I. Mở đầu
Thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, nhiều Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, cung cấp các thủ tục hành chính ở các mức độ 3, mức độ 4. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2016, tổng số thủ tục hành chính hay dịch vụ hành chính công (gọi tắt là TTHC) được cung cấp từ mức độ 3 trở lên là 12.265 dịch vụ, trong đó số lượng TTHC được cung cấp từ mức độ 3 trở lên tại các cơ quan Bộ là 828 dịch vụ, với số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 509 dịch vụ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tương ứng là: 11.409 dịch vụ và số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 8.668 dịch vụ. Số liệu trên cho chúng ta thấy, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, có một thực tế rất đáng quan tâm là số lượng người tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ và quy mô đầu tư của các cơ quan nhà nước hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này có thể được khái quát như sau:
- Các dịch vụ công trực tuyến đang được cung cấp dàn trải, phần lớn mới chỉ chú trọng vào số lượng dịch vụ cung cấp mà chưa quan tâm đến chất lượng và nhu cầu của người sử dụng để cung cấp phục vụ.
- Thiếu các tiêu chuẩn hoặc quy định trong việc hướng dẫn thiết kế, triển khai và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, phần lớn các dịch vụ công trực tuyến đang được phát triển, cung cấp theo hướng tự phát, dựa trên đặc thù nhiệm vụ và điều kiện của mỗi cơ quan nhà nước, mà chưa chú trọng vào việc thiết kế, cung cấp dịch vụ theo hướng đặt lợi ích của người sử dụng lên trên hết. Hầu hết dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp hiện nay, việc thiết kế và cung cấp dịch vụ chưa lấy người sử dụng làm trung tâm, vì vậy người sử dụng rất khó khăn trong việc tìm kiếm, truy cập và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
- Nhiều người sử dụng vẫn còn tâm lý e ngại khi chưa tin tưởng vào các dịch vụ công trực tuyến, có thể là do thói quen về nhận thức, trình độ sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, …, một số khác lo sợ sự mất an toàn thông tin, dữ liệu khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước đến người dân còn thấp, dẫn đến người dân không biết sự tồn tại của các dịch vụ công trực tuyến. Mặt khác các cơ quan nhà nước cũng chưa có các chính sách thúc đẩy người sử dụng tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến do mình cung cấp, ...vv.
Kinh nghiệm của một số quốc gia có thứ hạng phát triển chính phủ điện tử đứng tốp đầu trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc cho thấy, việc thiết kế và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (tại các nước kể trên gọi là dịch vụ số hay dịch vụ kỹ thuật số - digital service) được quy định tương đối cụ thể thông qua việc ban hành bộ tiêu chuẩn hoặc tiêu chí để hướng dẫn các cơ quan nhà nước áp dụng thực hiện, trong đó đặt người sử dụng làm trung tâm trong cung cấp dịch vụ. Đối với dịch vụ số, có nhiều khái niệm hay định nghĩa khác nhau về thuật ngữ này tại các nước trên thế giới, tuy nhiên tựu chung lại như sau:
Dịch vụ số hay dịch vụ kỹ thuật số (sau đây gọi là dịch vụ số) đề cập đến việc phân phối thông tin điện tử bao gồm dữ liệu và nội dung trên nhiều nền tảng và thiết bị như web hoặc di động. Thông tin được trình bày theo cách thức dễ hiểu, dễ sử dụng và thường liên quan đến các dịch vụ giao dịch như gửi mẫu để xử lý và nhận trợ cấp, gia hạn hộ chiếu, gia hạn giấy phép lái xe, mẫu nhập cư, … v.v.
Dịch vụ số được thiết lập theo các yếu tố:
- Dịch vụ không phải là hàng hóa.
- Được cung cấp qua Internet hoặc một mạng thông tin điện tử.
- Việc cung cấp về cơ bản là tự động hoặc chỉ cần sự can thiệp tối thiểu của con người.
- Không thể đảm bảo nếu không có công nghệ thông tin.
Khái niệm trên cho chúng ta thấy về cách thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam và dịch vụ số tại các quốc gia phát triển là khá tương đồng nhau, nghĩa là đều sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ trực tuyến.
