Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, hỗ trợ cải tiến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước xây dựng nền hành chính hiện đại. Ứng dụng công nghệ thông tin là nhân tố then chốt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình triển khai các hoạt động cải cách hành chính nói chung và cải cách quy trình, thủ tục hành chính nói riêng. Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nước giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã đặt mục tiêu, nhiệm vụ để đẩy mạnh gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính xây dựng nền hành chính hiện đại, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các cơ quan nhà nước đã xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại. Qua quá trình triển khai, cho đến nay đã mang lại nhiều kết quả, qua quá trình theo dõi, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, kết quả triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, nội dung dưới đây sẽ chia sẻ kinh nghiệm triển khai, những kết quả đạt được tại các cơ quan nhà nước thành phố Cần Thơ.
Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử thành phố Cần Thơ đã nhận được sự quan tâm của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố nên công tác ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính đã có những kết quả tích cực, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với công tác cải cách hành chính. Thành phố Cần Thơ đã cung cấp 705 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 (tương đương khoảng 39% tổng số thủ tục hành chính, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 492 dịch vụ; mức độ 4 là 242 dịch vụ). Để thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện để đưa dịch vụ bưu chính công ích vào hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tại bộ phận một cửa điện tử các cấp đều đã triển khai ứng dụng phần mềm một của điện tử.
Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, ngoài việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, thành phố Cần Thơ cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, cụ thể đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại hầu hết các cơ quan, đơn vị của Thành phố với 459 điểm, giúp cho việc gửi nhận, xử lý văn bản giữa các cơ quan đơn vị được thuận tiện, dễ dàng; trong phạm vi của thành phố các cơ quan nhà nước đã áp dụng chữ ký số để gửi nhận văn bản điện tử, không dùng văn bản giấy.
Giải pháp triển khai
Để đạt được các kết quả trên, trong thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Xây dựng chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định phù hợp
Để đạt được các kết quả nêu trên, trong thời gian qua thành phố Cần Thơ đã tích cực triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông như xây dựng, ban hành hệ thống văn bản, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin 5 năm, hàng năm và xây dựng, ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử của Thành phố theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; Xây dựng, ban hành kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các quy định, quy chế về bảo đảo an toàn thông tin như kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến 5 năm (2016-2020) theo Kế hoạch số 70/KH-UBND, Quyết định số 2714/QĐ-UBND ngày 18/10/2017 về việc thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; Quy chế quy định khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin điện tử của thành phố, như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống một cửa điện tử,… kế hoạch tuyên tuyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; quy chế bảo đảm an toàn thông tin Mạng truyền số liệu chuyên dùng,…
Cung cấp thông tin, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước
Cổng Thông tin điện tử của Thành phố đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; thông tin được đăng tải, cập nhật thường xuyên về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện (32 đơn vị; chiếm tỷ lệ 100%) đều có Cổng/trang thông tin thành phần, cung cấp đầy đủ thông tin giải quyết các thủ tục hành chính; số lượng tin, bài được cập nhật thường xuyên.
Triển khai một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính
Hiện nay trên địa bàn Thành phố Cần Thơ đã xây dựng và triển khai một số Hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cụ thể như: Cơ sở dữ liệu quản lý hộ tịch, Cơ sở dữ liệu quản lý công chứng trên địa bàn, Cơ sở dữ liệu quản lý học sinh, Cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng chính sách, người có công và Cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp; Cơ sở dữ liệu quản lý cấp phép lái xe, Cơ sở dữ liệu nhân hộ khẩu, Cơ sở dữ liệu quản lý thông tin cán bộ, công chức, viên chức thành phố, Cơ sở dữ liệu kiểm soát bảo hiểm y tế đối với các bệnh viện trên địa bàn, Cơ sở dữ liệu cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép của ngành xây dựng và Cơ sở dữ liệu quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị bằng GIS,...
Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin
Đảm bảo hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước có mạng cục bộ LAN và có máy tính kết nối Internet băng thông rộng phục vụ công việc. Hiện nay có hơn 95% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước các cấp có máy tính sử dụng trong công việc;
Xây dựng, duy trì Trung tâm dữ liệu thành phố phục vụ cho việc quản trị hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; cung cấp tập trung, hiệu quả các tài nguyên mạng, các ứng dụng dùng chung của Thành phố;
Hệ thống Hội nghị truyền hình thành phố được triển khai 132 điểm (từ thành phố đến cấp huyện và cấp xã) tiếp tục được khai thác ổn định, hiệu quả, tiết kiệm chi phí hội họp, đảm bảo truyền đạt đầy đủ thông tin đến cấp cơ sở.
Triển khai kết nối mạng giữa các cơ quan nhà nước trên cơ sở Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và nhà nước.
Đảm bảo an toàn thông tin
Thực hiện công tác tuyên truyền về an toàn thông tin mạng thông qua các cuộc diễn tập, hội thảo, hội nghị và công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ công chức viên chức thành phố; thành lập Đội ứng cứu an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước, thực hiện nhiệm vụ ứng cứu các sự cố an toàn thông tin mạng, xử lý, khắc phục sự cố gây mất an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước.
Thực hiện tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp
Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngày 17 tháng 5 năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND về việc tuyên truyền, hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trong đó có các nhiệm vụ, biện pháp tuyên truyền chủ yếu như: xây dựng, biên tập các tài liệu phục vụ các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn (xây dựng phóng sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng vi-đi-ô giới thiệu và hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tuyên truyền trên các kênh trực tuyến như: Cổng thông tin điện tử, Youtube, Facbook…); đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử thành phố và các cổng thông tin điện tử thành phần của sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện, trên Báo Cần Thơ và Báo điện tử Cần Thơ; đồng thời, tổ chức gặp gỡ, đối thoại chuyên đề dịch vụ công trực tuyến trên Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ.
Tuy nhiên, ngoài các kết quả nêu trên, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính thành phố Cần Thơ còn một số hạn chế sau:
Số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh còn hạn chế (mức độ 3 có 18.537 hồ sơ điện tử so với tổng số 57.864 hồ sơ thực tế; mức độ 4 đạt 4972 hồ sơ trực tuyến so với 17.030 hồ sơ thực tế). Tuy nhiên, chỉ tập trung một số dịch vụ: giáo dục (tuyển sinh hàng năm), đăng ký kinh doanh, thương mại điện tử;
Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cấp Sở, huyện còn rời rạc; hệ thống thông tin một cửa điện tử chưa liên thông với phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến dẫn tới chưa sử dụng được chung hồ sơ, dữ liệu; thông tin phải cập nhật, lưu trữ nhiều lần;
Hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn xử lý trên giấy, thông tin cập nhật vào phần mềm, luân chuyển giữa các đơn vị mới chỉ cập nhật trích yếu hồ sơ (trừ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4);
Ủy ban nhân dân Thành phố đã triển khai một số Cơ sở dữ liệu, tuy nhiên, vẫn còn rời rạc, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu. Giữa các hệ thống của Trung ương và địa phương chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu. Thiếu các Cơ sở dữ liệu cốt lõi tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử như Cơ sở dữ liệu dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai,...
Người dân, doanh nghiệp chưa tham gia nhiều các dịch vụ chính quyền điện tử do Thành phố cung cấp;
Hệ thống thông tin cung cấp cho người dân, doanh nghiệp chưa thuận tiện, chưa đồng bộ, khó khăn trong việc sử dụng;
Nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị còn kiêm nhiệm, thường xuyên được phân công làm các nhiệm vụ khác nên không tập trung chuyên trách.
Kết luận:
Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nước giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong thời gian qua thành phố Cần Thơ đã triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền hành chính hiện đại phù hợp với Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Trần Kiên
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nước giai đoạn 2011-2020.
- Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.
- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
- Báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Cần Thơ.
- Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích;
- Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.