Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, CMCN 4.0 được biết đến với sự phổ biến của nhiều công nghệ thế hệ mới, trong đó nổi bật có điện toán đám mây, tự động hóa Robot, phân tích xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet của vạn vật. Các công nghệ tiên tiến này giúp giảm bớt sự phức tạp cho các thao tác xử lý, giải phóng cho con người khỏi các công việc nặng nề, nhàm chán nhờ khả năng tự học để xử lý vấn đề của máy, cung cấp giác quan cho thực thể ‘vô tri’ trong thế giới thực và kết nối chúng với nhau tạo ra lượng lớn dữ liệu số, đưa vào xử lý thông qua các thuật toán phân tích thông minh hơn, mang lại kết quả xử lý tốt hơn hỗ trợ việc ra quyết định đúng một cách nhanh chóng, một trong những khả năng quan trọng của thời đại ngày nay. Trên thực tế, xu hướng chuyển dịch nhiều hoạt động sống, làm việc của con người trên môi trường mạng ngày càng rõ rệt và các thành tựu mới về công nghệ thông tin đã thực sự đi vào cuộc sống ngay tại Việt Nam.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với ứng dụng công nghệ thông tin là tìm ra công cụ tốt hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trên cơ sở tận dụng tốt những điều kiện thuận lợi mà công nghệ thông tin mang lại. Xem xét trên một phân khúc của nền kinh tế là hoạt động thương mại của các doanh nghiệp, số liệu thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam – VECOM cho thấy, mặc dù vẫn còn những rào cản phải tiếp tục tháo gỡ nhưng tỷ lệ tăng trưởng về doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến năm 2017 đạt 35%; số lượng giao dịch trực tuyến sử dụng thẻ thanh toán nội địa tăng 50% so với năm 2016 với giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75% so với năm 2016; tiếp thị trực tuyến của một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%. Những con số nêu trên là tín hiệu khả quan đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại nói riêng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Đối với các doanh nghiệp, với rất nhiều mối quan tâm cần giải quyết hàng ngày, việc cập nhật thông tin công nghệ cho việc áp dụng có thể là khó khăn, bởi vậy, bài viết này cố gắng lựa chọn và tổng hợp các chủ đề nổi bật về xu hướng ứng dụng công thông tin trong doanh nghiệp trong thời gian gần đây và trình bày vấn đề theo cách thức đơn giản, ngắn gọn. Bài viết cũng có sự chắt lọc và lồng ghép các nội dung cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin cùng với các lựa chọn mở rộng, nâng cao, phù hợp cho các doanh nghiệp đã có nền tảng nhất định về ứng dụng công nghệ thông tin, với hy vọng cung cấp những thông tin hữu ích, để giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn nêu trên trong việc tiếp cận các thông tin cần thiết. Dưới đây là một số xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp nổi bật thời gian gần đây:
1. Mở rộng khả năng cho trang tin điện tử riêng của doanh nghiệp
Cùng với xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng Internet trên thế giới, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt 53 triệu người dùng với 35 triệu người sử dụng thiết bị di động thông minh. Thị trường hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trên Internet ở Việt Nam đã mở rộng vì vậy, các doanh nghiệp đã có trang thông tin điện tử riêng hay đang xem xét việc nâng cấp hoặc xây dựng mới các trang tin điện tử riêng cần chú ý tới việc hỗ trợ truy nhập thông qua thiết bị di động. Đối với các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ cho lượng khách hàng đủ lớn tại Việt Nam, xây dựng các ứng dụng di động mang lại khả năng cung cấp cho khách hàng của mình các sản phẩm, dịch vụ thông suốt, tiện lợi trên môi trường Internet. Việc phát triển các ứng dụng di động ngày nay cũng đã dễ dàng hơn, thậm chí với một số giải pháp công nghệ được cung cấp trên Internet, những người sử dụng không biết nhiều về kỹ thuật cũng có thể tạo ra những ứng dụng triển khai trên thiết bị di động một cách dễ dàng mà không đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt.