Trên cơ sở hiện trạng và những vấn đề còn đang tồn tại trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam nêu trên, tác giả bài viết giới thiệu bộ tiêu chuẩn dịch vụ số của Chính phủ Úc – nước xếp thứ 2 trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 do Liên hợp quốc xếp hạng - để từ đó có thể tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và áp dụng thực tế theo điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
II. Tiêu chuẩn dịch vụ số của Úc
Một trong những cam kết cốt lõi và kế hoạch hành động số của chính phủ Úc là áp dụng một tiêu chuẩn dịch vụ số hoặc một phương pháp chuẩn tới các cơ quan nhà nước để giúp cho việc thực hiện chuyển đổi dịch vụ.
Cơ quan chuyển đổi số (Digital Transformation Agency gọi tắt là DTA) của Chính phủ Úc được thành lập với tư cách là một cơ quan điều hành và là một phần trong chương trình đầu tư của Thủ tướng vào tháng 7 năm 2015. Cơ quan này có nhiệm vụ chỉ đạo việc thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ công của Chính phủ để cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho người dân Úc. Theo đó DTA đã phát triển và ban hành một bộ tiêu chuẩn dịch vụ số gồm 13 tiêu chí, phạm vi được quy định để áp dụng bộ tiêu chuẩn này là tất cả các dịch vụ của chính phủ được thiết kế hoặc thiết kế lại sau ngày 06/5/2016.
Tiêu chuẩn dịch vụ số nêu trên là một tập hợp các nguyên tắc thực tiễn tốt nhất cho việc thiết kế và cung cấp các dịch vụ của chính phủ Úc. Tiêu chuẩn dịch vụ số đặt ra các tiêu chí mà các dịch vụ số phải đáp ứng để đảm bảo các dịch vụ của chính phủ là đơn giản, rõ ràng và nhanh chóng hơn, đáp ứng được mong đợi của người sử dụng. Tiêu chuẩn dịch vụ số được xây dựng bao gồm 13 tiêu chí, cụ thể các tiêu chí như sau:
1. Hiểu nhu cầu của người sử dụng:
Cần phải hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của người sử dụng để trên cơ sở đó có thể xây dựng được dịch vụ nhằm phục vụ họ. Các cơ quan nhà nước phải hiểu rõ người sử dụng và nhu cầu sử dụng từ quan điểm của họ chứ không phải trên lập trường nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước phải thực hiện. Để thực hiện được việc này, cơ quan nhà nước thực sự phải hiểu rõ người sử dụng đang cố gắng làm điều gì khi sử dụng dịch vụ và các cơ quan nhà nước cần phải thiết kế những dịch vụ đáp ứng được điều đó. Điều này có nghĩa là các cơ quan nhà nước cần phải hiểu cả những việc không thuộc phạm vi hoặc trách nhiệm của họ để có thể thiết kế nhiều dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần phải hiểu rõ mọi vấn đề về trải nghiệm hiện tại của người sử dụng dịch vụ. Người sử dụng ở đây được hiểu là tất cả những người tham gia vào dịch vụ bao gồm: người dùng cuối, công chức tham gia cung cấp dịch vụ và các thành phần trung gian khác đóng vai trò hỗ trợ những người dùng cuối truy cập vào dịch vụ. Do đó cần nghiên cứu nhiều người sử dụng dịch vụ để hiểu rõ các kịch bản khác nhau của họ có thể làm ảnh hưởng đến thiết kế và cung cấp dịch vụ như thế nào. Việc này phải bao gồm từ giai đoạn đầu để có thể trợ giúp những người sử dụng thực hiện tương tác số hoặc không có khả năng thực hiện tương tác số.
2. Thiết lập một nhóm làm việc đa ngành:
Cần thiết lập một nhóm đa ngành để thiết kế, xây dựng, vận hành và cung cấp dịch vụ dưới sự chỉ đạo của một chuyên gia giàu kinh nghiệm có trách nhiệm trong việc ra quyết định. Nhóm làm việc này cần phải có sự kết hợp rộng giữa các kỹ năng và vai trò ngay từ đầu quy trình để có thể ra quyết định nhanh chóng, có khả năng thay đổi và thích ứng khi các dịch vụ thay đổi để cung cấp đủ nguồn lực, đồng thời được trao đủ quyền để cung cấp các dịch vụ đó.
