Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước nói chung phát triển và đem lại một số kết quả nhất định, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cụ thể như số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng, việc duy trì cung cấp dịch vụ công trực tuyến ổn định tại một số Bộ, ngành, địa phương đã thu hút được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin được nâng cấp…. Qua theo dõi, tổng hợp, nghiên cứu đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, nội dung dưới đây chia sẻ một số kết quả điển hình như sau:
Ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/07/2018 ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2019. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng được nâng cao, với số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng tăng, nhất trên các lĩnh vực thuế, hải quan, tư pháp. Tỷ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến ở các bộ, ngành Trung ương đạt khoảng 33.41%; ở địa phương bình quân đạt khoảng 10.78%.
Một số Bộ, ngành, địa phương có số hồ sơ trực tuyến phát sinh nhiều từ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, điển hình là: Bảo hiểm xã hội Việt Nam với gần 200 triệu hồ sơ (mỗi dịch vụ công có trên 80% hồ sơ trực tuyến); Bộ Tài chính trên 20 triệu hồ sơ (mức độ 4 gần 14 nghìn); Bộ Công Thương gần 1,4 triệu hồ sơ; Bộ Ngoại giao trên 800 nghìn hồ sơ; Bộ Thông tin và Truyền thông gần 200 nghìn hồ sơ; thành phố Hà Nội trên 520 nghìn hồ sơ; thành phố Hồ Chí Minh trên 240 nghìn hồ sơ; tỉnh Lâm Đồng trên 110 nghìn hồ sơ; thành phố Đà Nẵng trên 77 nghìn hồ sơ;… Công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính, không phải đi lại, giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, nhiều thủ tục hành chính trước đây doanh nghiệp phải giao dịch trực tiếp với nhiều cơ quan, nay chỉ cần thực hiện với một đầu mối duy nhất. Điển hình như với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất – nhập khẩu khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo Cơ chế một cửa quốc gia, thay vì phải đến nhiều cơ quan để khai báo, xin cấp giấy phép/giấy chứng nhận, các doanh nghiệp chỉ cần khai báo, cung cấp thông tin doanh nghiệp qua một đầu mối là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), các giấy phép, giấy chứng nhận khác liên quan mà doanh nghiệp cần, được thực hiện giữa các Bộ và cơ quan hải quan theo Cơ chế một cửa quốc gia.
Các cơ quan nhà nước đã sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp: Hiện nay cả nước có hơn 11 nghìn hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó số hồ sơ đã tiếp nhận là gần 900 nghìn hồ sơ; số hồ sơ đã trả kết quả giải quyết là trên 10 nghìn hồ sơ, bước đầu đã tạo những chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, tạo tiền đề thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Ngoài các kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn có một số hạn chế như nhiều cơ quan có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhưng không phát sinh hồ sơ trực tuyến, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhiều nhưng số dịch vụ phát sinh trực tuyến rất ít (nhất là tại các địa phương).
Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động trong nội bộ các cơ quan nhà nước
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 100% các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã triển khai tập trung, dùng chung giữa các cơ quan đơn vị thuộc, trực thuộc (đối với các Bộ, ngành), Sở/ngành, quận/huyện, xã/phường (đối với các tỉnh, thành phố), điều này giúp cho việc gửi, nhận văn bản liên thông giữa các cơ quan, đơn vị được thuận lợi. Theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, có 18 Bộ, ngành và 46 tỉnh, thành phố triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung ở các quy mô khác nhau (các Bộ, ngành: các đơn vị thuộc, trực thuộc; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: các sở/ngành, quận/huyện, xã/phường). Đồng thời, để hướng tới sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và tích hợp với hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Hệ thống thư điện tử được các Bộ, ngành, địa phương triển khai, duy trì hoạt động ổn định và cấp hộp thư cho đa số cán bộ, công chức để sử dụng trong công việc. Cụ thể, đối với các Bộ, ngành 98,8% cán bộ, công chức được cấp và thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử; đối với các tỉnh, thành phố tỷ lệ này tương ứng trên 82%.
Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin
Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản như trang bị máy tính làm việc, kết nối mạng LAN, kết nối Internet để phục vụ khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng và trao đổi thông tin tại các cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng nhu cầu, ngày càng được trang bị, bổ sung và duy trì hoạt động ổn định. Tỷ lệ trang bị máy tính cho cán bộ, công chức tại các cơ quan tuyến quận/huyện, xã/phường năm sau tăng hơn năm trước.
Hệ thống mạng diện rộng WAN tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương triển khai, duy trì hoạt động, mở rộng kết nối tới các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc phục vụ nhu cầu kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Trên 95% cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành và gần 80% các cơ quan, đơn vị cấp sở/ngành, quận/huyện được kết nối vào mạng diện rộng WAN.
Trung tâm dữ liệu, trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai tập trung, quản trị, duy trì các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng hiệu quả. Trung bình gần 95% các Bộ, ngành (18 Bộ); trên 85% các tỉnh/thành phố (54 tỉnh, thành phố) đã xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung ở các quy mô khác nhau. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã bước đầu triển khai ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong quá trình triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (như điện toán đám mây,...).
Ngoài các kết quả đạt được nêu trên, hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin tại một số địa phương, nhất là tuyến huyện, xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp kịp thời; năng lực hệ thống nhiều nơi hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu trong tương lai nếu không kịp đầu tư, nâng cấp, trang thiết bị yêu cầu năng lực xử lý mạnh hơn.
Nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin
Đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước đa phần có trình độ đại học trở lên (các Bộ, ngành trên 90%; các tỉnh, thành phố trên 88%) và thường xuyên được các cơ quan quản lý tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập huấn. Hiện nay, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương. Nhân lực khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng tại các Bộ, ngành, địa phương cơ bản có kỹ năng sử dụng, thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc (trung bình trên 98%).
Tuy nhiên, với nhu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay và xu hướng triển khai mạnh mẽ hơn trong những năm tới, nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay còn hạn chế, nhất là tại các quận/huyện, trung bình chỉ đạt 2,1 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trên 01 quận/huyện, trong khi phải triển khai ứng dụng, hướng dẫn triển khai tới cả cấp xã/phường. Nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin giữa các địa phương trên cả nước còn có sự chênh lệch cao giữa các địa phương, nhất là các đô thị, thành phố với các huyện, thị trấn, xã, phường tại các tỉnh trung du, miền núi, ... điều này tác động trực tiếp tới hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước.
Công tác xây dựng, ban hành chính sách, quy định về ứng dụng công nghệ thông tin
Hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành và hướng dẫn triển khai để thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015) và Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, cụ thể như Thông tư số 02/2017/TT-BTTTT ngày 04/4/2017 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (QCVN 109:2017/BTTTT), Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 quy định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước,… Hoạt động xây dựng, ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử (cấp Bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử (cấp Tỉnh) tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đôn đốc xây dựng, kết quả đến nay 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử, trong đó 57 tỉnh, thành phố đã ban hành. Các quy định, hướng dẫn trên hướng tới hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho triển khai ứng dụng công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước, hướng tới triển khai đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực xây dựng, ban hành các quy định, quy chế tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương như Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin , quy định khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử, quy định sử dụng chữ ký số chuyên dùng, quy chế đảm bảo an toàn thông tin, quy định cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến,… Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chậm hoặc chưa xây dựng các văn bản pháp luật để tạo thuận lợi cho hoạt động triển khai, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin.
Kết luận:
Với các kết quả đạt được nêu trên hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại tại các cơ quan nhà nước trong năm qua đã có những kết quả góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tăng tính công khai thông tin hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân được cải thiện, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020. Để xây dựng nền hành chính hiện đại, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, tích cực, ưu tiên nguồn lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Trần Kiên
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nước giai đoạn 2011-2020.
- Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020.
- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
- Quyết định số 877/QĐ-TTg 18/07/2018 ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2019.
- Báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước các bộ, ngành, địa phương;