Đang xử lý.....

Tìm hiểu nguyên tắc thiết kế Website/Portal dành cho thiết bị di động để nâng cao hiệu quả sử dụng theo tiêu chuẩn WCAG 2.0 của Tổ chức W3C (Phần 2)  

Tiếp theo nội dung nghiên cứu Hướng dẫn truy cập web dành cho các thiết bị di động tại bài "Nghiên cứu nội dung của WCAG 2.0 dành cho các thiết bị di động và nguyên tắc thiết kế dành cho thiết bị di động của Tổ chức quốc tế W3C", bài viết này tiếp tục giới thiệu các nguyên tắc còn lại trong việc thiết kế website dùng cho thiết bị di động của W3C...
Thứ Ba, 21/11/2017 1220
|

Tiếp theo nội dung nghiên cứu Hướng dẫn truy cập web dành cho các thiết bị di động tại bài "Nghiên cứu nội dung của WCAG 2.0 dành cho các thiết bị di động và nguyên tắc thiết kế dành cho thiết bị di động của Tổ chức quốc tế W3C", bài viết này tiếp tục giới thiệu các nguyên tắc còn lại trong việc thiết kế website dùng cho thiết bị di động của W3C. Nội dung chính trong bài viết này sẽ giới thiệu các nguyên tắc thiết kế làm cho thiết bị di động có khả năng hiểu được và xem xét khả năng hiệu quả của các thiết bị di động. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số quy định trong việc thiết kế dành cho thiết bị di động khi xây dựng hoặc nâng cấp Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của các cơ quan nhà nước, nội dung cụ thể như sau:

Xem xét khả năng hiệu quả của các thiết bị di động

a. Thiết lập bàn phím ảo đối với việc nhập dữ liệu đầu vào theo yêu cầu:

Trên một số thiết bị di động, bàn phím chuẩn có thể được tùy chỉnh trong cài đặt thiết bị và có thể cài đặt các bàn pím tùy chỉnh thêm. Một số thiết bị di động cũng cung cấp các bàn phím ảo khác phụ thuộc vào kiểu nhập dữ liệu. Việc này có thể thực hiện được bởi người sử dụng hoặc có thể thiết lập đối với một bàn phím cụ thể. Ví dụ, bằng cách sử dụng điều khiển trường mẫu HTML5 khác nhau trên một trang web sẽ hiển thị bàn phím tự động khác nhau khi người dùng nhập vào các thông tin vào lĩnh vực đó. Thiết lập các loại bàn phím sẽ giúp ngăn chặn các lỗi và đảm bảo các định dạng là chính xác nhưng có thể gây nhầm lẫn cho những người đang sử dụng một trình đọc màn hình khi có những thay đổi tinh tế trong các bàn phím.

b. Cung cấp phương pháp dễ dàng để nhập dữ liệu:

Người dùng có thể nhập thông tin trên các thiết bị di động bằng nhiều cách ví dụ như bàn phím trên màn hình, bàn phím Bluetooth, cảm ứng, và lời nói. Nhập văn bản có thể tốn nhiều thời gian và khó khăn trong một số trường hợp nhất định. Giảm lượng nhập văn bản cần thiết bằng cách cung cấp chọn menu, các nút radio, hộp kiểm tra hoặc bằng cách tự động nhập thông tin được biết đến (ví dụ ngày tháng, thời gian, địa điểm).

c. Hỗ trợ các tính chất đặc trưng của nền tảng:

Thiết bị di động cung cấp nhiều tính năng để giúp người sử dụng bị khuyết tật tương tác với nội dung. Các tính năng này bao gồm các đặc tính nền tảng như zoom, phông chữ lớn hơn, và chú thích. Các tính năng và chức năng sẵn có khác nhau tùy thuộc vào phiên bản thiết bị và hệ điều hành. Ví dụ, hầu hết các nền tảng có khả năng thiết lập phông chữ lớn, nhưng không phải tất cả các ứng dụng sử dụng nó cho tất cả các văn bản. Ngoài ra, một số ứng dụng cũng có thể làm tăng kích thước phông chữ nhưng không bao text, gây cuộn ngang.