3. Quy trình xử lý nhanh chóng và lấy người sử dụng làm trung tâm:
Việc thiết kế, xây dựng dịch vụ sử dụng quy trình thiết kế và cung cấp dịch vụ có tính đến biện pháp xử lý nhanh chóng, trong đó lấy người sử dụng làm trung tâm. Thiết kế dịch vụ theo cách lấy người sử dụng làm trung tâm có nghĩa là các dịch vụ của cơ quan nhà nước cung cấp phải dễ dàng và thuận tiện cho người sử dụng để giúp họ luôn tham gia vào kênh kỹ thuật số này. Thiết kế dịch vụ sử dụng biện pháp xử lý nhanh chóng cho phép các cơ quan cung cấp dịch vụ có thể chủ động hơn đồng thời nhanh chóng đáp ứng với những thay đổi cả về mặt công nghệ và chính sách của Chính phủ. Các dịch vụ phải thường xuyên được nâng cấp, bảo trì để chi phí ngày càng rẻ hơn và có tính trách nhiệm hơn đối với người sử dụng.
4. Hiểu các công cụ và các hệ thống:
Công nghệ lựa chọn để xây dựng dịch vụ cần phải giúp cho các cơ quan có thể phản ứng nhanh và thường xuyên đối với nhu cầu và mong đợi của người sử dụng. Các cơ quan cung cấp dịch vụ cần phải cân nhắc những việc sau đây nhằm đáp ứng được tiêu chí này:
- xem xét tất cả những rủi ro và hạn chế liên quan đến công nghệ mà cơ quan đó sử dụng.
- Tránh những trường hợp bó buộc dịch vụ cung cấp vào những giải pháp cụ thể và hạn chế khả năng đưa ra quyết định để nâng cấp dịch vụ.
- Xây dựng một hệ thống bền vững để có thể dễ dàng quản lý
- Xác định cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể cung cấp dịch vụ số thành công và liên tục.
- Sử dụng giải pháp không gây cản trở hay hạn chế việc cung cấp dịch vụ trong hiện tại và tương lai.
- Xem xét các công cụ, hệ thống hiện có và tránh sự phân đoạn hay chí phí không cần thiết.
- Xem xét các công cụ và hệ thống thích hợp hiện có trong Chính phủ.
+ Đưa công cụ đánh giá vào ngay từ đầu quy trình.
5. Bảo mật:
Xác định những dữ liệu và thông tin dịch vụ cần đến hay tạo ra. Áp dụng các biện pháp an toàn, hợp pháp và quyền riêng tư. Người dân khi sử dụng các dịch vụ của Chính phủ cần phải được đảm bảo rằng:
- Bất kỳ thông tin nào họ cung cấp đều được bảo mật và lưu trữ phù hợp.
- Hệ thống họ đang sử dụng là an toàn và bảo mật.
- Họ cần được biết thông tin của họ sẽ được Chính phủ sử dụng như thế nào.
- Họ có thể dễ dàng lấy lại được thông tin mà họ đã cung cấp.
- Nếu hệ thống cung cấp dịch vụ không đảm bảo được tính bảo mật, tính thống nhất và tính sẵn sàng thì người dân sẽ không sử dụng dịch vụ đó.
6. Thiết kế đáp ứng và đồng nhất:
Xây dựng dịch vụ bằng các phương pháp thiết kế đáp ứng có sử dụng các mẫu thiết kế chung và hướng dẫn phong cách cho nội dung số giúp cho việc cung cấp dịch vụ công đến người sử dụng nhanh chóng, rõ ràng và đơn giản hơn.
Thiết kế đồng nhất có nghĩa là đáp ứng được với các loại thiết bị khác nhau giúp tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Thiết kế đáp ứng đảm bảo người sử dụng có thể tương tác với dịch vụ của cơ quan nhà nước bất kể kích thước hay loại hình thiết bị, trình duyệt hay khả năng xử lý của thiết bị mà họ sử dụng. Dịch vụ cần phải tuân thủ những nguyên tắc thiết kế đầu tiên là dành cho thiết bị di động, xem xét người sử dụng cả trong trường hợp họ đang sử dụng các kết nối internet chậm, hạn chế tải dữ liệu, hoạt động tốt ngay cả khi thiết bị sử dụng chuột hay cảm ứng và sử dụng công nghệ đầu cuối hoạt động hiệu quả ngay cả khi thiết bị bị hạn chế bởi khả năng xử lý.
