Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các chính phủ sử dụng ngày càng nhiều các hệ thống thông tin trên máy vi tính để theo dõi và ra quyết định. Công nghệ thông tin và truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu chiến lược cho một chính phủ hiệu quả hơn. Chính phủ điện tử đề cập đến việc các chính phủ sử dụng các nguồn tài nguyên công nghệ hiện đại như Internet, điện thoại di động... để cải thiện các dịch vụ công được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp bằng cách cung cấp các dịch vụ công trên Internet. Ngày nay, dữ liệu lớn là một xu hướng mới trong môi trường Chính phủ điện tử khi các chính phủ đang tạo ra và lưu trữ một số lượng lớn dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc ở các định dạng khác nhau. Bằng cách sử dụng dữ liệu lớn, các chính phủ có thể cải thiện mạnh mẽ việc ra quyết định dựa trên nhiều thông tin có sẵn hơn và các kỹ thuật phân tích được sử dụng để có thông tin chi tiết nhanh hơn từ việc xử lý dữ liệu trong thời gian thực [1]. Bài viết này sẽ trình bày về tiềm năng triển khai dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử của An-ba-ni và một số ứng dụng dữ liệu lớn cho Chính phủ điện tử ở Nê-pan cùng một số thách thức của dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử Nê-pan.
Chính phủ điện tử An-ba-ni và tiềm năng sử dụng dữ liệu lớn [1]
Cổng thông tin chính phủ của An-ba-ni (e-albania.al) được phát triển và quản lý bởi Cơ quan xã hội thông tin quốc gia (NAIS) như một cổng đa chức năng và nó được coi là “một điểm truy cập duy nhất - One Stop Shop (OSS)” nơi người dân và doanh nghiệp truy cập các dịch vụ điện tử công. Cổng thông tin cung cấp dịch vụ 24 giờ, 7 ngày một tuần. Cổng này bắt đầu được đầu tư bởi Liên minh châu Âu vào năm 2009. Ở giai đoạn đầu, Cổng thông tin rất đơn giản chỉ bao gồm 6 dịch vụ điện tử và 4 hệ thống liên kết với nền tảng liên thông của chính phủ. Cổng cũng được liên kết với Nền tảng liên thông của Chính phủ. Nền tảng này là kiến trúc cơ bản kết hợp phần cứng, phần mềm và dịch vụ cho phép tương tác giữa tất cả các hệ thống được kết nối của các cơ quan chính phủ.
Cổng thông tin điện tử e-Albania đã có hơn 571 dịch vụ do các cơ quan chính phủ hiện đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp qua các hệ thống trực tuyến khác nhau.
Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018, có tổng cộng 114.000 người dùng mới đã được đăng ký, cho thấy một xu hướng tích cực. Đây không chỉ là một con số, mà là một chỉ báo rõ ràng phản ánh tính hữu ích của nhiều dịch vụ điện tử mà các cơ quan chính phủ của An-ba-ni cung cấp qua Internet cho người dân và doanh nghiệp. E-Albania cũng đang cung cấp hàng trăm dịch vụ điện tử cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ như chứng nhận và thẻ y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân bằng việc tiết kiệm cho họ chi phí và thời gian. Nhiều cơ quan công quyền chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ trực tuyến này tương tác và trao đổi dữ liệu thời gian thực giữa các dịch vụ bằng cách sử dụng khung liên thông. Trong giai đoạn 2016 - 2017, hơn 50 triệu giao dịch đã được ghi nhận giữa các hệ thống liên kết với nhau. Sự tồn tại của nền tảng này là lý do tại sao ngày nay tại An-ba-ni 30 tài liệu khác nhau được trang bị con dấu số có thể tải trực tiếp từ Cổng thông tin điện tử e-Albania. Sự phát triển này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm các tài liệu giấy.
Trong tháng 5 năm 2018, Cổng e-Albania đã có 25.403 người sử dụng mới đăng ký và hơn một nửa trong số đó đang sử dụng các ứng dụng di động. Tổng số dịch vụ điện tử được cung cấp cho họ là hơn 300.000.
Việc truy cập vào nền tảng e-Albania tạo ra khối lượng lớn dữ liệu và thu thập được nhiều dữ liệu khác nhau như thời gian trên trang, tần suất truy cập, số giao dịch hoàn thành cho mỗi lượt truy cập, vị trí người dùng... Phân tích thông tin này bằng cách sử dụng các công cụ phân tích trang web, các nhà hoạch định chính sách có thể phát triển các số liệu để theo dõi hiệu quả của nền tảng e-Albania.
