Tuy nhiên, nhiều thách thức và các vấn đề lo ngại mà quyền tham gia của người dân trên nền tảng số phải đối mặt phản ánh những mối quan tâm đã được xác định từ trước, bao gồm: chữ ký số; kêu gọi sự tham gia của giới tinh hoa; thiếu tiếng nói đại diện cho nhóm yếu thế; sự gia tăng các quy trình tham gia mà không mang lại nhiều tác động cụ thể... Ngoài ra, bài viết này nêu lên một số lĩnh vực đáng chú ý khác mà các nhà nhà hoạch định chính sách nên quan tâm nếu muốn thúc đẩy quyền tham gia điện tử của người dân.
Sự phân chia kỹ thuật số
Khoảng cách số trở thành mối quan tâm kể từ khi Chính phủ điện tử xuất hiện. Trong khi, để phù hợp với những nền tảng công nghệ tiên tiến tập trung vào Chính phủ điện tử, khoảng cách số được định hình trước tiên là cách tiếp cận công nghệ (hạ tầng, sau đó là Internet và tiếp theo là băng thông rộng). Các phân tích gần đây về khoảng cách số đã phân loại thêm ít nhất 3 lớp kỹ năng số trên cơ sở tiếp cận vật lý: kỹ năng sử dụng máy tính và Internet; kỹ năng tìm kiếm và phân tích thông tin; các kỹ năng sử dụng các chức năng của web 2.0.
Việc thiếu tiếp cận thực tế với ICT của nhiều nước đang phát triển là mối lo ngại có cơ sở, đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến việc thúc đẩy quá trình tham gia điện tử của người dân. Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã chỉ ra rằng, còn có nhiều rào cản khác ngoài khả năng tiếp cận cũng ảnh hưởng đến sự tham gia điện tử trong tương lai.
Cần quan tâm các yếu tố về xã hội và thể chế
Các sáng kiến tham gia điện tử thường được hình thành và thực hiện thông qua việc tập trung chủ yếu vào khía cạnh công nghệ mà quên đi các vấn đề về sự thay đổi tổ chức trong các đơn vị hành chính công và các vấn đề xã hội liên quan. Mặc dù khía cạnh công nghệ đối với hoạt động tham gia điện tử là khá quan trọng, tuy nhiên việc tập trung hoàn toàn vào công nghệ được coi là hạn chế chủ yếu và là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các dự án tham gia điện tử. Hay nói rộng hơn, bản thân công nghệ không nên được kỳ vọng có thể làm gia tăng sự tham gia và gắn kết của người dân. Do đó các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý và quan tâm đến yếu tố xã hội, để từ đó nghiên cứu, đề xuất các thể chế phù hợp.
Làm rõ các mục tiêu của tham gia điện tử
Có thể nói sự thất bại của các sáng kiến tham gia điện tử thường bắt nguồn từ việc thiếu các mục tiêu rõ ràng cho việc tham gia này. Bởi sự tham gia điện tử thường được coi là một phương tiện để thúc đẩy sự tham gia của người dân, các dự án thường có mục tiêu là giáo dục người dân và hỗ trợ xây dựng. Đó là lý do đây được coi là mục tiêu trực tiếp của các dự án tham gia theo quan điểm của chính phủ (ví dụ, để nâng cao nhận thức và khả năng chấp nhận các kế hoạch của chính phủ, của người dân).
Sự cần thiết phải phân tích các kỳ vọng và động lực tham gia của các bên liên quan
Các dự án tham gia điện tử về cơ bản là sự phối hợp của nhiều bên liên quan với trọng tâm là người dân (hoặc nhóm người dân), chính trị gia và hành chính công. Ngoài ra, mỗi dự án tham gia điện tử đều có sự bổ sung của các bên liên quan. Thành công bền vững của các sáng kiến tham gia điện tử phụ thuộc chặt chẽ vào mức độ phù hợp của các sáng kiến với kỳ vọng, nhu cầu của các bên liên quan. Các chính trị gia có thể quan tâm đến việc giao tiếp và ủng hộ vận động cho các chương trình nghị sự của họ; các kỳ vọng và động lực thúc đẩy sự tham gia của chính quyền công được định hình bởi đặc tính thể chế và văn hóa, các yêu cầu pháp lý và các yếu tố khác; còn đối với người dân, động cơ khuyến khích họ tham gia có thể rất đa dạng. Do đó việc tìm ra tiếng nói chung giữa các bên liên quan không phải là điều đơn giản.