Đề xuất, kiến nghị

Hiện nay một số các hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới đã xây dựng các công cụ để tự động đo độ thân thiện của các trang web đối với các thiết bị di động. Việc đo mức độ thân thiện của trang web với các thiết bị di động là một chỉ số xếp hạng các kết quả tìm kiếm. Ví dụ như, ngày 21/4/2015 Google đã chính thức cập nhật thuật toán mới về xếp hạng các trang web trên công cụ tìm kiếm của họ, theo đó thông số về mức độ thân thiện của trang web được chính thức sử dụng để xếp hạng các trang web. Công cụ của Google được đặt tên là “Google Mobile Friendly Test” và truy cập để sử dụng tại địa chỉ: https://www.google.com/webmasters/tools/mobile-friendly/. Giống như Google Mobile Friendly Test, W3C cũng đưa ra công cụ của mình có tên gọi “W3C mobileOK Checker” nhằm đưa ra các gợi ý để người sử dụng tối hóa trang web thân thiện với các thiết bị di động, với địa chỉ truy cập: http://validator.w3.org/mobile/,...

Trên cơ sở hiện trạng về số người sử dụng các thiết bị di động ngày một gia tăng tại Việt Nam như hiện nay, cùng với hướng dẫn thiết kế website dành cho thiết bị di động của Tổ chức W3C, các cơ quan nhà nước có thể tham khảo và áp dụng trong triển khai thực tế khi xây dựng hoặc nâng cấp Cổng TTĐT để đảm bảo rằng Cổng TTĐT có sẵn trên nhiều thiết bị nhất có thể. Với sự gia tăng mạnh mẽ của các thiết bị di động tại Việt Nam trong những năm gần đây, vai trò của Web như một nền tảng cho các nội dung thông tin, ứng dụng và dịch vụ và ngày càng trở nên quan trọng trên các thiết bị di động. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến thông qua các thiết bị di động là điều các cơ quan nhà nước nên làm nhằm hướng đến sự thuận tiện cho người sử dụng. Theo đó tác giả bài viết đề xuất việc quy định cụ thể đối với công tác thiết kế, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng TTĐT thông qua thiết bị di động của các cơ quan nhà nước như sau:

a) Đối với công tác thiết kế Cổng TTĐT dành cho thiết bị di động:

- Thiết kế bố cục và nội dung quan trọng để hiển thị phù hợp với kích thước màn hình cho thiết bị di động

- Giảm thiểu số lượng thông tin được đặt trên mỗi trang so với các phiên bản của máy tính để bàn/ máy tính xách tay bằng cách cung cấp một phiên bản di động chuyên dụng hoặc một thiết kế đáp ứng

- Độ tương phản tối thiểu là 4.5:1

- Thiết bị di động được vận hành sử dụng bàn phím vật lý bên ngoài, hoặc bàn phím màn hình thay thế

- Đảm bảo rằng các mục tiêu cảm ứng tối thiểu là 9mm chiều cao và 9mm chiều rộng, không phụ thuộc vào kích thước màn hình, thiết bị hay độ phân giải

- Cung cấp tính năng cử chỉ thao tác thiết bị, đồng thời với cung cấp các tùy chọn thay thế thao tác bàn phím và cảm ứng để hỗ trợ người khuyết tật

- Thiết kế nội dung và ứng dụng web dành cho thiết bị di động tối ưu hóa việc sử dụng bằng một tay

- Cung cấp phương pháp dễ dàng để nhập dữ liệu

- Hỗ trợ ứng dụng hiện thị cả hai chiều ngang và dọc

- Bố cục thông tin phải đồng nhất

b) Hỗ trợ truy cập thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước thông qua các thiết bị di động:

- Cổng TTĐT của cơ quan nhà nước phải có giao diện dùng riêng cho thiết bị di động để cung cấp thông tin.

- Khuyến khích các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ hoàn toàn việc truy cập từ các thiết bị di động.

Tài liệu tham khảo

- W3C, Web Content Accessibility Guidelines (WCAG) 2.0, https://www.w3.org/TR/2008/REC-WCAG20-20081211/;

- W3C, User Agent Accessibility Guidelines (UAAG) 2.0, https://www.w3.org/TR/2015/NOTE-UAAG20-20151215/#gl-text-config.

- W3C, Mobile Accessibility: How WCAG 2.0 and Other W3C/WAI Guidelines Apply to Mobile, https://www.w3.org/TR/mobile-accessibility-mapping;

- W3C, WCAG 2.0 Techniques that Apply to Mobile, https://www.w3.org/WAI/GL/mobile-a11y-tf/MobileTechniques.

- Searchenginepeople, 5 Tools To Test If Your Website Is Really Mobile Friendly, https://www.searchenginepeople.com/blog/150441155-mobile-compatibility-tools.html;

 

Lê Tiến Dũng