Đang xử lý.....

Ứng dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử  

Ngày nay, phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ chính phủ nào. Trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, đặc biệt tại các nước phát triển, lợi ích mà Chính phủ điện tử mang lại được thể hiện rất rõ, thậm chí có thể định lượng được...
Thứ Sáu, 07/09/2018 2784
|

 

Ngày nay, phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ chính phủ nào. Trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, đặc biệt tại các nước phát triển, lợi ích mà Chính phủ điện tử mang lại được thể hiện rất rõ, thậm chí có thể định lượng được. Chính phủ điện tử cho phép người dân tương tác, nhận được các dịch vụ từ Chính phủ 24 giờ một ngày, 07 ngày một tuần; tăng tính minh bạch; giảm chi phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ [4]. Chính phủ điện tử tại các quốc gia có thể phát triển ở các giai đoạn khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu “lấy người dân làm trung tâm”. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ điện tử cần tăng cường sự cộng tác và tham gia của người dân; đồng thời cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn bằng cách thu thập dữ liệu từ các hoạt động của người dân sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn. Bài viết này trình bày về các vấn đề ứng dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử cũng như các thách thức mà các cơ quan nhà nước phải đối mặt và một số giải pháp ứng dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử.

Dữ liệu lớn và Chính phủ điện tử

Có nhiều định nghĩa về dữ liệu lớn nhưng định nghĩa được chấp nhận rộng rãi là của Gartner đưa ra năm 2013, theo đó dữ liệu lớn được định nghĩa là “... các tài sản thông tin có dung lượng lớn, vận tốc cao và/hoặc đa dạng cao đòi hỏi các hình thức xử lý thông tin có hiệu quả về chi phí để nâng cao việc đưa ra quyết định và tối ưu hóa quy trình” [5]. Nhìn chung, chúng ta có thể hiểu dữ liệu lớn như một tập dữ liệu rất lớn không thể phân tích được bằng các công cụ và phần mềm thông thường. Hơn thế nữa, dữ liệu lớn yêu cầu phải có năng lực xử lý đáng kể (như một siêu máy tính); bao gồm nhiều loại dữ liệu như văn bản, số, hình ảnh, video; có thể qua nhiều nền tảng dữ liệu như mạng xã hội, các tệp nhật ký web, cảm biến, dữ liệu vị trí từ điện thoại thông minh, các tài liệu được số hóa và các lưu trữ ảnh, video. Dữ liệu lớn ngày càng tăng, được đo bằng terabyte, đòi hỏi tăng cường sức mạnh tính toán và các công cụ phân tích mới [3].

Dữ liệu lớn có 05 đặc điểm chính: Dung lượng (Volume), Đa dạng (Variety), Tốc độ (Velocity), Chính xác (Veracity), Giá trị (Value). “Dung lượng” là một đặc điểm quan trọng của dữ liệu lớn; mô tả kích thước của tập dữ liệu lớn được sử dụng trong nhiều ứng dụng. Kích thước của các tập dữ liệu lớn biễu diễn bằng nhiều terabyte và petabyte; có thể lớn hơn lên đến exabyte hoặc zettabyte. liệu lớn cũng có thể được định lượng bằng cách tính toán các báo cáo về dữ liệu, giao dịch, số lượng bảng và số lượng tệp. “Đa dạng” là có nhiều tập dữ liệu và nguồn. Dữ liệu có thể phát triển từ một số tài nguyên, chẳng hạn như tài nguyên nội bộ hoặc bên ngoài. Đa dạng cũng liên quan đến sự kết hợp cấu trúc trong tập dữ liệu. Dữ liệu có thể phân loại thành ba loại: Dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu bán cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc. Tốc độ được hiểu là tốc độ dữ liệu được tạo ra và tốc độ mà nó được phân tích và mô tả. “Chính xác” là đặc điểm của chất lượng dữ liệu lớn như xấu, tốt hoặc không xác định do dữ liệu không nhất quán, mơ hồ, không hoàn thiện, độ trễ, gần đúng và giả mạo. Về “Giá trị”, dữ liệu lớn thường được đặc trưng bởi khoảng “mật độ giá trị thấp” vì dữ liệu thu được ở dạng ban đầu thường có giá trị thấp. Vì vậy, dữ liệu lớn cần tạo ra giá trị gia tăng cho tổ chức [1].

Hiện nay có nhiều định nghĩa về Chính phủ điện tử, tuy nhiên có nội dung chính như sau: “Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp”. Các dịch vụ của Chính phủ điện tử thông thường bao gồm các nhóm dịch vụ: G2C - Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho người dân; G2B - Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho doanh nghiệp; G2G - Cung cấp thông tin và các dịch vụ liên quan giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; G2E - Chính phủ cung cấp các thông tin và dịch vụ cho cán bộ, công chức [4].

