Đang xử lý.....

Ứng dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain trong ngành giáo dục – đào tạo  

Chuối khối (blockchain) là một chuỗi các khối thông tin dưới dạng số được liên kết với nhau. Các khối thông tin số này được lưu trữ một cách phân tán tại các máy tính trên toàn cầu...
Chủ Nhật, 23/12/2018 5503
|

Thông tin một khi đã được ghi vào khối thì không thể sửa đổi được. Do vậy, chuỗi khối có thể được xem như một công cụ lưu trữ thông tin hiệu quả, minh bạch. Công nghệ chuỗi khối blockchain lưu trữ bản sao thông tin tại mọi nút (máy tính tham gia vào hệ thống), và vì vậy rất khó để bất cứ ai thay đổi, giả mạo thông tin được lưu trữ. Việc tìm kiếm, truy xuất thông tin cũng được thuận tiện, dễ dàng hơn. Đối với giáo dục – đào tạo, nền tảng công nghệ blockchain cũng đem lại tiềm năng ứng dụng như đối với các ngành nghề khác.

Trong lĩnh vực giáo dục, thông tin về đối tượng đào tạo như bảng điểm và thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên thường được lưu trữ dưới dạng bản giấy hoặc tại các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thiết lập tại chỗ. Các hình thức này có nhược điểm là thường khó bảo đảm an toàn, nội dung chính xác trong thời gian dài, ví dụ, bản giấy có thể bị phá huỷ, thất lạc do thiên tai như lụt lội hoặc hoả hoạn. Các máy chủ cơ sở dữ liệu có thể là đích ngắm của tin tặc nhằm lấy cắp thông tin, phá huỷ dữ liệu.

Tác động của blockchain đối với giáo dục

Ứng dụng blockchain vào giáo dục có thể mang lại nhiều tác động. Thông tin lưu trữ trên chuỗi khối không chỉ là dữ liệu bảng điểm mà còn cả quá trình đào tạo, kinh nghiệm thực tế, lịch sử tuyển dụng của từng cá nhân. Trong thực tế, khi đăng ký tuyển dụng hoặc xin học bổng nhiều, thường xuyên xảy ra tình huống ứng viên đã cung cấp thông tin của mình không chính xác, đa phần là kê khai thông tin cao hơn so với năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tế bản thân nhằm đáp ứng đủ điều kiện xét/thi tuyển.

Ngoài ra, blockchain còn có thể được ứng dụng để thực thi tự động các điều khoản trong quy chế đào tạo thông qua hình thức hợp đồng thông minh của blockchain. Hợp đồng thông minh giúp xử lý vấn đề “không giữ lời hứa”. Trong hợp đồng truyền thống, hai hoặc nhiều hơn các bên đồng ý trên một điều kiện nào đó, nếu đáp ứng sẽ thực thi một việc. Tuy nhiên, khi điều kiện đó được thoả mãn, không loại trừ bên liên quan không triển khai thực hiện việc đã thoả thuận. Nhiều khi các bên lại phải viện dẫn đến hội đồng/toà án để phân xử. Khác biệt với hợp đồng truyền thống, trong hợp đồng thông minh, một khi điều kiện được đáp ứng, việc đã thoả thuận được tự động kích hoạt mà không một bên nào có thể tác động cản trở, ngăn chặn để hợp đồng không thực hiện được. Ví dụ nếu sinh viên vi phạm một số điều trong nội quy, hệ thống sẽ ghi nhận và ban hành các biện pháp kỷ luật mà không có trường hợp ngoại lệ. Hoặc trong việc đánh giá chất lượng giảng dạy, nếu đa số sinh viên có ý kiến đánh giá môn học không mang lại kiến thức thiết yếu, thì môn học đó sẽ được tổ chức, cải tiến lại hoặc sinh viên tham gia môn học đó sẽ được đăng ký học môn học khác mà không phải nộp thêm tiền học phí.

Blockchain cũng cung cấp một cách thức đơn giản, bảo mật để đánh giá năng lực của một cá nhân dựa trên các yêu cầu tuyển sinh đầu vào. Cách thức này về cơ bản đều được nhà tuyển sinh lẫn ứng viên đăng ký tuyển sinh đồng ý áp dụng do đặc điểm bảo mật của nó. Do blockchain là các cuốn sổ cái miễn nhiễm với sự thay đổi, vì vậy sẽ rất khó để giả mạo thông tin, ví dụ như ứng viên tuyển sinh khai đã tham gia một khoá học nhưng thực tế lại không như vậy; các nhà tuyển sinh sẽ dễ dàng xác thực được thông tin này qua công nghệ blockchain. Trong việc tuyển dụng giáo viên, blockchain cũng là công cụ cho phép tính minh bạch để lựa chọn giáo viên trong các trường học, nhằm bảo đảm rằng giáo viên sẽ được lựa chọn phù hợp với tính chất, nội dung môn học cũng như cung cấp một danh sách các môn học phù hợp với năng lực, phẩm chất của mỗi giáo viên.

