Hiện nay phổ biến trên thế giới có một số Khung tiêu chuẩn, các tổ chức có thể nghiên cứu sử dụng hoặc kết hợp để đề ra một Khung phù hợp với đặc thù riêng của tổ chức mình. Các Khung tiêu chuẩn phổ biến bao gồm:
- Khung Zachman
- Khung ToGAF
- Khung FEA
- SAGA
- OIO
Sử dụng Khung để các tổ chức có thể xác định Khung của Kiến trúc tổng thể, trên cơ sở đó có thể xây dựng nên các mô hình. Khung cũng giúp tổ chức biết cần nắm bắt được những thông tin gì đối với những người sẽ sử dụng kiến trúc.
Trên Internet hiện nay có rất nhiều tài liệu, thông tin liên quan các Khung này. Theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 1.0 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015, thông tin cơ bản về các Khung tiêu chuẩn trên như sau:
Khung Zachman
Khung Zachman hướng tới cung cấp một cấu trúc lôgic để phân loại và tổ chức các thành phần mô tả của một cơ quan, nó được sử dụng như một nền tảng để phân tích và phát triển nhiều khung Kiến trúc tổng thể. Khung Zachman xác định cấu trúc các thành phần mô tả của một Kiến trúc tổng thể thành một lược đồ 6 hàng, 5 cột. Các hàng mô tả các vai trò liên quan đến định nghĩa Kiến trúc tổng thể: người lập kế hoạch (Planner), người sở hữu (Owner), người thiết kế (Designer), người xây dựng (Builder) và người làm phụ (Subcontractor). Các cột mô tả các câu hỏi mà mỗi thành phần kiến trúc nên trả lời: cái gì (What), ở đâu (Where), như thế nào (How), khi nào (When) và tại sao (Why).
Khung TOGAF
TOGAF có mục đích là để hỗ trợ thiết kế, đánh giá và phát triển các Kiến trúc tổng thể. TOGAF cung cấp một tập các góc nhìn kiến trúc, nó cho phép một kiến trúc sư bảo đảm rằng một tập phức tạp các yêu cầu được xác định đầy đủ. TOGAF chia Kiến trúc tổng thể thành 4 kiến trúc thành phần: Kiến trúc nghiệp vụ (Business Architecture); Kiến trúc dữ liệu (Data Architecture), Kiến trúc ứng dụng (Application Architecture) và Kiến trúc công nghệ (Technology Architecture). Ngoài ra, TOAGAF cung cấp một phương pháp để phát triển và duy trì các Kiến trúc tổng thể được gọi là phương pháp phát triển kiến trúc – ADM (Architecture Development Method).
Khung FEA
FEAF có mục đích hỗ trợ phát triển và duy trì các Kiến trúc tổng thể đồng bộ, thống nhất, liên cơ quan, nó tập trung đánh giá các hiệu năng, hiệu quả của các đầu tư công nghệ thông tin. FEAF bao gồm 06 mô hình tham chiếu liên quan chặt chẽ với nhau đó là: Mô hình tham chiếu hiệu năng - PRM (Performance Reference Model); Mô hình tham chiếu nghiệp vụ - BRM (Business Reference Model); Mô hình tham chiếu dữ liệu - DRM (Data Reference Model); Mô hình tham chiếu ứng dụng - ARM ( Application Reference Model); Mô hình tham chiếu hạ tầng - IRM (Infrastructure Reference Model); Mô hình tham chiếu an toàn/an ninh - SRM (Security Reference Model). Về quy trình, FEAF cung cấp các hướng dẫn để phát triển và duy trì các Kiến trúc tổng thể, quy trình này đặc biệt hỗ trợ kế hoạch dịch chuyển từ mô hình hiện tại đến tương lai.
SAGA
SAGA sử dụng mô hình tham chiếu xử lý phân tán mở (RM-ODP) để mô tả các ứng dụng chính phủ điện tử. Bằng cách đưa ra các góc nhìn khác nhau về một ứng dụng, điều này làm dễ hiểu, giảm độ phức tạp của kiến trúc tổng thể. SAGA hướng tới bảo đảm tính hệ thống, kiến trúc, quy trình đồng bộ, bảo đảm các chuẩn kết nối của các ứng dụng chính phủ điện tử.
OIO (Phương pháp luận xây dựng Kiến trúc tổng thể OIO)
Đan Mạch đã ban hành tài liệu “Kiến trúc cho nền hành chính số - Sổ tay các khái niệm, các khung và các quy trình” (thường được gọi là Sổ tay). Tài liệu này mô tả cách giải quyết các thách thức và nhu cầu mới của các cơ quan hành chính thông qua việc lập kế hoạch sử dụng tài nguyên công nghệ thông tin một cách có hệ thống. Việc lập kế hoạch phải thực hiện so sánh các yêu cầu nghiệp vụ với các khả năng mà hệ thống thông tin và công nghệ có thể đáp ứng được; xem xét các cơ hội mà các công nghệ mới đem lại từ đó xây dựng được viễn cảnh hệ thống tương lai và kế hoạch nhằm đạt được điều đó. Sổ tay hướng dẫn đã nêu lên một phương pháp toàn diện để phát triển và duy trì kiến trúc tổng thể gọi là phương pháp luận OIO (Offentlig Information Online).