Trong một thời gian dài, các quốc gia trên thế giới đã cố gắng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong chính phủ theo nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu phát triển chính phủ minh bạch, có trách nhiệm; truy cập thuận tiện vào các dịch vụ trực tuyến của chính phủ; tăng cường dân chủ; giảm chi phí dịch vụ hành chính và cuối cùng tăng cường điều kiện sống của người dân. Việc triển khai dữ liệu lớn trong công nghệ thông tin và truyền thông có khả năng chuyển đổi các giao dịch chính phủ điện tử với giá trị gia tăng cho các dịch vụ công và có khả năng hỗ trợ các cải tiến số cho chính phủ điện tử [1].

Luật Chính phủ điện tử năm 2002 của Mỹ cũng đã thiết lập một số nguyên tắc liên quan đến Chính phủ điện tử thông báo việc tạo và sử dụng dữ liệu lớn của các cơ quan chính phủ, như: yêu cầu phát triển các ưu tiên và lịch trình để cung cấp thông tin của chính phủ và có thể truy cập công khai; đăng tải kiểm kê trên trang web của cơ quan [3].

Chính phủ điện tử có thể sử dụng dữ liệu lớn để khám phá các xu hướng và hành vi của mọi người trên mạng xã hội để chính phủ có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn [5]. Dữ liệu lớn giúp chính phủ hiểu hơn về thói quen và sở thích của người dân với sự trợ giúp của các ứng dụng trong mạng di động và mạng xã hội dựa trên việc duyệt web, nhấp chuột, tìm kiếm, lịch sử mua hàng, đặt phòng ... Với những khả năng này, chính phủ có thể hiểu thói quen, sở thích của người dân, có thể giúp dự đoán những gì người dân muốn và cung cấp các chương trình và tuyên truyền thích hợp đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của họ. Như vậy, dữ liệu lớn giúp chính phủ xây dựng chính phủ thông minh bằng cách cung cấp các dịch vụ nhanh hơn, hiệu quả và đáng tin cậy cho người dân. Hướng tới việc nâng cao các dịch vụ chính phủ điện tử và tăng cường hiệu lực, hiệu quả, các giá trị gia tăng của dữ liệu lớn được khám phá trong phân tích nghiệp vụ [1].

Một số lợi ích của việc có dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử bao gồm: cung cấp và tích hợp hiệu quả tài nguyên của dữ liệu lớn; tích hợp dữ liệu có giá trị trong Chính phủ điện tử với các quy trình ra quyết định; khả năng tạo ra dữ liệu nhanh hơn; tăng dung lượng lưu trữ; tính khả dụng của các loại dữ liệu khác nhau; nâng cao chất lượng cuộc sống; kiểm soát việc sử dụng tài nguyên Chính phủ điện tử hiệu quả; tăng hiệu quả xử lý giao dịch; tăng mức độ minh bạch. Dữ liệu lớn đã trở thành một yếu tố quan trọng, có thể là tài sản vật chất cho cơ cấu Chính phủ điện tử để thu thập nhiều tài sản dữ liệu có giá trị hơn cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tuy vậy, các cơ hội để đạt được những lợi ích của dữ liệu lớn đòi hỏi mức độ phát triển cao về các ứng dụng, công cụ, tài nguyên và sự tham gia của con người để sử dụng hiệu quả dữ liệu lớn có giá trị; ngoài ra cần phải xây dựng các quy định và chính sách để bảo đảm an ninh dữ liệu, độ chính xác, quyền riêng tư, chất lượng cao và kiểm soát dữ liệu [1].

