1. Ba đặc tính của công nghệ chuỗi khối blockchain thu hút khu vực công
- Cơ chế phân tán: dữ liệu trong blockchain liên tục được mạng lưới máy tính ngang hàng cập nhật và duy trì, đồng thời mang lại các đặc tính: không lặp (thuật toán đồng thuận phi tập trung hay còn gọi là phân tán của blockchain bảo đảm không có bất kỳ giao dịch nào được lặp), trung lập (mạng kết nối phi tập trung cho phép truyền đưa các giao dịch hợp lệ bất kể nguồn gốc hay nội dung của giao dịch đó, do vậy, bất cứ ai cũng có thể tạo ra một giao dịch hợp lệ phù hợp và đưa giao dịch đó vào blockchain), và khả năng kiểm toán (tất cả các giao dịch và các khối block đều công khai và có thể truy vấn tính liên kết trong một chuỗi không gián đoạn tới tận khối block gốc đầu tiên).
- Không thể đảo ngược và không thể thay đổi: một khi giao dịch được ghi lại trong blockchain và một lượng các block tiếp theo đã được hình thành, thì dữ liệu giao dịch đã được ghi trong block trở nên bất biến tức là không thể đảo ngược. Do cần khối lượng tính toán (nguồn lực năng lượng) để tạo ra bằng chứng công việc (proof-of-work) hay bằng chứng cổ phần (proof-of-stake), nên việc viết lại (thay đổi) các dữ liệu trong blockchain sẽ cần được bảo đảm bằng nguồn lực không thể nhỏ. Theo đó, khi khối lượng công việc trên các block càng nhiều sẽ kéo theo những nguồn lực tương ứng, đồng thời khi đó mức độ bất biến cũng tăng theo.
- Gần thời gian thực: các giao dịch được xác nhận và xử lý trong vài phút. Quy tắc đồng thuận của blockchain khiến bất kỳ khối block nào có nhãn thời gian quá xa (trong quá khứ hoặc tương lai) đều bị từ chối liên kết vào blockchain.
Với những đặc tính này, công nghệ chuỗi khối Blockchain lọt vào ‘tầm ngắm’ của khu vực công với mục đích áp dụng công nghệ Blockchain vào hoạt động của chính phủ.
2. Ứng dụng của công nghệ chuỗi khối blockchain trong khu vực công của các quốc gia trên thế giới
Theo báo cáo của Deloitte năm 2017, 10 lĩnh vực công được ứng dụng thí điểm công nghệ chuỗi khối blockchain phần lớn tập trung chính ở Mỹ và Châu Âu (hình ảnh bên dưới):
(1) Tiền số/thanh toán: phát triển ở Canada, Đan Mạch, Trung Quốc Nam Triều Tiên, Tunisi, Senegal, Kenya, …
(2) Đăng ký đất đai: phát triển ở Braxin, Thụy Điển, Ghana, Georgia, Mỹ
(3) Bầu cử: phát triển ở Mỹ, Estonia, Ukraine, Nam Triều Tiên, Úc, …
(4) Quản lý định danh: phát triển ở Thụy Sỹ
(5) Truy xuất chuỗi cung ứng: phát triển ở Mỹ, Phần Lan.
(6) Chăm sóc sức khỏe: phát triển ở Estonia, Mỹ
(7) Bầu cử (ủy quyền): phát triển ở Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nga, Nam Phi.
(8) Đăng ký kinh doanh: phát triển ở Mỹ
(9) Thu thuế: phát triển ở Mỹ
(10) Quản lý cấp phép: phát triển ở Anh
Một số quốc gia nổi bật với ứng dụng blockchain:
Tại Estonia
Hiện nay, Chính phủ Estonia đang sử dụng nền tảng KSI (Keyless Signature Infrastructure) Blockchain (phát triển bởi Guardtime). Nền tảng KSI tạo ra và duy trì blockchain. Công nghệ này đã được áp dụng, tích hợp vào các cơ quan có chức năng ghi nhận đăng ký chính của Chính phủ, bao gồm sổ đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, đăng ký kế, hồ sơ tòa án số và thông báo chính thức. KSI được sử dụng cho cả quy trình nội bộ và bên ngoài để duy trì tính toàn vẹn của các bản ghi và cho phép phát hiện có hiệu quả các sửa đổi cố ý và không chủ ý của dữ liệu.