Viết và thiết kế nội dung dịch vụ phải đồng nhất, đơn giản và cung cấp thông tin làm sao để tất cả người sử dụng có thể dễ dàng hiểu được.
7. Sử dụng các tiêu chuẩn mở và nền tảng chung:
Sử dụng các tiêu chuẩn mở và nền tảng chung khi cần thiết giúp đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng bằng cách xây dựng các dịch vụ với những giải pháp đã được chứng minh.
8. Lập mã nguồn mở:
Lập tất cả các mã nguồn mở mặc định, việc này rất quan trọng để những người khác có nhu cầu tương tự có thể tái sử dụng. Nguồn mở giúp làm giảm chi phí, tránh bị khóa, tránh sao chép, tăng cường tính minh bạch, gia tăng lợi ích bởi sự nâng cấp từ những nhà phát triển trước đó.
9. Làm cho dịch vụ dễ dàng truy cập:
Đảm bảo dịch vụ dễ dàng truy cập đối với tất cả đối tượng người sử dụng bất kể khả năng hay môi trường của họ. Đảm bảo tất cả những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước đều có thể sử dụng được. Những người sử dụng ở đây bao gồm cả người khuyết tật, người già và những người không thể hoặc khó khăn không biết cách sử dụng dịch vụ số. Dịch vụ được cung cấp phải dễ dàng truy cập đối với tất cả các đối tượng người sử dụng bất kể khả năng hiểu biết về kỹ thuật số của họ và môi trường để truy cập vào dịch vụ số của họ. Điều đó có nghĩa là phải xem xét cả đối tượng người sử dụng ở vùng sâu, vùng xa và các thiết bị khác nhau của người sử dụng.
10. Kiểm tra dịch vụ:
Kiểm tra các dịch vụ từ đầu đến cuối, trong môi trường dịch vụ được sử dụng lặp đi lặp lại. Tất cả các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp phải rõ ràng, đơn giản và dễ sử dụng, bất kể công nghệ mà cơ quan cung cấp dịch vụ đang sử dụng là công nghệ gì, sự hiểu biết của người sử dụng về lĩnh vực dịch vụ đó, hay mức độ kỹ năng về kỹ thuật số của người sử dụng. Các cơ quan cung cấp dịch vụ không thể chờ đợi cho đến khi dịch vụ được cung cấp và sử dụng để phát hiện ra những vấn đề khiến cho người sử dụng ngừng sử dụng dịch vụ đó. Cơ quan cung cấp dịch vụ phải kiểm tra một cách chặt chẽ và toàn diện từng phần của dịch vụ trong quá trình xây dựng dịch vụ.
11. Kiểm tra hiệu quả động:
Kiểm tra hiệu quả hoạt động dựa trên chỉ số KPI (Key Performance Indicators) trong hướng dẫn và công bố trên bảng hướng dẫn. Mọi dịch vụ phải nhằm mục tiêu nâng cấp liên tục .
12. Đừng quên kinh nghiệm phi kỹ thuật số:
Cần phải đảm bảo rằng những người sử dụng dịch vụ số có thể sử dụng các kênh cung cấp dịch vụ công khác hiện có nếu cần mà không cần phải lặp lại hay cảm thấy bối rối. Mọi người khi bắt đầu sử dụng dịch vụ thường phải quay lại sau đó, hoặc chuyển sang một kênh phi kỹ thuật số để hoàn tất giao dịch. Chúng ta cần phải đảm bảo việc chuyển đổi giữa các kênh kỹ thuật số và phi kỹ thuật số khi cần thiết phải có được thực hiện càng trôi chảy càng tốt.
