Đang xử lý.....

Những công nghệ phát triển nhanh trong phát triển Chính phủ điện tử - Phần 2  

Tiếp theo phần 1, ở phần này sẽ trình bày sâu hơn về các nhóm công nghệ mới xoay quanh dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và robot...
Thứ Năm, 06/12/2018 882
|

1. Tìm hiểu nhóm công nghệ mới xoay quanh dữ liệu

Dữ liệu đang trở nên hết sức quan trọng trong nhiều tổ chức chính phủ và sẽ tiếp sức cho sự phát triển của những dịch vụ chính phủ điện tử mới. Dữ liệu số được định nghĩa là "một sự mô tả có thể diễn giải lại thông tin một cách chính thức, phù hợp cho giao tiếp, giải thích hoặc xử lý", được tạo ra bởi con người hoặc bởi máy móc/cảm biến.

1.1. Tích hợp các dịch vụ chính phủ - dịch vụ công như một nền tảng

Tận dụng ưu thế của kinh tế dữ liệu và dữ liệu mà chính phủ đã sở hữu có thể cho phép tích hợp dịch vụ lớn hơn nữa. Sự chuyển đổi số như vậy dựa trên một cơ sở hạ tầng dữ liệu mà có thể là tập trung hoặc phân tán và dựa vào hai yếu tố cơ bản. Yếu tố đầu tiên liên quan đến sử dụng lại dữ liệu đã thu thập được từ công dân; yếu tố thứ hai xoay quanh việc sử dụng Giao diện Lập trình ứng dụng (API) như một yếu tố cốt lõi của cơ sở hạ tầng dữ liệu khu vực công.

Tạo dựng dữ liệu một lần - Chính phủ sẽ sử dụng dữ liệu tốt hơn

Với công nghệ số, các thủ tục hành chính (hành chính công) có thể dễ dàng khai thác dữ liệu và giới hạn số lượng yêu cầu của người dùng đối với dữ liệu để có thể giải quyết. Người dân cũng có quyền sửa và/hoặc xóa dữ liệu và được thông báo xem dữ liệu đang được sử dụng thế nào và ở đâu theo quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tại Liên minh Châu Âu, một số sáng kiến đã được ra mắt xung quanh "Nguyên tắc Một lần duy nhất", nhằm mục đích hợp lý hóa việc sử dụng các nguồn dữ liệu xác thực và thúc đẩy giao tiếp máy với máy trong các hệ thống công nghệ thông tin khác nhau của các cơ quan công cộng khác nhau. Cách tiếp cận này được kì vọng sẽ tạo ra một khoản tiết kiệm là 5 tỉ euro/năm cho Liên minh. Các lợi ích khác bao gồm: (i) đảm bảo kiểm soát dữ liệu tốt hơn vì dữ liệu chỉ được cung cấp một lần, giúp giảm thiểu lỗi và sai lệch; (ii) giúp các cơ quan hành chính công làm việc nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn, từ đó tiết kiệm được chi phí; (iii) giảm thiểu gian lận nhờ sử dụng thông tin nhất quán và chính thức; (iv) ra các quyết định có căn cứ thông qua việc sử dụng thông tin đầy đủ và nhất quán.

Sử dụng Giao diện Lập trình ứng dụng và khả năng kết nối an toàn các ứng dụng của cơ quan nhà nước, hỗ trợ sự phát triển của những dịch vụ mới

Giao diện lập trình ứng dụng (API) là liên kết kết nối giữa các ứng dụng, hệ thống, cơ sở dữ liệu và các thiết bị. Truy cập dữ liệu đã được thu thập bởi hành chính công cho phép sử dụng một API nội bộ để cải thiện dịch vụ công. Dựa vào quyền truy cập của mình, các cơ quan nhà nước có thể truy xuất dữ liệu mà họ cần như địa chỉ, nghề nghiệp hoặc số an sinh xã hội.

Một số quốc gia như Estonia, Phần Lan, hay bang New South Wales ở Úc, đang sử dụng API để tăng cường các nền tảng chính phủ và biến chính phủ trở thành Một cửa tích hợp toàn diện các dịch vụ của Chính phủ (one-stop shop). Tại Singapore, Bộ quản lý Đất đai đã tiết kiệm được 11,5 triệu đô chi phí ứng dụng cho 70 cơ quan nhà nước nhờ chia sẻ dữ liệu không gian địa lý qua API của Geospace và các dịch vụ web. Truy cập, trao đổi dữ liệu từ máy sang máy giữa các cơ quan cho phép điều chỉnh các ứng dụng nhanh hơn 30% và giảm 60% chi phí lưu trữ, đồng thời cũng loại bỏ được việc trùng lặp dữ liệu. Các API thiết lập công khai hay còn gọi là API mở cũng có thể khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân phát triển những dịch vụ mới để giải quyết các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền trực tiếp của chính phủ.

