Đang xử lý.....

So sánh Ngôn ngữ ArchiMate với các tiêu chuẩn BPMN, UML, BMM  

Thứ Hai, 30/09/2019 1114
|

1. Mở đầu

Tiếp theo bài viết Tổng quan về Ngôn ngữ mô hình hóa Kiến trúc Chính phủ điện tử ArchiMate, bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc một số nội dung so sánh giữa Ngôn ngữ mô hình hóa ArchiMate với một số tiêu chuẩn, kỹ thuật phổ biến được sử dụng để xây dựng kiến trúc như sau:

- Tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa quy trình nghiệp vụ: Ký hiệu và mô hình hóa quy trình nghiệp vụ (Business Process Modelling and Notation - BPMN);

- Tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa phần mềm, hệ thống, dữ liệu: Ngôn ngữ mô hình hóa thông nhất (Unified Modeling Language - UML);

- Tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa chiến lược: Mô hình thúc đẩy nghiệp vụ (Business Movation Model - BMM).

2. So sánh với tiêu chuẩn BPMN

Trong bài viết Tổng quan về Tiêu chuẩn ký hiệu và mô hình hóa quy trình nghiệp vụ (Business Process Modelling and Notation - BPMN), phiên bản 2.0, tác giả đã giới thiệu BPMN là tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi để mô hình hóa các quy trình nghiệp vụ trong nhiều tổ chức. Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Công bố Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước quy định Khuyến nghị áp dụng tiêu chuẩn Ngôn ngữ mô hình quy trình nghiệp vụ BPMN phiên bản 2.0 (nhóm Tiêu chuẩn về Tích hợp dữ liệu)..

Cả ngôn ngữ ArchiMate và BPMN đều được sử dụng để mô hình hóa các quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, mục đích của chúng là khác nhau. Ký hiệu ArchiMate thường được sử dụng cho các quy trình ở mức cao và mối quan hệ của các quy trình này với ngữ cảnh của tổ chức, nhưng không dành cho việc mô hình hóa quy trình công việc mức chi tiết, trong khi đó, BPMN hỗ trợ chi tiết hóa cả các quy trình thành phần và mô hình hóa các tác vụ đến mức thông số kỹ thuật thực thi, nhưng thiếu ngữ cảnh rộng hơn (ngoài nghiệp vụ), ví dụ như BPMN không thể hiện được việc mô hình hóa các dịch vụ ứng dụng hỗ trợ một quy trình hoặc các mục tiêu và yêu cầu mà nó phải đáp ứng.

Cả hai ngôn ngữ đều chia sẻ các khái niệm về quy trình và sự kiện nghiệp vụ. Trong ký hiệu ArchiMate, có một phần tử quy trình nghiệp vụ duy nhất có thể được phân tách trong các quy trình khác có liên quan bằng cách sử dụng mối quan hệ luồng và kích hoạt, có thể sử dụng các mối nối để thể hiện các kết nối phức tạp hơn. BPMN có một tập hợp các phần tử chi tiết hơn, với nhiều loại sự kiện, tác vụ và cổng thông tin (gateway) khác nhau. Mô hình đặc tả của nó cũng phân biệt rõ ràng giữa quy trình chính và quy trình thành phần (mặc dù nó thiếu một biểu diễn đồ họa của chính quy trình nghiệp vụ). Khái niệm người tham gia (hoặc nhóm) của BPMN và khái niệm vai trò nghiệp vụ hoặc tác nhân nghiệp vụ (hoặc thành phần ứng dụng cho các quy trình tự động) của ArchiMate là tương ứng với nhau.

Trong một kịch bản thông thường, cả hai ngôn ngữ có thể được sử dụng kết hợp với nhau. Việc ánh xạ từ ký hiệu ArchiMate sang BPMN khá đơn giản. Nói cách khác, các phần tử ArchiMate cũng tương đối gần gũi với các phần tử chi tiết của BPMN. Bảng 1 dưới đây chỉ ra sự tương ứng của các phần tử ArchiMate với các phần tử BPMN.