2. Tích hợp phương tiện thanh toán trực tuyến
Việc sử dụng các phương thức thanh toán qua di động tại Việt Nam hiện nay đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Theo thống kê của ngân hàng phát triển châu Á, mặc dù vẫn đang ở giai đoạn có mức chi tiêu thấp trong thanh toán trực tuyến tuy nhiên, thị trường thanh toán trực tuyến ở Việt Nam rất có tiềm năng và sẽ sớm phát triển mạnh. Hiện tại, dịch vụ Internet Banking cũng đã được các Ngân hàng thương mại trong nước đẩy mạnh cung cấp, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho triển khai thanh toán trên thiết bị di động. Với sự phong phú của các dịch vụ và phương tiện thanh toán trực tuyến cho sản phẩm, dịch vụ trên môi trường Internet và các mạng di động băng thông rộng, cùng với sự phát triển nhanh của các dịch vụ hỗ trợ, hậu cần, việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ dựa trên Internet hiện tại đã trở thành một lựa chọn tốt đối với các doanh nghiệp. Ở mức độ cao hơn, một số doanh nghiệp đã có khả năng cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, trong đó có tích hợp chức năng thanh toán, hoàn thiện chu trình đặt hàng – giao dịch – thanh toán – giao nhận, tạo ra sự thuận lợi mới cho khách hàng. Điều đáng chú ý ở đây đối với các doanh nghiệp đã phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động là cần tiếp tục cải tiến, hoàn thiện các chức năng của ứng dụng đã cung cấp, kiểm thử tốt các chức năng của ứng dụng, từ đó mang đến lợi thế cạnh tranh tốt hơn cho chiến lược tiếp thị, kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Tiếp thị và hỗ trợ khách hàng trên Internet giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh
Tại Việt Nam, tiếp thị trực tuyến đã trở nên hết sức phổ dụng trong 05 năm trở lại đây, trong đó, bên cạnh các hình thức tiếp thị truyền thống hoặc qua hình thức đã phổ biến như tiếp thị thông qua thư điện tử (vẫn là một phương thức có hiệu quả, được nhiều doanh nghiệp quan tâm, sử dụng), việc sử dụng các công cụ tiếp thị, phân tích thị trường nâng cao hiện cũng đã được áp dụng. Các phần mềm tự động hóa hỗ trợ tiếp thị tương đối dễ sử dụng có thể giúp các doanh nghiệp quản lý tốt các hoạt động tiếp thị, thậm chí theo dõi hiệu quả hoạt động tiếp thị, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên Internet theo thời gian thực, nhờ đó gia tăng hiệu quả, thậm chí có thể giảm bớt nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia tiếp thị chuyên nghiệp trong nhiều trường hợp.
4. Áp dụng công cụ cải tiến cho dịch vụ hỗ trợ khách hàng
Từ năm 2017, hoạt động hỗ trợ khách hàng của một số doanh nghiệp có sự dịch chuyển từ không chỉ hỗ trợ giao dịch thuận tiện mà còn tốt hơn nữa là đáp ứng yêu cầu cụ thể của khách hàng một cách nhanh nhất. Với việc sử dụng thuần thục và linh hoạt nhiều loại công nghệ số bao gồm text/SMS, mạng xã hội, chat bots và các trợ giúp trực tuyến giúp mang lại khả năng tiếp cận, tương tác khách hàng đa kênh, được nhiều doanh nghiệp đánh giá là có hiệu quả. Trong thời gian gần đây, giải pháp tích hợp công nghệ như trí tuệ nhân tạo vào các công cụ hỗ trợ dịch vụ khách hàng là một xu hướng rất mới, giúp chuyển đổi hoạt động dịch vụ - hỗ trợ khách hàng thành một cơ cấu tự phục vụ tốt hơn. Trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong ứng dụng hỗ trợ khách hàng sẽ tự học từ quá trình tương tác với khách hàng, tự động hóa và thông minh hơn, gần gũi hơn và nhờ đó tiết kiệm thời gian để giải quyết hàng ngày cho bộ phận hỗ trợ khách hàng của doanh nghiệp, để họ có thể tập trung vào các vấn đề phức tạp hơn mà một mình công nghệ trí tuệ nhân tạo chưa thể giải quyết được. Tuy nhiên, điều đáng chú ý khi triển khai dịch vụ khách hàng với sự hỗ trợ của các công cụ cải tiến như vậy, trong giai đoạn bắt đầu đưa ứng dụng vào triển khai thực tế, các doanh nghiệp cần chú ý tới việc hỗ trợ trực tiếp, giải quyết các vướng mắc trong quá trình sử dụng để các khách hàng thông thường có thể tiếp cận với dịch vụ mới một cách dễ dàng.
