Đang xử lý.....

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, một số nội dung cơ bản  

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là một quá trình, do đó, để thực hiện quá trình đó đòi hỏi phải xác định được đường đi cho quá trình đó.
Thứ Năm, 29/09/2022 1544
|

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là một quá trình, do đó, để thực hiện quá trình đó đòi hỏi phải xác định được đường đi cho quá trình đó. Điều này đòi hỏi mỗi tổ chức phải tự xây dựng được chiến lược chuyển đổi số của mình. Để hỗ trợ cho các tổ chức xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong khuân khổ bài này sẽ tổng hợp một số kinh nghiệm về xây dựng chiến lược chuyển đổi số của các chuyên gia, tổ chức trên thế giới để các cơ quan, doanh nghiệp tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược.

Theo Công ty tư vấn McKinsey, chuyển đổi số có thể giúp gia tăng lợi nhuận kinh tế từ 20% đến 50% và mức độ hài lòng của khách hàng tăng 20% ​​đến 30%. Do những lợi ích như vậy, thị trường chuyển đổi số đang phát triển nhanh chóng. Trên thực tế, dự kiến ​​sẽ đạt 3,3 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo của Research and Markets.

Sự linh hoạt và ứng phó với sự biến đổi của môi trường để phục hồi hoạt động và tăng cường năng suất chính là yếu tố quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào. Để thực hiện điều đó, Chiến lược chuyển đổi số là một cách thức để tận dụng sự tiến bộ về công nghệ giúp cho tổ chức, doanh nghiệp tăng tốc trong phát triển kinh tế.

Chiến lược chuyển đổi số là gì?

Theo Công ty tư vấn PTC, chiến lược chuyển đổi số là một kế hoạch chi tiết cho việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật số để cải thiện khía cạnh vật lý của doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ. Về bản chất, chuyển đổi số là một chiến lược kinh doanh toàn diện. Xây dựng lộ trình chuyển đổi số ngắn hạn, và dài hạn được định hướng bởi kết quả hoạt động chứ không phải công nghệ hay nền tảng thiết yếu.

Theo Công ty tư vấn Qentelli: nói một cách dễ hiểu, Chiến lược chuyển đổi số là một lộ trình chi tiết về các phương pháp dự định áp dụng để chuyển đổi số một cách liền mạch và dễ dàng, giải quyết mọi thách thức phải đối mặt trên con đường chuyển đổi.

Một chiến lược chuyển đổi số là rất quan trọng để đảm bảo: Thiết kế lại toàn bộ mô hình kinh doanh với trọng tâm là trải nghiệm khách hàng; Các sáng kiến ​​công nghệ dựa trên kết quả và giá trị cao.

Các tổ chức triển khai chuyển đổi số cần phải thực hiện sự đổi mới và hiệu quả trong tầng lõi của tổ chức. Chuyển đổi số hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện các hoạt động làm thay đổi cách thức vận hành của tổ chức truyền thống. Do đó, Chiến lược chuyển đổi số cần một số thành phần cơ bản phải đưa vào chiến lược.

Các thành phần của chiến lược chuyển đổi số:

1. Chiến lược và Lãnh đạo

Chuyển đổi số trước tiên là việc của người đứng đầu. Vì vậy, việc thành công của chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào người điều hành, lãnh đạo của tổ chức, doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo đòi hỏi phải có những tố chất nhất định khi triển khai chuyển đổi số. Cụ thể:

Nhà lãnh đạo nhạy bén với sự thay đổi: Với bối cảnh kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng, một nhà lãnh đạo thành công phải sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ mới và trở nên thích ứng và linh hoạt hơn trong cách tiếp cận. Các nhà lãnh đạo phải nuôi dưỡng một nền văn hóa đón nhận sự thay đổi.

- Là những người tạo ra sự thay đổi có mục đích: Các nhà lãnh đạo có thể trả lời câu hỏi “tại sao” chuyển đổi số có xu hướng đưa tổ chức của mình đi theo đúng hướng. Thay vì tiếp cận theo hướng “bổ sung công nghệ chỉ để thể hiện rằng ta có công nghệ mới” thì phải tiếp cận theo hướng “sử dụng công nghệ để duy trì tính cạnh tranh và thúc đẩy hướng tới sự đổi mới”.

