Cụ thể, đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 100% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử, trên môi trường mạng, trong đó 100% sử dụng chữ ký số; 100% Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng và thực hiện thành công một cửa hiện đại theo quy định và có thể quản lý, theo dõi, giám sát tập trung thống nhất ở cấp tỉnh; Đảm bảo 100% cuộc họp giữa Trung ương với tỉnh, giữa Tỉnh với huyện, được tổ chức trực tuyến; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện xây dựng và triển khai, đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin quản lý và tác nghiệp chuyên ngành phục vụ hoạt động của các đơn vị;
Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, hiện tại tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin một cửa điện tử tại 12/12 huyện, trong đó có một số huyện đã triển khai liên thông xuống cấp xã; 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 1, mức độ 2 và 42 DVCTT mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đến năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu đạt 60% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 10% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã có Cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin và được kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh; 100% UBND cấp huyện, sở ngành và UBND cấp xã xây dựng và thực hiện thành công một cửa điện tử, duy trì hoạt động đảm bảo và được quản lý tập trung thống nhất.
Đối với nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin, tính đến hết năm 2015,tỉnh Hải Dương có 93 cán bộ CNTT nhưng phân bố chủ yếu tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các Sở. Tại các huyện, thị xã, thành phố hầu hết còn bố trí cán bộ văn phòng làm kiêm nhiệm CNTT. Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ứng dụng CNTT ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức CNTT cho các tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị; đảm bảo đến năm 2020, 100% sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có ít nhất 01 cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên chuyên ngành về công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống thông tin tại đơn vị.
Bên cạnh đó, tỉnh có kế hoạch thường xuyên tổ chức, tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống phần cứng, hệ thống phần mềm và tăng cường đảm bảo an toàn thông tin bằng các giải pháp mã hóa thông tin, giải pháp chống virus và chống thư rác cho hệ thống thư điện tử công vụ.
Trần Thị Hưng Bình, Cục Tin học hóa