Đang xử lý.....

Tối ưu hóa tìm kiếm để nâng cao khả năng truy cập tới thông tin, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước  

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc chuyển tải những nguồn tài nguyên thông tin giữa các cơ quan nhà nước và xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của người dân và đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới...
Chủ Nhật, 05/11/2017 1828
|

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc chuyển tải những nguồn tài nguyên thông tin giữa các cơ quan nhà nước và xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của người dân và đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Sự ra đời của Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/7/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước là một dấu ấn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp . Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam hiện nay, đòi hỏi việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước phải có các định hướng và quy định cụ thể nhằm đáp ứng với sự phát triển của xã hội. Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước ra đời như một yếu tố tất yếu. Tại nghị định này, các hạng mục thông tin bắt buộc phải cung cấp trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (sau đây gọi tắt là Cổng thông tin điện tử) của các cơ quan nhà nước đã được quy định tương đối cụ thể và rõ ràng. Cùng với các quy định về cung cấp thông tin, Nghị định đã quy định về các mức độ của dịch vụ công trực tuyến và việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, các địa phương và các bộ ngành Trung ương đã nhận thấy tầm quan trọng của việc thiết kế và xây dựng riêng cho mình Cổng thông tin điện tử như là một kênh giao tiếp nhằm kết nối giữa các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả, đáp ứng đúng các nhu cầu thông tin và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Theo Báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, 100% các Bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến tại nhiều cơ quan nhà nước hiện nay đang cho thấy một số các vấn đề bất cập làm ảnh hưởng đến khả năng truy cập thuận tiện của người dân và doanh nghiệp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp, hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Một trong các vấn đề làm ảnh hưởng đến sự đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện của người sử dụng đó là khả năng tìm kiếm các thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Hiện nay, người sử dụng mỗi khi truy cập tới Cổng thông tin điện tử của một cơ quan nhà nước để tra cứu, sử dụng các thông tin hoặc dịch vụ công trực tuyến mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm thấy thông tin mà mình mong muốn. Để tìm hiểu kỹ hơn tác giả bài viết trình bày các vấn đề liên quan và đề xuất các giải pháp khắc phục cho vấn đề đó như sau:

1. Xác định vấn đề

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá trực tiếp Cổng thông tin điện tử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 20 Bộ, cơ quan ngang bộ của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2016 cho thấy hầu hết các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước hiện nay chưa thực hiện việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO - search engine optimization) hoặc có nhưng chưa được chú trọng một cách thường xuyên, liên tục.

Trong thời đại bùng nổ thông tin số như hiện nay, Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước không chỉ cần có giao diện đẹp, phong phú về nội dung, mà cần phải có các bộ từ khóa thân thiện với các công cụ tìm kiếm để người dùng có thể dễ dàng tìm thấy các nội dung, dịch vụ mà mình cần tra cứu và sử dụng. Tuy nhiên xét trên góc độ thuận tiện cho người sử dụng, Cổng thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các Bộ, Tỉnh) còn tồn tại nhiều vấn đề từ công tác thiết kế, xây dựng đến công tác duy trì, vận hành cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng truy cập thuận tiện của người sử dụng như đã nêu trên, một trong những nguyên nhân chính là công cụ tìm kiếm trên Cổng thông tin điện tử gần như không phát huy được tác dụng khi người sử dụng muốn tìm kiếm một nội dung thông tin hoặc dịch vụ mà mình quan tâm, mặc dù thông tin hoặc dịch vụ đó đã được đăng tải và vẫn đang tồn tại trên Cổng thông tin điện tử. Hiện nay, Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước có số lượng tin bài, dữ liệu về dịch vụ công ngày một nhiều và phong phú theo từng năm. Tuy nhiên các Bộ, Tỉnh mới chỉ chú trọng đến nội dung thông tin và dịch vụ công mà mình đăng tải, cung cấp mà chưa chú trọng đến việc làm sao để người sử dụng có thể truy cập một cách dễ dàng, thuận tiện. Hầu hết Cổng thông tin điện tử của các Bộ, Tỉnh chưa chú trọng vào việc xây dựng các bộ từ khóa tìm kiếm hoặc có xây dựng bộ từ khóa tìm kiếm cho các mục thông tin và dịch vụ công trực tuyến nhưng chưa được tối ưu một cách khoa học, thường xuyên để hỗ trợ tìm kiếm thông tin, dẫn đến người sử dụng rất khó khăn trong việc xác định các từ khóa để tìm kiếm nội dung thông tin hoặc dịch vụ công mà mình quan tâm thông qua các công cụ tìm kiếm phổ biến trên Internet hiện nay như Google, Yahoo, Bing, ... hay tại chính công cụ tìm kiếm đã được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử. Vậy tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để làm gì và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu việc đó theo hướng dẫn của google trong phần tiếp theo.