Thực tế sử dụng API của Chính phủ Estonia

Estonia đã tạo ra X-Road, một mạng ứng dụng nhằm trao đổi dữ liệu một cách hiệu quả giữa các hệ thống cơ quan nhà nước để tất cả các dịch vụ của chính phủ đều có sẵn ở một nơi. Ngoài việc cung cấp các cơ chế truy vấn trên nhiều cơ sở dữ liệu và hỗ trợ trao đổi tài liệu an toàn, X-Road tích hợp các cổng thông tin chính phủ và các ứng dụng khác nhau thành một hệ thống.

Khu vực tư nhân cũng có thể kết nối với X-Road để thực hiện các truy vấn và thu được lợi ích từ việc truy cập vào lớp trao đổi dữ liệu an toàn.

X-Road đã có thể đưa 99% dịch vụ công lên mạng. Trung bình, hàng năm có 500 triệu truy vấn được thực hiện qua X-Road. Việc sử dụng X-Road được ước tính giúp tiết kiệm tới 800 năm thời gian làm việc. Giải pháp này cũng đã thành công không kém khi được triển khai đến Phần Lan, Azerbaijan, Namibia, cũng như Quần đảo Faroe. Hơn nữa, các trao đổi dữ liệu số xuyên biên giới đã được thiết lập giữa Estonia và Phần Lan, biến X-Road trở thành nền tảng trao đổi dữ liệu xuyên biên giới đầu tiên.

1.2. Hỗ trợ ra quyết định tức thời

Phân tích dữ liệu có thể mang lại những tri thức/hiểu biết chưa từng thấy trước kia. Cơ quan nhà nước có thể tận dụng ưu thế của cuộc cách mạng dữ liệu bằng cách sử dụng những hiểu biết sâu sắc thu được qua phân tích dữ liệu để có thể đưa ra phản ứng, hành động ngay tại thời điểm xử lý. Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, hiện nay, các chính phủ đang ngày càng nỗ lực để công bố dữ liệu mở.  Vượt ra ngoài việc công bố dữ liệu, các chính phủ đang bắt đầu hiểu được lợi ích của việc sử dụng lại dữ liệu của chính mình một cách năng suất hơn và hiệu quả hơn. Theo báo cáo về Sự trưởng thành của Dữ liệu mở ở châu Âu năm 2017, 19 nước châu Âu hiện đang sử dụng dữ liệu mở để đưa ra quyết định. Với ứng dụng phân tích dữ liệu mở, hiệu quả đã mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực, từ giúp quy hoạch đô thị tốt hơn, nhờ sử dụng có hệ thống các dữ liệu không gian địa lý của Đan Mạch, cho đến hiệu quả trong chi tiêu mua sắm công ở Slovenia. Những ví dụ này không chỉ giới hạn ở châu Âu. Việc sử dụng dữ liệu mở đã hỗ trợ hình thành các giải pháp loại bỏ hoặc giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Mexico City...

1.3. Hiểu biết và ra quyết định dựa trên dữ liệu trong khu vực công

Mặc dù công tác hoạch định chính sách của chính phủ dựa trên sở cứ không phải là một khái niệm mới, nhưng sự tăng trưởng về khối lượng nguồn dữ liệu cũng như các công cụ phân tích mang đến cho Chính phủ cơ hội để đưa ra chính sách tốt hơn. Các công nghệ mới có tiềm năng đẩy nhanh thu thập dữ liệu, từ đó giảm thời gian cho các chu kỳ kiểm tra, đánh giá, sửa đổi chính sách.

Các thuật toán là một công cụ hữu ích khác giúp thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số và xác định lại cách tiếp cận công nghệ, cách lãnh đạo và thực thi quản lý. Các thuật toán có thể xác định lưu lượng thông tin và tác động đến những quyết định liên quan đến lợi ích công cộng mà cho đến gần đây chỉ được xử lý bởi con người. Phân tích dữ liệu cũng chứng kiến một sự thay đổi từ phân tích các nhóm mẫu tập trung sang phân tích toàn diện hay theo nhu cầu 'thực', điều này giúp hạn chế sự thiên lệch của thống kê và độ không chính xác của dự báo. Tận dụng lợi thế của Big Data trong khu vực công cũng có nghĩa là số liệu thống kê trong khu vực công sẽ được lấy từ các nguồn dữ liệu mới xuất phát từ nền kinh tế số. Những nguồn này bao gồm dữ liệu di động, Internet vạn vật, truyền thông xã hội và nhiều nguồn khác. Cuối cùng, dữ liệu nắm giữ bởi các đơn vị, tổ chức tư nhân như trong y tế, tài chính, thương mại điện tử cũng có thể hỗ trợ việc hoạch định chính sách.