Luật số 10325, ngày 23 tháng 9 năm 2010 về cơ sở dữ liệu nhà nước của An-ba-ni đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho trao đổi thông tin giữa các cơ quan chính phủ khác nhau. Tuy nhiên, việc thực hiện trao đổi thông tin trong thực tế đòi hỏi phải quy định các dịch vụ thông tin được cung cấp với sự trợ giúp của cơ sở dữ liệu nhà nước. An-ba-ni có tổng cộng 74 cơ sở dữ liệu nhà nước, trong đó 45 cơ sở dữ liệu đã được đăng ký là cơ sở dữ liệu nhà nước và các cơ sở dữ liệu khác đang được xử lý. Mặc dù nhiều cơ quan chính phủ ở An-ba-ni đã số hóa hệ thống của họ nhưng trong nhiều trường hợp các hệ thống này đã được phát triển mà không có chiến lược truyền thông với mục đích duy nhất là đáp ứng nhu cầu thông tin nội bộ. Các chuyển đổi công nghệ hiện tại và nhu cầu về thông tin nhanh chóng, chính xác, minh bạch và cập nhật cho người dân và doanh nghiệp, yêu cầu các hệ thống này tương tác với nhau để chia sẻ một khối lượng lớn dữ liệu. Tất cả phần dữ liệu của Chính phủ điện tử không thể được xử lý bằng các phương pháp phân tích truyền thống vì đặc điểm, khối lượng lớn, tốc độ xử lý và tính đa dạng của chúng.
Hiện tại, An-ba-ni chưa có sáng kiến nào cho việc sử dụng dữ liệu lớn và chưa có công nghệ nào được phát triển để đáp ứng các khả năng dữ liệu lớn này cũng như chưa sử dụng dữ liệu lớn để giúp đưa ra quyết định đúng dựa trên việc phân tích và bảo đảm chất lượng dữ liệu. Chính phủ An-ba-ni nên thực hiện kiểm kê dữ liệu, chiến lược liên kết dữ liệu đến từ các hệ thống khác nhau và chuẩn bị các chiến lược, kế hoạch trước khi triển khai dữ liệu lớn. Các nhà hoạch định chính sách ở An-ba-ni nên coi dữ liệu lớn là một bước để chuyển sang phát triển chính phủ thông minh.
Một số ứng dụng dữ liệu lớn cho Chính phủ điện tử ở Nê-pan [2]
Nê-pan đang chuyển đổi hệ thống chính phủ sang hệ thống số. Chính phủ Nê-pan đang khuyến khích sự tăng trưởng chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông bằng việc kết hợp một số dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Công nghệ dữ liệu lớn có thể được áp dụng để giải quyết nhiều vấn đề phải đối mặt trong khu vực Chính phủ điện tử ở Nê-pan.
Ứng dụng dữ liệu lớn đầu tiên là thẻ nhận dạng công dân duy nhất cho mỗi người dân. Thẻ này có thể lưu giữ khóa để xác minh cho nhiều mục đích như hộ chiếu, thuế, giấy phép và phân phối lợi ích cho người dân. Việc xác minh này có thể được hợp nhất để các thông tin giống nhau như hình ảnh, số công dân, địa chỉ và hồ sơ cá nhân khác có thể được chia sẻ dưới dạng một nguồn duy nhất thay vì phải nhập cùng một thông tin nhiều lần. Nê-pan cũng có thể sử dụng số nhận dạng công dân duy nhất để kiểm soát và theo dõi thuế. Với việc áp dụng công nghệ dữ liệu lớn ở Nê-pan, việc trốn thuế và gian lận thuế sẽ được giảm thiểu khi hợp nhất thành một hệ thống. Các thảm họa như lũ lụt, động đất và lở đất là hiện tượng tự nhiên phổ biến ở Nê-pan. Nê-pan có thể áp dụng dữ liệu lớn và các phương pháp khoa học dữ liệu để trích xuất các mẫu từ dữ liệu thiên tai, cung cấp thông tin chi tiết để hiểu được tác động đến kinh tế và con người. Một ứng dụng dữ liệu lớn khác có thể được sử dụng ở Nê-pan là du lịch. Cơ sở dữ liệu du lịch và hệ thống theo dõi bằng điện thoại di động có thể được sử dụng để hiểu toàn bộ “bức tranh” của ngành du lịch. Thông tin khách sạn, điểm đến ưa thích, nghiên cứu mạng xã hội của khách du lịch, báo cáo thời tiết, các tuyến đường ưa thích để đi lại, an ninh có thể được cải thiện với các phân tích dữ liệu lớn.