Blockchain cũng có thể ứng dụng để tạo ra một cơ sở dữ liệu bảo mật về dữ liệu học tập và điểm số cho các hệ thống học trực tuyến. Phụ huynh học viên đã đặt câu hỏi về tính bảo mật các hệ thống trực tuyến này. Họ muốn có chức năng tìm kiếm thông tin về con cái mình tham gia các khoá học và thông tin về các giảng viên giảng dạy các khoá học đó. Thông tin này được dùng để đánh giá học viên, xem xét có đủ điều kiện để tham gia các khoá học tiếp theo hay không. Vậy nếu các thông tin này bị tấn công, làm giả mạo (bởi vì chúng được lưu trữ trên các máy chủ tập trung)? Công nghệ chuỗi khối sẽ cho phép bảo đảm an toàn thông tin đối với đủ mọi loại đối tượng từ học viên, cha mẹ, giáo viên đến các trường học, doanh nghiệp. Cũng cần lưu ý rằng việc học sẽ còn tiếp diễn sau khi ra trường. Các doanh nghiệp cũng đầu tư khá nhiều trong việc đào tạo người lao động. Công nghệ blockchain cho phép tạo ra giải pháp cân bằng giữa quá trình, nội dung đào tạo, chi phí và thời gian đào tạo.

Kinh nghiệm quốc tế ứng dụng blockchain trong giáo dục

Nhiều trường đại học trên thế giới đã bắt đầu triển khai công nghệ blockchain để theo dõi và lưu trữ bảng điểm và bằng cấp của sinh viên và thông tin của các đơn vị đào tạo. Ví dụ có thể kể tới là dự án “Blockcerts” do Phòng nghiên cứu truyền thông MIT thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ phát triển vào năm 2017; Blockcerts cung cấp bằng chứng nhận cho các học viên hoàn thành một số chương trình của MIT dưới dạng số hóa trên nền bảo mật của blockchain. Trường đại học Nicosia của Cộng hòa Síp cung cấp thông tin xác thực đầy đủ cho toàn bộ chương trình của họ trên nền tảng công nghệ blockchain. Hay như cơ sở đào tạo toàn cầu của Sony (Sony Global Education) đã công bố việc phát triển chuỗi khối mới để lưu trữ các bản ghi thông tin học tập.

Xu hướng nghiên cứu, triển khai công nghệ blockchain trong lưu trữ bảng điểm và đánh giá học sinh trong giáo dục phổ thông cũng nhận được nhiều quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Công ty Learning is Earning đã đưa ra một phát kiến về “edublock”, các khối dữ liệu về giáo dục gồm các thông tin về lịch sử học tập của cá nhân, các môn học, bài giảng, chủ đề, … mà cá nhân đó đã từng tham gia và kết quả, điểm số học tập của họ. Các khối edublock này được thu thập bởi các học viện, các trung tâm cộng đồng, … để xem xét cá nhân/ứng viên có phù hợp với công việc giảng dạy hay không, từ đó đưa ra quyết định mời cá nhân đó làm việc cho họ. Phát kiến về edublock được đánh giá có tiềm năng rất lớn, nếu dự án thành công sẽ mang lại tác động to lớn cho ngành giáo dục – đào tạo toàn cầu, và chính con người sẽ có thể sử dụng học vấn của mình làm token (thẻ xác thực) trong thế giới số.

Blockchain như một hệ thống quản lý mức độ đánh giá sự uy tín trong nghiên cứu khoa học. Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, việc công bố một công trình nghiên cứu khoa học chưa đủ để đánh giá chất lượng nghiên cứu, mà còn phụ thuộc vào số lượng trích dẫn. Nhà khoa học sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến và tuyển dụng nếu công trình của họ được trích dẫn nhiều lần và đánh giá cao bởi các nhà chuyên môn có uy tín. Ví dụ, trường đại học sẽ kéo dài thời gian cấp học bổng cho nghiên cứu viên nếu quá trình nghiên cứu của người đó đạt kết quả tốt. Thử xem xét tình huống công nghệ chuỗi khối được áp dụng để lưu trữ thành tích khoa học của nhà khoa học trong một nhóm các cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở đào tạo sẽ được cung cấp một chỉ số uy tín (dựa trên mức độ uy tín – theo các bảng đánh giá như Đánh giá xếp hạng toàn cầu về các trường đại học). Mỗi nhà khoa học và cơ sở đào tạo sẽ có chỉ số uy tín lưu trữ trên chuỗi khối đào tạo toàn cầu (universal educational blockchain).