Phần tử ArchiMate

Phần tử BPMN

Tác nhân nghiệp vụ (Business Actor), Vai trò nghiệp vụ (Business Role), Thành phần ứng dụng (Application Component)

Người tham gia (Participant/Pool), Một phân vùng (Lane)

Cộng tác nghiệp vụ/ứng dụng (Business/Application Collaboration)

Cộng tác (Collaboration)

Quy trình nghiệp vụ/ứng dụng (Business/Application Process)

Quy trình (Process)

Quan hệ Kích hoạt (Triggering)

Luồng tuần tự (Sequence flow)

Quan hệ truy cập (Access)

Liên kết dữ liệu (Data association)

Mối nối (Junction)

Cổng rẽ nhánh và Cổng tổng hợp các nhánh (Inclusive and parallel gateways),

Cổng chọn nhánh và Cổng dựa trên sự kiện (Exclusive and event-based gateways)

Bảng 1: Sự tương ứng của các phần tử ArchiMate với các phần tử BPMN

 

3. So sánh với tiêu chuẩn UML

Trong bài viết Tiêu chuẩn UML - Ngôn ngữ mô hình hóa hợp nhất, UML gồm các ký hiệu đồ họa cho phép các chuyên gia công nghệ thông tin sử dụng để thiết kế các ứng dụng, hệ thống thông tin một cách thuận tiện. Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Công bố Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước quy định Khuyến nghị áp dụng tiêu chuẩn Mô hình hóa đối tượng UML phiên bản 2.5 (nhóm Tiêu chuẩn về Tích hợp dữ liệu).

Ngôn ngữ ArchiMate đã chuyển hóa một số khái niệm từ UML. Đối với các khái niệm khác cũng có thể được ánh xạ tương ứng.

Trong Lớp nghiệp vụ, khái niệm quy trình nghiệp vụ ArchiMate có thể được ánh xạ với các biểu đồ hoạt động của UML, trong đó, các thông số kỹ thuật chi tiết hơn của các quy trình đó có thể được đưa ra. Khái niệm vai trò và tác nhân nghiệp vụ của ArchiMate đều có thể được ánh xạ với các tác nhân của UML, mặc dù cũng có thể được sử dụng để mô hình hóa các tác nhân tự động. Cộng tác (collaborations) nghiệp vụ tương tự như cộng tác được định nghĩa trong tiêu chuẩn UML, mặc dù cộng tác UML áp dụng cho các thành phần trong Lớp ứng dụng.

Trong Lớp ứng dụng, thành phần ứng dụng tương ứng với thành phần của UML. Điều này dễ dàng tạo mối liên kết trực tiếp giữa các mô hình Kiến trúc tổ chức mức cao hơn được mô tả bằng ký hiệu ArchiMate và các mô hình triển khai, kiến ​​trúc giải pháp mức thấp hơn trong UML trong một chuỗi phát triển liên tục. Theo cách thức ít trực tiếp hơn, khái niệm chức năng ứng dụng của ArchiMate có thể được ánh xạ với các biểu đồ hoạt động của UML, và một dịch vụ ứng dụng tương ứng với một biểu đồ trường hợp sử dụng. Cộng tác ứng dụng cũng tương ứng với cộng tác trong UML.

Nhiều phần tử thuộc Lớp Công nghệ của ArchiMate được ánh xạ trực tiếp với UML. Nút, sản phẩm (artifact), thiết bị, phần mềm hệ thống và các phần tử đường dẫn (path) có một phần tử ánh xạ trực tiếp trong UML (trong đó phần mềm hệ thống được gọi là môi trường thực thi).

Ngoài các phần tử này, nhiều mối quan hệ trong ngôn ngữ ArchiMate cũng có mối quan hệ chặt chẽ với UML. Mối quan hệ phối hợp (Association Relationship), Mối quan hệ tổ hợp (Composition Relationship), Mối quan hệ tập hợp (Aggregation Relationship), Mối quan hệ chuyên biệt (Specialization Relationship) và Mối quan hệ hiện thực hiện hóa (Realization Relationship) của ArchiMate có một mối quan hệ tương ứng trực tiếp trong UML.

