Theo từ điển tiếng Anh Longman, thuế được định nghĩa là một số tiền nhất định mà người dân, doanh nghiệp phải trả cho chính phủ, được tính dựa trên khoản thu nhập, tài sản, hàng hóa, … của họ. Ở Việt Nam, thuế được định nghĩa là “khoản tiền hay hiện vật mà người dân hoặc các tổ chức kinh doanh có nghĩa vụ phải nộp cho nhà nước theo mức quy định, dựa trên mức giá trị tài sản, mức thu nhập, loại hình nghề nghiệp, …” (tử điển tiếng Việt 2008, nhà xuất bản Đà Nẵng).
Trong thời đại kỷ nguyên số, hệ thống thuế cũng được thay đổi, không chỉ thay đổi mối quan hệ giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, mà thay đổi cả những cách thức giao dịch, thanh toán, nộp tiền thuế và cả cách thức lưu trữ thông tin, dữ liệu về giao dịch thuế. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về khả năng ứng dụng của blockchain trong hệ thống thuế, cụ thể là ứng dụng đối với thuế giá trị gia tăng. Tại diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra năm 2016 tại thị trấn Davos, Thụy Sỹ, 73,1% người được khảo sát cho rằng cho tới năm 2025 thuế sẽ được thu bằng ứng dụng blockchain. Điều này cho thấy tiềm năng ứng dụng của blockchain đã được cộng đồng kinh tế thế giới công nhận rộng rãi.
Cơ quan thuế, với mục đích thúc đẩy hoạt động thuế được thực hiện hiệu quả và tuân thủ tốt hơn, luôn mong muốn tìm cách thu thập và phân tích thông tin theo một cách tin học hóa. Bên cạnh đó, người nộp thuế cũng mong muốn quá trình nộp thuế sẽ trở nên dễ dàng hơn và ít tốn thời gian hơn. Công nghệ blockchain chắc chắn là một trong những công nghệ hứa hẹn đem lại khả năng tối ưu cho ngành thuế.
Blockchain - những đặc điểm cốt lõi góp phần cải thiện hệ thống thuế
Những ưu điểm của blockchain đã được nhiều ngành nghề khai thác. Những đặc tính ưu điểm này của blockchain cũng mang lại những tiềm năng nổi bật ứng dụng vào thuế:
- Minh bạch (Transparency): truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, minh bạch trong các giao dịch
- Kiểm soát (Control): hạn chế người dùng, không phải ai cũng có quyền tham gia truy cập, thu thập thông tin trong mạng lưới blockchain
- Bảo mật (Security): không thể bị thay đổi hoặc giả mạo khi dữ liệu đã được lưu trữ vào hệ thống
- Thông tin theo thời gian thực (Real time information): khi giao dịch thành công, thông tin sẽ được cập nhật tức thời tới những đối tượng tham gia hệ thống.
Từ đó, ứng dụng Blockchain có thể giúp các cơ quan thuế giảm gánh nặng quản lý, thu thuế với chi phí thấp và giúp thu hẹp khoảng cách giữa các đối tượng trong việc nộp thuế, ngăn ngừa gian lận thuế, đồng thời giúp giảm chi phí và gia tăng giá trị trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, chính phủ.
Thuế giá trị gia tăng và Blockchain
Thuế giá trị gia tăng đóng góp phần lớn vào ngân sách quốc gia. Chính vì tỷ trọng đóng góp lớn như vậy, nên cơ quan thuế luôn tìm cách làm sao để thu được thuế giá trị gia tăng một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên việc thu thập đầy đủ thông tin từ các đối tượng nộp thuế là một thách thức đối với các cơ quan thuế. Mặt khác, số thuế giá trị gia tăng được tính toán trong một khoảng thời gian cố định, thông thường là hàng tháng hoặc hàng quý, và các tính toán này lại không dựa trên các giao dịch thực tế, mà dựa trên ngày mà doanh nghiệp lựa chọn (ngày viết hóa đơn giá trị gia tăng). Do vậy, cơ quan thuế càng gặp khó khăn trong việc theo dõi, kiểm soát việc thu nộp thuế giá trị gia tăng. Điển hỉnh trên thế giới đã xảy ra những gian lận về thuế như dạng MTIC (missing trader intra-Community, tạm dịch là gian lận trong nội bộ cộng đồng thương nhân). Mô hình gian lận MTIC cơ bản bao gồm các hoạt động tinh vi có tổ chức nhằm tìm cách khai thác sự khác biệt trong cách xử lý thuế giá trị gia tăng ở các quốc gia là thành viên Châu Âu. Nhóm tội phạm tạo ra một hệ thống liên kết gồm các công ty và cá nhân trên khắp các quốc gia này nhằm mục đích lạm dụng các thủ tục thương mại và hạch toán doanh thu trong các giao dịch trong nước và quốc tế. Ví dụ, công ty A bán cho công ty B hàng hóa với số tiền X không bao gồm thuế giá trị gia tăng, do đây là giao dịch giao thương trong khối Châu Âu; khi công ty B bán hàng hóa này cho công ty C và hai công ty này thành lập, hoạt động trong một quốc gia, số tiền bán hàng công ty C phải trả cho công ty B bao gồm cả số thuê giá trị gia tăng, tức X + %X (tỷ lệ % theo quy định của từng quốc gia); kết quả là công ty B sau khi thực hiện giao dịch sẽ biến mất theo số tiền thuế gian lận được.
