Từ năm 2001, theo định kỳ, Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA) đã tiến hành khảo sát, đánh giá và công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử tại các nước thành viên của Liên hợp quốc. Báo cáo cung cấp các phân tích về sự phát triển trong việc sử dụng Chính phủ điện tử và làm thế nào để hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu phát triển được quốc tế thống nhất và giúp giải quyết các vấn đề hành chính công đang được quan tâm. Bằng cách so sánh, xếp hạng các quốc gia qua Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI), báo cáo hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng các chương trình Chính phủ điện tử để phục vụ cho việc phát triển. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc được đánh giá theo 3 chỉ số về ba lĩnh vực (hạng mục) quan trọng nhất của chính phủ điện tử là: Hạ tầng viễn thông, Nguồn nhân lực (nguồn nhân lực nói chung chứ không đánh giá nhân lực công nghệ thông tin) và Cung cấp Dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh 3 hạng mục này, Liên hợp quốc còn đánh giá và công bố thêm chỉ số Tham gia điện tử (e-participation). Qua các báo cáo, hạng mục Tham gia điện tử ngày càng được đánh giá cao nhằm đánh giá hiệu quả của Chính phủ điện tử và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc tìm hiểu và nghiên cứu các đánh giá của Liên Hợp quốc về chỉ số Tham gia điện tử là hết sức cần thiết để đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, đồng thời có thể góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng về tham gia trực tuyến của Việt Nam.
Để từng bước hiểu đầy đủ về Tham gia điện tử, bài viết này tìm hiểu nội dung tham gia điện tử của một số nước trong giai đoạn đầu phát triển chính phủ điện tử.
1. Tổng quan chung
Theo báo cáo tổng quan mô hình tham gia điện tử của Liên hợp quốc, các mô hình tham gia điện tử đã được nhóm và phân thành 3 loại:
(i) Thông tin, thông tin một chiều, Chính phủ cung cấp thông tin cho tới người dân, người dân chỉ biết được những thông tin mà chính phủ cung cấp;
(ii) Tư vấn, người dân và Chính phủ có mối quan hệ hai chiều, theo đó người dân được khuyến khích cung cấp phản hồi cho chính phủ;
(iii) Sự tham gia tích cực, thỏa thuận hợp tác giữa người dân với chính phủ, trong đó người dân được khuyến khích chủ động, tích cực tham gia vào việc xác định và định hình chính sách.
Theo Hiệp hội quốc tế về sự tham gia của công chúng, cung cấp một số công cụ để đánh giá sự tham gia và tư vấn để đánh giá từ việc cung cấp thông tin đến việc tham gia tích cực. Các công cụ bao gồm:
- Cung cấp thông tin: tờ thông tin (tờ rơi), trang Web, nhà mở (nhà thông tin);
- Tham vấn: bình luận công khai, nhóm chuyên đề, khảo sát, họp/hội thảo rộng rãi;
- Tham gia công cộng: Hội thảo, trả lời khảo sát
- Hợp tác: Các hội đồng/ủy ban tư vấn cho người dân, xây dựng sự đồng thuận, tham gia ra quyết định;
- Trao quyền: hội thẩm nhân dân, lá phiếu quyết định, đại biểu quyết định.
Phần tiếp theo sẽ tìm hiểu mức độ tham gia điện tử của một số nước trong khoảng những năm 2005.
2. Mức độ tham gia điện tử của một số nước
a) Mỹ
Theo Báo cáo mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử toàn cầu của Liên hợp quốc năm 2005, Mỹ được xếp hạng là nước dẫn đầu thế giới về sự sẵn sàng của chính phủ điện tử. Sức mạnh và tính độc đáo của nó nằm ở chỗ Cổng thông tin điện tử (Website/Portal) của chính phủ Mỹ thu thập và hợp nhất thông tin từ 51 triệu trang web của chính phủ để thuận tiện cho công chúng. Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Mỹ rất thân thiện với người dùng, đặc biệt nó cho phép công dân đặt câu hỏi ngoài những nội dung đã có trong cơ sở dữ liệu và có thể phân loại người dùng theo từng nhóm. Mặc dù cổng thông tin điện tử sử dụng bằng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, tuy nhiên nó vẫn có phiên bản tiếng Tây Ban Nha.
Sự tích hợp liền mạch các dịch vụ của chính phủ và các ví dụ điển hình về chính phủ chuyển đổi là bằng chứng ở cấp chính quyền địa phương, như chương trình 311 của thành phố New York, chương trình dịch vụ điện thoại không khẩn cấp. Dịch vụ tích hợp 40 trung tâm dịch vụ trợ giúp (call center) thành một điểm để cho phép người dân có thể tiếp cận trực tiếp với chính quyền Thành phố mà không cần phải biết về cơ cấu tổ chức phức tạp của chính quyền và dịch vụ nào thuộc cơ quan nào xử lý.
