Đang xử lý.....

Ứng dụng của công nghệ chuỗi khối Blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng  

Chuỗi cung ứng là một hệ thống gồm nhiều thành phần tham gia (tổ chức, cá nhân, các hoạt động, tài nguyên, thông tin) có liên quan đến việc cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đến khách hàng...
Chủ Nhật, 23/12/2018 2957
|

Chuỗi cung ứng không chỉ đơn thuần là chuyển một sản phẩm hoàn chỉnh đến người dùng cuối, mà chuỗi cung ứng bao gồm cả các hoạt động chuyển đổi các nguồn tài nguyên, nguyên liệu thành các sản phẩm hoàn chỉnh để giao cho khách hàng. Tùy thuộc vào loại hình sản phẩm mà chuỗi cung ứng có thể trải rộng ra nhiều giai đoạn, trên nhiều vùng lãnh thổ (thậm chí là xuyên biên giới), nhiều thành phần tham gia; theo đó là độ phức tạp của chuỗi cung ứng cũng tăng lên, kéo theo là tình trạng thiếu minh bạch xảy ra trong một số khâu cung cấp/cung ứng. Blockchain, công nghệ chuối khối đã được đề cập trong nhiều bài nghiên cứu, nhiều bài viết như một trong những nền tảng công nghệ mới mở ra kỷ nguyên của cách mạng công nghệ 4.0, và với tính ưu việt của nó, công nghệ Blockchain có khả năng thay đổi ngành công nghiệp cung ứng, giảm thiểu những hạn chế vốn có của ngành từ trước đến nay.

          Những lỗ hổng trong quản trị chuỗi cung ứng

  Đi cùng sự phát triển của các ngành, nghề trên thế giới, chuỗi cung ứng cũng tự mở rộng và phát triển không ngừng. Trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp cung ứng, sự chuyển mình nổi bật nhất đó là sự thay đổi phương tiện vận chuyển hàng hóa (sự xuất hiện của máy bay, xe tải thay thế vận chuyển bằng đường sắt) và sự xuất hiện của máy tính giúp tin học hóa trong quy trình quản lý chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất sản phẩm, hàng hóa dần được toàn cầu hóa, gia công (outsourcing) từ nước thứ 3 (từ các quốc gia có chi phí nhân công thấp như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, các nước Châu Phi, …), chuỗi cung ứng cũng trở nên nặng nề và phức tạp hơn, kèm theo đó là những lỗ hổng trong quản trị chuỗi cung ứng dẫn đến việc nảy sinh một số vấn đề sau:

- Lỗi hàng hóa: hàng hóa đến tay người tiêu thụ bị lỗi, hỏng do không được kiểm soát chặt chẽ, hoặc được bảo quản không đúng chỉ dẫn trong quá trình vận chuyển;

- Chậm trễ trong cung ứng hàng hóa: bất kỳ một khâu nào trong chuỗi cung ứng gặp vấn đề sẽ kéo theo sự chậm trễ, trì hoãn tại các khâu kế tiếp;

- Xảy ra hoạt động gian lận, phi pháp: trong quá trình tiêu thụ, một bên tham gia chuỗi cung ứng có thể thay đổi thông tin, nhãn mác của hàng hóa, sản phẩm;

- Quản lý lỏng lẻo: do không nắm bắt được thông tin kịp thời từ các khâu tham gia trong chuối cung ứng, nên nhà quản lý chuỗi cung ứng sẽ gặp khó khăn trong quản lý, dẫn đến giảm hiệu quả quản lý;

- Đánh mất lòng tin của người tiêu thụ đối với sản phẩm: bất kỳ thông tin nào của sản phẩm bị thay đổi, hay lỗi của sản phẩm, hàng hóa, người tiêu dùng sẽ không tin tưởng vào sản phẩm, nhà sản xuất sản phẩm, hàng hóa này thêm nữa, và có thể sản phẩm sẽ bị tẩy chay bởi người tiêu dùng trên thị trường.

Blockchain giúp vá lỗ hổng trong quản trị chuỗi cung ứng

Chính đặc tính phân tán, đồng thuận và không thể thay đổi của công nghệ Blockchain có khả năng đem lại hiệu quả và minh bạch trong quy trình cung ứng. Chúng ta hãy cùng xem một ví dụ về việc Blockchain được ứng dụng trong chuỗi cung ứng thịt gia súc:

 

(1) Nhà cung cấp (cung cấp từ nguyên liên thô) nhập dữ liệu về thức ăn chăn nuôi gia súc; đồng thời nhà cung cấp cũng sẽ gắn mã chip điện tử FRID (chip nhận dang qua tần số vô tuyến để giúp giám sát, quản lý và lưu vết gia súc).

(2) Nhà sản xuất: Khi gia súc được chuyển đến các nhà sản xuất, tại đây nhà sản xuất có thể có thông tin chi tiết về gia súc được nhập, nếu đảm bảo yêu cầu, nhà sản xuất sẽ cho chế biến và đóng gói sản phẩm, đồng thời sẽ gắn mã vạch QR đối với từng sản phẩm được đóng gói.