Vậy công nghệ blockchain giúp cải thiện vấn đề trên như thế nào?
1. Cải thiện gian lận thuế giá trị gia tăng
Áp dụng công nghệ Blockchain vào hệ thống thuế của một doanh nghiệp, những lợi ích có thể mang lại cho doanh nghiệp và cơ quan thuế như sau:
- Đối với doanh nghiệp
+ Giảm đáng kể gánh nặng hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí kế toán và dịch vụ kế toán,
+ Thực hiện tất cả các giao dịch liên quan đến thuế trong thời gian thực,
+ Thực hiện tất cả các giao dịch thông qua cơ chế của hợp đồng thông minh không thể giả mạo;
+ Giảm nguy cơ gian lận và lỗi phát sinh,
+ Cho thấy một bức tranh rõ nét và ngay tức thì về tình hình tài chính của một doanh nghiệp;
+ Tăng tốc độ, giảm nghẽn trong giao dịch thuế giữa giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế;
+ Người nộp thuế phải chịu gánh nặng số tiền thuế giá trị gia tăng tính toán trên cấp hóa đơn và giá trị gia tăng
- Đối với cơ quan thuế: Hạn chế gian lận, sai sót trong việc thu thuế.
Phân tích cụ thể hơn một giao dịch thuế giá trị gia tăng thông thường và giao dịch thuế trên nền tảng công nghệ blockchain (đặc tính hợp đồng thông minh):
Giao dịch thuế giá trị gia tăng thông thường
|
Giao dịch thuế giá trị gia tăng trên blockchain
|
Đối với giao dịch thuế thông thường, các bước thực hiện tuần tự:
(1) Công ty phát hành ra một hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng;
(2) Khách hàng sẽ phải thanh toán tiền hóa dơn, trong đó bao gồm số tiền thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ mà khách hàng đó sử dụng.
(3) Thông tin về giao dịch thanh toán trên sẽ được ghi sổ trong hệ thống của công ty.
(4) Công ty sẽ thanh toán hóa đơn cho nhà cung cấp qua tài khoản ngân hàng.
(5) Công ty tính toán số thuế giá trị gia tăng đối với cơ quan thuế và điền thông tin vào bản kê khai thuế. Hoạt động này thường được thực hiện hàng tháng, quý, năm (đối với Việt Nam, hoạt động kê khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp là hàng tháng).
|
Khi hệ thống thuế giá trị gia tăng được xử lý thông qua ứng dụng blockchain, khách hàng trả tiền hóa đơn cho công ty, và sau đó công ty sẽ thanh toán hóa đơn cho nhà cung cấp. Cơ chế hoạt động được mô tả như sau:
(1) Khách hàng thực hiện thanh toán hóa đơn cho công ty
- Tại cùng một thời điểm, hợp đồng thông minh (dựa trên công nghệ blockchain) sẽ tính toán số thuế giá trị gia tăng của hóa đơn và phân chia số tiền của hóa đơn thành hai phần: phần không thuế và phần thuế giá trị gia tăng.
- Sau đó, số thuế giá trị gia tăng được thanh toán trực tiếp tới cơ quan thuế thông qua hợp đồng thông minh.
- Phần tiền không thuế sẽ được chuyển vào tài khoản của công ty cũng thông qua một hợp đồng thông minh.
(2) Công ty thực hiện thanh toán hóa đơn cho nhà cung cấp
Công việc này cũng được thực hiện thông qua hợp đồng thông minh. Công ty đổ một số cần thiết để thanh toán và thực hiện thanh toán cho nhà cung cấp qua cơ chế của hợp đồng thông minh. Đồng thời, hợp đồng thông minh sẽ thực hiện tính toán số tiền thuế giá trị gia tăng tương ứng và gửi số tiền tới tài khoản của cơ quan thuế.
|
Như vậy, giao dịch thực hiện thông qua hệ thống ứng dụng blockchain giúp các giao dịch được thực hiện tức thì, công khai và minh bạch, khó có cơ hội cho sự gian lận, trốn thuế xảy ra.