2. Hướng dẫn tối ưu hóa công cụ tìm kiếm của Google

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là một tập hợp các phương pháp nhằm nâng cao thứ hạng của website trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm (phổ biến nhất là Google, Bing và Yahoo). Các phương pháp đó bao gồm việc tối ưu hóa website (tác động mã nguồn HTML và nội dung website) và xây dựng các liên kết đến trang để các công cụ tìm kiếm lựa chọn trang web phù hợp nhất phục vụ người dùng trên Internet ứng với một từ khóa cụ thể được người dùng truy vấn.

Công cụ tìm kiếm như Google, Bing … đều giống như các thủ thư trên Internet. Hệ thống này thu thập thông tin về tất cả các trang web trên thế giới nhằm giúp người dùng trên mạng Internet tìm thấy chính xác những gì họ đang tìm kiếm và tất cả công cụ tìm kiếm đều có một thuật toán bí mật để lưu các thông tin, các kết quả tìm kiếm nào thực sự hữu ích.

Khi trang web có thứ hạng cao hơn trong các công cụ tìm kiếm, sẽ giúp người dùng dễ dàng tìm thấy. Chìa khóa để được xếp hạng cao hơn là đảm bảo trang web đó phù hợp với các thuật toán của công cụ tìm kiếm, điều này gọi là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm hay SEO.

Theo đó Google đã hướng dẫn việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm của mình như sau:

URL là viết tắt của từ Uniform Resource Locator, là một tập hợp con của Uniform Resource Identifier (URI) là nơi định một nguồn tài nguyên được xác định là có sẵn và cơ chế để lấy nó. Một URL là văn bản được thiết kế để thay thế những con số (địa chỉ IP) mà máy tính sử dụng để giao tiếp với máy chủ. Nó cũng xác định cấu trúc tập tin trên trang web nhất định. Tối ưu URL sẽ có hữu ích như sau:

- Tối ưu URL sẽ giúp tăng thứ hạng trên bảng SERPs.

- Tối ưu URL sẽ giúp người dùng đọc được URL của bạn, tỷ lệ nhấp chuột sẽ cao hơn.

- Khi URL được tối ưu hóa, người dùng có thể nhớ và gõ lại URL đó nếu họ muốn quay trở lại trang web của bạn.

Đường dẫn website(hay còn gọi là URL) luôn có khả năng đem lại cơ hội cho các công cụ tìm kiếm cũng như người dùng biết đến nội dung trang web. Thật không may nếu như bạn không quan tâm hoặc bỏ qua việc tối ưu các URL này. Đôi khi nếu bạn làm không tốt, một người dùng hay một bộ máy tìm kiếm có thể nghĩ URL này là một nội dung SPAM.