5. Triển khai thuê dịch vụ điện toán đám mây
Việc mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp trong khi chưa có kế hoạch triển khai toàn diện ứng dụng công nghệ thông tin sẽ đi tới giai đoạn mà doanh nghiệp sử dụng rất nhiều loại phương tiện như sổ sách, giấy tờ, ứng dụng điện tử khác nhau để lưu trữ và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc tập hợp, xử lý và ra các quyết định kinh doanh. Chính vì vậy, triển khai lưu trữ trực tuyến là một giải pháp tốt giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc truy nhập tới các nguồn dữ liệu của mình. Với sự phong phú của các sản phẩm, giải pháp lưu trữ trực tuyến, các doanh nghiệp có thể đưa ra lựa chọn dịch vụ lưu trữ trực tuyến phù hợp, hợp nhất các nguồn dữ liệu lưu trữ rải rác ở khắp nơi vào một nguồn thống nhất. Ngoài ra, các ứng dụng hợp nhất dựa trên nền tảng điện toán đám mây đã được cung cấp trên Internet cũng là một lựa chọn rất tốt, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã có trải nghiệm và nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
6. Sử dụng các công cụ cộng tác để hỗ trợ công việc
Sự gia tăng của các phương tiện hỗ trợ nhóm làm việc ảo đã ngày càng trở nên phổ biến. Tham khảo báo cáo khảo sát của Virgin Media Business khi khảo sát các doanh nghiệp tại Mỹ vào năm 2015, có tới 60% những người làm công việc văn phòng tại Mỹ có thể làm việc ở nhà vào năm 2022. Hiện nay, các nền tảng như hỗ trợ truyền thông trên Internet, các công cụ nhắn tin và hội thoại nhóm đã thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm làm việc, làm cho việc trao đổi thông tin và triển khai các hoạt động trong một nhóm và giữa các nhóm làm việc trở nên dễ dàng, thuận lợi. Chỉ với các công cụ hội thoại đang được cung cấp miễn phí tại Việt Nam như hiện nay như Facebook messenger, Viber, Zalo, các nhóm làm việc trong các doanh nghiệp có thể thiết lập môi trường làm việc ảo, dựa trên hệ thống chat, thậm chí hỗ trợ tương tác qua Video. Thông qua các công cụ này, các thành viên của nhóm làm việc có thể trao đổi, gọi, lưu trữ các tài liệu và phối hợp với nhau theo thời gian thực một cách thông suốt, tạo nên sự linh hoạt, năng động và giúp tăng hiệu suất làm việc.
7. Đảm bảo An toàn thông tin hiện là một trong những thách thức hàng đầu đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp
Khi một doanh nghiệp phát triển dựa trên sự đổi mới của công nghệ thông tin, nhu cầu đảm bảo và bảo vệ các thông tin nhạy cảm trở nên ngày càng cấp thiết. Theo một số báo nghiên cứu thị trường ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp tại Mỹ, việc đảm bảo an toàn thông tin là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Để xử lý vấn đề này đòi hỏi doanh nghiệp cần có cách tiếp cận hợp lý, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân viên về các rủi ro về an toàn thông tin, quy tắc nhận dạng và thao tác xử lý cơ bản khi phát hiện các dấu hiệu mất an toàn thông tin để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra. Khi nhận thức về an toàn thông tin đã tốt hơn, dữ liệu đã trở thành tài sản quan trọng đối với các bộ phận tác nghiệp của doanh nghiệp, đó là lúc cần xem xét áp dụng các giải pháp an toàn thông tin hợp nhất hoặc thuê các dịch vụ đảm bảo an toàn thông tin chuyên nghiệp.
Trên đây là nội dung phân tích một số xu hướng nổi bật nhất gần đây về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các doanh nghiệp. Tác giả hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích, dễ tiếp cận và có thể xem xét, áp dụng trong hoàn cảnh cụ thể của các doanh nghiệp.
Nguyễn Hồng Quân
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2018 – VECOM
- Báo cáo tham gia diễn đàn thương mại điện tử Hàn Quốc – ASEAN năm 2018
- Báo cáo tổng quan về thương mại điện tử khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)
- Báo cáo về Thương mại điện tử ASEAN – Ban thư ký ASEAN 2018.
- Industry 4.0 and manufacturing eco systems – Brenna Sniderman, Monica Mahto, Mark J. Cotteleer, Deloitte Consulting.
- How Machine Learning is Changing the Way the Back Office Does Business - Eric Bussy, Worldwide Corporate Marketing and Product Management Director at Esker
- Tham khảo một số nguồn tài liệu trên Internet:
-http://www.eweek.com/small-business/eight-small-business-technology-trends-to-watch-in-2018
-https://www.newgenapps.com/blog/ai-uses-applications-of-artificial-intelligence-ml-business
-https://www.virgin.com/disruptors/remote-working-three-sticking-points-managers-need-to-get-over