Mở đầu
Tại phiên họp thứ 73 của Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Sáng kiến Xa lộ thông tin Châu Á - Thái Bình Dương (APIS) thông qua hình thức hợp tác khu vực và yêu cầu Thư ký Điều hành ưu tiên triển khai Kế hoạch tổng thể APIS và tài liệu khung hợp tác giữa các khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời yêu cầu khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan như các viện nghiên cứu, các tổ chức trong khu vực, các tổ chức, đối tác tài chính trong khu vực tư nhân tham gia các hoạt động của kế hoạch tổng thể.
Nghị quyết cũng kêu gọi tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, phân tích và nâng cao năng lực xung quanh các vấn đề liên quan đến bốn trụ cột của Sáng kiến Xa lộ thông tin khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Sáng kiến APIS).
Để chỉ đạo triển khai xây dựng Xa lộ thông tin, Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo với cấu trúc: Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương; Phòng CNTT Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc; Ban Chỉ đạo; Ban Chỉ đạo Xa lộ thông tin khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (Ban Chỉ đạo APIS) với sự hỗ trợ của IDD/IDS (theo mô hình cấu trúc dưới đây).
Hình: Cấu trúc quản trị sáng kiến APIS
Trong khuôn khổ hoạt động của Ban Chỉ đạo APIS, Tiến sỹ Shamsad Akhtar, Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã đưa ra sáng kiến thành lập mạng lưới học thuật phục vụ xây dựng Xa lộ thông tin khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nội dung sáng kiến và vai trò của mạng học thuật
Sáng kiến APIS đưa ra nhằm mục đích nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng trong trao đổi, thông tin điện tử thông qua Internet băng rộng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bằng cách nâng cao năng lực hạ tầng Internet trong khu vực. Thúc đẩy kết nối cáp quang biển và trên đất liền, cung cấp nền tảng kết nối liên thông trong khu vực bằng cách tập trung vào kết nối các quốc gia trong khu vực chưa có liên kết cáp quang.
Sáng kiến bao gồm bốn trụ cột:
Thứ nhất, Nâng cấp cơ sở vật chất và kết nối (thiết kế, phát triển, quản lý mạng vật lý cấp khu vực; thúc đẩy xây dựng các quy định pháp lý; kết nối liên thông); Thứ hai, Quản lý mạng và lưu lượng Internet (đảm bảo quản lý hiệu quả, hiệu lực băng thông Internet cấp khu vực, tiểu khu và mức quốc gia); Thứ ba, Xây dựng khả năng phục hồi mạng lưới khu vực (hỗ trợ quản lý thảm họa, phục hội mạng lưới công nghệ thông tin – truyền thông và đảm bảo truyền thông liên tục) và thứ 4, Tăng cường khả năng truy cập băng thông rộng ở những khu vực chưa được phục vụ (giảm khoảng cách số; thúc đẩy năng lực truy cập; hỗ trợ các quốc gia về kỹ thuật và chính sách).
Để triển khai sáng kiến, trên cơ sở cấu trúc quản trị APIS, Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo của Liên Hiệp Quốc đã ban hành Kế hoạch Tổng thể hình thành Siêu xa lộ thông tin Châu Á - Thái Bình Dương và Tài liệu Khung về hợp tác khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Một trong những mục tiêu quan trọng được nêu trong Văn kiện Khung Hợp tác Khu vực về Xa lộ thông tin khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là sự hợp tác sâu rộng giữa các nước thành viên, các định chế tài chính quốc tế, các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu và viện hàn lâm để cải thiện khả năng kết nối các khu vực trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự liên kết, trao đổi thường xuyên của các tổ chức, cá nhân nêu trên do đó cần có sự hỗ trợ của mạng lưới các viện nghiên cứu, các viện nghiên cứu có thể đóng góp vào việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể về Xa lộ thông tin khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Xa lộ thông tin triển khai trên khu vực địa lý rộng lớn với hy vọng các bên liên quan sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, thực tiễn tốt và những sáng kiến trong khu vực để hỗ trợ mục tiêu tổng thể của kết nối và hội nhập trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, mạng lưới hình thành với hy vọng cộng đồng học thuật ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các nhà nghiên cứu, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các cơ quan tư vấn sẽ có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công sáng kiến APIS. Cùng với các mục tiêu phổ quát của Xã hội Thông tin và để thúc đẩy nền kinh tế dựa vào tri thức, điều quan trọng là các nền tảng phù hợp được tạo ra để cùng với các viện nghiên cứu tạo nên một nền tảng chung hỗ trợ Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thực hiện thành công sáng kiến APIS và chuyển các nguồn kiến thức tập thể của các nhà nghiên cứu và các tổ chức sang thực hiện bốn trụ cột. Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tồn tại sự chênh lệch về kết nối băng rộng và có khoảng cách đáng kể về năng lực nghiên cứu, chuyên môn giữa các quốc gia khác nhau trong khu vực. Trong khi các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ khá tiên tiến về Công nghệ thông tin và nghiên cứu liên quan đến kết nối thì có rất nhiều quốc gia khác trong khu vực tương đối yếu trong lĩnh vực này.