Chỉ sử dụng một URL duy nhất cho tên miền www hoặc non-www

ví dụ:

- www : http://www.thietkewebchuanseo.com

- non-www: /

Redirect 301 domain: www và non-www

Trường hợp sử dụng www

Options +FollowSymLinks

RewriteEngine On

RewriteBase /

RewriteCond %{HTTP_HOST} !^www.domain..com$ [NC]

RewriteRule ^(.*)$ http://www.domain.com/$1 [R=301,L]

Ngoài ra còn có cách viết sau có thể áp dụng cho tất cả các host và domain, không phải edit lại :

Options +FollowSymLinks

RewriteEngine On

RewriteBase /

RewriteCond %{HTTP_HOST} !^www.[a-z-]+.[a-z]{2,6} [NC]

RewriteCond %{HTTP_HOST} ([a-z-]+.[a-z]{2,6})$ [NC]

RewriteRule ^/(.*)$ http://%1/$1 [R=301,L]

Trường hợp không sử dụng www

Options +FollowSymLinks

RewriteEngine On

RewriteBase /

RewriteCond %{HTTP_HOST} !^domain.com$ [NC]

RewriteRule ^(.*)$ http://domain.com/$1 [R=301,L]

Đây là một yếu tố có ảnh hưởng không lớn như Title, Backlink...

Các yếu tố quyết định thành công đến tối ưu hóa website bao gồm:

i) Nên bao gồm một vài từ khóa quan trọng trong URL

Cụ thể, một từ khóa khi đưa vào URL cần khiến người dùng thấy được họ thực sự đang đọc và đang xem vấn đề gì ở nội dung của URL đó. Người dùng sẽ nhìn thấy URL của website trong kết quả tìm kiếm ở phía trên cùng của trình duyệt web của họ tại trang web đó, và họ có thể lưu các URL bất kỳ lúc nào trên trang truy cập đến - giống như trong bookmark, hoặc trong nội dung email. Tối đa nên có ít hơn 5 từ khóa quan trọng trong URL, không nên chất quá nhiều vào một URL.

ii) Kích thước tối đa nên sử dụng cho một URL là 115 ký tự.

Theo nghiên cứu mới nhất thì các URL ngắn được người dùng click nhiều hơn gấp 2 lần so với các URL dài hơn chúng. Một URL ngắn sẽ dễ dàng chia sẻ hơn. Hơn thế nữa, một URL quá dài sẽ được coi như là 1 spam. Một URL dài sẽ chứa nhiều từ khóa, và trọng lượng xếp hạng cho mỗi từ sẽ trở nên mỏng và ít giá trị cho từng từ cụ thể trong search engine.

iii) Không nên sử dụng quá nhiều tham số trong truy vấn URL của trang web

Trong một URL, các ký tự ? hay & được coi là một tham số. Ví dụ cho một URL kém thông minh dạng như:

http://www.example.com/product?id=1234567&foo=abc123def&color=yellow&sort=price.

Quá nhiều tham số trong URL có thể gây ra tình trạng overload cho các robot trong khi làm việc thu thập dữ liệu. Vì vậy hãy cân nhắc trong khi truyền tham số cho URL.

iv) Sử dụng dấu gạch ngang (-) thay vì dấu gạch chân (_) trong URL

Theo nghiên cứu mới nhất thì các Search Engine hiểu _ là nhấn mạnh một từ. Tuy nhiên dấu gạch ngang (-) được xem như là không gian tách biệt 2 từ. Dấu gạch ngang tốt hơn cho SEO vì chúng cho phép công cụ tìm kiếm tách biệt và phân loại các từ khóa liên quan.

v) Giữ cho URL không đi sâu quá 3 thư mục con

Thư mục con là thư mục có thể nhìn thấy trong một URL giữa hai dấu gạch chéo(/). Ví dụ: http://www.example.com/articles/foo/page-name.htm có thể coi là 1 URL với 2 thư mục con là articles và foo.

vi) Hạn chế sử dụng có dấu trong URL hoặc các ký tự đặc biệt như dấu cách, #, ^, !, …vv

Loại bỏ toàn bộ các ký tự đặc biệt trong URL để tránh rườm rà và tạo độ dài không cần thiết.

vii) URL phân biệt chữ hóa, chữ thường

Cách tốt nhất cho một URL là viết thường toàn bộ, như vậy sẽ đồng nhất và không bị trùng lặp.

viii) Loại bỏ từ không cần thiết

Cố gắng tối ưu độ dài của 1 URL đến hết mức có thể. Bạn có thể bỏ qua các từ như: và, hoặc, là, ...v..v.. để tập trung vào các từ khóa chính.

