Ngày 30 tháng 9 năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có báo cáo số 286/BC-UBND về việc phục vụ kiểm tra công tác cải cách hành chính của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo đó, những kết quả đạt được trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính như sau:
1. Cải cách thể chế
- Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố: tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đạt hiệu quả.
- Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Triển khai rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do thành phố ban hành còn hiệu lực trong giai đoạn 2019-2021 để làm cơ sở thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2019-2023.
- Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Báo cáo Bộ Tư pháp kết quả thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 trrên địa bàn thành phố đúng thời hạn, đảm bảo nội dung theo quy định.
- Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật: triển khai có hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, tư vấn, hướng dẫn áp dụng pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng xếp hạng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật B1 trên địa bàn thành phố và các nhiệm vụ khác theo triển khai, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Chính phủ.
2. Cải cách thủ tục hành chính và việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông
- 100% các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện.
- 100% các bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố công bố đã được niêm yết tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.
- Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến qua công tác kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Cải thủ tục hành chính không cần thiết đã được cắt giảm và giảm đáng kể thời gian làm thủ tục hành chính.
- Tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí về các nội dung cải cách hành chính theo Luật Tiếp cận thông tin. Nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết các ý kiến phản ánh, đánh giá về việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan đơn vị.
3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
- Về sắp xếp các sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, có 7/19 sở, ngành thuộc diện sắp xếp đã triển khai thực hiện việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong theo đúng tiêu chí quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP.
- Về sắp xếp các cơ quan hành chính trực thuộc sở: 12/20 đơn vị thuộc diện sắp xếp tổ chức bên trong đã được các sở triển khai thực hiện theo đúng tiêu chí quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP.
- Thành lập, kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan, đơn vị theo quy định.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thẩm định và phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thành phố.
- Xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố; tiếp tục triển khai thực hiện quy trình, thủ tục xây dựng các Đề án.
- Tiếp tục thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
- Thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại một số cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quyết định theo quy định về phân cấp.
4. Cải cách chế độ công vụ, công chức
- Hoàn thành kỳ thi tuyển công chức theo chỉ tiêu biên chế giao năm 2021.
- Hoàn thành kỳ thi nâng ngach công chức, thăng hạng viên chức hành chính lên chuyên viên chính năm 2021.
- Hoàn thành kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp ngành Y tế.
- Triển khai phần mềm quản lý cán bộ công chức, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng: Ban hành và triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
5. Cải cách tài chính công
- Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện cơ chế khoán biên chế.
- Thành phố tích cực chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên.
- Thành phố tập trung quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát tất cả các khoản thu trên địa bàn.
6. Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số
- Hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
- Xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
7. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng
- Công tác thanh tra: Thanh tra hành chính; Thanh tra chuyên ngành; Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng nêu lên những thuận lợi và và khó khăn trong quá trình triển khai cải cách hành chính của thành phố, đồng thời cũng đưa ra định hướng cải cách hành chính của thành phố năm 2023, như sau:
- Đẩy mạnh hoạt động, đa dạng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội để có nhận thức đúng, đồng thuận.
- Xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai Nghị quyết số 35/2011/QH15 về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền số.
- Bố trí các nguồn lực để thực hiện cải cách hành chính: tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, đề ra cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển thành phố.
- Xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia, vận hành chính quyền số: đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Xuân Cường