Hoạt động khuyến khích tham gia điện tử cũng thay đổi theo thời gian. Ví dụ: Sự tham gia của các chính trị gia trên các nền tảng phụ thuộc nhiều vào chu kỳ bầu cử. Động lực tham gia của người dân cũng có thể giảm theo thời gian khi họ cảm thấy những đóng góp của họ không được chính phủ công nhận. Các kênh tham gia khác nhau liên quan đến các mức độ nỗ lực khác nhau của người tham gia. Tương tự, sự tham gia tăng lên được đo bằng số lượng người ký đơn kiến nghị điện tử hoặc phản ứng với thông tin từ chính phủ trên phương tiện truyền thông xã hội không có nghĩa là sự tham gia được duy trì theo thời gian. Phân tích về hỗ trợ kiến nghị điện tử ở Đức và ở Vương quốc Anh cho thấy nhiều cá nhân ký đơn kiến nghị, nhưng không tham gia vào cuộc thảo luận sau về các vấn đề trong quy trình chính thức đưa đơn kiến nghị lên Nghị viện. Nhiều sáng kiến tham gia điện tử không phân tích đúng động cơ tham gia của các bên liên quan có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội khai thác các kỹ năng, sự tham gia của người dân với các dịch vụ công, đồng sáng tạo và đổi mới cũng như đóng góp vào cuộc tranh luận chính sách.
Thiếu tin tưởng vào chính phủ, Internet và phương tiện truyền thông xã hội
Việc người dân tiếp nhận và sử dụng lâu dài việc tham gia điện tử không chỉ phụ thuộc vào sự tin tưởng đối với các tổ chức chính phủ, mà còn vào sự tin tưởng của họ đối với Internet nói chung và các thành phần cụ thể của các nền tảng tham gia như mạng xã hội. Những lo ngại này có thể nhận thấy được ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển tham gia điện tử. Ví dụ, về phía các chính phủ, những lo ngại liên quan đến việc sử dụng bên thứ ba, các nền tảng riêng tư như Facebook, Twitter và các nền tảng khác, đã được lên tiếng trong một cuộc khảo sát các nhà quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước ở Úc vào năm 2013. Các mối quan tâm về quyền riêng tư và bảo mật cũng được nêu ra, được chia sẻ bởi người dân và trở nên nổi cộm hơn trong thời gian gần đây, bởi sự gia tăng các trường hợp vi phạm quyền riêng tư trên cơ sở dữ liệu cá nhân và nền tảng truyền thông xã hội, các trường hợp được báo cáo về việc chính phủ giám sát người dân thông qua tài khoản mạng xã hội của họ và các vấn đề khác.
Những mối quan tâm này phần lớn đã bị bỏ qua bởi các tài liệu học thuật về sự tham gia điện tử, vốn có xu hướng tập trung vào các khía cạnh khác. Ví dụ: các báo cáo học thuật tập trung vào cơ sở hạ tầng công nghệ cần thiết để các chính phủ theo dõi các hoạt động diễn ra trên mạng xã hội, coi việc giám sát mạng xã hội như một “nhu cầu” nhất định, cần thiết của các chính phủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, rủi ro chuyển từ giám sát hoạt động truyền thông xã hội sang giám sát hoàn toàn thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu đó. Ngược lại, các báo cáo như Tình trạng Tự do Internet ở Châu Phi, do Tổ chức Chính sách công nghệ thông tin Quốc tế ở Đông và Nam Phi (CIPESA) công bố hàng năm, đã nhấn mạnh hoạt động giám sát và các hành động khác của chính phủ nhằm tăng cường kiểm soát của chính phủ đối với các cuộc thảo luận trong không gian mạng, điều này có thể tác động tiêu cực đến sức hấp dẫn của việc tham gia điện tử đối với người dân.
Đo lường hiệu quả hơn chi phí và lợi ích của việc tham gia điện tử
Giống như các hình thức tham gia khác, tham gia điện tử cũng đòi hỏi các chi phí và lợi ích. Những điều đó có thể được đo đạc từ góc độ của cơ quan hành chính nhà nước (người thực hiện), từ góc độ của người dân (những người tham gia) hoặc từ cả hai. Đo đạc chi phí sự tham gia điện tử khá khó khăn về mặt khái niệm và kinh nghiệm; Việc đo lường lợi ích thậm chí còn khó khăn hơn, do các mục tiêu và chỉ số hoạt động thường không rõ ràng của các sáng kiến cụ thể cùng với sự tồn tại của các mục tiêu rộng hơn như giáo dục người dân, tăng cường sự tham gia của người dân và sự tin tưởng vào các tổ chức công.