Cũng có một số khác biệt đáng chú ý giữa hai ngôn ngữ. Mối quan hệ phục vụ của ArchiMate (Serving Relationship) khác với sự phụ thuộc (dependency) UML. Mặc dù các ký hiệu của chúng là tương tự nhau, nhưng hướng của chúng là khác nhau. Ví dụ, sự phụ thuộc UML thường được sử dụng để mô hình hóa gọi hàm trong các chương trình phần mềm, nhưng trong ký hiệu ArchiMate, hướng của mối quan hệ phục vụ biểu thị hướng cung cấp dịch vụ, không phụ thuộc vào việc dịch vụ này được người dùng gọi hay cung cấp chủ động bởi nhà cung cấp. Ở mức kiến trúc mà ngôn ngữ ArchiMate hướng đến, các chi tiết về vận hành thời gian chạy của các biểu diễn đồ họa gọi hàm ít quan trọng hơn là các ký hiệu của việc cung cấp dịch vụ.

Điều này cũng chỉ ra một sự khác biệt quan trọng khác: UML không có khái niệm dịch vụ riêng biệt, vì trong mô hình hướng đối tượng của nó, hành vi được thể hiện bởi một dịch vụ được gói gọn trong giao diện cung cấp hành vi đó (tức là hoạt động của nó). Trong khi đó, ngôn ngữ ArchiMate phân biệt giữa các giao diện và các dịch vụ mà chúng cung cấp để cho phép chỉ định rằng cùng một dịch vụ được cung cấp thông qua nhiều giao diện. Do đó, giao diện ứng dụng ArchiMate không tương đương trực tiếp với giao diện UML.

Thêm sự khác biệt nữa, UML có một tập hợp các loại biểu đồ cố định, được xác định trước, trong khi đó, quan điểm của ArchiMate cho phép xây dựng các khung nhìn tùy chỉnh, theo định hướng của các bên liên quan trên một kiến ​​trúc.

Bảng 2 dưới đây chỉ ra sự tương ứng của các phần tử ArchiMate với các phần tử UML.

Phần tử ArchiMate

Phần tử UML

Tác nhân nghiệp vụ (Business Actor), Vai trò nghiệp vụ (Business Role)

Tác nhân (Actor)

Yêu cầu (Requirement) + Dịch vụ (Service)

Trường hợp sử dụng (Use Case)

Thành phần ứng dụng (Application Component)

Thành phần (Component)

Đối tượng nghiệp vụ (Business Object), Đối tượng dữ liệu (Data Object)

Lớp (Class)

Cộng tác ứng dụng (Application Collaboration)

Collaboration (Cộng tác)

Nút (Node), Thiết bị (Device), Phần mềm hệ thống (System Software)

Nút (Node), Thiết bị (Device), Môi trường thực thi (Execution Environment)

Sản phẩm (Artifact)

Sản phẩm (Artifact)

Giao diện ứng dụng (Application Interface) + Dịch vụ (Service)

Giao diện (Interface)

Tập hợp (Aggregation), Tổ hợp (Composition), Chuyên biệt (Specialization)

Tập hợp (Aggregation), Tổ hợp (Composition), Tổng quát hóa (Generalization)

Bảng 2: Sự tương ứng của các phần tử ArchiMate với các phần tử UML

4. So sánh với tiêu chuẩn BMM

Mô hình động lực nghiệp vụ (Business Motivation Model - BMM) trong kiến trúc tổ chức cung cấp một sơ đồ và cấu trúc cho việc phát triển, giao tiếp, quản lý các kế hoạch nghiệp vụ một cách có tổ chức. Cụ thể hơn, Mô hình động lực nghiệp vụ thực hiện những việc như: Xác định các yếu tố thúc đẩy việc thiết lập các kế hoạch nghiệp vụ; Xác định và định nghĩa các phần tử của kế hoạch nghiệp vụ; Chỉ ra mối liên hệ giữa các yếu tố thúc đẩy việc lập kế hoạch với các phần tử của kế hoạch nghiệp vụ. Tiêu chuẩn này được công bố phiên bản đầu tiên BMM 1.0 vào tháng 8 năm 2008 bởi Nhóm Quản lý đối tượng (Object Management Group). Hiện tại, phiên bản mới nhất là BMM 1.3 được công bố vào tháng 5 năm 2015.

