Ứng dụng điện toán đám mây trong việc lưu trữ tài liệu, văn bản (phần 1) đã giới thiệu tổng quan về điện toán đám mây, tóm tắt những đặc điểm cơ bản, các mô hình dịch vụ, các mô hình triển khai điện toán đám mây. Để triển khai các ứng dụng, phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây thì điều quan trọng là phải có hệ thống hạ tầng mạng kết nối đảm bảo. Ứng dụng được triển khai tại trung tâm dữ liệu, người dùng cuối tại các cơ quan, đơn vị sử dụng ứng dụng tại trung tâm dữ liệu qua hệ thống mạng được triển khai. Hệ thống mạng có thể là mạng Internet hoặc hệ thống mạng chuyên dùng phục vụ mục đích riêng. Vì vậy, mạng kết nối là yếu tố quan trọng trong việc sử dụng ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây.
Đối với các cơ quan nhà nước, các ứng dụng có số lượng người sử dụng lớn đồng thời cũng là ứng dụng được hầu hết các cơ quan tổ chức triển khai xây dựng và sử dụng là: thư điện tử, cổng thông tin điện tử, quản lý văn bản. Các ứng dụng chuyên ngành thường yêu cầu khả năng xử lý cao và không đồng đều về mặt thời gian. Các cơ sở dữ liệu đòi hỏi phải triển khai, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị liên quan.
Chuyển đổi các ứng dụng sang môi trường điện toán đám mây thường được xem xét trên hai vấn đề:
- Chuyển đổi về cơ sở hạ tầng hiện tại sang môi trường điện toán đám mây và,
- Chuyển đổi ứng dụng đang vận hành sang môi trường điện toán đám mây.
1. Nền tảng và các dịch vụ điện toán đám mây
Công nghệ nền tảng của điện toán đám mây là công nghệ ảo hóa. Ảo hóa bao gồm nhiều hình thức ảo hóa khác nhau: ảo hóa hạ tầng, ảo hóa dịch vụ, ảo hóa nền tảng và nhiều loại ảo hóa khác. Về kiến trúc tổng thể, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây có thể được chia thành các thành phần: cung cấp dịch vụ, nền tảng đám mây và cơ sở hạ tầng triển khai đám mây. Thành phần cung cấp dịch vụ bao gồm các dịch vụ cung cấp như hạ tầng, nền tảng và phần mềm. Nền tảng đám mây được xem như lõi của đám mây vận hành. Nền tảng đám mây cũng có thể được coi như hệ thống quản lý đám mây. Nền tảng đám mây bao gồm hệ thống hỗ trợ vận hành đám mây và hệ thống hỗ trợ cung cấp dịch vụ. Hạ tầng triển khai đám mây là hệ thống máy móc vật lý được triển khai trong trung tâm dữ liệu và được triển khai các giải pháp ảo hóa để cung cấp năng lực tính toán và lưu trữ.
Hình 1. Các tầng tạo nên một đám mây
Các tầng tạo nên một đám mây bao gồm:
* Tầng dịch vụ phần mềm:
Tầng dịch vụ phần mềm này lưu trữ các ứng dụng phù hợp với mô hình SaaS. Đây là những ứng dụng chạy trong một đám mây và được cung cấp theo yêu cầu về các dịch vụ cho người dùng. Đôi khi, các dịch vụ này được cung cấp miễn phí và các nhà cung cấp dịch vụ tạo ra doanh thu từ những thứ khác như quảng cáo Web hoặc trực tiếp từ việc sử dụng dịch vụ.
* Tầng dịch vụ nền tảng:
Tầng dịch vụ nền tảng cung cấp cơ sở hạ tầng của ứng dụng. Đây là tầng mà cơ sở hạ tầng ứng dụng nổi lên như là một tập hợp các dịch vụ, các dịch vụ ở đây hỗ trợ cho các ứng dụng, các dịch vụ có thể đang chạy trong điện toán đám mây và đồng thời chúng cũng có thể đang chạy trong một trung tâm dữ liệu truyền thống. Để đạt được khả năng mở rộng cần thiết trong một đám mây, các dịch vụ khác nhau được đưa ra ở đây thường được ảo hóa.