Để cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ tốt hơn các ứng dụng trong tương lai cho người sử dụng là người dân và doanh nghiệp, Chính phủ điện tử phải xem xét việc triển khai các công nghệ dữ liệu lớn. Có một số lĩnh vực sử dụng dữ liệu lớn đặc biệt quan trọng đối với Chính phủ điện tử. Phân tích mạng xã hội là một lĩnh vực rất quan trọng trong tư tưởng phổ biến mạng xã hội. Công cụ phân tích nâng cao có thể phân tích dữ liệu phi cấu trúc từ mạng xã hội và xác định cảm xúc của người dùng liên quan đến vấn đề cụ thể. Để xác định hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị khác nhau, dữ liệu lớn có thể được sử dụng để cải thiện độ chính xác của phân tích. Chăm sóc sức khỏe cũng là một lĩnh vực mà dữ liệu lớn có thể cải thiện đáng kể. Bên cạnh việc lưu trữ và xử lý hồ sơ y tế, việc phân tích dữ liệu lớn có thể giúp các bệnh viện tiếp tục cá nhân hóa việc chăm sóc bệnh nhân. Các công nghệ dữ liệu lớn cũng có thể giúp phát hiện gian lận bằng việc phân tích hành vi của người dùng, dữ liệu lịch sử và giao dịch. Với mục tiêu là dự đoán mối đe dọa và phòng ngừa qua tìm kiếm các mẫu và hoạt động bất thường. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, điều này có thể bảo đảm rằng người dân đủ điều kiện nhận trợ cấp. Lĩnh vực an ninh cũng có thể được cải thiện đáng kể bằng cách sử dụng phân tích dữ liệu lớn để dự báo và phòng ngừa tội phạm và trong các tình huống khẩn cấp cách tiếp cận này có thể tinh chỉnh các cơ chế thu thập thông tin và phản ứng thảm họa. Việc triển khai các công nghệ dữ liệu lớn có thể đóng góp vào hiệu quả tổng thể của Chính phủ điện tử. Một khía cạnh quan trọng là giảm chi phí nhưng quan trọng không kém là sự tương tác tốt hơn giữa người dân, doanh nghiệp và chính phủ [6].

Việc thực hiện thành công bất kỳ ứng dụng nào của Chính phủ điện tử đòi hỏi sự tích hợp hiệu quả của quy trình, công nghệ, dữ liệu và ngân sách. Trong đó công nghệ và dữ liệu đóng vai trò quan trọng. Cách tiếp cận truyền thống thiếu việc xử lý dữ liệu lộn xộn và không đồng nhất [7].

Dữ liệu lớn sẽ mở rộng các dịch vụ Chính phủ điện tử vì một lượng lớn dữ liệu sẽ tạo ra giá trị cho các dịch vụ công [1].

Những thách thức của ứng dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử

Theo [1], có nhiều thách thức phải đối mặt với cuộc hành trình triển khai dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử. Những thách thức chính cho việc tích hợp các dịch vụ Chính phủ điện tử trong kỷ nguyên của dữ liệu lớn có thể phân loại thành ba lĩnh vực được đề xuất: thứ nhất sẽ từ quan điểm của Công nghệ, thứ hai từ quan điểm của Con người và thứ ba từ quan điểm của Quy trình nghiệp vụ như sau:

1) Quan điểm Công nghệ

Những thách thức từ quan điểm Công nghệ có thể tóm tắt như sau:

  • Khả năng của công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng (nhận thức về công nghệ, mức độ sẵn sàng điện tử, trình độ tin học, thiết bị viễn thông).
  • Các vấn đề bảo mật dữ liệu và các vấn đề chính sách (pháp luật và quy định).
  • Thiếu các chuyên gia và kỹ năng trong nguồn vốn nhân lực của dữ liệu lớn như kỹ năng phân tích dữ liệu lớn.
  • Thiếu kiểm soát dưới sự bao trùm của dữ liệu lớn.
  • Thiếu khả năng tương thích với các hệ thống công nghệ thông tin hiện có, nơi mà hệ thống lưu trữ hiện tại không thể hỗ trợ khối lượng dữ liệu khổng lồ như vậy.
  • Sự tăng trưởng nhanh chóng của dữ liệu lớn trước mô hình hóa và phân tích những dữ liệu này.
  • Thiếu các công cụ quản lý dữ liệu sử dụng công nghệ của dữ liệu lớn giống như Hadoop, Spark, ...

2) Quan điểm Con người

Những thách thức từ quan điểm Con người có thể tóm tắt như sau:

  • Thiếu khả năng phát triển vốn nhân lực, kỹ năng học tập; khả năng và kinh nghiệm.
  • Văn hóa kháng cự (có thể hiểu là việc các nhân viên có xu hướng không làm việc bằng tất cả khả năng của mình).
  • Con người không thể tin tưởng công nghệ.

3) Quan điểm Quy trình nghiệp vụ

Đầu tư vào dữ liệu lớn có những thách thức từ quan điểm quy trình nghiệp vụ cần được giải quyết để có được dữ liệu lớn có giá trị chất lượng cao và được tóm tắt như sau:

  • Thay đổi chiến lược nghiệp vụ (tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích, mục tiêu).
  • Chuyển đổi và quản lý thay đổi (cấu trúc, văn hóa, kỹ năng, quy trình, khả năng chống thay đổi).
  • Đối tác và hợp tác đối tác công - tư (PPP).
  • Tạo cộng đồng và mạng.
  • Vai trò lãnh đạo (động viên, tham gia, ảnh hưởng, hỗ trợ).

