Đang xử lý.....

Tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2021  

Cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được xác định là một trong 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021...
Thứ Ba, 19/10/2021 276
|

Ngày 27 tháng 6 năm 2021, Bộ Nội vụ đã có báo cáo về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2021, theo đó, một số kết quả đạt được gồm:

Cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được xác định là một trong 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để đẩy mạnh CCHC tại bộ, ngành, địa phương, điển hình là các giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với một số bộ, ngành, địa phương, qua đó, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực, trong đó có nhiều nội dung trọng tâm, liên quan đến cải cách hành chính.

Ngày 18/3/2021, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Sau Hội nghị tổng kết, căn cứ kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện và đã trình Chính phủ ban hành Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 về tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

Ngày 24/6/2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo CCHC tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ, các tỉnh và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020. Tại địa phương, hầu hết các tỉnh/thành phố đã công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của các sở, ngành, huyện, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, triển khai các biện pháp khắc phục hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhiều nơi đã ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có nhiều kết quả tích cực tại các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tư pháp 2 đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, rà soát văn bản QPPL năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ có văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc xử lý các văn bản trái pháp luật phát hiện qua kiểm tra, rà soát và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản.

Cải cách TTHC tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét: Công khai, công bố, cập nhật TTHC được thực hiện thường xuyên. Tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 22/6/2021, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 958 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý1; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh.

Triển khai Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQCP của Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực chỉ đạo rà soát, thống kê, tính toán chi phí tuân thủ, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành; đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định theo lộ trình đã đề ra. Tính đến ngày 22/6/2021, đã có 4.429 quy định kinh doanh đang có hiệu lực được thống kê, trong đó có 1.971 TTHC, 1.782 yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh, 272 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, 32 quy định kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, 372 quy định về chế độ báo cáo2.

Nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được triển khai. Ngày càng có nhiều hồ sơ TTHC được nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, đến ngày 22/6/2021, đã có trên 1.4 triệu hồ sơ thực hiện qua Cổng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC (Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021).

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Đề án Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các bộ, cơ quan tích cực hoàn thiện, ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý (02 Bộ đã ban hành thông tư là: Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo). Các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị theo quy định mới của Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành 03 nghị định quy định chi tiết các biện pháp thi hành các nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc sử dụng các loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn ngạch công chức, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Theo đó, từ ngày 1/8/2021 sẽ chính thức bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành một số thông tư, trong đó, đã chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng,...

Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP3 và một số nghị định khác có liên quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Chính phủ đã ban hành một số quy định mới, có tính đột phá, như: Sửa đổi, bổ sung và tách bạch rõ các nguồn tài chính thu từ hoạt động sự nghiệp; bổ sung quy định về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết,…

Kết quả xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đã có những bước tiến quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025. Ngày 22/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ấn nút kích hoạt vận hành chính thức hệ thống Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Theo đó, việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân sẽ từng bước khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, chi phí. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được các bộ, ngành quan tâm, ưu tiên nguồn lực để triển khai. 3 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như:

Tình trạng xử lý văn bản trái pháp luật phát hiện qua kiểm tra, rà soát ở một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực, như: Đất đai, xây dựng, chính sách người có công,...

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng lên đáng kể. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có 59,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tính trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp).

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trong 6 tháng cuối năm 2021 công tác CCHC đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm:

Trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị quyết ban hành Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết; các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình/Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương tích cực đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành CCHC, gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ CCHC được giao. Ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 để phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý; tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công.

Khẩn trương rà soát, hoàn thành các nhiệm vụ về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo các quy định mới của Chính phủ; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về xác định vị trí việc làm và định mức biên chế công chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP; tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, đảm bảo đúng với điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm được phê duyệt.

Các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành các biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các nhiệm vụ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025. Hoàn thiện việc kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu, chỉ tiêu KT-XH phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4. Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết TTHC.

Mai Xuân Cường