13. Khuyến khích mọi người sử dụng dịch vụ số:
Khuyến khích người sử dụng lựa chọn dịch vụ số và hợp nhất hoặc phân đoạn các kênh thay thế hiện tại khi cần thiết. Khi xây dựng các dịch vụ công đơn giản hơn, rõ ràng hơn và nhanh chóng hơn thì kênh kỹ thuật số sẽ trở nên thuận tiện hơn đối với người sử dụng so với các kênh phi kỹ thuật số như bưu điện, điện thoại và các cửa hàng giao dịch. Sử dụng kỹ thuật số có nghĩa là người sử dụng tốn ít thời gian hơn để tương tác với Chính phủ. Điều đó giúp cho Chính phủ gia tăng hiệu quả về mặt chi phí hơn nhiều. Đo lường việc ứng dụng kỹ thuật số giúp cơ quan cung cấp dịch vụ hiểu rõ dịch vụ của mình đang được sử dụng tốt như thế nào. Tuy nhiên các cơ quan cung cấp dịch vụ cũng cần giúp đỡ những người không có khả năng sử dụng các kênh kỹ thuật số và hỗ trợ những người này nếu họ cần. Phải đảm bảo các kênh kỹ thuật số được sử dụng bất cứ khi nào có thể và để giảm bớt hoặc loại bỏ các kênh thay thế khi có thể.
III. Kết luận và đề xuất
Việc Chính phủ Úc đưa ra tiêu chuẩn dịch vụ số bao gồm 13 tiêu chí với một mục đích là đảm bảo chất lượng, thuận lợi và hiệu quả cho người sử dụng kể cả những người khuyết tật, những người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên các đánh giá cụ thể, mức độ, mục đích của việc xây dựng các dịch vụ số. Kinh nghiệm triển khai và các tiêu chí cụ thể trong việc thực hiện tiêu chuẩn dịch vụ số của Úc là những kinh nghiệm quý giúp cho các cơ quan nhà nước có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm nhằm cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, tiện lợi hơn cho người sử dụng tại Việt Nam.
Việc xây dựng các các tiêu chuẩn, quy định nhằm hướng dẫn cụ thể việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là việc cấp thiết hiện nay. Dựa trên các tiêu chí trong tiêu chuẩn dịch vụ số của Úc, tác giả bài viết kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cần nghiên cứu để xây dựng các tiêu chuẩn hoặc tiêu chí cụ thể cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến với định hướng lấy người sử dụng làm trung tâm như sau:
- Dịch vụ công trực tuyến phải thiết kế đồng nhất, đơn giản đảm bảo tất cả người sử dụng có thể dễ dàng truy cập và tìm kiếm thông tin mà họ mong muốn.
- Dịch vụ công trực tuyến phải đáp ứng để đảm bảo người sử dụng có thể tương tác trên các thiết bị di động thông minh và trình duyệt phổ biến.
- Các cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải có trách nhiệm bảo mật thông tin của người sử dụng và đảm bảo rằng:
+ Bất kỳ thông tin nào của người sử dụng cung cấp đều được bảo mật và lưu trữ phù hợp.
+ Người sử dụng dịch vụ có thể dễ dàng lấy lại được thông tin mà họ đã cung cấp.
+ Người sử dụng có quyền được biết các thông tin mà họ đã cung cấp cho cơ quan cung cấp dịch vụ được sử dụng như thế nào.
- Tích hợp với các kênh cung cấp dịch vụ công khác để có thể đáp ứng việc người dùng sử dụng các kênh cung cấp dịch vụ công khác thay thế kênh hiện có nếu cần mà không cần phải lặp lại các bước đã thực hiện trước đó trong quy trình của một dịch vụ.
- Khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Giúp đỡ những người không có khả năng sử dụng các kênh kỹ thuật số và hỗ trợ những người này nếu họ cần.
Trần Thị Duyên
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;
- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020;
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2016, https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/134370/Bao-cao-danh-gia-muc-do-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-cua-cac-Bo--co-quan-ngang-Bo--co-quan-thuoc-Chinh-phu-va-cac-tinh--thanh-pho-truc-thuoc-Trung-uong-nam-2016.html;
- United Nations, UN E-Government Survey 2016, https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/UN-E-Government-Survey-2016;
- Lea-Cox & Associates, Business Services vs IT Services
vs Digital Services, http://esmarchitecture.com/key-concepts/business-it-digital-services.html;
- IBM Global Business Services, The digital service provider, https://www.ibm.com/services/.../The_Digital_Service_Provider.pdf;- Digital Transformation Agency, Digital Service Standard, https://www.dta.gov.au/standard;
- Gov.au, Guides Digital Service Standard, https://guides.service.gov.au/digital-service-standard;
- Department of the Premier and Cabinet, Digital Service Standard, https://digital.sa.gov.au/resources/topic/digital-government/digital-service-standard;