* Tầng cơ sở hạ tầng:
Tầng cơ sở hạ tầng là nền tảng của điện toán đám mây. Ở đây, chúng ta thấy một tập hợp các tài sản vật lý như các máy chủ, các thiết bị mạng và các đĩa lưu trữ được đưa ra như là các dịch vụ được cung cấp cho người dùng. Các dịch vụ ở đây hỗ trợ cơ sở hạ tầng ứng dụng, cũng như đối với các dịch vụ nền tảng, sự ảo hóa là một phương pháp thường được sử dụng để tạo ra chế độ phân phối các nguồn tài nguyên theo yêu cầu. Ví dụ về các dịch vụ cơ sở hạ tầng bao gồm IBM Bluehouse, VMware, Amazon EC2, Microsoft Azure Platform, Sun ParaScale Cloud Storage.
Các dịch vụ cơ sở hạ tầng tập trung vào vấn đề trang bị đúng các trung tâm dữ liệu bằng cách đảm bảo công suất điện toán khi cần thiết. Ngoài ra, thực tế là các kỹ thuật ảo hóa thường được sử dụng trong tầng này, nên có thể thấy rõ sự tiết kiệm chi phí do việc sử dụng nguồn lực hiệu quả mang lại.
2. Ứng dụng điện toán đám mây trong việc lưu trữ tài liệu, văn bản
Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây, có thể kể đến như các ứng dụng sau đây: cổng thông tin điện tử; ứng dụng phục vụ điều hành, tác nghiệp; ứng dụng lưu trữ và quản lý tài liệu, văn bản; ứng dụng nghiệp vụ xử lý hồ sơ một cửa; ứng dụng thư điện tử; các hệ thống thông tin chuyên ngành (quản lý giấy phép kinh doanh, thuế, quản lý đất đai, kế toán, thuế, kho bạc...); các cơ sở dữ liệu (địa lý, giấy phép kinh doanh...)
(Nguồn tham khảo: bài viết “Lựa chọn ứng dụng triển khai trên điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước http://aita.gov.vn/CMSPages/BaiViet/Default.aspx?IDBaiViet=1524)
Lưu trữ và quản lý tài liệu, văn bản trên đám mây sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tiết kiệm không gian cho bộ nhớ trong và thẻ nhớ ngoài trên thiết bị. Khi chúng ta sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây, chúng ta có thể lưu trữ và tải dữ liệu từ nguồn trực tuyến trên Internet, giống như việc lưu trữ hình ảnh, video trên các trang mạng xã hội. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ lưu trữ được sử dụng, dưới đây, chúng ta sẽ giới thiệu một số dịch vụ lưu trữ tiêu biểu, có thể kể đến như sau:
a. OneDrive (https://onedrive.live.com)
Hình 2. Dịch vụ lưu trữ OneDrive (1)
Hình 2. Dịch vụ lưu trữ OneDrive (2)
OneDrive là dịch vụ lưu trữ trực tuyến của Microsoft. Microsoft OneDrive (tên cũ là SkyDrive) của Microsoft cho phép người dùng tải và đồng bộ các tập tin để lưu trữ trên đám mây.
Với dung lượng lưu trữ lên tới 15GB+ thì OneDrive sẽ là một trong các ứng dụng đồng bộ, chia sẻ dữ liệu có dung lượng cao nhất hiện nay. Trước đây, người dùng chỉ có thể truy cập các tập tin OneDrive từ giao diện người dùng web và tải các tệp tài liệu lên thông qua Office 2012. Tuy nhiên, Microsoft gần đây đã phát hành phiên bản cài đặt trên nhiều thiết bị bao gồm Windows, Mac và thậm chí cả cho thiết bị di động.
OneDrive cho Windows là cách dễ dàng nhất để truy cập vào OneDrive từ máy tính của bạn. Sau khi cài đặt, một thư mục OneDrive sẽ được tạo ra trên máy tính. Tất cả những gì bạn đặt trong thư mục này sẽ được lưu giữ tự động đồng bộ giữa các máy tính của bạn (PC hoặc Mac) với onedrive.live.com. Vì vậy, bạn có thể nhận được các tập tin mới nhất từ bất kỳ vị trí nào.
* Tóm tắt đặc điểm của dịch vụ lưu trữ OneDrive:
- Yêu cầu đăng ký tài khoản
- Có dung lượng lưu trữ khá lớn: 15GB
- Website: www.onedrive.live.com
- Ưu điểm: OneDrive được tích hợp trên nhiều hệ điều hành từ Windows 8 trở lên và hệ điều hành Windows Phone. Lưu trữ hình ảnh và video an toàn, hỗ trợ nhiều nền tảng như Windows, MAC, Linux, iOS, Android. Video được lưu trữ trên OneDrive được chia sẻ thuận tiện, hỗ trợ khả năng soạn thảo, chỉnh sửa và lưu trữ văn bản ngay trên OneDrive.
