- Về công tác xây dựng, vận hành hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công:
Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được tổ chức hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ Danh mục thủ tục hành chính, nội dung cụ thể thủ tục hành chính, quy trình nội bộ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí qua hình thức bản giấy và thông qua màn hình điện tử tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính trong giải quyết công việc, Trung tâm đã thực hiện việc sử dụng chữ ký số trên Phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả; tiến hành phân quyền cho các cơ quan, đơn vị chủ động tạm dừng tính thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống Phần mềm Một cửa điện tử đối với các hồ sơ thủ tục hành chính có trường hợp quy định không tính thời gian giải quyết; không sử dụng Phiếu kiểm soát (bản giấy) trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm.
Đối với các thủ tục hành chính có phát sinh thu phí và lệ phí, Trung tâm đã phối hợp với Ngân hàng BIDV Bình Định và các cơ quan liên quan thực hiện thu phí, lệ phí thông qua Phần mềm Một cửa điện tử liên thông tại Trung tâm (các quầy không thu tiền mặt) góp phần giảm thiểu thời gian chờ đợi, đảm bảo an toàn, minh bạch đối với tổ chức, cá nhân.
Về kết quả giải quyết các thủ tục hành chính cấp tỉnh: Từ ngày 19/4/2019 đến ngày 15/7/2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính: 156.467/158.536 hồ sơ (đạt 98,69%), trong đó giải quyết đúng hạn và trước hạn 154.550/156.467 hồ sơ (đạt 98,77%), giải quyết trễ hẹn 1.917/156.467 hồ sơ (chiếm 1,23%).
Tính đến ngày 15 tháng 7 năm 2021 Trung tâm đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với 51.443/148.114 hồ sơ (chiếm 34,7% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận đối với các thủ tục hành chính có đăng ký trực tuyến).
Nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã công khai số điện thoại Lãnh đạo Trung tâm trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Từ khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động cho đến nay đã tiếp nhận 07 phản ánh trực tiếp, 01 phản ánh qua hội nghị cấp tỉnh, 03 đơn kiến nghị, 374 câu hỏi trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, 16 phản ánh qua email và hơn 1.000 cuộc gọi với nội dung chủ yếu liên quan đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thái độ làm việc của công chức, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính.
- Về tổ chức hoạt động của Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh: Đã ban hành kế hoạch, quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trên địa bàn đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và tiến độ theo kế hoạch của tỉnh; Ban hành các quyết định kiện toàn nhân sự làm việc tại Bộ phận Một cửa, chuyển nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính từ Phòng Nội vụ cấp huyện về Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện; sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Một cửa; Quan tâm đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, máy móc, đường truyền internet và duy trì hoạt động Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Công tác xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Công tác xây dựng Hệ thống thông tin Một cửa điện tử được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cổng Dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ: dichvucong.binhdinh.gov.vn) được đầu tư xây dựng theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở tích hợp và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định công bố Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh năm 2021 với 1.100 thủ tục (đạt 71,8%) trên tổng số thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó cấp tỉnh: 901/1.499 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 70.8%), cấp huyện: 178/331 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 62.5%), cấp xã 53/173 thủ tục hành chính (chiếm tỷ lệ 44.5%) đảm bảo chỉ tiêu được giao.
Kết nối thành công Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia vào ngày 05 tháng 12 năm 2019. Tính đến ngày 15 tháng 7 năm 2021, đã có 268/1.171 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, có 51.443 hồ sơ phát sinh giao dịch trực tuyến. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp với nền tảng Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia với Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đảm bảo cho tổ chức, công dân thực hiện nộp phí, lệ phí khi giao dịch trực tuyến, nhất là đối với lĩnh vực thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai.
Tỉnh đã triển khai các nội dung công việc thực hiện dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 15 tháng 7 năm 2021, Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 15.373 hồ sơ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính”, trong đó đã hoàn thành 14.078 hồ sơ.
Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị: Đã tiếp nhận, giải quyết và công khai kịp thời 88 phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính và hành vi hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đảm bảo đúng thời gian quy định, còn lại 06 phản ánh đang xử lý và 02 phản ánh chờ công dân bổ sung làm rõ nội dung.
Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:
Một số UBND cấp xã còn bố trí Bộ phận Một cửa làm việc chung với Bộ phận chuyên môn; vẫn còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận chuyên môn, không thông qua Bộ phận Một cửa tại Ủy ban nhân dân một số xã.
Mặc dù tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn ở mức thấp (tính tại thời điểm 15/7/2021) nhưng số lượng hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết quá thời gian so với quy định còn nhiều, nhất là đối với cấp huyện (1.134 hồ sơ), cấp xã (1.693 hồ sơ) chủ yếu trên lĩnh vực đất đai vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng Phần mềm Một cửa điện tử thông qua công tác số hóa hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã, phần lớn hồ sơ vẫn thực hiện lưu chuyển dưới dạng văn bản, giấy tờ.
Số lượng giao dịch hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phát sinh còn thấp, chưa đảm bảo theo quy định và đáp ứng yêu cầu đề ra.
Công tác tích hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu qua Phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh với các cơ sở dữ liệu và phần mềm chuyên ngành do bộ, ngành Trung ương quản lý chưa được quan tâm, hướng dẫn việc thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá kết quả sau hơn 03 năm thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã xác định một số nội dung nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong thời gian tới, cụ thể:
Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 gắn với thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025.
Rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện trên cơ sở rà soát các lĩnh vực thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ phát sinh hằng ngày nhiều/ít để sắp xếp bố trí các quầy giao dịch, điều phối công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ nhằm phát huy tối đa năng suất làm việc gắn với việc triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận thủ tục hành chính của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức thực hiện tiếp nhận, hoặc hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính tại nhà; hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
Chỉ đạo việc đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hơn nữa Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống Phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh, nhất là tập trung hoàn thiện việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và phần mềm xử lý công việc của các Bộ, ngành Trung ương để khai thác dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kết hợp với triển khai việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện mô hình phi địa giới hành chính, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát; gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Mai Xuân Cường