Tại Mỹ
Các cơ quan liên bang đang đánh giá và thử nghiệm công nghệ blockchain để cải thiện tính minh bạch, hiệu quả và tin tưởng vào chia sẻ thông tin của chính phủ. Chương trình Công nghệ Công dân Mới của Cơ quan Quản lý Chính phủ Hoa Kỳ (GSA) gần đây đã khởi động chương trình Blockchain cho toàn Liên bang Hoa Kỳ và các doanh nghiệp quan tâm bằng cách sử dụng công nghệ trong chính phủ. Vào năm 2017, bốn tiểu bang Arizona, Delaware, Illinois và Nevada đã ban hành / chấp thuận quy định về blockchain. Arizona ban hành hai dự luật. Đầu tiên, H.B.2417, thiết lập hướng dẫn cho chữ ký điện tử và lưu trữ hồ sơ bằng cách sử dụng công nghệ blockchain. Trong dự luật thứ hai, H.B.2216, Cơ quan lập pháp đã yêu cầu người sử dụng hoặc phải tuân theo công nghệ súng điện tử theo dõi trên nền tảng công nghệ blockchain. Bang Delaware đã ban hành S.B.69, cấp quyền cho các công ty thành lập ở Delaware sử dụng blockchain để tạo và duy trì các hồ sơ của công ty.
Tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất)
Cơ quan quản lý đất đai của Dubai (Dubai Land Department) trở thành tổ chức chính phủ đầu tiên của thế giới thực hiện tất cả các giao dịch thông qua công nghệ Blockchain. Hồ sơ đất đai là một ví dụ, ngoài ra với tất cả các thông tin liên quan đến định danh (ID, hộ chiếu, giấy phép lái xe, Giấy khai sinh ...) và giấy chứng nhận giáo dục (bằng tốt nghiệp, hồ sơ của các chương trình/khóa học thực hiện,…), người đăng ký sẽ được cấp giấy tờ liên quan bằng cách sử dụng công nghệ blockchain.
3. Ứng dụng cụ thể của Blockchain trong truy xuất chuỗi cung ứng (ứng dụng blockchain vào hải quan trong vận chuyển quốc tế)
Để minh họa rõ hơn về blockchain, chúng ta cùng xem ví dụ cụ thể về ứng dụng blockchain vào thủ tục hải quan trong vận chuyển quốc tế (hay là thủ tục hải quan từ trong nước ra các nước ngoài). Ở đây, một vấn đề bất cấp sẽ tác động tới các bên trong quá trình vận chuyển đó là thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc hiệu quả cho phép dự đoán về thời gian, lịch trình các lô hàng đến các cảng biển quốc gia. Việc thiếu thông tin này làm tăng chi phí và hiệu suất hoạt động. Tuy nhiên, khi chuỗi cung ứng truyền thống được số hóa, nhiều đầu vào dữ liệu mới sẽ được thu thập trong quá trình vận chuyển, cung cấp căn cứ giúp cải thiện quy trình và chia sẻ thông tin. Nếu sử dụng công nghệ blockchain để nâng tính minh bạch trong kê khai hàng hóa điểm đầu, điểm cuối, có thể mang lại thay đổi tích cực trong chuỗi cung ứng. Đối với các cơ quan hải quan trên toàn thế giới, điều đó có nghĩa là loại bỏ được sự chậm trễ trong việc xác định các chủ hàng vận chuyển hàng hóa qua cửa hải quan và cải thiện việc tuân thủ mục tiêu kiểm duyệt thông qua khả năng truy cập dữ liệu lớn hơn.
Đối với các cơ quan hải quan, các hãng tàu, chủ hàng, người nhận hàng, người môi giới, và các đại lý đặt hàng có liên quan, đều có bất kỳ một số tác nhân nào đó trong số họ trong quá trình vận chuyển quốc tế có thể đánh lừa những người khác. Tương tự như vậy, một hoặc nhiều trong số những tác nhân này có thể gây sai lầm trong báo cáo của họ cho những tác nhân khác, gây ra những tính toán sai, thời hạn bị trượt và các tác động trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Khi cung cấp các hàng hóa quan trọng, nhạy cảm - như các phần cứng quân sự, máy móc để in tiền, hoặc thiết bị điện tử tháp điều khiển sân bay - sự chậm trễ, lỗi hoặc gian lận nhỏ nhất có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Bằng cách sử dụng một sổ kế toán phân tán, an toàn, blockchain có thể cải thiện tính bảo mật, minh bạch dữ liệu, lưu trữ hồ sơ, tỷ lệ kiểm tra và khả năng hiển thị của các lô hàng quốc tế trong nước. Trong số các thủ tục, giấy phép và chứng nhận thường được yêu cầu để thông qua hoặc cho nhập vào, một sổ kế toán an toàn trên blockchain có thể nắm giữ tất cả thông tin cần thiết và cung cấp đường dẫn kiểm tra cho tất cả người tham gia trong blockchain, thậm chí với số lượng người tham gia đang tăng hoặc thay đổi từ các hệ thống kế thừa khác nhau và ngay cả khi quy trình kinh doanh thay đổi hoặc phát triển phức tạp hơn.
Cụ thể, khi một chuyến vận chuyển mới được bắt đầu, tất cả những yếu tố xác định cụ thể được xác thực cho chuyến vận chuyển và được ghi lại dưới dạng số. Tất cả các bên thống nhất ghi và chia sẻ những dữ liệu đặc tả cụ thể có liên quan đến vai trò của từng bên trong chu trình vận chuyển. Chu trình vận chuyển này sẽ cung cấp những dữ liệu giao dịch liên quan, tuy nhiên vẫn bảo mật những giao diện kết nối quan trọng hoặc những quy trình xử lý riêng. Ở đây, chỉ sử dụng giao thức API (application programming interface) đã thống nhất để kết nối giữa các bên liên quan thông qua một sổ cái đồng thuận phân tán, mà không tạo một kiến trúc hệ thống mới.