Trên thực tế, tham gia điện tử thường là một hoạt động tương đối “vô hình” về mặt lập kế hoạch ngân sách. Không dễ để các cơ quan chính phủ cung cấp thông tin cụ thể về chi phí của các dự án tham gia điện tử. Các nghiên cứu điển hình về thời kỳ đầu áp dụng phương tiện truyền thông xã hội ở các nước phát triển chỉ ra rằng việc tiếp nhận phương tiện truyền thông xã hội trong chính phủ thường được thực hiện trong các cấu trúc và nguồn lực hiện có, gây ra tắc nghẽn và làm giảm năng lực của các tổ chức trong việc xử lý tham gia điện tử một cách hiệu quả. Vấn đề chi phí tham gia điện tử cũng hầu như không có trong các tài liệu học thuật thực tế. Sự thiếu thông tin này là trở ngại cơ bản để hiểu rõ hơn về các điều kiện mà chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào các loại cơ chế đặc thù đối với sự tham gia điện tử
Sự cần thiết phải đánh giá các sáng kiến tham gia điện tử có hệ thống hơn
Nhìn chung, kiến thức về kết quả, tác động và hiệu quả của các sáng kiến tham gia điện tử còn hạn chế. Đánh giá về các dự án tham gia điện tử của các chính phủ thường không diễn ra thường xuyên. Lấy ví dụ về các diễn đàn ý tưởng, các sáng kiến về dữ liệu tham gia hiện có cho thấy tỷ lệ tham gia và tỷ lệ “các vấn đề đã được giải quyết” rất khác nhau.
Tham gia vào hoạch định chính sách (ví dụ, tham vấn về các dự thảo luật hoặc dự thảo quy định) là một lĩnh vực khác mà Internet và công nghệ Web 2.0 được cho là sẽ thay đổi cuộc chơi. Các công nghệ mới hứa hẹn sẽ chuyển đổi các quy trình, nâng cao chất lượng của luật pháp và quy định bằng cách mở rộng phạm vi các cá nhân và nhóm tham gia, đồng thời tăng tính hợp pháp của các quy trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá hiện có được thực hiện ở các nước phát triển trong gần một thập kỷ đã kết luận rằng, nhìn chung các nền tảng điện tử được sử dụng để hỗ trợ hoạch định chính sách phần lớn đã không tạo ra được sự tham gia có ý nghĩa rộng rãi của công chúng.
Hầu như không có hệ thống nào để tổng hợp tỷ lệ tham gia đối với các công cụ tương tự giữa các quốc gia. Cũng không có tiêu chuẩn rõ ràng nào về mức độ tham gia “tốt”. Ở một mức độ nào đó, điều này có thể liên quan đến việc thiếu các mục tiêu rõ ràng của các sáng kiến tham gia điện tử. Rõ ràng đo lường việc sử dụng các cơ hội tham gia điện tử là không đủ để đánh giá sự thành công; Tuy nhiên, các thước đo thành công dựa trên việc cải thiện chính sách và ra quyết định cũng như nâng cao chất lượng của các dịch vụ công là rất hiếm, và bằng chứng hiện có về tác động của tham gia điện tử đối với những điều đó còn khá lẫn lộn. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu về kết quả của các sáng kiến tham gia điện tử ở những nước đang phát triển.
Chú ý đến khuôn khổ pháp lý và quy định
Các khuôn khổ pháp lý và quy định đều có thể kích thích hoặc tạo ra những trở ngại cho việc tham gia điện tử. Ở cấp độ cơ bản, các điều khoản về sự tham gia của người dân được nêu trong hiến pháp, luật pháp của một quốc gia, cấu thành nên khuôn khổ cho phạm vi mà tham gia điện tử có thể diễn ra. Các khuôn khổ pháp lý để tiếp cận thông tin và tính minh bạch được xác định là rất quan trọng để hỗ trợ tham gia điện tử. Ngoài ra, hoạt động này cũng bị ảnh hưởng bởi các luật và quy định liên quan đến an ninh mạng, khủng bố mạng, viễn thông và giám sát, vốn đã phát triển nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia. Đối với mức độ tham gia cao hơn, các yêu cầu pháp lý đối với việc hoạch định quy tắc của các cơ quan chính phủ có thể hoặc không thể cung cấp các động lực để các cơ quan chủ động tìm cách thu hút các bên liên quan. Ở cấp độ cơ quan chính phủ, các yêu cầu hiện có có thể không khuyến khích áp dụng các kênh tham gia điện tử mới, vì điều này được coi là tạo ra rủi ro thách thức các bên liên quan hoặc các tổ chức giám sát chính trị.