Một số thách thức của dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử Nê-pan gồm có:
- Chưa được số hóa: Các tệp dữ liệu lịch sử rất cần thiết trong việc phân tích. Ở Nêpan, một khối lượng lớn dữ liệu vẫn ở dạng tài liệu giấy; số hóa được là một thách thức lớn. Việc này có thể cần chi phí lớn để số hóa và hệ thống hóa dữ liệu. Các nhân viên trước đây vẫn làm việc với giấy tờ có thể không chấp nhận được cách làm việc mới. Một thách thức khác nữa là nỗ lực và theo dõi liên tục của hệ thống số hóa tài liệu. Nếu không được theo dõi chặt chẽ, các thủ tục sẽ bị gác sang một bên và quy trình làm việc trên giấy tờ sẽ được tiếp tục trở lại.
- Cộng tác của dữ liệu: Dữ liệu chính phủ là chung và có giá trị tương quan chéo với một vài dữ liệu chính phủ khác. Sự cộng tác như vậy phải được nghĩ đến từ lúc bắt đầu lập kế hoạch dự án dữ liệu lớn cho Chính phủ điện tử. Nhiều cơ quan chính phủ sẽ không chắc chắn hoặc thậm chí không tự nguyện tích hợp dữ liệu. Vì vậy, các nhân viên của cơ quan chính phủ phải được tập huấn về lợi ích của dự án và sự hỗ trợ liên tục của họ. Sự tự nguyện cộng tác kịp thời giữa các cơ quan thuộc khu vực chính phủ phải được chấp nhận và việc chia sẻ dữ liệu phải được hình dung chính xác ngay từ khi bắt đầu thiết kế dự án..
- Làm sạch dữ liệu: Dữ liệu được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau có thể bị sao chép hoặc thậm chí không tương xứng. Các phân tích và báo cáo sẽ thay đổi so với ý nghĩa và cách hiểu thật sự nếu như các thuộc tính bị hiểu sai. Việc làm sạch dữ liệu cần có sự hiểu biết tốt và phải được xử lý một cách thận trọng.
- Tin tưởng: Sự tin tưởng trong hệ thống nằm ở những giá trị nào được tạo ra cho người sử dụng. Sự tin tưởng cũng phụ thuộc vào các cập nhật mới nhất, dữ liệu sạch và tin cậy, dữ liệu có ích. Sự sẵn sàng của hệ thống phải rất cao. Sự tin tưởng và thường xuyên sử dụng phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng dễ dàng. Mức độ của sự tin tưởng để sử dụng phụ thuộc vào độ tin cậy và sự hữu ích của dữ liệu. Các lỗi dữ liệu giống như không nhất quán, trùng lặp hoặc mất sẽ tạo ra sự nghi ngờ của người sử dụng. Nếu người dân không hiểu phải sử dụng như thế nào thì sẽ trở thành một thách thức đối với tính bền vững của hệ thống. Cách sử dụng có thể được tăng thêm với việc áp dụng công nghệ điện thoại thông minh. Sự tin tưởng của dữ liệu cũng liên quan đến thông tin cá nhân bị theo dõi. Để tăng độ tiện lợi, cơ chế phản hồi từ người sử dụng phải là một phần trong quá trình theo dõi và hoạt động của hệ thống. Yêu cầu mới hơn có thể thu hút người dân từ việc sử dụng hệ thống. Do đó, việc khảo sát và sự hiểu nhau phải là một quy trình liên tục cho tính bền vững của ứng dụng dữ liệu lớn Chính phủ điện tử.
- Quyền sở hữu: Khi ứng dụng dữ liệu lớn tăng lên, giá trị dữ liệu sẽ được tìm thấy ngày càng nhiều hơn với việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu nhiều hơn. Vấn đề quyền sở hữu phải được xét đến với độ nhạy cảm cao. Sự quan trọng của vấn đề này sẽ được chú ý khi quyền riêng tư của dữ liệu được xét đến. Một số cơ quan coi nhẹ vấn đề này khi chia sẻ dữ liệu và đây là nguyên nhân làm lộ dữ liệu riêng tư. Quyền sở hữu và cách thức sử dụng dữ liệu phải được tuyên bố rõ ràng trong việc chia sẻ các tài liệu cấp phép dữ liệu. Kiểm soát việc sử dụng lại dữ liệu có thể khó khăn nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ lúc thu thập. Lúc thu thập dữ liệu phải cẩn thận khi truyền lại dữ liệu cho các bên khác.