b) Anh
Ở Anh, việc đối thoại giữa người dân và Chính phủ được thực hiện trong suốt các cuộc bầu cử, tuy nhiên Chính phủ đã xác định được một số tiêu chí để khôi phục mối quan hệ với người dân và để đảm bảo các cuộc đối thoại giữa người dân và Chính phủ vẫn tiếp tục được thực hiện ngay cả sau các cuộc bầu cử. Bằng cách đó, Chính phủ đã đưa ra các hướng dẫn phổ biến thông tin tới công chúng, cung cấp các cơ hội để nhận tham vấn và tạo thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến. Một điểm nổi bật của Cổng thông tin điện tử Chính phủ Anh là tập trung vào việc tư vấn điện tử, điều này đã làm cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ Anh trở thành một trong những nước đề xướng sự tham gia điện tử trên thế giới (mặc dù Chỉ số Chính phủ điện tử của Anh chỉ đứng thứ 3 ở Châu Âu, sau Đan Mạch và Thụy Điển). Một tính năng nổi bật trên Công thông tin điện tử của Chính phủ Anh là liên kết đến các trang tham vấn chính thức từ cổng thông tin chính, khuyến khích sự tham gia và tư vấn của người dân cho Chính phủ, trên Cổng mô tả và có các hướng dẫn chi tiết để tạo thuận lợi cho quá trình tư vấn. Văn phòng Nội các Anh ban hành các báo cáo hàng năm về việc tuân thủ Quy tắc thực hành về tham vấn để đảm bảo rằng các quan chức Chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc quản lý tiến trình và kết quả của việc tham vấn.
Hơn nữa, Chiến lược sáng kiến Chính phủ chuyển đổi của Anh được dựa trên nhu cầu của công dân và tập trung vào việc cung cấp dịch vụ thông qua đào tạo nhân viên tuyến đầu. Chiến lược này chỉ đạo tất cả các cơ quan chính phủ phải làm việc cùng nhau, tích hợp các hệ thống cung cấp dịch vụ và thực hiện việc chia sẻ dữ liệu một cách cân bằng với luật bảo vệ dữ liệu để đổi mới sáng tạo một cách thật sự, lấy người dân làm trung tâm trong việc cung cấp các dịch vụ của Chính phủ.
c) Singapore
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2005, Singapore xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử. Điều này phản ánh cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy việc truy cập và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Singapore đã duy trì rất tốt Cổng thông tin điện tử của Chính phủ: thông tin, dữ liệu nhiều và luôn được cập nhật, người dân rất dễ dàng truy cập được thông tin. Quan trọng hơn, Singapore còn có Cổng thông tin tư vấn Chính phủ nhằm khuyến khích người dân gửi ý kiến phản hồi về các chính sách và một diễn đàn để người dân đề xuất các biện pháp giảm chi phí không hiệu quả của chính phủ. Điểm nổi bật nhất của sự hiện diện trực tuyến của Singapore là việc tích hợp xử lý, đây là một ví dụ thực tiễn điển hình về việc tích hợp các trang/cổng thông tin điện tử thành một cổng truy cập duy nhất (one-stop-shop), đây là cách làm tăng hiệu quả của Chính phủ điện tử.
d) Canada
Tại Canada, dịch vụ điện tử được tổ chức theo thể loại chứ không phải trên cơ sở từng cơ quan, điều này làm cho các dịch vụ trở nên thân thiện và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để đánh giá hiệu quả của các dịch vụ đã cung cấp, chính phủ sử dụng phương pháp tiếp cận đánh giá kết quả phục vụ người dân Canada là đầu tiên ('Citizens First') cho đối tượng cá nhân, gia đình và phương pháp đánh giá bảo trọng cho kinh doanh ('Taking Care of Business') cho trường hợp các công ty. Trong đó, Chính phủ sử dụng Công cụ đo lường chung do chính phủ xây dựng và các cán bộ chính phủ phải chịu trách nhiệm sử dụng. Với công cụ này, Chính phủ đã có thể đo lường sự mong đợi của khách hàng/người sử dụng (người dân, doan nghiệp), sự ưu tiên và tỉ lệ hài lòng thực tế của người sử dụng đối với từng dịch vụ của chính phủ ở tất cả các cấp của chính phủ và theo dõi sự thay đổi đó như thế nào.
Chính phủ Canada đánh giá không chỉ là sự trưởng thành về dịch vụ trực tuyến (mức độ của dịch vụ công trực tuyến) mà còn đánh giá sự trưởng thành của việc phụ vụ khách hàng, tức là đo lường mức độ mà các cơ quan nhà nước tương tác với khách hàng và cung cấp dịch vụ tích hợp trên tất cả các kênh giao dịch.
đ) Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (United Arab Emirates – UAE) là một trong những nước có những bước tiến to lớn trong việc đẩy mạnh xếp hạng về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử từ năm 2004 đến năm 2005. Kết quả này đạt được chủ yếu là do trang thông tin điện tử quốc gia đã được tân trang, tích hợp các thông tin và dịch vụ để trở thành một cổng truy cập duy nhất, trong đó các dịch vụ trực tuyến dẽ dàng được tìm thấy. Trang thông tin điện tử quốc gia của UAE không chỉ hoàn toàn được làm lại mà còn được gắn thương hiệu mới. Hơn nữa, chính phủ đã thực hiện các bước để cung cấp các tính năng cung cấp khả năng để người dân tham gia điện tử trên ít nhất môt trang thông tin điện tử của các Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong số ít các trang của chính phủ ở Trung Đông, cung cấp một diễn đàn thảo luận mở).