- Nhược điểm: OneDrive được tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác của Microsoft (như Outlook, Xbox Live…) dẫn đến sự bất tiện khi sử dụng dịch vụ OneDrive. OneDrive có các quy định về nội dung lưu trữ khắt khe hơn so với các dịch vụ lưu trữ khác.
b. Dropbox (https://www.dropbox.com)
Hình 3. Dịch vụ lưu trữ Dropbox
Dropbox là dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến miễn phí cho phép bạn mang theo tất cả tài liệu, ảnh và video tới bất cứ nơi nào. Điều này có nghĩa là tập tin bạn đã lưu vào Dropbox sẽ tự động lưu vào máy tính, điện thoại của bạn và cả trên website Dropbox.
Ứng dụng này cũng giúp bạn dễ dàng chia sẻ tài liệu cho nhiều người. Thậm chí trong trường hợp ổ cứng máy tính bị hỏng, dữ liệu trên điện thoại mất hoàn toàn thì bạn vẫn có thể yên tâm vì đã có một bản sao lưu nội dung trên Dropbox.
* Tóm tắt đặc điểm của dịch vụ lưu trữ Dropbox:
- Yêu cầu đăng kí tài khoản
- Giới hạn tập tin tải lên: 300MB đối với upload bằng trình duyệt và không giới hạn khi upload bằng ứng dụng của Dropbox.
- Dung lượng lưu trữ miễn phí: 2GB và sẽ tăng thêm khi chúng ta giới thiệu các thành viên khác sử dụng Dropbox (tối đa 16 GB/1 tài khoản).
- Website: www.dropbox.com
- Ưu điểm: Khả năng đồng bộ dữ liệu rất tốt, nhanh. Cộng tác và chia sẻ dữ liệu với người khác rất tiện lợi. Đối với hình ảnh, có hỗ trợ xem trước dưới dạng thu nhỏ giúp nhanh chóng xem và tìm thấy bức ảnh mình cần. Hỗ trợ xem video trực tuyến (chỉ cần nhấn vào file video).
- Nhược điểm: Dung lượng lưu trữ miễn phí ít, chưa hỗ trợ xem và chỉnh sửa văn bản trên giao diện web.
c. Google drive (https://drive.google.com)
Hình 4. Dịch vụ lưu trữ Google Drive
- Google Drive là dịch vụ lưu trữ trực tuyến của Google cho phép lưu trữ 15GB miễn phí. Chỉ cần có tài khoản Google thì có thể sử dụng dịch vụ lưu trữ Google Drive. Google Drive là nơi an toàn nhất cho tất cả các nội dung lưu trữ của bạn, ví dụ như hình ảnh, video, tài liệu và các tập tin PDF quan trọng khác được tải lên Google drive. Dịch vụ lưu trữ này đảm bảo tốc độ tải nhanh chóng và có thể truy cập dịch vụ, tìm kiếm dữ liệu ở bất cứ nơi đâu có kết nối Internet.
- Google Drive với khả năng hỗ trợ Google Docs và Google+ cao cấp giúp người dùng dễ dàng truy cập và chỉnh sửa tài liệu ở bất cứ đâu hay chia sẻ làm việc chung với bạn bè. Drive có thể tổ chức, chỉnh sửa và chia sẻ dữ liệu từ bất kỳ máy tính nào tại drive.google.com hoặc khi đang di chuyển với ứng dụng di động của Drive.
- Tạo một nội dung bất kỳ Drive đi kèm với các ứng dụng cài sẵn để giúp bạn thực hiện công việc, mọi thao tác được thực hiện sẽ tự động lưu lại vào Drive. Google drive lưu trữ những tài liệu, văn bản (văn bản được tải lên hoặc tạo ra trong Drive) an toàn, bảo mật và được tự động thiết lập ở chế độ riêng tư, trừ khi chúng ta quyết định chia sẻ.
* Tóm tắt đặc điểm của dịch vụ lưu trữ Google Drive:
- Yêu cầu đăng kí tài khoản
- Giới hạn tập tin tải lên: 10GB
- Dung lượng lưu trữ miễn phí: 5GB
- Website: www.drive.google.com
Ngoài ra dung lượng mua thêm có thể được dùng chung với tài khoản Picasa được liên kết với cùng một tài khoản Google và tự động nhận thêm dung lượng cho Gmail khi bạn mua gói dung lượng lưu trữ.