- Tầm nhìn xa trông rộng: Các nhà lãnh đạo thành công không chỉ phải có tầm nhìn rõ ràng về tương lai của tổ chức mà còn phải chủ động sẵn sàng cam kết các nguồn lực và thực hiện những thay đổi cần thiết để biến tầm nhìn thành hiện thực. Điều này có thể thực hiện được với một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, mạch lạc, trong đó vạch ra nhu cầu của tổ chức về thời gian và tầm nhìn tương lai.

- Người chấp nhận rủi ro và người thử nghiệm tiên phong: Chấp nhận rủi ro là điều cần thiết cho một nhà lãnh đạo chuyển đổi số thành công. Rủi ro lớn nhất là hoàn toàn không chấp nhận rủi ro. Trong thế giới luôn thay đổi, đổi mới dưới bất kỳ hình thức nào là không thể nếu các nhà lãnh đạo không có khả năng chấp nhận rủi ro. Các nhà lãnh đạo nhanh nhạy thay đổi và chấp nhận rủi ro là những người tạo ra cơ hội để thử nghiệm và đổi mới.

- Tạo lập quan hệ đối tác: Helen Keller có câu nói “Một mình chúng ta có thể làm rất ít; cùng nhau chúng ta có thể làm được rất nhiều điều”.  Điều này thực sự đúng trong khi phát triển chiến lược chuyển đổi số. Một nhà lãnh đạo nhanh nhạy và chủ động chấp nhận quan hệ đối tác. Nếu một tổ chức có hầu hết các công nghệ tiên tiến nhưng nếu không có quan hệ đối tác và cộng tác, khả năng cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng.

2. Thay đổi văn hóa và giao tiếp

Chuyển đổi số cần sự sẵn sàng sự thay đổi văn hóa lớn. Thông thường, khách hàng và nhân viên của một tổ chức không muốn có những thay đổi lớn, điều này khiến cho việc thực hiện chuyển đổi số trở nên khó khăn. Văn hóa là nền tảng quan trọng của bất kỳ chương trình chuyển đổi số thành công nào. Do đó, sự chuẩn bị thay đổi văn hóa cho cán bộ, nhân viên sẽ làm cơ sở để đạt được thành công của chuyển đổi số. Để làm điều này, cần thực hiện:

- Tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên về chiến lược chuyển đổi số và nó sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho mọi bên liên quan.

- Tiến hành đào tạo cán bộ, nhân viên để chuẩn bị trước tinh thần thực hiện.

- Chỉ ra mức độ cần thiết của việc gắn kết văn hóa với các sáng kiến ​​mới.

3. Tối ưu hóa các quy trình

Mọi hoạt động đều liên quan đến nhiều quy trình và hoạt động có thể được chuyển đổi để làm cho quy trình công việc trơn tru và dễ dàng hơn. Do đó, phải tối ưu hóa quy trình hoạt động trong khi xây dựng chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số.

Chiến lược phải đảm bảo tối ưu hóa quy trình hoạt động đồng thời đáp ứng các mục tiêu đặt ra cho khách hàng cũng như cho đội ngũ nội bộ. Tất cả các quy trình kinh doanh được kết nối với nhau phải được đề cập trong chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số, để có thể đạt được sản lượng tối đa.

Cùng với việc tối ưu hóa quy trình kinh doanh, cũng phải tận dụng tốt những dữ liệu đã thu thập được trong lịch sử.

4. Dữ liệu số

Một trong những lý do chính đằng sau việc áp dụng chuyển đổi số là để loại bỏ những vấn đề, hạn chế đang tồn tại trong hoạt động của tổ chức, cán bộ, nhân viên cũng như khách hàng. Nhưng làm thế nào bạn sẽ biết những khó khăn, hạn chế này là gì?

Phân tích và tích hợp dữ liệu có thể giúp xác định các vấn đề khó khăn, những hạn chế của tổ chức. Một số quan điểm sai lầm là chọn công nghệ ưa thích trước khi phân tích dữ liệu khi xây dựng chiến lược chuyển đổi. Nếu không phân tích dữ liệu, chúng ta có thể biết những vấn đề nảy sinh trong nội bộ nhưng dễ dàng bỏ qua những vấn đề nảy sinh khi quan hệ với các đơn vị, khách hàng bên ngoài. Phân tích dữ liệu và lưu chuyển các kết quả của có thể giúp xác định các giải pháp tốt nhất cho các vấn đề, do đó dẫn đến việc soạn thảo một chiến lược chuyển đổi số tốt hơn và tận dụng tốt nhất quá trình chuyển đổi.