2. Cải thiện vấn đề MTIC
Để cải thiện vấn đề gian lận MTIC, nhiều quốc gia tại Châu Âu đã phát triển mô hình DICE (Digital Invoice Customs Exchange, tạm dịch là mô hình trao đổi hải quan đối với hóa đơn điện tử). Mô hình này xác thực hóa đơn điện tử và các giao dịch theo thời gian thực. Tuy nhiên, mô hình DICE lại bảo mật các dữ liệu giao dịch theo hướng tập trung, tức là các thông tin, dữ liệu được lưu trữ trên sổ cái tập trung do cơ quan quản lý thuế quản lý. Do vậy, ý tưởng về ứng dụng cơ chế đồng thuận dựa trên cách thức lưu trữ phân tán của blockchain là giải pháp cho vấn đề bảo mật của DICE. Mỗi hàng hóa và dịch vụ khi được giao dịch sẽ được ghi vào cuốn sổ cái, và mỗi giao dịch khi được xác minh sẽ là một khối (block) mới được liên kết với khối trước đó trong cuốn sổ cái blockchain này, tạo thành một chuỗi các giao dịch không thể thay đổi được.
Thuế Việt Nam – tiềm năng của Blockchain?
Theo Luật ngân sách nhà nước của Việt Nam, toàn bộ các khoản thu từ thuế thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Các hoạt động kinh doanh và đầu tư của Việt Nam đều là đối tượng áp dụng của hệ thống thuế Việt Nam, gồm các loại thuế: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân, …
Việc nghiên cứu, ứng dụng về blockchain không còn mới lạ đối với ngành tài chính, ngành thuế của Việt Nam. Trong năm 2018, công ty Cổ phần Misa đã phát triển thành công giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử trên nền tảng công nghệ blockchain, gọi là MeInvoice. Về cơ bản, hóa đơn điện tử đã dần đi vào hoạt động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, … để thay thế dần hóa giấy truyền thông gây lãng phí trong việc in ấn và khó khăn trong việc lưu trữ, kiểm soát. Tuy nhiên, phần mềm MeInvoice là phần mềm đi tiền phong trong ứng dụng blockchain vào hóa đơn điện tử, ngoài việc tiết kiệm chi phí, thuận tiện trong lưu trữ, hóa đơn điện tử qua phần mềm này còn được xác thực, cập nhật tới các bên liên quan, từ đó đảm bảo được tính minh bạch và độ tin cậy của hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, xem công nghệ blockchain là công nghệ nền tảng trong phát triển Bộ điện tử của mình, xây dựng các giải pháp sử dụng nền tảng blockchain để cải tiến các quy trình, nghiệp vụ thuế, kho bạc, ...
Với chức năng đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phân bổ các nguồn lực, thu nhập, điều phối các hoạt động kinh tế, thuế là công cụ góp phần duy trì hoạt động của các thành phần trong xã hội, từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, chính phủ, … Đa phần các thực thể đều không muốn nộp thuế hoặc giảm số thuế phải nộp nhiều nhất có thể. Ngành thuế tài chính của nước ta đã thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, nhận thức con người chỉ là một khía cạnh, ngành thuế cần có thêm những công cụ đắc lực để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động.
Những phân tích, nhận định ở trên cho thấy không chỉ Việt Nam mà Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đều có quan điểm là công nghệ blockchain có khả năng tổ chức lại cách hoạt động của hệ thống thuế. Tuy nhiên công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và tiến hóa, do vậy đòi hỏi một cuộc cách mạng lớn trong hệ thống dữ liệu của ngành thuế, cũng như trong hệ thống mạng lưới của ngành này. Trong thời gian dài tới, công nghệ blockchain có thể là yếu tố thúc đẩy quá trình xử lý thuế một cách tự động và phù hợp với thời gian thực hơn.
Đỗ Thị Thảo Hiền
Tài liệu tham khảo:
Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Longman Dictionary of Contemporary English, Pearson Education Limited, 2003
Trung tâm Từ điểm học, Tử điển Tiếng Việt, 2008, nhà xuất bản Đà Nẵng.
PWC, Sổ tay thuế Việt Nam 2018, 2018.
www.pwc.co.uk
https://www.coindesk.com/world-economic-forum-governments-blockchain
Ainsworth, Richard Thompson and Alwohaibi, Musaad, Blockchain, Bitcoin, and VAT in the GCC: The Missing Trader Example, 2017, Boston Univ. School of Law, Law and Economics Research Paper No. 17-05.
www.misa.com.vn