- Trách nhiệm: Việc tuyển dụng và duy trì đội ngũ kỹ thuật cũng sẽ rơi vào các ưu tiên cao hơn. Quyền sở hữu và trách nhiệm của công nghệ phải được vạch ra để cung cấp dịch vụ thời gian dài. Sẽ có yêu cầu nâng cấp hoặc thậm chí thay thế các mô-đun công nghệ theo thời gian. Ở đây, công nghệ trở nên quan trọng để thiết kế dự án, lưu ý đến tính bền vững trong thời gian dài của việc cung cấp dịch vụ. Các bộ phận xử lý công nghệ phải được thành lập vào lúc bắt đầu phân tích yêu cầu và tiếp tục xuyên suốt với các chuyên gia kỹ thuật nội bộ và môi trường truyền thông tri thức. Do đó, quyền sở hữu hệ thống và trách nhiệm phải được nêu rõ ràng với việc thiết lập các cơ chế bảo mật, phân tích và giám sát dữ liệu của hệ thống. Tiêu chuẩn hóa các dịch vụ có giám sát thỏa thuận mức dịch vụ (SLA) và các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) phải được lưu giữ khi bắt đầu dự thảo kế hoạch.
- Quyền riêng tư: Việc sử dụng dữ liệu cá nhân là một vấn đề nhạy cảm ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, thông tin cá nhân thường là cần thiết để hiểu các giá trị nghiệp vụ. Thông tin cá nhân có thể bao gồm số điện thoại, tuổi, giới tính, địa chỉ, địa chỉ thư điện tử, thói quen lướt web, thông tin ngân hàng và các mẫu hành vi khác của người sử dụng. Độ nhạy cảm của sự riêng tư phụ thuộc vào quan điểm về sự minh bạch của các nước trong giao dịch của các hoạt động quản trị điện tử.
- Chi phí: Sự do dự của việc chuyển đổi quản trị điện tử với ứng dụng dữ liệu lớn đi kèm với câu hỏi lớn về tài chính cho dự án. Chắc chắn để triển khai một số hệ thống chi phí luôn luôn là vấn đề đầu tiên. Các dự án dữ liệu lớn không được mong đợi là một dự án thành công lớn. Các dự án phải được thiết kế để ghi nhớ những thách thức của dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử. Nhìn vào lợi ích của dự án tổng thể, chi phí cho dự án dữ liệu lớn về phần cứng, phần mềm, cấp phép và hoạt động ít hơn so với phân tích dữ liệu thông thường. Vì phần cứng có khả năng mở rộng cao cho hệ thống dữ liệu lớn nên cần bắt đầu một dự án ở quy mô nhỏ và mở rộng chậm.
- Khoa học dữ liệu: Nhà khoa học dữ liệu đóng vai trò chính đối với sự thành công của các ứng dụng dữ liệu lớn. Kiến thức về hệ thống là điều cần thiết ngay từ khi bắt đầu quy hoạch hệ thống. Các chuyên gia dữ liệu phải có khả năng phân loại những gì là cần thiết và những gì không cần thiết. Các giá trị chỉ có thể được phân tích với quan điểm của chuyên gia và kiến thức dữ liệu sâu sắc. Việc hiểu sai dữ liệu có thể dẫn đến định hướng sai và thậm chí làm cho các dự án trở thành vô ích. Sự bền vững và phát triển việc cung cấp dịch vụ của chính phủ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự thành công của sự tham gia của các chuyên gia nội bộ. Nhà khoa học dữ liệu phải được tạo ra và đào tạo liên tục.