BMM nắm bắt các yêu cầu của tổ chức qua các khía cạnh khác nhau và chứng minh lý do tại sao tổ chức lại muốn thực hiện việc đó, mục tiêu nhắm đến của tổ chức, kế hoạch để đạt được mục tiêu và cách thức đánh giá kết quả đạt được. Các phần tử chính của BMM bao gồm:

- Kết quả (Ends): Những việc mà tổ chức muốn thực hiện;

- Phương thức (Means): Cách thức mà tổ chức muốn thực hiện các kết quả của nó;

- Chỉ thị (Directives): Các quy tắc và chính sách ràng buộc hoặc chi phối phương thức;

- Người ảnh hưởng (Influencers): Có thể gây ra những thay đổi tác động đến tổ chức trong việc sử dụng phương thức hoặc việc đạt được các kết quả của nó;

- Đánh giá (Assessment): Phán quyết của người ảnh hưởng mà gây tác động đến khả năng của tổ chức để đạt được các kết quả hoặc việc sử dụng phương thức.

Các phần tử chiến lược và động lực của ArchiMate được xuất phát một phần từ tiêu chuẩn BMM. BMM phân biệt giữa các phương thức, kết quả, người ảnh hưởng và đánh giá. Phần tử Quá trình hoạt động (Course of action) trong ArchiMate tương ứng trực tiếp với phần tử có tên tương tự trong BMM, trong khi khái niệm Chỉ thị có thể được ánh xạ tương ứng với các phần tử nguyên tắc (Principle), yêu cầu (Requirement) và ràng buộc (Constraint) trong ArchiMate.

Khái niệm về tầm nhìn (Vision), kết quả mong muốn (Desired Result) của BMM thường được ánh xạ với phần tử mục tiêu (Goal) của ArchiMate. Những người có ảnh hưởng được ánh xạ trực tiếp với phần tử người định hướng (Driver) của ArchiMate.

Mặc dù có thể thực hiện ánh xạ giữa nhiều phần tử thúc đẩy và triển khai của ArchiMate với các khái niệm của BMM, tuy nhiên, BMM cung cấp mô tả về động lực nghiệp vụ chi tiết hơn so với ArchiMate.

Bảng 3 dưới đây chỉ ra sự tương ứng của các phần tử ArchiMate với các phần tử BMM.

Phần tử ArchiMate

Phần tử BMM

Tầm nhìn (Vision), Kết quả mong muốn (Desired Result)

Mục tiêu (Goal)

Nhiệm vụ (Mission), Quá trình hoạt động (Course of Action)

Quá trình hoạt động (Course of Action)

Đánh giá (Assessment)

Đánh giá (Assessment)

Người ảnh hưởng (Influencers)

Người định hướng (Driver)

Tác động tiềm năng (Potential Impact)

Kết quả đầu ra (Outcome)

Bảng 3: Sự tương ứng của các phần tử ArchiMate với các phần tử BMM

5. Kết luận

Bài viết đã so sánh sự giống và khác nhau giữa Ngôn ngữ ArchiMate với tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa quy trình nghiệp vụ BPMN; với tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa phần mềm, hệ thống, dữ liệu UML; với tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa chiến lược BMM. Mặc dù, ngôn ngữ ArchiMate là công cụ phổ biến đối với các kiến trúc sư trong việc xây dựng Kiến trúc tổng thể, tuy nhiên, nó không hướng đến việc thay thế các tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa khác mà nhằm bổ sung, hỗ trợ cho nhau. ArchiMate cung cấp một mô tả rộng hơn nhằm hướng đến việc nhìn thấy sự phụ thuộc giữa các khía cạnh và giữa các miền khác nhau, từ đó, có được khung nhìn tổng quan cho tổ chức. ArchiMate cũng có thể kết nối với các tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa khác do có sự chồng chéo (tương ứng) trong các khái niệm giữa chúng. Do vậy, tùy vào mục đích cụ thể trong việc xây dựng kiến trúc của tổ chức, các kiến trúc sư có thể lựa chọn tiêu chuẩn, kỹ thuật mô hình hóa phù hợp để thể hiện mức độ chi tiết cần thiết với phạm vi theo nhu cầu của mình.

Đặng Thị Thu Hương

Tài liệu tham khảo

[1] An Introduction to the ArchiMate 3.0 Specification, Theo Open Group, June, 2016

[2] Business Process Modeling Notation™ (BPMN™), Version 2.0 (formal/2011-01-03), Object Management Group, 2011

[3] https://www.omg.org/spec/BMM/About-BMM/

[4] https://pubs.opengroup.org/architecture/archimate3-doc/apdxd.html

[5] https://online.visual-paradigm.com/tutorials/archimate-tutorial/