, nghiên cứu tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ này, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.

Bộ Tư pháp: Có hướng dẫn để đơn giản hóa trong việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Chứng thực của cấp huyện, cấp xã, cụ thể: Khi công chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đầy đủ yêu cầu thì tiến hành nhập thông tin TTHC vào cổng dịch vụ công của tỉnh, thực hiện quy trình các bước theo quy định, thu phí, lệ phí (nếu có) và trả kết quả. Từ dữ liệu trên có thể tích hợp thông tin vào theo dõi sổ chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Mai Xuân Cường