- Dữ liệu mở: Việc bước vào một kỷ nguyên mới của chia sẻ dữ liệu và nền tảng dữ liệu mở trở thành một nguồn chính của hệ thống thông tin chính phủ. Dữ liệu mở được phép truy cập với tính mở của việc sử dụng cho các phân tích. Thông tin được lưu giữ trong nền tảng mở để tạo lợi ích từ việc chia sẻ và hợp tác trong phân tích. Các nhà nghiên cứu sử dụng tốt các thông tin này cho việc phát triển các ứng dụng sáng tạo. Các doanh nghiệp bên thứ ba có thể tận dụng tốt thông tin dữ liệu mở cho việc nâng cao việc kinh doanh của mình. Sự tự nguyện chia sẻ dữ liệu từ các khu vực chính phủ khác nhau cải thiện việc chia sẻ dữ liệu mang tính cộng tác.
Phân tích dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử Ni-giê-ri-a [3]
Ở Ni-giê-ri-a, với khoảng 170 triệu dân, việc thu thập và khai thác dữ liệu là một thách thức đặc biệt với các cơ quan chính phủ liên quan đến việc quản lý và sử dụng dữ liệu cho các mục đích khác nhau. Hầu hết các dữ liệu thu thập được cấu trúc ở dạng tự nhiên và rất phù hợp với các dịch vụ Chính phủ điện tử hiện hành. Tuy nhiên, dữ liệu thu thập chỉ được sử dụng cho mục đích thống kê và không thể cải thiện chất lượng dịch vụ của chính phủ. Lượng dữ liệu khổng lồ này được công nhận là tài sản quốc gia. Số lượng dữ liệu dự kiến sẽ tăng lên khi các công nghệ mới được áp dụng và số lượng dữ liệu có cấu trúc, phi cấu trúc có sẵn từ chính phủ bên ngoài cũng ngày càng tăng. Việc áp dụng phân tích dữ liệu lớn cho tài nguyên đang phát triển này có thể làm tăng giá trị của tài sản này cho chính phủ và người dân. Cần phải có chiến lược công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia để xác định nhu cầu phải có khung phân tích dữ liệu lớn để phát triển hơn nữa khả năng của chính phủ trong phân tích dữ liệu lớn.
Ví dụ đơn giản về việc sử dụng dữ liệu lớn ở Ni-giê-ri-a là trong lĩnh vực viễn thông. Trước khi thực hiện đăng ký SIM, khách hàng thường được phân khúc dựa trên số tiền họ đã chi tiêu trên mạng. Ở một mức độ lớn hơn, việc sử dụng chính các dữ liệu này do các công ty viễn thông tạo ra là trong phân loại khách hàng chính cho việc mở rộng mạng lưới, lập kế hoạch quảng bá hoặc thậm chí là tiếp thị. Nhưng ngay khi các chỉ thị của chính phủ về việc bắt buộc tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện đăng ký SIM cho khách hàng của mình được thông qua thì phần lớn các công ty viễn thông đã di chuyển hệ thống Quản trị quan hệ khách hàng (CRM) của họ sang hệ thống tích hợp phân tích dữ liệu lớn để giúp họ hiểu rõ hơn về khách hàng của mình và lập kế hoạch phân phối dịch vụ hiệu quả. Một ví dụ khác là việc kiểm tra số xác minh ngân hàng của ngành ngân hàng. Đây là một nguồn dữ liệu có cấu trúc khổng lồ khác có thể được sử dụng cho quá trình lập kế hoạch và hoạch định chính sách.
Phân tích dữ liệu lớn đề cập đến việc phân tích dữ liệu được thực hiện sử dụng khối lượng dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu bán cấu trúc, dữ liệu phi cấu trúc hoặc thậm chí dữ liệu không đầy đủ và kích thước (khối lượng) của tập dữ liệu trong phân tích, vận tốc dữ liệu cần phải được phân tích vượt quá khả năng hiện tại của các phương pháp phân tích và các công cụ phân tích thông minh tiêu chuẩn. Với phân tích dữ liệu lớn phù hợp, chính phủ Ni-giê-ri-a có thể cấp quyền cho người dân truy cập dễ dàng vào khối lượng lớn dữ liệu đa dạng. Lợi ích của phân tích dữ liệu lớn với dữ liệu chính phủ là các cộng đồng an toàn hơn, quyết định thông minh hơn, người dân được phục vụ tốt hơn; đây là điều quan trọng ở một quốc gia dân chủ như Ni-giê-ri-a.