5. Công nghệ số

Các định các công nghệ phù hợp cho tổ chức là một trong những bước quan trọng nhất trong khi soạn thảo chiến lược chuyển đổi số. Việc triển khai các công nghệ số vào tổ chức sẽ đòi hỏi đầu tư tài chính lớn. Do đó, để tránh phát sinh kinh phí, thì điều này phải được thực hiện một cách chính xác.

Chiến lược chuyển đổi số hiệu quả cần các lựa chọn công nghệ số phù hợp với ngân sách của tổ chức để đáp ứng các yêu cầu cần thiết tối ưu. Việc lựa chọn công nghệ phải phù hợp với việc xử lý cập nhật các hệ thống cũ và hiện đại hóa ứng dụng hay triển khai các hệ thống kỹ thuật số mới, đảm bảo tính chất kế thừa, liên tục.

Các công nghệ cơ bản chuyển đổi số bao gồm: Công nghệ di động; IoT; Song sinh kỹ thuật số - Digital Twin; Rôbot; Điện toán đám mây; Trí tuệ nhân tạo; Thực tại ảo tăng cường…. Trong đó chú ý một số điểm sau:

Về nền tảng đám mây và phân tán

Nền tảng đám mây và nền tảng phân tán sẽ là những công nghệ thịnh hành trong những năm tới. Gartner dự đoán đến năm 2025, hầu hết các nền tảng dịch vụ đám mây sẽ cung cấp ít nhất một số dịch vụ đám mây phân tán thực thi tại điểm cần thiết. Markets and Markets, một công ty nghiên cứu cạnh tranh B2B, dự đoán rằng giá trị của thị trường kiến ​​trúc không máy chủ sẽ đạt 14,93 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang đưa ra các lựa chọn chiến lược bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ dựa trên dịch vụ dữ liệu API. Việc tạo và sử dụng các API là điều cần thiết để đạt được sự linh hoạt trong hoạt động, đẩy nhanh các ý tưởng mới ra thị trường và mở khóa giá trị mới trong các tài sản hiện có.

Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các công nghệ thế hệ tiếp theo như công nghệ blockchain hoặc sổ cái phân tán.

Về phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo

Dữ liệu đã trở thành trung tâm của Chiến lược chuyển đổi số vì nó giúp loại bỏ các giả định và nhìn thẳng vào hiện trạng. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đã nâng cao khả năng ra quyết định về hoạt động của tổ chức. Các công cụ và kỹ thuật này đang giúp các tổ chức biến khối lượng dữ liệu ngày càng tăng thành nền tảng sẵn sàng cho tương lai cho một kỷ nguyên mới, trong đó máy móc sẽ không chỉ tăng cường khả năng ra quyết định của con người mà còn đưa ra những quyết định thời gian thực ở quy mô lớn vượt quá khả năng xử lý của con người.

Với các trụ cột cốt lõi của kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI) là - DataOps, ModelOps, MLOps và DevOps, một chiến lược sử dụng AI tốt tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các giải pháp AI góp phần vào hoạt động của tổ chức tốt hơn.

Về tăng cường trải nghiệm số

Làm việc từ xa tại nhà, mua sắm trực tuyến sẽ vẫn tiếp tục duy trì từ sau đại dịch COVID-19. Các tổ chức nhạy bén với chuyển đổi số sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng phương án này để mở rộng mô hình hoạt động, phát triển các dịch vụ, kênh hoạt động mới để cải thiện mô hình hoạt động. Đồng thời, trên cơ sở đó, các tổ chức cần tiếp tục phát huy để bổ sung công nghệ khai thác thế mạnh mới này. Ví dụ như việc triển khai các thuật toán và công nghệ thông minh IoT, các tổ chức đang tối ưu hóa hiệu suất của cá nhân và nhóm, tùy chỉnh trải nghiệm của khách hàng thông qua các đề xuất được cá nhân hóa. Việc triển khai công nghệ trong chiến lược chuyển đổi số sẽ giúp: Thực hiện suôn sẻ quá trình chuyển đổi; Đảm bảo hiệu quả đầu tư và trong phạm vi giới hạn đặt ra; Khắc phục các quy trình còn thiếu sót và xây dựng tổ chức sẵn sàng cho tương lai.

