Dữ liệu có tiềm năng đóng một vai trò tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng việc biến sáng kiến về dữ liệu thành các kết quả thực tế có thể đo lường được và nhất quán vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khu vực công, vai trò của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang gặp phải những rào cản về mặt công nghệ lạc hậu, thiếu kỹ năng và các trở ngại pháp lý. Một số quốc gia đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường năng lực sử dụng dữ liệu một cách chiến lược để cải thiện việc hoạch định chính sách, cung cấp dịch vụ hoặc quản lý hiệu suất công việc. Các tổ chức tư nhân cũng đã tạo ra những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu vẫn chưa được xem - hoặc có nguồn lực - như một phương tiện cơ bản để tạo ra giá trị công.
Dữ liệu có thể được định nghĩa là mở khi có thể đọc được bằng máy và có thể truy cập thông qua một API. Giá trị của dữ liệu mở công khai nằm trong việc tăng tính minh bạch, cho phép các cơ quan bên trong và bên ngoài tìm ra những cách sử dụng dữ liệu mới có thể mang lại hiệu quả hoặc thậm chí đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Các nỗ lực đã được tiến hành trong một số quốc gia, chẳng hạn như Vương quốc Anh, để chuyển từ dữ liệu công khai sang dữ liệu công khai được liên kết. Việc sử dụng dữ liệu được liên kết sẽ hỗ trợ chia sẻ và tích hợp dữ liệu dễ dàng hơn qua các ranh giới các tổ chức.
Bên cạnh việc chính phủ và doanh nghiệp mở và liên kết dữ liệu công khai, người dân cũng tự thu thập rất nhiều dữ liệu thông qua các cộng đồng trực tuyến của riêng mình. Gartner gọi dữ liệu này là “dữ liệu xã hội” và nó cũng có thể được mở và liên kết, tùy thuộc vào cách các cộng đồng đó cấu trúc dữ liệu như thế nào. Hơn nữa, dữ liệu vận hành thời gian thực đến từ các thiết bị được nhúng trong các quy trình công nghiệp, phương tiện và cơ sở hạ tầng của thành phố, cũng như từ các thiết bị của người sử dụng như điện thoại di động hoặc GPS người sử dụng bổ sung vào dữ liệu mở và dữ liệu xã hội đã góp phần thúc đẩy việc hình thành dữ liệu lớn. Khả năng truy cập dữ liệu này dưới dạng dữ liệu mở có thể tạo ra giá trị thậm chí còn lớn hơn so với việc chỉ đơn giản sử dụng dữ liệu mở của chính phủ.
Bước tiếp theo, đột phá hơn, là coi dữ liệu bị hạn chế của cá nhân và doanh nghiệp cụ thể là dữ liệu mở. Dữ liệu này không dành cho sử dụng công cộng và có nhiều vấn đề về quyền riêng tư, độ nhạy cảm nhưng nó có thể được mô hình hóa thành dữ liệu mở để tạo điều kiện phát triển các ứng dụng chi tiết và nhanh hơn cũng như để trao đổi và phân tích dữ liệu mạch lạc hơn giữa các cơ quan.
Cách tiếp cận này làm phát sinh khái niệm chính phủ lấy dữ liệu làm trung tâm. Lúc này trọng tâm của chính phủ không còn trên các ứng dụng nữa, dữ liệu mới là tài sản chính và xung quanh dữ liệu các ứng dụng được xây dựng.
Theo [3], mô hình trưởng thành chính phủ số của Gartner có 05 mức độ trưởng thành: Mở đầu (Initial), Phát triển (Developing), Xác định (Defined), Quản lý (Managed), Tối ưu hóa (Optimizing). Trong đó, mức độ trưởng thành thứ 3 (Defined) là lấy dữ liệu làm trung tâm. Ở mức độ này, việc tập trung vào dữ liệu trở nên mạnh hơn. Việc sử dụng dữ liệu mạnh mẽ hơn và thông minh hơn cho phép các cơ quan chính phủ trở nên chủ động hơn. Ngày càng nhiều dữ liệu bắt đầu được sử dụng để xây dựng các giải pháp mới cho các vấn đề cũ hoặc khó có khả năng giải quyết trước đây. Các phương pháp được thí điểm thông qua sáng kiến dữ liệu mở công khai được chuyển sang sử dụng dữ liệu nội bộ. Các API Web được xây dựng xung quanh dữ liệu mở bắt đầu hỗ trợ quyền truy cập và kiểm tra các chứng chỉ nhận dạng, cho phép dữ liệu không công khai - bao gồm những dữ liệu được bảo vệ bởi các quy định về quyền riêng tư - được xử lý an toàn như dữ liệu mở. Ở giai đoạn này, tổ chức đã đạt được mức độ trưởng thành tốt trong việc cung cấp và sử dụng dữ liệu mở công khai và bắt đầu áp dụng các nguyên tắc tương tự cho dữ liệu nghiệp vụ, không nhằm mục đích cộng đồng. Việc sử dụng dữ liệu mở thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng kinh doanh sáng tạo và phân tích hiệu quả hơn để hỗ trợ quá trình ra quyết định.