Các tổ chức xây dựng Kiến trúc lựa chọn Khung nào phụ thuộc vào mục tiêu kiến trúc, kinh nghiệm và đặc thù riêng có thể lựa chọn dựa theo quy trình đã được định sẵn (TOGAF) hoặc nếu chỉ cần hỗ trợ xác định mô hình (Zachman) hoặc có thể kết hợp các Khung khác nhau. Để phù hợp với đặc thù riêng của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 1.0 tại Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc chính phủ điện tử riêng phù hợp với hoàn cảnh, mục tiêu của cơ quan, đơn vị mình.
Làm thế nào để chọn Khung phù hợp?
Khung hướng dẫn cần mô hình hóa cái gì và sau đó lựa chọn phương pháp, công cụ để mô hình hóa. Phương pháp là bộ quy tắc để giải thích cách mô hình hóa thứ gì đó. Ví dụ, phương pháp luận BPMN (Business Process Modeling Notation - Ký pháp mô hình hóa quy trình nghiệp vụ) cung cấp các quy tắc và các ký hiệu để mô hình hóa một quy trình nghiệp vụ.
Khung Zachman hỗ trợ xác định, sắp xếp các lĩnh vực chính của tổ chức và chỉ ra được các góc nhìn (giao điểm trong Khung) để mô hình hóa. Chẳng hạn như góc nhìn Mô hình quy trình nghiệp vụ (Process model) chúng ta cần mô hình hóa như thế nào ở mức khái niệm. Sử dụng Khung ta có thể xác định được muốn mô hình hóa các nghiệp vụ hoạt động như thế nào ở mức khái niệm. Sau đó có thể lựa chọn công cụ mô hình hóa quy trình nghiệp vụ để thể hiện nó, chẳng hạn BPMN.
Hình 1: Lựa chọn công cụ mô hình hóa
Khi xây dựng Kiến trúc cần thiết thống nhất sử dụng một công cụ, phương pháp cụ thể (công cụ tiêu chuẩn) để tránh trường hợp một thông tin có thể mô hình hóa theo các cách khác nhau.
Tạo siêu mô hình
Một siêu mô hình là khung trừu tượng về kiến trúc. Nó thể hiện dữ liệu của tổ chức mà ta đang cố gắng thu thập và mối quan hệ giữa các dữ liệu đó. Ví dụ, nếu muốn biết ứng dụng hỗ trợ một quy trình nghiệp vụ nào thì phải thể hiện mối quan hệ giữa chúng trong siêu mô hình. Nếu không, sẽ không có liên kết nào giữa các dữ liệu. Trong siêu mô hình chỉ nên thể hiện liên kết giữa các thành phần có nghĩa với nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp liên kết với công nghệ nào đó sẽ là vô nghĩa nhưng doanh nghiệp liên kết với một ứng dụng (cấp phép chẳng hạn) sẽ là có nghĩa. Trong một siêu mô hình ta có thể có khả năng lần vết từ một chức năng nghiệp vụ, đến một quy trình nghiệp vụ thuộc sở hữu của chức năng đó, đến một vị trí của quy trình nghiệp vụ đó, đến một ứng dụng đang hỗ trợ mà quy trình này cần và cuối cùng đến các công nghệ hỗ trợ ứng dụng đó.
Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh tại Việt Nam: Căn cứ theo Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh như sau:
Hình 3: Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh
Để xác định các dữ liệu, ứng dụng và cơ sở dữ liệu triển khai xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử dựa trên Khung ở trên, tại Văn bản 2384/BTTTT-THH ngày 28/7/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn mẫu các thành phần mô hình nghiệp vụ liên thông bao gồm:
- Phân tích chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển các cơ quan nhà nước của tỉnh để xây dựng mô hình liên thông nghiệp vụ.
- Mô hình liên thông nghiệp vụ giữa các cơ quan (ngang, dọc).
- Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (tên các cơ sở dữ liệu, nội dung chính, cơ quan chủ trì,...)
- Mô hình trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan.
Nền tảng triển khai Chính quyền điện tử cấp Bộ/tỉnh (LGSP), bao gồm mô tả các dịch vụ dùng chung, sự kết nối các hệ thống thông tin trong và ngoài Bộ/tỉnh. Mô tả chi tiết các thành phần còn lại trong sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ/tỉnh (trong đó có mô tả các hệ thống thông tin có quy mô phạm vi từ Trung ương đến địa phương và sự kết nối với các hệ thống thông tin của địa phương). Nguyên tắc và minh họa triển khai các ứng dụng Chính phủ điện tử trên nền tảng Chính phủ điện tử cấp Bộ. Các yêu cầu kỹ thuật đối với các ứng dụng công nghệ thông tin (mua sắm, xây dựng, nâng cấp) triển khai trên nền tảng Chính phủ điện tử cấp Bộ do Bộ ban hành, cấp tỉnh do tỉnh ban hành.
Để thực hiện nhiệm vụ trên chúng ta có thể lựa chọn các công cụ, phương pháp phù hợp để mô hình hóa các nội dung thành phần ở trên như BPMN,…
Tài liệu tham khảo:
- Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 1.0;
- Khung Kiến trúc tiêu chuẩn: Zachman, TOGAF, FEA
Nguyễn Thanh Thảo