Việc tiếp cận và sử dụng thông tin của khu vực công, dữ liệu mở và dữ liệu mở của chính phủ tốt hơn là những yếu tố có quan hệ qua lại với nhau trong quá trình chuyển dịch hướng tới nền kinh tế dựa trên tri thức, các mô hình số hoá mới là đầu tàu của sáng tạo, tăng trưởng và việc làm. Vì lẽ đó, việc chia sẻ thông tin có thể đóng góp trực tiếp vào quá trình tạo ra các sản phẩm và dịch vụ cũng như cải thiện hiệu suất và năng suất trong toàn bộ các cơ quan công quyền bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong nhiều nền kinh tế tầm cỡ của thế giới trong đó có New Zealand và Hàn Quốc là hai quốc gia điển hình những sáng kiến dữ liệu chính phủ mở nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn. Trong các bài viết trước về Đổi mới từ việc công khai dữ liệu và thông tin khu vực công của New Zealand, Quản lý, chia sẻ và tái sử dụng thông tin New Zealand và Chia sẻ thông tin để có những dịch vụ công tốt hơn kinh nghiệm Chính phủ điện tử của Hàn Quốc, trong khuôn khổ của bài viết sẽ tổng kết những thuận lợi của thông tin và dữ liệu Chính phủ được coi là tài sản chiến lược cần được sử dụng để cải thiện cung cấp dịch vụ công và tái sử dụng bởi người dân và doanh nghiệp. Những khía cạnh nhất định của việc quản lý thông tin, như khuyến khích tái sử dụng thông tin, là những công cụ sáng tạo, đầy sức mạnh và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.
New Zealand tham gia Diễn đàn Hợp tác Chính phủ mở năm 2013 và đã soạn thảo một kế hoạch với bốn hợp phần chính, trong đó có “Chương trình cải tiến kết quả dịch vụ công của New Zealand và Chiến lược và Kế hoạch hành động thông tin truyền thông đến năm 2017”. Dựa trên Kế hoạch này, New Zealand đang triển khai Chương trình Thông tin và Dữ liệu Chính phủ mở của mình. Bên cạnh đó, Chương trình của New Zealand còn xây dựng một cơ sở pháp lý bao trùm cho việc quản lý và phổ biến thông tin vì mục đích tái sử dụng. Chương trình này có một vài đặc điểm thú vị như:
- Ban thư ký quản lý chương trình bằng cách làm việc với khu vực công, người sử dụng thông tin thực tế và tiềm năng;
- Theo dõi và đánh giá lợi ích của việc tái sử dụng thông tin.
Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ thành lập ra bộ phận Hợp tác dữ liệu tương lai New Zealand (NZDFP) có chức năng tương tự và bổ sung cho Chương trình. Những bài học chính để quản lý và tái sử dụng thông tin thành công gồm có:
1. Mục tiêu cần đạt được phải rõ ràng.
2. Cần có đơn vị tiên phong thực hiện và duy trì sáng kiến.
3. Cơ sở pháp lý rõ ràng để hỗ trợ và đảm bảo sự bền vững cho sáng kiến.
4. Cần thực hiện theo nhu cầu và có khả năng đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi của người dùng.
5. Cần quản lý và điều phối chương trình một cách chuyên nghiệp nhằm đạt được tác động cộng hưởng.
6. Cần tách bạch giữa thông tin cá nhân và thông tin phi cá nhân, đồng thời bảo vệ thông tin cá nhân.
Điểm cốt lõi là mọi quốc gia đều đã có các cơ sở dữ liệu thông tin khổng lồ, việc cho phép mọi người tiếp cận và tái sử dụng thông tin này là cách thức hiệu quả và tiết kiệm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng cách tạo cho họ công cụ để đổi mới và tiếp cận với tri thức.
Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng về nhu cầu chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ mục đích nhằm cải thiện dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, cũng như mang lại lợi ích cho bản thân Chính phủ. Kể từ khi thành lập Cổng thông tin Chính phủ điện tử Hàn Quốc vào năm 2001, sau đó là Chương trình Chính phủ kết hợp vào năm 2003 và đầu năm 2005, Bộ Nội vụ và Hành chính công (MOGAHA) phụ trách chia sẻ thông tin đã thực hiện một cuộc khảo sát để khẳng định nhu cầu chia sẻ thông tin. Sáng kiến này sau đó đã được nâng tầm thành Đạo luật Chính phủ điện tử và tạo tiền đề cho việc thành lập Trung tâm Chia sẻ thông tin khu vực công (PISC) để tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn và quản lý chương trình được tốt hơn. Sau đó Chính phủ Hàn Quốc đã vận dụng cách tiếp cận theo giai đoạn: bắt đầu giai đoạn chuẩn bị 2005-2006, chuyển sang giai đoạn thực hiện 2007-2008, và cuối cùng là tinh giảm chương trình chia sẻ thông tin chung thành một chương trình mang tính chuyên biệt hóa cao hơn (chú trọng hơn vào khách hàng) và triển khai bắt đầu từ năm 2009 đến nay. Hàn Quốc ban hành những chương trình cải cách nhằm nỗ lực cải cách khu vực nhà nước:
- Xác định lại vai trò của Chính phủ;
- Thúc đẩy cạnh tranh trong khu vực nhà nước;
- Hình thành tổ chức quản lý tự chịu trách nhiệm;
- Tăng cường khai thác, sử dụng thông tin nhằm quản lý hiệu quả hơn, tin học hóa các lĩnh vực có thể;
- Thiết lập một hệ thống chi trả nhân sự cạnh tranh dựa trên khả năng;
- Tăng cường trách nhiệm ủy thác và trao quyền cho cấp dưới, nhằm tăng quyền tự quyết cho các cơ quan địa phương;
- Minh bạch trong công tác quản lý;
- Tăng cường đào tạo và giáo dục công chức.
Cùng với việc ban hành những chương trình cải cách, Hàn Quốc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó một số Luật cơ bản liên quan đến cải cách hành chính và bảo vệ thông tin cá nhân như:
a. Luật công khai thông tin Chính phủ: Trong thời gian gần đây, yêu cầu về tính minh bạch của các chính sách tăng lên rất mạnh trong chính quyền Hàn Quốc cũng như ở các nước phát triển khác. Để đáp ứng đòi hỏi này, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Luật này vào tháng 11/1998 và đưa vào áp dụng kề từ 01/01/1999. Mục đích của Luật này là nhằm hoàn thiện quyền được biết của công dân, từ đó tăng cường hoạt động của Chính phủ và đảm bảo minh bạch trong công tác quản lý.
b. Luật về thủ tục hành chính: Sự minh bạch trong các hoạt động của Chính phủ sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhân dân trong quản lý xã hội được tốt hơn. Đây cũng là mục tiêu chính của bản dự thảo luật hành chính của Chính phủ. Luật này buộc các cơ quan Chính phủ phải tự hoàn thiện mình trước khi có bất kỳ biện pháp hành chính nào liên quan tới nó và những phán quyết của các cơ quan quản lý phải được giải thích rõ ràng, phải có cơ sở luật pháp và chứng cứ cụ thể. Hơn nữa, luật này còn tạo điều kiện, cho phép người dân Hàn Quốc bày tỏ quan điểm của họ.
c. Luật bảo vệ thông tin cá nhân là điều cần thiết vì có nhiều lo ngại trong xã hội cho rằng sẽ có nhiều sự xâm nhập thông tin cá nhân và gây ảnh hưởng xấu đến xã hội thông tin, điều này rất quan trọng, hình vẽ mô tả thông tin cá nhân và ảnh hưởng xấu của xã hội thông tin, một số nội dung chính như:
- Hạn chế sử dụng và thu thập thông tin cá nhân: Có thể thu thập thông tin cá nhân nếu được ủy quyền hoặc pháp luật có quy định đặc biệt về việc cho phép sử dụng thông tin cá nhân đúng mục đích; Người thực hiện nhiệm vụ phải chứng minh rằng những thông tin cá nhân đang được sử dụng như địa chỉ, số điện thoại... là chỉ để phục vụ cho mục đích công việc; Có thể cung cấp thông tin cho người thứ 3 nếu người này được ủy quyền hoặc thu thập thông tin cá nhân là để phục vụ cho mục đích công việc.
- Tiêu hủy thông tin cá nhân: Nếu thông tin cá nhân đó không còn được sử dụng nữa thì phải tiêu hủy ngay lập tức.
- Hạn chế tiêu hủy thông tin cá nhân: Thông tin nhạy cảm: Hạn chế tiêu hủy trừ trường hợp được yêu cầu hoặc do luật pháp quy định (di truyền, hồ sơ hình sự, y tế, đăng kí công đoàn, đời sống tình dục,…); Thông tin chỉ định: Hạn chế tiêu hủy trừ trường hợp được yêu cầu hoặc do luật pháp quy định (Số đăng kí cư trú, Số hộ thiếu, Bằng lái xe, Đăng kí cho người nước ngoài…).