(3) Nhà phân phối: Sau khi được đóng gói, nhà sản xuất sẽ chuyển sản phẩm đến nhà phân phối, tại đây nhà phân phối sẽ nhận được đầy đủ thông tin về sản phẩm gia súc đã được sản xuất, đóng gói. Sau đó, căn cứ trên thông tin về khách hàng, ngày giao hàng, … nhà sản xuất sẽ đặt nhà vận chuyển (logistic) để vận chuyển sản phẩm.

(4) Nhà vận chuyển: nhà vận chuyển nhận được toàn bộ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thông tin về bảo quản sản phẩm, thông tin về địa điểm giao hàng để triển khai vận chuyển.

(5) Nhà bán lẻ: khi sản phẩm được vận chuyển đến nhà bán lẻ, họ sẽ bổ sung thêm những thông tin liên quan đến sản phẩm như hướng dẫn sách sử dụng, công thức nấu sản phẩm, và những khuyến nghị khác liên quan vào bản ghi dữ liệu sản phẩm; đồng thời nhà bán lẻ sẽ cung cấp ứng dụng trong đó lưu trữ thông tin của sản phẩm cho người sử dụng cuối.

(6) Cửa hàng: nhận sản phẩm từ nhà bán lẻ, bổ sung những thông tin khuyến mại, chính sách giá phù hợp với chiến lược kinh doanh của cửa hàng.

(7) Khách hàng: tải ứng dụng và quét mã vạch QR của sản phẩm để kiểm tra thông tin về sản phẩm.

Bảy (7) đối tượng trong chuỗi cung ứng trên tương ứng với bảy (7) điểm (node) trong chuỗi blockchain. Các node này được liên kết trong mạng phân tán; bất kỳ một node nào thực hiện giao dịch, cập nhật thông tin, thì các node còn lại có trách nhiệm xác minh và khi giao dịch thành công, các node này đều được nhận bản cập nhật thông tin mới nhất, do vậy 7 đối tượng trên có thể nắm bắt được toàn bộ bức tranh của chuỗi cung ứng.

Như vậy, ứng dụng của blockchain vào ngành cung ứng mang lại những lợi ích sau:

- Cập nhật liên tục: các thành phần, các bên tham gia vào hệ thống blockchain đều nhận được những thông tin cập nhật mới nhất và liên tục;

- Minh bạch: các thông tin đã được chia sẻ trong hệ thống đều được mã hóa; bất kỳ việc thay đổi, xóa, sửa hay giả mạo thông tin là không thể.

- Giảm chi phí: do dữ liệu được chia sẻ trên hệ thông, nên khả năng giả mạo, chỉnh sửa, thay đổi không thể xảy ra, theo đó công việc quản lý chuỗi cung ứng sẽ được giảm tải và chi phí quản lý cũng giảm theo.

- Tăng niềm tin của người tiêu thụ: người dùng tham gia mạng lưới blockchain sẽ nhận được đầy đủ thông tin của sản phẩm (từ nguồn gốc, thành phần, nhà cung cấp, nhà sản xuất, thông tin về lưu trữ sản phẩm, khuyến nghị đối với sản phẩm, …). 

Ứng dụng blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Ở Việt Nam, cũng như nhiều ngành nghề khác, các doanh nghiệp trong ngành cung ứng rất quan tâm đến công nghệ Blockchain nhằm ứng dụng giúp cải thiện những hạn chế trong ngành cung ứng của mình. Dưới đây là một số ví dụ thực tiễn về ứng dụng blockchain tại Việt Nam:

Ứng dụng trong logistics (vận chuyển) của Tổng công ty Bưu điện Việt nam - VnPost

Như chúng ta đều biết, logistics là một thành phần nằm trong chuỗi cung ứng. Với gần 13 nghìn điểm giao dịch trên toàn lãnh thổ Việt Nam, VnPost đang chiếm vị trí ông lớn trong ngành logistics tại Việt Nam, theo đó là những khó khăn trong việc quản lý quá trình vận chuyển và chất lượng hàng hóa vận chuyển.

Tại Hội nghị Vietnam Blockchain Summit do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương tổ chức vào tháng 6/2018 vừa qua. VnPost đã giới thiệu về tiềm năng ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực logistics của mình. Nghiên cứu những bài học thực tiễn về ứng dụng blockchain trong ngành của Công ty vận chuyển phát nhanh DHL, tập đoàn vận tải hàng hải Maersk, VnPost cho biết mình đang nghiên cứu, ứng dụng vào công việc chuyển phát của Tổng công ty. Blockchain được ứng dụng vào quản lý các luồng đi trong vận chuyển, thông tin, tình trạng các luồng vận chuyển sẽ được kiểm soát chặt chẽ, chỉ một chút thay đổi về thông tin thì VnPost có thể nắm bắt kịp thời và ngăn chặn hoặc đình chỉ quá trình này ngay lập tức, bên cạnh đó là khả năng giảm giá thành trong chi phí vận chuyển, giảm chi phí đền bù do những lỗi phát sinh trong quá trình vận chuyển.

Ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm

Cũng tại Hội nghị Vietnam Blockchain Summit, một ví dụ thực tiễn về sự thành công khác của ứng dụng thực tế của blockchain đó là ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc quả xoài Cát Chu của Hợp tác xã Mỹ Xương thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Trước khi ứng dụng công nghệ blockchain, Hợp tác xã Mỹ Xương gặp phải những vấn đề:

- Sản phẩm (quả xoài) khi được đưa vào sử dụng không phản ánh đúng thời điểm thu hoạch của sản phẩm do thiếu thông tin ban đầu hoặc thông tin không chính xác;

- Thương hiệu xoài Mỹ Xương bị giả mạo, Hợp tác xã không thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm;

- Hợp tác xã chưa quản lý được quá trình phân phối sản phẩm từ điểm đầu cung ứng cho đến người tiêu thụ cuối cùng.

Khi ứng dụng blockchain vào chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Hợp tác xã, trong chuỗi truy xuất nguồn gốc sẽ có tối thiểu 04 bên liên quan chính, bao gồm Hợp tác xã Mỹ Xương, đơn vị vận chuyển, đơn vị bán lẻ và người tiêu thụ cuối. Các bên liên quan này sẽ tham gia vào việc xác minh các giao dịch trong chuỗi truy xuất nguồn gốc. Cụ thể:

- Khi bắt đầu 1 lô hàng, Hợp tác xã Mỹ Xương sẽ tạo ra một bản ghi số khởi điểm cho lô hàng, trong đó chứa những thông tin, yếu tố xác định của lô hàng (gọi là mã truy xuất): tên sản phẩm, mã sản phẩm, tiêu chuẩn sản xuất, ngày thu hoạch.

- Đơn vị vận chuyển (do Hợp tác xã Mỹ Xương ký kết hợp đồng) sẽ quét mã truy xuất và xác nhận lô hàng đã được bốc và rời xưởng của nhà sản xuất – Hợp tác xã Mỹ Xương. Tại công đoạn này, đơn vị vận chuyển sẽ ghi lại thông tin ngày xuất xưởng và cập nhật trạng thái đang vận chuyển đối với lô hàng. Sau đó các bên cùng xác nhận giao dịch này và cập  nhật vào bản ghi.

- Khi lô hàng được vận chuyển đến đơn vị bán lẻ, đơn vị bán lẻ sẽ quét mã truy xuất để xác nhận lô hàng đã đến tay và cập nhật tình trạng của lô hàng.

- Người tiêu thụ cuối, chính là những người mua hàng, sẽ sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác để quét mã truy xuất, từ đó họ sẽ biết được toàn bộ thông tin liên quan về nguồn gốc, nơi sản xuất, ai vận chuyển, tình trạng, khả năng sử dụng của sản phẩm.

Như vậy, nhờ ứng dụng này, Hợp tác xã Mỹ Xương đã thực sự thành công trong việc đảm bảo được giá trị thương hiệu đến tay người tiêu dùng, đồng thời Hợp tác xã Mỹ Xương cũng theo dõi được chặt chẽ quá trình phần phối xoài đến các đối tác thông qua các dữ liệu được lưu trữ trên blockchain. Đối với người tiêu dùng, họ chỉ cần có một ứng dụng trên điện thoại để quét mã truy xuất là có thể nắm bắt được tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm và có thể tin tưởng hoàn toàn các thông tin vì dữ liệu đã được lưu trữ trên blockchain là không thể thay đổi, giả mạo.

Trong cuốn sách Hiệu quả trong vận chuyển – Chìa khóa cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới xuất bản, Giám đốc phát triển bền vững khu vực Đông Á và Thái Bình Dương – ông John A. Roome đã đánh giá rất cao những tiềm năng cạnh tranh và năng động của ngành logistics Việt Nam. Cải tiến quy trình, nâng cao năng lực của logistics nằm trong quá trình nâng cao hiệu quả và chất lượng trong quản trị chuỗi cung ứng và Blockchain, theo như phân tích những tiềm năng ứng dụng ở trên, chính là chìa khóa đem lại thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngành cung ứng nói chung và ngành vận chuyển nói riêng của Việt Nam. Blockchain kết nối dữ liệu từ nhiều bên tham gia, tuy nhiên để kết nối các bên thành công, chúng ta cần những quy chuẩn, quy định cụ thể, và blockchain rõ ràng cần có thêm hành lang pháp lý để có thể triển khai rộng rãi, hiệu quả hơn.

Đỗ Thị Thảo Hiền

Tài liệu tham khảo:

https://www.ibm.com/blockchain/industries/supply-chain

 www.vnpost.vn

Vietnam Blockchain Summit, 6/2018

Luis C.Blancas, John Isbell, Monica Isbell, Hua Joo Tan, Wendy Tao, “Efficient Logistics – A key to Vietnam’s Competitivesness”, The World Bank, 2014.