Ra quyết định dựa trên dữ liệu có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của khu vực công. Ví dụ, ở Latvia, dữ liệu về vỡ nợ có thể được dùng để hoạch định các chính sách hoặc hỗ trợ các hoạt động trong cả khu vực công và khu vực tư nhân. Trong lĩnh vực y tế ở Pháp, như một phần của việc triển khai chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe từ xa, Bộ Y tế Pháp đã triển khai cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để giải quyết đột quỵ cấp tính. Nó kết hợp dữ liệu về phân bố dân cư thông qua sử dụng dữ liệu điều tra dân số và sự phân bổ vị trí địa lý của các cơ sở y tế trong vùng.

2. Nhóm công nghệ mới xoay quanh AI và Robot

Khái niệm "Trí tuệ nhân tạo" (AI) đã xuất hiện gần 60 năm, nhưng chỉ đến gần đây, AI dường như mới bắt đầu cách mạng hóa các ngành nghề như y tế, luật, báo chí, hàng không vũ trụ và sản xuất với tiềm năng ảnh hưởng sâu sắc đến cách mọi người sống, làm việc và vui chơi giải trí.

AI có thể ứng dụng ở một hay nhiều mức, từ những nhiệm vụ tự động đơn giản cho đến tự động hóa rất tiên tiến. Trong khi tự động hóa quy trình robot cho phép máy móc thực hiện những công việc lặp đi lặp lại theo quy tắc nhất định thì AI cho phép robot xử lý dựa trên phán đoán, ví dụ như nghĩ và học (trí tuệ máy) và thậm chí là ra quyết định. Robot có thể xuất hiện dưới hình thức hệ thống không gian mạng thực-ảo mô phỏng con người. Những hệ thống này thực hiện những công việc hữu hình liên quan đến thế giới thực như hỗ trợ người già, điều trị cho bệnh nhân và thậm chí là thu hoạch đồng ruộng và sản xuất ô tô. Robot cũng có thể xuất hiện không có hình dạng như hỗ trợ ảo trên các website, các ứng dụng, các nền tảng. Nhờ AI, các câu hỏi thường gặp sẽ được trả lời tự động, khi đó nhân viên có thể tập trung vào giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Lợi ích AI mang lại nằm ở năng suất, hiệu quả, chất lượng dịch vụ và độ chính xác cao hơn.

Tuy nhiên, AI cũng được dự đoán là sẽ thay thế nhiều công nhân có tay nghề thấp. Robot đã thực hiện nhiều công việc trên dây chuyền lắp ráp và xu hướng đó được dự báo là sẽ tăng lên. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016, trong vòng 5 năm tới, khoảng 5,1 triệu việc làm tại 15 quốc gia dự kiến sẽ bị mất đi do Trí tuệ nhân tạo. Một nghiên cứu của Vụ Vấn đề Kinh tế và Xã hội - Liên hợp quốc nhận thấy rằng có tới 80% các công việc hiện tại, về lâu dài, có nguy cơ bị tự động hóa.

Mặc dù với việc ứng dụng AI, nhiều công việc có thể được tự động hóa nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua bao gồm các vấn đề về đạo đức, sự chấp nhận của xã hội và các khía cạnh kinh tế. Một số quyết định không thể phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc. Con người có thể cân nhắc những trường hợp khác thường khi đưa ra quyết định trong khi trí tuệ nhân tạo không bao giờ có thể làm được. Vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cũng phải được xem xét cẩn thận. Khi thiết kế các giải pháp AI, việc phòng chống tấn công từ bên ngoài, những sự bất thường và các cuộc tấn công mạng cũng phải được giải quyết. Những vấn đề đạo đức, từ ngăn chặn phân biệt đối xử và thành kiến cho đến sắp xếp các hệ thống AI với các ứng dụng tương ứng, cũng cần được cân nhắc. Phát triển AI đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia từ đa lĩnh vực như khoa học máy tính, kinh tế, luật và nghiên cứu chính sách.