Khi đó, mỗi nhà khoa học hoặc cơ sở đào tạo đều có thể thực hiện giao dịch về uy tín. Ví dụ khi cơ sở đào tạo trao giải thưởng về nghiên cứu hoặc công nhận bằng cấp cho nhà khoa học, thì tương ứng với việc chuyển một phần chỉ số uy tín của mình sang cho nhà khoa học. Trường hợp nhà khoa học khi giảng dạy có thể chuyển chỉ số uy tín của mình sang học viên khi hoàn thành tốt khóa học. Cơ chế hợp đồng thông minh cho phép chi trả chỉ số uy tín khi thực hiện trích dẫn từng phần các kết quả nghiên cứu. Bất cứ ai cũng có thể đăng các thông tin trí tuệ trên chuỗi khối giáo dục và nếu thông tin trí tuệ này được trích dẫn hoặc xác nhận đồng nghĩa với người đó sẽ nhận được các chỉ số uy tín từ người trích dẫn/xác nhận.

Tiềm năng ứng dụng blockchain trong giáo dục - đào tạo của Việt Nam

Trong những năm gần đây, giáo dục – đào tạo luôn là chủ đề nóng hổi được trao đổi trong những diễn đàn về cải cách giáo dục, và đặc biệt trong những phiên Đại biểu quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, giáo dục – đào tạo được đặt rất nhiều câu hỏi đòi hỏi Chính phủ đưa ra những phương án giải quyết kịp thời. Những vấn đề trong ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam gặp phải gồm:

(1) Tỷ lệ thất nghiệp cao, sinh viên ra trường ngày một tăng tuy nhiên khó khăn trong tìm kiếm công việc;

(2) Thiếu minh bạch trong hệ thống thi cử, điển hình là những vụ gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018;

(3) Năng lực của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra còn có một số vấn đề khác nữa, nhưng trong bài viết này tác giả tập trung vào 03 nhóm vấn đề trên, bởi mối liên quan với ứng dụng công nghệ blockchain giúp cải thiện, tháo gỡ các vấn đề này.

(1) Blockchain giúp quản lý quá trình đào tạo

Với mỗi học sinh/sinh viên, toàn bộ các thông tin về quá trình đào tạo của mình sẽ được lưu trữ trên hệ thống blockchain, quản lý từ bảng điểm, thành tích, kết quả các kỳ thi. Các dữ liệu thông tin này được lưu trữ an toàn, chuẩn xác và có thể là vĩnh viễn. Đối với các nhà tuyển dụng, họ chỉ cần truy cập và xác minh dữ liệu thông tin về ứng viên trên hệ thống, công việc tuyển dụng sẽ rất dễ dàng; thậm chí một số công ty headhunter (các công ty nhân sự chuyên đi săn tìm các ứng viên tiềm năng theo yêu cầu của các công ty khách hàng) cũng có thể sử dụng dữ liệu được công khai trên hệ thống này để “săn tìm” những ứng viên phù hợp. Điều này cho thấy blockchain có khả năng giúp kết nối giữa các nhà tuyển dụng và các sinh viên ra trường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của nước ta.

(2) Để giải quyết sự thiếu minh bạch trong hệ thống thi cử, điều này hoàn toàn nằm trong khả năng ứng dụng của blockchain đã được nhiều chuyên gia nhận định từ trước tới giờ. Với cơ chế chống thay đổi thông tin, dữ liệu của blockchain, thì việc sửa điểm hay gian lận thi cử dường như đã có giải pháp cụ thể.

(3) Cơ chế hợp đồng thông minh của blockchain cho thấy khả năng ứng dụng giúp nhà trường đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên đang làm việc, từ đó đưa ra những phương án cải cách phù hợp.

Tuy blockchain chính bản thân nó đã chứng minh được tiềm năng ứng dụng vào ngành giáo dục - đào tạo, nhưng tại Việt Nam, hiện chưa có đơn vị nào có những dự án thử nghiệm ứng dụng blockchain vào hoạt động giáo dục - đào tạo. Hàng năm, ngân sách nhà nước dành khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động chi cho giáo dục, đào tạo (theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội). Điều này cho thấy mối quan tâm hàng đầu của nước ta cho giáo dục, đào tạo và phát triển con người. Do vậy, ngành giáo dục của nước ta hoàn toàn có nguồn lực và cơ hội để ứng dụng những công nghệ cao phục vụ cải tiến, giúp thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đỗ Thị Thảo Hiền

Tài liệu tham khảo:

Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

https://en.wikipedia.org/wiki/Blockchain

https://blockgeeks.com/

https://www.blockcerts.org/