Đang xử lý.....

Ninh Bình: Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015  

Ngày 23/03/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 194/QĐ-UBND. Sau 05 năm triển khai thực hiện Kế hoạch, tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận
Thứ Tư, 17/02/2016 724
|

Cụ thể, có 80% thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử www.ninhbinh.gov.vn (đạt 80% so với mục tiêu đề ra); 75% các văn bản tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử. Hầu hết cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc (vượt mức so với mục tiêu đề ra 70%); 100% UBND cấp huyện sử dụng phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm một cửa liên thông (đạt so với mục tiêu 100%); 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện được triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành trên môi trường mạng (đạt so với mục tiêu 100%); 91% tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức toàn tỉnh có máy tính để làm việc (vượt mức so với mục tiêu đề ra 85%); 96% các cơ quan nhà nước từ cấp quận huyện, sở, ban, ngành có trang thông tin điện tử (không đạt so với mục tiêu đề ra 100%).

Tuy nhiên, việc thực hiện Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc triển khai phần mềm ứng dụng chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm thường xuyên. Đồng thời, công tác triển khai phần mềm ứng dụng gặp nhiều khó khăn, triển khai ứng dụng hầu như chỉ liên quan đến các chuyên viên nghiệp vụ, chưa có quy chế bắt buộc và biện pháp để giám sát việc thực hiện xử lý công việc bằng phần mềm ứng dụng. Bên cạnh đó, nhận thức về hiệu quả của ứng dụng CNTT của một bộ phần cán bộ, công chức chưa đầy đủ - nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa có thói quen dùng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy nên việc trao đổi công việc qua thư điện tử bị hạn chế; Việc khai thác, sử dụng hạ tầng mạng CNTT chưa hiệu quả; Tỷ lệ các cơ quan nhà nước được triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp trên môi trường mạng chưa đáp ứng so với yêu cầu, Tỷ lệ cán bộ công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc cũng chưa đáp ứng so với yêu cầu; Chưa có chế độ đãi ngộ đặc thù với những cán bộ làm CNTT, cán bộ làm CNTT ở nhiều đơn vị còn phải kiêm nhiệm nhiều việc và chưa thực sự được coi trọng dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút nguồn nhân lực CNTT tâm huyết và có trình độ.