Một số trường đại học và các viện nghiên cứu trong khu vực là các trung tâm hàng đầu và có một lượng lớn các nhà nghiên cứu với các công trình nghiên cứu ở cấp khu vực, trong khi nhiều trường khác vẫn đang nỗ lực xây dựng năng lực nghiên cứu và đào tạo nhân viên. Mặc dù vấn đề nghiên cứu, đánh giá chính sách và nghiên cứu hoạt động về những tác động và lợi ích của đề xuất xa lộ thông tin đang là nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, nhiều tổ chức chưa tham gia được mạng lưới. Mặc dù, họ vẫn làm việc với những vấn đề và thách thức khác nhau của xã hội thông tin mà các tổ chức khác trong khu vực có thể đã giải quyết. Nếu các tổ chức khu vực này được kết hợp để tăng cường khả năng nghiên cứu, sẽ tạo ra động lực mới cho các Chính phủ và các bên liên quan khác tận dụng lợi ích của sáng kiến xa lộ thông tin Châu Á – Thái Bình Dương. Điều cần thiết là một cấu trúc mang tất cả chuyên môn này kết hợp kiến thức địa phương và khu vực. Mạng lưới các viện khoa học khu vực sẽ hỗ trợ không chỉ cho Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong sáng kiến Xa lộ thông tin mà còn giúp tạo ra một nhóm chuyên gia hỗ trợ Chính phủ ở mỗi quốc gia sẽ tương tác với Chính phủ, khu vực tư nhân trong việc tiến hành nghiên cứu, đánh giá, giám sát, xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo.
Mục tiêu tiềm năng của Mạng lưới học thuật APIS
Phù hợp với các mục tiêu chung của Khuôn khổ Hợp tác Xa lộ thông tin Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mục tiêu chính của Mạng lưới học thuật được đề xuất là tạo nền tảng lựa chọn các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong khu vực và các tổ chức cũng như các nhà nghiên cứu để tăng cường vai trò của họ trong nền kinh tế tri thức. Trong mục tiêu tổng thể này, Mạng lưới học thuật Xa lộ thông tin khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tập trung vào các mục tiêu sau chính sau:
Thứ nhất, Thiết lập Mạng lưới như nền tảng cho cộng đồng học thuật, cung cấp đầu vào và hỗ trợ sáng kiến Xa lộ thông tin của Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong việc đạt được tầm nhìn và mục tiêu bằng cách tạo ra các nguồn tri thức hợp tác từ cộng đồng học thuật khu vực. Đóng góp vào sự hiểu biết về chiến lược, nghiên cứu, giáo dục - đào tạo và là một cánh tay quan trọng để đạt được tầm nhìn và mục tiêu của Xa lộ thông tin.
Thứ hai, Mạng lưới sẽ cung cấp cả năng lực nghiên cứu và xây dựng năng lực cho Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương và các thành viên liên kết để xác định và đáp ứng những thách thức và cơ hội mà sáng kiến xa lộ thông tin có thể đạt được các mục tiêu. Mạng lưới sẽ là liên minh các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và đào tạo được công nhận hoặc tương đương tham gia nghiên cứu, phát triển và đào tạo về xã hội thông tin và các vấn đề liên quan. Các nội dung trên cũng đã được trao đổi, thảo luận tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Xa lộ thông tin Châu Á - Thái Bình Dương.