Ví dụ: example.com/5-toi-uu-duong-dan-url-website.html sẽ được tối ưu hơn là example.com/5-cach-toi-uu-duong-dan-url-cho-website-cua-ban.html.

3. Bàn luận và kiến nghị

Từ phân tích hiện trạng các vấn đề tồn tại trong việc tra cứu thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, tác giả bài viết đã giới thiệu tổng quan hướng dẫn tối ưu hóa công cụ tìm kiếm của google - một trong những nhà cung cấp công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới hiện nay trên mạng Internet. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức có thể tham khảo để áp dụng nhằm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện một cách đầy đủ, tốt hơn với định hướng lấy người sử dụng làm trung tâm.

Bên cạnh đó tác giả bài viết cũng kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cần có một số các quy định nhằm đảm bảo việc tìm kiếm thông tin và dịch vụ công trực tuyến thuận tiện cho người sử dụng thông qua các công cụ tìm kiếm, cụ thể như sau:

a) Kiến nghị quy định về URL cho cổng thông tin điện tử

i) Quy định chung về URL

- Các URL phải rõ ràng, không mập mờ, dễ đọc, dễ nhập và dễ dàng chia sẻ;

- Sử dụng chữ in thường;

- Không sử dụng các từ viết tắt; trừ tên của các cơ quan, đơn vị;

- Sử dụng dấu gạch ngang “-” để ngăn cách các từ trong URL; trừ các URL ngắn;

- Mỗi trang web có một URL ngắn, dễ nhớ và rõ ràng;

- Các URL phải dựa trên nhu cầu người sử dụng;

- URL chuyển hướng đến trang web của cơ quan, đơn vị phải kết hợp với tên của cơ quan, đơn vị;

- URL không được chuyển hướng người sử dụng đến URL khác không nằm trong trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

ii) URL sử dụng trong cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đặt bằng tiếng Việt không dấu và bao gồm các thông tin sau:

- Mức độ của dịch vụ công trực tuyến;

- Mã của dịch vụ công trực tuyến;

- Tên của dịch vụ công trực tuyến.

iii) Mỗi mức độ của dịch vụ công trực tuyến được gán một thư mục riêng biệt. Mỗi thư mục được gán với trang chủ để khi nhập URL của thư mục phải hiển thị trang chủ của thư mục. Tên sử dụng cho thư mục là tên đầy đủ hoặc các từ viết tắt thông dụng.

b) Kiến nghị quy định về tiêu đề trong cổng thông tin điện tử

i) Tiêu đề của trang web sử dụng tiếng Việt có dấu.

ii) Nội dung của tiêu đề phải mô tả được nội dung chính trang web đang
hiển thị.

iii) Nếu trang hiển thị nằm trong một chuyên mục hoặc một nhóm cụ thể thì tiêu đề sẽ phải bao gồm cả tên nhóm đó và được phân cách bởi dấu “ | ” nếu trang hiển thị nằm trong các chuyên mục lồng nhau thì tiêu đề chỉ cần ghi cấp chuyên mục lớn nhất ở ngoài cùng.

iv) Tiêu đề của trang web trong trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến bao gồm các thông tin sau và được phân cách nhau bởi dấu “ | ”:

- Mức độ của dịch vụ công trực tuyến;

- Mã của dịch vụ công trực tuyến;

- Tên của dịch vụ công trực tuyến.

Tài liệu tham khảo

- Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/7/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

- Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

- Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2016;

- Google, Search Engine Optimization (SEO) Starter Guide

, https://support.google.com/webmasters/answer/7451184?hl=vi;

- Tiêu chuẩn URL cho GOV.UK của Vương quốc Anh, https://www.gov.uk/guidance/content-design/url-standards-for-gov-uk;

- Tiêu chuẩn cho URL của Israel, http://www.science.co.il/Internet/Organizational-URLs.php#Department;

 

Lê Tiến Dũng