Dựa trên nghiên cứu trước đây về vai trò của dữ liệu trong xã hội và nền kinh tế, tổ chức OECD đã có báo cáo đề xuất một mô hình về ‘khu vực công theo hướng dữ liệu’ (DDPS) nhằm tối đa hóa các cơ hội được cung cấp bởi dữ liệu trong thế kỷ XXI. Nó đề xuất rằng một khu vực công thực sự dựa trên dữ liệu khi:
- Công nhận dữ liệu là một tài sản chiến lược quan trọng có giá trị được xác định và đo lường được sự tác động;
- Phản ánh những nỗ lực tích cực nhằm xóa bỏ các rào cản đối với việc quản lý, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu;
- Ứng dụng dữ liệu để chuyển đổi thiết kế, cung cấp và giám sát các chính sách và dịch vụ công.
- Đánh giá cao những nỗ lực xuất bản dữ liệu một cách công khai cũng như việc sử dụng dữ liệu giữa và trong các tổ chức khu vực công.
Hình 1: Dữ liệu đóng vai trò trung tâm trong phát triển chính phủ số
Báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp tiếp cận toàn chính phủ để phát triển một mô hình quản trị dữ liệu thống nhất và toàn diện giúp các chính phủ cung cấp dịch vụ tốt hơn đồng thời hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy trong việc sử dụng dữ liệu. Nó thực hiện điều này bằng cách đưa ra ba lĩnh vực để thảo luận.
Trước hết, các quốc gia cần phát triển một mô hình toàn diện về quản trị dữ liệu. Báo cáo đề xuất định nghĩa về quản trị dữ liệu, thiết lập mục đích của quản trị dữ liệu và mô tả sự phát triển của khuôn khổ chung để thiết lập quản trị đó. Báo cáo lập luận rằng các quốc gia cần phát triển một cách tiếp cận liên chính phủ, chặt chẽ để quản trị dữ liệu làm nền tảng cho một khu vực công thực sự dựa trên dữ liệu và phản ánh các yếu tố quan trọng để đạt được lợi ích toàn hệ thống trong chính phủ. Các thành phần của khuôn khổ này là:
- Đảm bảo vai trò lãnh đạo và tầm nhìn để đảm bảo định hướng và mục đích chiến lược cho cuộc trò chuyện theo hướng dữ liệu trong toàn bộ khu vực công;
- Khuyến khích việc thực hiện nhất quán khuôn khổ khu vực công dựa trên dữ liệu này trong toàn bộ chính phủ và trong các tổ chức cá nhân;
- Đưa ra hoặc xem xét lại các quy tắc, luật, hướng dẫn và tiêu chuẩn liên quan đến dữ liệu;
- Đảm bảo sự tồn tại của một kiến trúc dữ liệu phản ánh các tiêu chuẩn, khả năng tương tác và ngữ nghĩa trong suốt quá trình tạo, thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu;
- Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu cần thiết để hỗ trợ việc xuất bản, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu.
Thứ hai, các quốc gia có thể ứng dụng dữ liệu để tạo ra giá trị công thông qua ba loại hoạt động:
Dự đoán và lập kế hoạch: sử dụng dữ liệu trong việc thiết kế chính sách, lập kế hoạch can thiệp, dự đoán thay đổi có thể xảy ra và dự báo nhu cầu.
Cung cấp: sử dụng dữ liệu để cung cấp thông tin và cải thiện việc thực hiện chính sách, khả năng đáp ứng của các chính phủ và hoạt động cung cấp dịch vụ công.
Đánh giá và giám sát: việc sử dụng dữ liệu trong việc đo lường tác động, quyết định đánh giá và giám sát hoạt động.
Lĩnh vực thứ ba là vai trò của dữ liệu trong việc tạo lập niềm tin của công chúng. Niềm tin của công chúng đối với chính phủ là một yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc của công dân nhưng lại rất dễ mất hơn là xây dựng được. Cách mà các chính phủ xử lý dữ liệu công dân có thể gây tổn hại đặc biệt đối với niềm tin của người dân. Báo cáo chỉ ra các thách thức đối với chính phủ bao gồm:
- Áp dụng một cách tiếp cận có đạo đức để hướng dẫn việc ra quyết định và cung cấp thông tin cho hoạt động.
- Bảo vệ quyền riêng tư, thúc đẩy tính minh bạch và thiết kế trải nghiệm người dùng giúp công dân hiểu và cho phép hoặc thu hồi sự đồng thuận cho việc sử dụng dữ liệu của họ.
- Hướng tới bảo mật các dịch vụ và dữ liệu của chính phủ nhằm giảm thiểu rủi ro mà không ngăn cản sự chuyển đổi của khu vực công.
Việc sử dụng khung DDPS trong thực tế đã được ba nghiên cứu điển hình được trình bày. Họ chứng minh rằng cách tiếp cận DDPS có thể áp dụng cho các cấp địa phương và cơ quan chính phủ. Các nghiên cứu điển hình này xem xét kinh nghiệm DDPS trong các lĩnh vực về tính liêm chính của khu vực công, việc làm và quản lý công, lập ngân sách và chi tiêu công. Các quốc gia và tổ chức có thể sử dụng khuôn khổ của báo cáo này để đánh giá mức độ sẵn sàng của chính họ đối với việc trở thành một khu vực công dựa vào dữ liệu.
Trần Kiên
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo "The Path to Becoming a Data-Driven Public Sector" của tổ chức OECD. (tại địa chỉ: https://www.oecd-ilibrary.org/sites/059814a7-en/index.html?itemId=/content/publication/059814a7-en)
2. Khuyến nghị về Chiến lược Chính phủ số của OECD, https://legalinstruments.oecd.org/en/instruments/OECD-LEGAL-0406.