6. Tổ chức thực hiện

Chuyển đổi số không phải là việc đầu tư bổ sung công cụ, phần mềm, hệ thống. Đó là việc tổ chức thực hiện để thay đổi tổ chức trên cơ sở công nghệ số. Vì vậy, tổ chức thực hiện đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi. Trong chuyển đổi số, đòi hỏi phải tổ chức các nhóm thực hiện sau:

- Nhà lãnh đạo: Với mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số, người lãnh đạo phải nhạy bén và dẫn đường như người cầm đuốc. Người lãnh đạo về công nghệ trong một số tổ chức có thể là giám đốc chuyển đổi số hoặc giám đốc kỹ thuật số hoặc giám đốc đổi mới sáng tạo hoặc giám đốc công nghệ hoặc giám đốc thông tin….

- Nhân viên nghiệp vụ: Nhóm nghiệp vụ là những người ứng dụng công nghệ số để thực hiện các nghiệp vụ cơ bản của tổ chức. Một số chỉ định thuộc nhóm kỹ thuật số hóa cốt lõi là Người quản lý sản phẩm, Người quản lý chương trình, Người lãnh đạo trải nghiệm khách hàng, …

- Nhân viên chuyên trách chuyển đổi số: Có trình độ và kỹ năng trong các lĩnh vực phát triển, thiết kế, mã hóa và khoa học dữ liệu và để cung cấp các tính năng tốt cho các hoạt động chuyển đổi số, nhóm phải có sự đóng góp của tất cả các bên liên quan, có thể là nhà phát triển, nhà thiết kế, người trực quan hóa, nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư trí tuệ nhân tạo và học máy, v.v.

Việc triển khai tổ chức các nhóm phụ thuộc vào định hướng và giải pháp trong chiến lược chuyển đổi số. Việc tổ chức các nhóm cũng cần linh hoạt để dễ dàng thay đổi phù hợp với các hoạt động của chiến lược. Nhân sự các nhóm có thể được chọn lọc từ bên trong tổ chức hoặc đi thuê các chuyên gia bên ngoài. Tuy nhiên việc đi thuê phải đảm bảo nhân sự phải hiểu các hoạt động của tổ chức và kết hợp với nhân sự bên trong của tổ chức để tạo thành các nhóm thống nhất. Để đạt được điều này thì vai trò của người lãnh đạo chuyển đổi số rất quan trọng. Vai trò của người lãnh đạo chuyển đổi số là xác định định hướng, đề bài và tháo gỡ các nút thắt trong việc hướng tới mục tiêu.

7. Kết quả đầu ra

Kết quả chuyển đổi số của tổ chức bị ảnh hưởng bởi định hướng chiến lược được đề ra. Một trong những yếu tố cơ bản là kết quả đầu ra phải được định hình rõ ràng khi thiết lập chiến lược và đảm bảo yếu tố logic với các phương pháp triển khai, các công nghệ lựa chọn. Tuy nhiên, chuyển đổi số là mới và chưa có tiền lệ, do đó việc định hình đầu ra có thể khó khăn. Vì vậy, phải có các phương án linh hoạt để đánh giá và xem xét, điều chỉnh kết quả kịp thời. Để thực hiện việc này thì chiến lược cần đặt ra các PKI để đánh giá triển khai các giai đoạn.

Sự linh hoạt là chìa khóa thành công cho chiến lược chuyển đổi số. Việc phải tuân theo chiến lược chuyển đổi số đã xây dựng là cần thiết, nhưng cũng phải sẵn sàng đón nhận những thay đổi nếu nó không diễn ra theo cách mong đợi.

Một số xu hướng chuyển đổi số năm 2022 trên thế giới

Để xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp thì điều cần thiết là phải nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số trên thế giới, xu hướng công nghệ sẽ phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, để giúp xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với xu hướng, phần này sẽ cung cấp một số thông tin về xu hướng chuyển đổi số năm 2022:

Theo cộng đồng trực tuyến hỗ trợ các CIO và các nhà lãnh đạo CNTT, các xu hướng chuyển đổi số chính mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và CNTT cần lưu ý vào năm 2022:

  • Tập trung vào khả năng phục hồi và tính bền vững: Năm 2022 là năm vừa thoát khỏi dịch COVID-19. Vì vậy, mục đích cho chuyển đổi kỹ thuật số vào năm 2022 là khả năng phục hồi, phục hồi động lực thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Các tổ chức có tư duy phát triển sẽ tập trung vào khả năng xoay chuyển và đối phó sự cố của đại dịch vừa qua và điều chỉnh sự thay đổi một cách hiệu quả với mức độ ảnh hưởng tối thiểu hoặc không ảnh hưởng của đại dịch đến người tiêu dùng bên trong và bên ngoài.  Dữ liệu sẽ đóng một vai trò rất lớn. Một trong những xu hướng công nghệ dữ liệu lớn nhất cần theo dõi trong năm tới là khai thác dữ liệu và đánh giá kỳ vọng của các bên liên quan để hiểu các rủi ro của tổ chức để dưa ra các hành động cần thiết để phát triển bền vững hơn.
  • Việc sử dụng đám mây để đổi mới : Lợi ích quan trọng của điện toán đám mây không phải là tiết kiệm chi phí mà là một yếu tố thúc đẩy sự đổi mới. Các CIO sẽ ưu tiên điện toán đám mây trong năm tới vì họ nhận ra rằng đám mây hướng đến sự đổi mới hơn là tiết kiệm chi phí. Tổ chức nên bắt đầu với đề ra mục tiêu, sau đó, các CIO nên tập trung vào cách tái cấu trúc lại và tổ chức lại danh mục đầu tư tổng thể của họ để mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững. Đám mây trở thành yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số.
  • Tự động hóa quy trình kinh doanh được thúc đẩy bởi AI. Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để tăng cường tự động hóa cho các quy trình mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn. Năm 2022 và các năm tiếp theo, chúng ta sẽ thấy tự động hóa quy trình làm việc được mở rộng trên phạm vi rộng. Điều này có nghĩa là hoạt động của tổ chức sẽ tăng tốc nhanh và hiệu quả hơn trong các công việc như tổ chức cuộc họp, xử lý giao dịch, giao tiếp khách hàng, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
  • Tiếp tục duy trì làm việc từ xa.
  • Bảo mật dữ liệu là yêu cầu cần thiết ngay từ khi thiết kế. Sự phức tạp ngày càng tăng của đám mây và kiến ​​trúc phân tán cũng như sự gia tăng của phần mềm giám điệp và những lo ngại về an ninh mạng đã tăng lên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số. Các tổ chức cần tăng cường quan tâm đảm bảo việc an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin. Vì vậy, việc bảo mật an toàn thông tin cần phải được quan tâm ngay từ khi triển khai thiết kế giải pháp chuyển đổi số thay vì ứng phó khi sảy ra sự cố.
  • Tăng cường sử dụng các công nghệ máy học đang phát triển. Công nghệ máy học đang trở nên thực hơn, và máy học đang được tích hợp vào các nền tảng phần mềm doanh nghiệp lớn ngày càng nhiều. Công nghệ máy học ban đầu có thể hiệu quả nhờ giảm bớt công việc hàng ngày và hơn nữa là đưa ra các dự đoán thay con người dưa trên dữ liệu lịch sử. Máy học ngày càng được cải tiến và càng thông minh hơn.

Một trong những quan niệm sai lầm là chuyển đổi số là đích đến. Tuy nhiên như đã đặt ra ngay từ đầu, chuyển đổi số là một quá trình. Quá trình đó diễn ra liên tục và liên tục cần được đổi mới, cải tiến. Nó là sự hội tụ của các công nghệ số và dữ liệu số làm điều kiện nền tảng để đổi mới tổ chức. Chuyển đổi số không chỉ là việc đầu tư mua sắm công nghệ đơn thuần mà nó đòi hỏi phải thay đổi văn hóa, quy trình tổ chức đặc biệt là sự vào cuộc của người đứng đầu. Vì vậy, chiến lược chuyển đổi số cần được xây dựng để xác định một tầm nhìn và định hướng phát triển thông suốt từ người lãnh đạo cho tới người triển khai, từ đó định hình được một con đường chuyển đổi số thành công của tổ chức.

Khánh Nguyễn

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.researchgate.net/publication/281965523_Digital_Transformation_Strategies

https://www.ptc.com/en/blogs/corporate/digital-transformation-strategy

https://digitalleadership.com/blog/digital-transformation-strategy/

https://www.imd.org/imd-reflections/digital-programs-reflections/digital-transformation-strategies/

https://enterprisersproject.com/what-is-digital-transformation

https://www.qentelli.com/thought-leadership/insights/digital-transformation-strategy-key-components

https://www.smartinsights.com/essential-guides/digital-transformation-strategy/

https://www.i-scoop.eu/digital-transformation/digital-transformation-strategy/

https://enterprisersproject.com/article/2022/1/digital-transformation-5-future-and-3-fading-trends-2022

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 376
    • Khách Khách 375
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng lượt truy cập Tổng
    • Tổng số lượt truy cập: 3889927