Để khai thác hiệu quả những cơ hội trong phân tích dữ liệu lớn và vận hành hiệu quả Chính phủ điện tử, các hướng dẫn sau đây là rất cần thiết để Chính phủ Ni-giê-ri-a làm theo:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể quốc gia về Chính phủ điện tử;
- Xây dựng kế hoạch chiến lược để hướng dẫn các dịch vụ Chính phủ điện tử;
- Cho phép người dân tham gia vào việc thiết kế các dịch vụ Chính phủ điện tử khi hiểu được nhu cầu của tất cả các phân khúc của công chúng thông qua sự tham gia phổ biến;
- Sử dụng các thực tiễn phát triển hệ thống được thiết lập tốt đã được các quốc gia chính phủ điện tử thành công như Hàn Quốc sử dụng;
- Tạo ra một tổ chức học tập nơi nhân viên được khuyến khích tham gia vào việc phát triển và quản lý các dịch vụ Chính phủ điện tử bao gồm quy trình tạo, thu thập và phân tích dữ liệu lớn;
- Phát triển các cơ chế quản trị dữ liệu lớn hiệu quả để phân công vai trò, trách nhiệm quản lý và ra quyết định về các dịch vụ Chính phủ điện tử và phân tích dữ liệu lớn;
- Phát triển khung phân tích dữ liệu lớn với khả năng quản lý tài nguyên; quản lý, tổ chức, phân tích và khai phá dữ liệu; hỗ trợ quyết định và báo cáo trực quan và tập trung vào việc xây dựng một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp để duy trì đầu tư dài hạn vào Chính phủ điện tử, phân tích dữ liệu lớn và phát triển nguồn nhân lực;
- Tạo môi trường thuận lợi cho nghiệp vụ phân tích dữ liệu lớn thông qua khung phân tích dữ liệu lớn quốc gia;
- Cung cấp trải nghiệm an toàn cho người truy cập web bằng cách phát triển các dịch vụ Chính phủ điện tử an toàn, bảo mật dữ liệu và kế hoạch khôi phục thảm họa.
Kết luận
Một thành phần quan trọng của quá trình ra quyết định là thông tin bắt nguồn từ việc tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Sự tăng trưởng theo cấp số nhân và tính sẵn có của dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc là điều làm cho dữ liệu lớn trở nên quan trọng. Tùy thuộc vào mục đích và khối lượng dữ liệu, các chiến lược được triển khai trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu cho các mục tiêu chính sách và lập kế hoạch trong các tổ chức công và tư. Các quốc gia trên toàn thế giới đang cố gắng áp dụng công nghệ dữ liệu lớn trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, phòng chống tội phạm, nông nghiệp, giao thông, giáo dục và phòng chống thiên tai [3].
Xu hướng tiếp theo của Chính phủ điện tử sẽ là phân tích dữ liệu và các chính phủ trên thế giới phải giải quyết các thách thức và tiềm năng của việc sử dụng dữ liệu lớn khi dữ liệu lớn cung cấp giá trị quan trọng để chính phủ trở nên hiệu quả, minh bạch và dân chủ hơn [1]. Mặc dù, việc triển khai dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử ở An-ba-ni, Nê-pan và Ni-giê-ri-a phần lớn vẫn còn ở giai đoạn tiềm năng nhưng đây cũng là những định hướng tốt cho việc sử dụng dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Chẳng hạn việc ứng dụng dữ liệu lớn để triển khai hệ thống theo dõi, đánh giá tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các Cổng dịch vụ công trực tuyến như đề xuất của An-ba-ni. Bên cạnh đó, những thách thức của dữ liệu lớn trong Chính phủ điện tử ở Nê-pan cùng với các khuyến nghị để Chính phủ Ni-giê-ri-a khai thác hiệu quả cơ hội trong phân tích dữ liệu lớn và vận hành hiệu quả Chính phủ điện tử cũng là những vấn đề các cơ quan nhà nước Việt Nam cần quan tâm, xem xét khi có kế hoạch triển khai dữ liệu lớn trong chính phủ điện tử cấp bộ, chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Tài liệu tham khảo
[1] Ogerta Elezaj, Dhimiter Tole, Nevila Baci, “Big Data in e-Government Environments: Albania as a Case Study”, pp. 117-124, Academic Journal of Interdisciplinary Studies, 2018.
[2] Pratima Pradhan, Subarna Shakya “Big Data Challenges for e-Government Services in Nepal”, pp. 216-222, Journal of the Institute of Engineering, 2018.
[3] Salisu kaka, “E-Government Adoption And Framework For Big Data Analytics In Nigeria”, NITDA, 2015.
Phạm Văn Thịnh