Bước 1. Khi lô hàng đã sẵn sàng, đơn vị chuyển hàng sẽ tạo ra một bản ghi số mới (gọi là shipment ID) thông qua một ứng dụng sẽ xác nhận những yếu tố xác định của lô hàng, gồm cả việc xác định trước những bên liên quan tham gia vào quá trình vận chuyển. Tại đây, đơn vị vận chuyển sẽ tạo ra giao dịch số 1 ghi nhận sự hình thành bản ghi của chuyến vận chuyển hàng vào trong chuỗi khối, qua đó giao dịch được gửi tới và được xác nhận bởi những bên liên quan tới giao dịch.
Bước 2. Công ty giao nhận vận tải sẽ quét shipment ID và xác nhận kiện hàng đã được bốc và rời cảng. Tại đây, công ty giao nhận vận tải tạo ra một giao dịch bằng cách sử dụng shipment ID để ghi lại sự thực thi vai trò của họ trong quá trình vận chuyển; và cũng như các giao dịch khác, các bên cũng xác nhận giao dịch.
Bước 3. Cán bộ hải quan xác nhận shipment ID và kiểm tra siêu dữ liệu trong mỗi giao dịch có khớp với quá trình vận chuyển thật không. Cán bộ hải quan sẽ chứng nhận kiện hàng đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn thích hợp và thông quan kiện hàng. Tại đây, cán bộ hải quan sử dụng một ứng dụng điện thoại để ghi lại chứng nhận về lô hàng vào chuỗi khối.
Bước 4. Tại mỗi điểm xác định, hãng tàu sẽ xác nhận rằng tàu đi đúng lộ trình hay không hoặc ghi lại bất kỳ sự thay đổi nào do thời tiết hoặc do các yếu tố chưa lường trước. Tại đây, hãng tàu sẽ cập nhật tình trạng vận chuyển bằng cách sử dụng shipment ID để lưu vào nhật ký hàng hải.
Bước 5. Khi lô hàng cập bến. ở đây, cán bộ hải quan sẽ xác nhận qua bản ghi shipment ID xem những bước vận chuyển đã diễn ra, kiểm tra dấu thời gian để tìm ra bất kỳ sự sai khác nào không, và xác nhận hàng mới đến. Tại đây, cán bộ hải quan sử dụng shipment ID để ghi vào chuối khối sự thông quan lô hàng.
Bước 6. Đơn vị nhận hàng nhận hàng tại cảng và sử dụng shipment ID để xác nhận hàng đã được hải quan chứng nhận xuất/nhập hay chưa. Tại đây, đơn vị nhận hàng sẽ hình thành giao dịch cuối phản ánh việc cất giữ hàng hóa của họ.
Với việc áp dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain, tất cả các bên tham gia có thể truy cập và xem những bản ghi dữ liệu không thể thay đổi được. Trong trường hợp có bất kỳ những tranh chấp nào giữa các bên, bản ghi đã được ghi vết thời gian sẽ là bằng chứng quan trọng để giải quyết.
Các ví dụ nêu trên cho thấy tiềm năng ứng dụng của Blockchain trong khu vực công. Việc lựa chọn ứng dụng Blockchain vào hoạt động của cơ quan nhà nước không chỉ là vấn đề công nghệ, mà đây còn là quyết định trong việc thay đổi, cải cách mô hình hoạt động, thiết lập rõ vai trò của những bên tham gia.
Như đã đề cập ở đầu bài viết, công nghệ Blockchain có khả năng giúp chính phủ giảm thiểu những chi phí liên quan đến nguồn lực. Ở Việt Nam, với chính sách tinh giản bộ máy công quyền, công nghệ chính là công cụ hữu ích để giúp chúng ta đạt được mục tiêu tinh giản mà vẫn đảm bảo khả năng hoạt động, vận hành hiệu quả của khu vực công.
Quách Hồng Trang
Tài liệu tham khảo:
- Jason Killmeyer, Mark White and Bruce Chew, Will blockchain transform the public sector?, Deloitte University Press, 2017.
- https://emerging.digital.gov/blockchain-programs/
- https://legis.delaware.gov/BillDetail?LegislationId=25730
- https://legislature.vermont.gov/bill/status/2018/S.135
- https://www.azleg.gov/legtext/53leg/1r/bills/hb2417p.pdf
- https://www.leg.state.nv.us/App/NELIS/REL/79th2017/Bill/5463/Overview
- https://www.wyoleg.gov/2018/Introduced/HB0019.pdf
- https://www.wyoleg.gov/Legislation/2018/HB0070
- https://e-estonia.com/tag/blockchain/