Một số giải pháp ứng dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử

Theo [1], một số giải pháp khả thi được đề xuất dựa trên phân loại những thách thức quan trọng trong việc triển khai dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử như sau:

1) Quan điểm Công nghệ

  • Tăng dung lượng lưu trữ và sử dụng bộ nhớ có sẵn như bộ nhớ đám mây để lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn.
  • Triển khai các chính sách về an ninh, pháp luật và quy định.
  • Sử dụng các công cụ quản lý dữ liệu hiệu quả để phân tích dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu phi cấu trúc và dữ liệu bán cấu trúc từ nhiều nguồn.
  • Cung cấp và tích hợp hiệu quả tài nguyên dữ liệu lớn.

2) Quan điểm Con người

  • Cải thiện các kỹ năng về vốn nhân lực có sẵn trong dữ liệu lớn như phân tích dữ liệu, bảo mật dữ liệu lớn và sử dụng chuyên gia nước ngoài có thể hỗ trợ việc triển khai dữ liệu lớn.
  • Triển khai sáng kiến quốc gia hỗ trợ sự hợp tác giữa dữ liệu lớn và Chính phủ điện tử.
  • Nâng cao nhận thức về dữ liệu lớn và tác động của dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử.
  • Cho phép người dân sáng tạo hơn và thể hiện bản thân một cách hiệu quả qua các mạng xã hội.

3) Quan điểm Quy trình nghiệp vụ

  • Vạch ra một chiến lược hiệu quả hỗ trợ lộ trình để triển khai dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử.
  • Thiết lập quan hệ đối tác công - tư.
  • Tạo ra một mạng lưới giữa cộng đồng và chính phủ dưới sự bao trùm của dữ liệu lớn.
  • Xây dựng một chiến lược hiệu quả và lộ trình dẫn đến môi trường dữ liệu lớn.
  • Lãnh đạo cần thúc đẩy, tham gia, tác động và hỗ trợ triển khai dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử.
  • Tích hợp dữ liệu lớn có giá trị trong Chính phủ điện tử với các quy trình ra quyết định.
  • Trao quyền cho vai trò quản lý thông tin và lãnh đạo điện tử trong việc xây dựng kế hoạch và các quyết định chiến lược.

Kết luận

Việc đầu tư vào Chính phủ điện tử để tăng cường cung cấp dịch vụ của khu vực công và sự tham gia với các thực thể nội bộ và bên ngoài sẽ tăng cường sự minh bạch, cộng tác, tham gia điện tử và hiệu quả của dịch vụ công. Tuy nhiên, các chính phủ lại gặp khó khăn trong việc xử lý và phân tích số lượng lớn dữ liệu sẵn có trong cơ quan, tổ chức của mình. Hay nói cách khác, các chính phủ đang phải đối mặt với thách thức về việc ứng dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử. Các chính phủ cần phải có kế hoạch và chiến lược hiệu quả trước khi thực hiện các sáng kiến và áp dụng các dự án để xây dựng một phân tích dữ liệu lớn và bảo đảm rằng đầu tư của các dự án có lợi ích cho quốc gia [1].

Tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ thì các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh trước tháng 09/2018 [8]. Việc xử lý và phân tích số lượng lớn dữ liệu hình thành trong hoạt động của mình sẽ trở thành thách thức lớn của các bộ, ngành, địa phương quá trình triển khai kiến trúc. Các bộ, ngành, địa phương sẽ phải sớm tính đến việc ứng dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử và các giải pháp trong bài viết này có thể là một tham khảo hữu ích.

Tài liệu tham khảo

[1] Zaher Ali Al-Sai, Laith Mohammad Abualigah, “Big Data and E-government: A review” In 8th International Conference on Information Technology, pp. 580-587, IEEE, 2017.

[2] Morabito, Vincenzo, “Big data and analytics for government innovation” In Big Data and Analytics, pp. 23-45, Springer International Publishing, 2015.

[3] Bertot, John Carlo, Heeyoon Choi, “Big data and e-government: issues, policies, and recommendations.” In Proceedings of the 14th Annual International Conference on Digital Government Research, pp. 1-10, ACM, 2013.

[4] Công văn số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Phiên bản 1.0.

[5] Salisu kaka, “E-Government Adoption And Framework For Big Data Analytics In Nigeria”, NITDA, 2015.

[6] Jelena Suh, Vladimir Vujin, Dusan Barac, Zorica Bogdanovic, Bozidar Radenkovic, “Designing cloud infrastructure for big data in e-government”, pp. A26-A38, Journal of Universal Excellence, 2015.

[7] Rajagopalan M.R, Solaimurugan vellaipandiyan, “Big Data Framework for National e-Governance Plan”, IEEE, 2013.

[8] Công văn số 1665/VPCP-KSTT ngày 13/02/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin một cửa điện tử.

 

Phạm Văn Thịnh