Một tính năng thú vị nữa trên cổng truy cập duy nhất của Chính phủ UAE là tổ chức trang web theo chủ đề theo nhu cầu của người sử dụng, tích hợp thông tin, dịch vụ và giao dịch theo các mục dành riêng cho người dân, doanh nghiệp, du khách và chính phủ, qua đó tăng cường khả năng tương tác với người sử dụng.
e) Nam Phi
Nam Phi cung cấp một số tiện ích để cho bình luận công khai trên cổng thông tin của chính phủ. Mặc dù phạm vi các dịch vụ công được cung cấp trên trang thông tin điện tử không phải là rất rộng nhưng nó vẫn cung cấp cho công dân cơ hội bình luận về một số tài liệu công về các vấn đề đang được các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc.
Một đặc điểm nổi bật của Nam Phi là việc đưa ra một cổng thông tin điện tử chính phủ vào năm 2004 để làm cho công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận được tới bốn triệu người khuyết tật, như một phần của chiến lược xã hội. Được gọi là Cổng thông tin Truy cập Quốc gia Nam Phi (NAP), cổng thông tin điện tử này trở thành một kênh thông tin, dịch vụ một cửa hỗ trợ người khuyết tật, người chăm sóc, chuyên gia y tế và những người cung cấp các dịch vụ phục vụ người khuyết tật sau khi đã hoàn thành vào năm 2006.
g) Brazil
Brazil đã cải thiện thứ hạng sẵn sàng Chính phủ điện tử vào năm 2005 bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Brazil là một cổng điện tử một cửa hiệu quả nhất ở châu Mỹ La tinh, trên đó, các thông tin và dịch vụ thiết thực nhất được tổ chức trên trang chính theo các chủ đề dễ xác định. Các dịch vụ bao gồm từ thanh toán thuế và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đến thông tin pháp luật và các tiện ích. Các biểu tượng hình ảnh làm cho trang web đặc biệt thân thiện với người dùng. Đối với việc tham gia điện tử, công thông tin điện tử cung cấp khả năng cho người dân tham gia thảo luận các vấn đề chính sách chủ chốt, cổng cũng cung cấp các chủ đề thảo luận trực tuyến có lựa chọn.
Cổng thông tin điện tử đấu thầu điện tử của chính phủ cung cấp thông tin về pháp luật liên quan và tin tức hiện tại về các vấn đề phát triển kinh tế. Cổng này bao gồm một trang đấu thầu trực tuyến cho các hợp đồng của chính phủ, cũng như liên kết đến các dịch vụ cho các doanh nghiệp mới và đang nổi lên ở Brazil.
3. Bàn luận và kiến nghị
Qua việc phân tích đánh giá tham gia điện tử của Liên hợp quốc đối với một số nước, chúng ta có thể thấy, nội dung tham gia điện tử cụ thể các nước đã thực hiện bao gồm:
- Tích hợp thông tin, dữ liệu, dịch vụ của các cơ quan nhà nước vào một trang/cổng thông tin điện tử duy nhất của Chính phủ (điểm truy cập duy nhất) để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin và dịch vụ của Chính phủ; tích hợp các trung tâm hỗ trợ (call center) thành 1 trung tâm tổng duy nhất;
- Tổ chức để Chính phủ xin ý kiến của người dân cho các chính sách của chính phủ mạng;
- Cung cấp các chức năng, diễn đàn để người dân có thể tư vấn, đề xuất cho Chính phủ các chính sách quản lý, người dân được tham gia vào việc ra quyết định cùng Chinh phủ hoặc doanh nghiệp tham gia đấu thầu cho các mua sắm của chính phủ;
- Tổ chức phân loại dịch vụ trực tuyến theo thể loại phù hợp với nhu cầu của người dân thay vì phân loại theo từng cơ quan;
- Cung cấp các chức năng hỗ trợ người khuyết tật dễ dàng truy cập và sử dụng thông tin, dịch vụ trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, hiện trạng cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành và địa phương, để nâng cao khả năng tham gia của người dân và doanh nghiệp, Việt Nam nên xem xét đẩy mạnh việc tích hợp các dịch vụ công trực tuyến đơn lẻ thành các dịch vụ liên ngành, phân theo chủ đề/lĩnh vực để nâng cao khả năng chia sẻ, sử dụng lại thông tin, dữ liệu, tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ; tăng cường việc xin ý kiến của người dân đối với các chính sách của Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình ra quyết định đối với các chính sách, quản lý của chính phủ.
Tài liệu tham khảo
- Các báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (United Nations e-government survey) từ năm 2001 đến năm 2016;
- Nahleen Ahmed, An overview of e-participation models, United Nation 2006
Lê Quốc Hưng