3. Thách thức của việc ứng dụng công nghệ phát triển nhanh trong xây dựng Chính phủ điện tử

Internet và sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã cho phép các chính phủ giảm gánh nặng hành chính cũng như tổ chức lại các dịch vụ của tổ chức, từ khâu thiết kế cho đến cung cấp. Tuy nhiên, khai thác các công nghệ phát triển nhanh đặt ra một số thách thức cho chính phủ. Trong khi công nghệ là một công cụ thì con người mới là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển của những dịch vụ và sản phẩm ưu việt.

Thách thức trong phát triển bền vững

Từ kinh nghiệm của các nước Châu Âu (với Mô hình đổi mới 2.0), Nhật Bản (với Mạng Đổi mới Nhật Bản - JIN) cho thấy: để công nghệ đóng một vai trò xây dựng trong sự phát triển, thì cần thiết phải thay đổi chính sách quản lý. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng Công nghệ Thông tin và xã hội nói chung. Về công nghệ nói riêng, những tiến bộ công nghệ thuần túy dễ thúc đẩy việc sử dụng và khai thác tài liệu không bền vững.

Sự linh hoạt ngày càng tăng trong các hệ thống hỗ trợ ra quyết định tạo ra nhiều giải pháp xử lý mới. Điều này lại đòi hỏi có cách suy nghĩ đột phá và cần phải được thử nghiệm quy mô lớn để đánh giá tác động trong môi trường thế giới thực.

Cùng với sự nổi lên của các công nghệ mới cũng là nỗi sợ thất nghiệp, tạo ra sự lo lắng và cảm giác bất an. Vì vậy, để ứng dụng công nghệ được hiệu quả, phải tạo điều kiện cho sự dịch chuyển kinh tế-xã hội một cách bền vững và chắc chắn.

Thách thức liên quan đến vấn đề đạo đức

Một điều khá quan trọng đối với chính phủ đó là phải hiểu được những thách thức và cơ hội của những công nghệ mới, phải nhận thức được các nghiệp vụ chính sách công mới chuyên về học máy và cũng phải nhận thức được cả về vấn đề đạo đức của khoa học dữ liệu.

Những thách thức chính đặt ra bởi những công nghệ mới nổi và công nghệ tương lai cần được làm rõ:

- Thách thức đầu tiên liên quan đến quyền sở hữu dữ liệu, đặc biệt là ai là người sở hữu dữ liệu và những thuật toán dùng để truy cập và quản lý nó.

- Thách thức thứ hai liên quan đến tính bình đẳng trên Internet, đòi hỏi một cơ sở hạ tầng không phân biệt đối xử và minh bạch trong việc quản lý mạng.

- Thách thức thứ ba là đạo đức. Ví dụ, câu hỏi liệu người ta muốn được phẫu thuật bởi robot hay bởi con người đặt ra một số vấn đề về đạo đức.

Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã đưa ra khái niệm điều hành dựa trên dữ liệu, nhấn mạnh thách thức "nâng cao đáng kể tính khả dụng của dữ liệu chất lượng cao, kịp thời, đáng tin cậy và phân tách đến năm 2020". Để làm vậy, các chính phủ đòi hỏi các chính sách hệ thống cho sản xuất, thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu. Xã hội sẽ phải thích nghi để tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông.

4. Bàn luận

Với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, những công nghệ phát triển nhanh trong phát triển chính phủ điện tử nói riêng, để việc triển khai ứng dụng được hiệu quả, bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc việc một số nội dung sau khi xây dựng các chính sách quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử:

- Cần chuẩn bị cho tác động của những công nghệ mới đến thị trường việc làm và khoảng cách số. Nếu không có các biện pháp quản lý, thúc đẩy ứng dụng hợp lý, không quan tâm tới tất cả các tầng lớp nhân dân, khoảng cách số sẽ rộng hơn nữa, cũng có nghĩa là sẽ có sự bất bình đẳng lớn và nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau theo mục tiêu phát triển bền vững sẽ bị thách thức bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Kiến thức khoa học, công nghệ và quyết định sinh ra trong thời đại số sẽ đòi hỏi phải quản lý cẩn thận để loại bỏ nguy cơ xuất hiện những khoảng cách số mới và rộng hơn. Để có được ảnh hưởng sâu sắc khi sử dụng các công nghệ mới, các cơ quan nhà nước nên hợp tác với khu vực tư nhân trong nghiên cứu và phát triển.

Lê Quốc Hưng

Tài liệu tham khảo

- Liên hợp quốc (2018), Báo cáo khảo sát đánh giá Chính phủ điện tử 2018 (E-Government servey 2018: Gearing e-Government to support transformation towards sustainable and resilient societies)

- Liên hợp quốc (2015), Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (The 2030 agenda for sustainable development)