- Hình phạt đối với vấn đề chia sẻ thông tin công cộng: Mục đích của việc thiết lập quy định về vấn đề xin phép sự chấp thuận trước về thông tin cá nhân. Bảo mật an toàn cho hoạt động điện tử của Chính phủ, bằng cách áp dụng các hình phạt trong công tác quản lý thông tin công cộng, các dạng hình phạt chính như:
Từ các bài học kinh nghiệm thực tế của Hàn Quốc, bài viết rút ra được một số kinh nghiệm quan trọng như sau:
- Thứ nhất, chia sẻ thông tin là ưu tiên dài hạn của Chính phủ và trở thành một nhiệm vụ hàng đầu của việc hợp tác nghiêm túc và lâu dài nghiêm túc diễn ra hơn một thập kỷ qua.
- Thứ hai, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ giới lãnh đạo là yếu tố quyết định đối với các hệ thống Chính phủ tập trung và dựa trên tuân thủ.
- Thứ ba, chương trình thực sự khởi sắc khi có một cơ quan làm đầu mối, đầu tiên là Bộ Nội vụ và Hành chính công, sau đó là Trung tâm Chia sẻ thông tin khu vực công (PISC) với những nhiệm vụ cụ thể hơn.
- Cuối cùng, cần giải quyết những vấn đề về an ninh thông tin và cơ sở pháp lý để có thể cung cấp dịch vụ một cửa điện tử Chính phủ thu thập, xử lý và lưu trữ một lượng thông tin khổng lồ, nhiều thông tin trong số đó thông tin riêng tư chỉ nên được sử dụng vì mục đích mà qua đó chúng được thu thập đồng thời được giữ kín và bảo vệ bởi luật riêng tư. Vấn đề này ngày càng trở nên phù hợp khi ngày càng nhiều thông tin được thu thập và ngày càng nhiều dịch vụ và giao dịch được thực hiện trực tuyến. Chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ sự riêng tư và an ninh cho người dân.
Nhận xét về New Zealand và Hàn Quốc
Để thành công như ngày hôm nay, New Zealand và Hàn Quốc đã chú trọng đến vấn đề chia sẻ thông tin, lấy thông tin làm trọng tâm trong phát triển Chính phủ điện tử. Các vấn đề cụ thể như:
- Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi đôi với việc cải cách đổi mới các hoạt động của Chính phủ và phải lấy người dân, hướng tới hiệu quả sử dụng làm trung tâm. Phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với các tổ chức Phi Chính phủ và khu vực doanh nghiệp tư nhân;
- Cung cấp các dịch vụ công hiệu quả đảm bảo tất cả các dịch vụ giao dịch của Chính phủ; Phát triển thương mại điện tử;
- Cải thiện băng thông tới các cộng đồng nông thôn, khoảng cách số;
- New Zealand và Hàn Quốc đều có tầm nhìn và chiến lược, kế hoạch bắt kịp với xu thế thời đại, xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức, theo đó đổi mới tổ chức, đổi mới bộ máy quản lý nhà nước cho phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đề ra. Ban hành cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng nhằm đẩy mạnh thông tin đến người dân và khuyến khích tái sử dụng các thông tin công khai, công bố thông tin dưới dạng mở trở thành một hoạt động thường xuyên.
- Cơ chế phối hợp làm việc giữa Chính phủ với các Chính quyền địa phương chặt chẽ để bảo đảm thực hiện đồng bộ các sáng kiến và tận dụng tối đa các nguồn lực.
Tài liệu tham khảo
1. Nguồn tham khảo: https://www.dia.govt.nz/Better-Public-Services-Measuring-Result-10.
2. New Zealand Government Data Management Policies, 2000.
3. Public Sector , Vol.27, No.4, December 2004.
4. Internationale_benchmark_v1_03_final, New Zealand, Section 6, Page 30
5. Innovation, Collaboration and New Zeal ICT Middle Managers, October 2014.
6. Government ICT Strategy and Action Plan to 2017 - ICT Action Plan 2014.
7. New Zealand Government Open Access and Licensing framework (NZGOAL), V.2.0, December 2014.
8. New Zealand Government Data Management Policies, July, 2000.
9. Website: http://www.ssc.govt.nz/egovt-vision-for-nzers - https://www.ict.govt.nz/.
10. http://www.ssc.govt.nz/node/9658 (New Zealand's OGP Action Plan Commitments 2014-2016)
11. Korean Government Extends Range of and Improves Efficiency of Online Public Services.
12. e-Government Act Article 37.
13. Administrative Information Sharing
14. Public Information Sharing in Korea
15. http://www.moi.go.kr/eng/sub/a03/localAdmin/screen.do