Ở cấp độ các tổ chức cá nhân, các hướng dẫn rõ ràng cho các quan chức về giao tiếp trên mạng xã hội là rất quan trọng. Các nghiên cứu từ cuối những năm 2000 cho thấy các công chức thường không chắc chắn về văn cảnh và bản chất của thông tin họ có thể cung cấp trên mạng xã hội. Các câu hỏi pháp lý liên quan đến, ví dụ, lưu hồ sơ về hoạt động tham gia trực tuyến bên ngoài các kênh chính thức, các vấn đề bản quyền và quyền sở hữu dữ liệu được tạo ra bởi các nền tảng của bên thứ ba mà các chính phủ sử dụng cũng rất phổ biến. Cuối cùng, các vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư đã xuất hiện cùng với sự quan tâm ngày càng gia tăng về vấn đề này của công chúng trong những năm gần đây. Các hướng dẫn dành cho công chức nhà nước về giao tiếp trên mạng xã hội hiện đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên khi quá trình thể chế hóa tiến triển, sự đổi mới tiến bộ có thể bị kìm hãm.
Thấu hiểu các giá trị trong quản lý hành chính công
Thành công của các sáng kiến Chính phủ điện tử phần lớn dựa vào các giá trị phổ biến trong quản lý công. Điều này được áp dụng ở các cấp độ quản lý nhà nước nói chung, của các tổ chức công và từng nhân viên. Đặc tính các chỉ thị và định hướng của chính phủ đối với hành chính công, cũng như các giá trị mà các tổ chức cá nhân thúc đẩy, chuyển thành cách nhìn nhận sự tương tác với người dân và định hình vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông với vai trò trung gian cho các mối quan hệ đó. Bốn khía cạnh giá trị lý tưởng trong hành chính nhà nước: tính chuyên nghiệp, hiệu quả, dịch vụ và gắn kết. Bốn khía cạnh này định hình mối quan hệ giữa chính phủ và người dân, chuyển tải các ưu tiên khác nhau về Chính phủ điện tử, và thể hiện quan điểm khác nhau về vai trò của công nghệ thông tin; tất cả đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển Chính phủ điện tử và sự tham gia điện tử theo thời gian.
Trên thực tế, sự kết hợp của các giá trị phổ biến trong hành chính nhà nước nói chung và trong các bộ phận cụ thể, cung cấp một khuôn khổ để đánh giá khả năng thành công của các sáng kiến. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của lãnh đạo cơ quan đối với việc áp dụng tham gia điện tử. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các chuẩn mực văn hóa phổ biến ở cấp độ tổ chức đóng một vai trò trong cách thực hiện. Mức độ cởi mở của các nhân viên trong tổ chức đối với ý tưởng về sự tham gia của cộng đồng là một thông số quan trọng, cũng như sự cân bằng của các quan điểm về việc liệu sự tham gia điện tử chủ yếu phải hướng đến việc cải thiện hiệu suất của tổ chức (ví dụ: làm cho quy định hoặc dịch vụ tốt hơn) hoặc nên phục vụ các mục tiêu dân chủ rộng rãi hơn (ví dụ, giáo dục công chúng và tăng cường sự tham gia của người dân). Những yếu tố này cũng có tác động đến việc thể chế hóa sự tham gia của điện tử. Hiểu được quá trình thể chế hóa là rất quan trọng trong quan điểm thúc đẩy chuyển đổi số trong hành chính công.
Hình 1: Những thách thức khi tham gia điện tử E- Participation
Kết luận
Hầu hết các quốc gia hiện nay đã có khuôn khổ, thể chế rõ ràng trong việc tiếp cận thông tin và tham gia điện tử của người dân, chuyển từ các sáng kiến thí điểm thành xu hướng chủ đạo ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bất chấp sự phát triển ổn định của các cơ hội tham gia điện tử ở nhiều quốc gia, các kết quả đạt được là khác nhau và còn gặp nhiều yếu tố cản trở. Theo báo cáo năm 2020 về Chỉ số tham gia điện tử (EPI), Việt Nam có vị trí xếp hạng là 70/193 quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2018 và được xếp vào nhóm EPI mức Cao với mức điểm là 0,7024. Chỉ số của Việt Nam được đánh giá cao hơn chỉ số Tham gia điện tử trung bình của thế giới (0,5677), trung bình của khu vực Châu Á (0,6294) và của khu vực Đông Nam Á (0,6126).
Có thể thấy, nếu không phân tích đúng động cơ tham gia của các bên liên quan có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội khai thác các kỹ năng của người dân để sử dụng, tham gia vào các dịch vụ công, đồng sáng tạo và đổi mới, cũng như đóng góp vào cuộc thảo luận chính sách. Vì sự tham gia là tự nguyện thay vì bắt buộc như việc sử dụng dịch vụ công số hóa, nên sự tin tưởng vào chính phủ và các tổ chức công đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc tiếp nhận của người dân. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách cần phân tích kỹ càng bối cảnh xã hội, các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến sự tham gia điện tử để từ đó có những phương án, chính sách thúc đẩy niềm tin, sự tham gia mạnh mẽ của người dân.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
[1] E-Government Survey 2020 - Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development.
[2] E-participation: a quick overview of recent qualitative trends (David Le Blanc)