Các sáng kiến chiến lược của Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2016-2018 nhằm cải thiện khả năng kết nối băng thông rộng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm:
Sáng kiến 1: Xác định, điều phối, triển khai, mở rộng và hội nhập các mạng trục khu vực ở cấp độ nội bộ và liên vùng xuyên biên giới, hợp tác với các nước thành viên và các tổ chức khu vực:
Nội dung tập trung: Tích hợp mạng lõi và liên kết khu vực (Mạng cáp quang trên đất liền,…), trong đó Xác định liên kết bị thiếu; thiết kế mạng lưới kết cấu vòng và lưới vòng của mạng đường trục mặt đất có độ bền cao trong khu vực và xây dựng mô hình hoạt động của mạng mặt đất xuyên biên giới thông qua nghiên cứu các mô hình và tiêu chuẩn hoạt động và các tiêu chuẩn chất lượng.
Cơ sở hạ tầng băng rộng trong nước: Kiểm tra các tuyến đường trục nội địa ở các nước kém phát triển; Giúp phát triển các chiến lược phát triển mạng băng thông rộng ở các nước kém phát triển; Phát triển và lên kế hoạch các trung tâm dữ liệu, chia sẻ thông tin đám mây và các giải pháp thay thế hợp lý khác.
Hoạt động hỗ trợ của sáng kiến: Tiến hành nghiên cứu khả thi chi tiết ở một số hành lang, có tính đến nhu cầu đặc biệt và thách thức của các nước đang phát triển không có biển, ít nhất các nước phát triển và các nước đang phát triển đảo nhỏ. Hoạt động như xác định lưu lượng truy cập, doanh thu, và chi phí sơ bộ và khả năng chi trả; xác định các nhu cầu và thách thức đặc biệt đối với các nước đang phát triển, các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển; Phối hợp với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng với các nước thành viên và khu vực tư nhân giữa các quốc đảo nhỏ; Cập nhật bản đồ xa lộ thông tin Châu Á - Thái Bình Dương.
Sáng kiến 2: Thiết lập đủ số điểm trao đổi Internet ở cấp quốc gia và các tiểu vùng và đề ra các nguyên tắc chung về trao đổi lưu lượng Internet nhằm ngăn chặn tình trạng giảm năng lực xử lý và lưu lượng truy cập Internet, giảm chi phí vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sáng kiến 3: Nghiên cứu xã hội và kinh tế khu vực;
Sáng kiến 4: Tăng cường khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng ICT ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Sáng kiến 5: Chính sách và quy định để tận dụng cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện có và các sáng kiến băng thông rộng;
Sáng kiến 6: Xây dựng năng lực.
Sáng kiến 7: Cơ chế tài trợ dự án Xa lộ thông tin Châu Á - Thái Bình Dương dựa trên mối quan hệ hợp tác nhà nước - tư nhân.
Kết luận
Hiện nay, sáng kiến APIS đang được các đơn vị Liên Hiệp Quốc, Ban Chỉ đạo APIS thúc đẩy triển khai, trong đó có sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và để thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin liên quan kịp thời, Việt Nam nên tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới học thuật khi được hình thành và trao đổi, thông tin với các tổ chức Viễn thông, các nhà nghiên cứu, các cơ sở giáo dục – đào tạo nhằm chia sẻ, hợp tác tri thức để cùng thực hiện mục tiêu của sáng kiến APIS. Việc hình thành được Xa lộ thông tin khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy và đảm bảo băng thông giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế, tránh tình trạng lệ thuộc vào hạ tầng mạng nào đó cụ thể hoặc phụ thuộc một quốc gia cụ thể nào đó trong việc trao đổi, thông tin điện tử quốc tế. Đảm bảo cho môi trường kết nối trong hoạt động trao đổi, giao dịch điện tử trong nước và quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết 73/6 của Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương;
- Kế hoạch tổng thể về Xa lộ thông tin của Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương;
- Báo cáo đề xuất Mạng lưới học thuật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tiến sỹ Shamahad Akhtar, Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Nguyễn Thanh Thảo