- Ưu điểm: Khả năng đồng bộ dữ liệu tốt, hỗ trợ tiếng Việt, tích hợp Google+, Google Docs và có thể chỉnh sửa văn bản trực tuyến. Có thể tạo mới các tài liệu, bảng tính, bản trình bày… cùng làm việc đồng thời với người khác trên cùng tài liệu. Có chức năng phân quyền hạn khi chia sẻ file (chỉ xem được hay vừa xem vừa chỉnh sửa). Hỗ trợ xem trực tuyến nhiều định dạng file và đặc biệt là chức năng tìm kiếm rất tốt.
- Nhược điểm: Dung lượng lưu trữ miễn phí thấp nên không phù hợp để lưu những file lớn như: phim hay các phần mềm ứng dụng có dung lượng lớn.
3. So sánh các dịch vụ lưu trữ trực tuyến
Các dịch vụ lưu trữ
|
OneDrive
|
Dropbox
|
Google Drive
|
Dung lượng lưu trữ dữ liệu miễn phí
|
15GB
|
2GB và tăng thêm khi giới thiệu mọi người tham gia sử dụng Dropbox
|
5GB
|
Dung lượng file tối đa có thể upload
|
15GB
|
Upload bằng trình duyệt là 300MB. Upload bằng ứng dụng của Dropbox là không giới hạn
|
10GB
|
Khả năng đồng bộ hóa
|
Rất tốt
|
Rất tốt
|
Tốt
|
Khả năng hỗ trợ trực tuyến khi làm việc với các văn bản
|
Rất tốt
|
Không có
|
Rất tốt
|
Hỗ trợ video trực tuyến
|
Có hỗ trợ
|
Có hỗ trợ
|
Có hỗ trợ
|
Xem ảnh dưới dạng thu nhỏ
|
Có
|
Có
|
Có
|
Phần mềm hỗ trợ của dịch vụ lưu trữ
|
Windows, MAC, Linux, iOS, Android, Win Phone
|
Windows, MAC, Linux, Android, iOS
|
Windows, MAC, Android, iOS
|
Hỗ trợ hotlink
|
Có
|
Có
|
Không
|
Khả năng chia sẻ
|
Tốt
|
Tốt
|
Tốt
|
4. Kết luận
Dù nghiên cứu điện toán đám mây hiện nay vẫn trong giai đoạn sơ khai, nhưng tác động do điện toán đám mây mang lại rất nhiều. Đám mây là môi trường mạng tiên tiến, nó hứa hẹn với người sử dụng dịch vụ chất lượng và bảo mật cao. Lựa chọn điện toán đám mây phù hợp cho các ứng dụng có số lượng người sử dụng lớn như thư điện tử, cổng thông tin điện tử, ứng dụng quản lý, lưu trữ văn bản... Hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã ứng dụng điện toán đám mây vào việc lưu trữ dữ liệu.
Điện toán đám mây làm thay đổi cách thức đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin. Ưu điểm nổi bật là đơn giản hóa, làm giảm các công việc cần phải thực hiện của người sử dụng cuối. Người sử dụng được giải thoát khỏi các hạng mục không cần thiết và tập trung cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyên môn. Với những ưu điểm này, điện toán đám mây thực sự là một trong những xu hướng phát triển công nghệ thông tin. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước có thể xem xét nghiên cứu mô hình ứng dụng điện toán đám mây để lưu trữ và quản lý tài liệu, văn bản.
5. Tài liệu tham khảo:
1. Cloud Computing:
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90i%E1%BB%87n_to%C3%A1n_%C4%91%C3%A1m_m%C3%A2y
2. Cloud Computing: Architecting a Microsoft Private Cloud. Fazio, David Ziembicki and Adam.
3. Cisco. Cisco Cloud Computing Data Center Strategy, Architecture and Solutions.
4. Micro, Trend. Cloud Computing Sercurity: A Trend Micro White Paper, August 2009.
5. P. Mell, T. Grance, “The NIST Definition of Cloud Computing”, 2011. Available at: http://csrc.nist.gov/publications/nistpubs/800-145/SP800-145.pdf.
6. Các dịch vụ lưu trữ trên điện toán đám mây:
- https://onedrive.live.com
- https://www.dropbox.com
- https://www.drive.google.com
Lê Thị Thùy Trang